(LĐO) - Khi xuồng đưa đoàn công tác tới gần cầu tàu thị trấn Trường Sa, chúng tôi có cảm giác như được trở về nhà. Ngay khi tiếng còi tàu HQ 571 kéo lên, rất đông chiến sĩ, người dân đã đứng chật cầu tàu vẫy tay chào đón. Tay bắt mặt mừng, ông Phạm Xuân Hoà - Chủ tịch thị trấn Trường Sa Lớn - hỏi, nhà em ở đâu? Như một phản xạ, tôi buột miệng: “Nhà tôi ở Trường Sa!”.

Nét văn hoá riêng ở Trường Sa

Quả thật, Trường Sa gần gụi như ở nhà tôi vậy. Tới thị trấn Trường Sa, chúng tôi có cảm giác đang ở một thị trấn trong đất liền. Ở đây, đâu đâu cũng bắt gặp màu đỏ ấm áp của những mái ngói khu dân cư và những công trình hiện đại như khách sạn Thủ Đô đầy đủ tiện nghi.

UBND và trường mầm non, trường tiểu học thị trấn Trường Sa được xây dựng rất khang trang, sống động với hình ảnh học sinh cắp sách tới trường và cả tiếng gà văng vẳng... Từ cầu tàu quy mô và hoành tráng đi thẳng vào thị trấn là chùa Trường Sa Lớn, đối diện chùa là nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, kế đó là đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, tất cả đều rất uy nghiêm...

Buổi sáng bình dị ở thị trấn đảo Trường Sa bắt đầu từ rất sớm với cảnh các cán bộ chiến sĩ cùng người dân tập thể dục, khiến chúng tôi cảm thấy rất quen thuộc, như vẫn bắt gặp đây đó trên phố phường đất liền. Điều thường nhật nhưng ấn tượng nhất ở đây là hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ quân phục chỉnh tề đứng chào lá cờ tổ quốc in dấu trên bầu trời với lời thề quyết tâm giữ vững vùng biển đảo thiêng liêng của đất nước.

Và mỗi ngày mùng một, ngày rằm, các ngày lễ lớn của đất nước, các chiến sĩ, các hộ dân đều dành riêng một buổi để đi dâng hương tại nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, chùa Trường Sa Lớn... Chị Trúc Hà cho biết: “Đi dâng hương vào những ngày lễ tại thị trấn Trường Sa đã trở thành một thói quen của người dân cũng như các cán bộ, chiến sĩ.

Cuộc sống tại Trường Sa rất bình dị, ở đây tôi luôn có cảm giác như ở đất liền, các hộ dân sống với nhau hoà thuận và đoàn kết. Hầu như tất cả các hoạt động từ đi dâng hương, chuẩn bị tết, chúng tôi đều làm chung với nhau”.

Ở Trường Sa thiếu thốn là vậy, như các chiến sĩ vẫn sống hồn hậu, yêu đời. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, họ chơi đá bóng, bóng bàn hoặc trồng rau xanh, nuôi heo, nuôi gà để tăng gia sản xuất...

Trước khi trở lại tàu về đất liền, nhiều chiến sĩ nhờ chúng tôi nhắn lại với đất liền rằng: “Hãy cứ vững tâm. Với sự tiếp sức, hỗ trợ của đất liền, cán bộ, chiến sĩ Trường Sa bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, tinh thần tự hào của dân tộc, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì chủ quyền biển đảo, phần lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc”.

Không xa đâu Trường Sa…
Trước chuyến hải trình tới huyện đảo Trường Sa, đại tá Ngô Mậu Bình - Phó Chủ nhiệm chính trị - Vùng 4 Hải quân - nói với chúng tôi: “Huyện đảo Trường Sa nhìn vào ban đêm, cả quần đảo rực sáng giữa biển đen hút mắt người, mỗi đảo trông như một phố thị phồn hoa, nhộn nhịp và đông đúc các hoạt động đánh bắt, trao đổi hàng hoá của ngư dân trên đảo và ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung...”.

Trường Sa bây giờ đã rất gần gụi với đất liền. Hiện ở huyện đảo Trường Sa đã được lắp đặt 20 trạm phát điện với hàng trăm cột phong năng, hàng ngàn tấm pin năng lượng mặt trời, hàng ngàn đèn led chiếu sáng ngoài trời, cung cấp nguồn điện dồi dào cho khắp các đảo.

Cán bộ, chiến sĩ và người dân trên huyện đảo Trường Sa có thể sử dụng điện thoải mái vào việc dùng tủ lạnh, truyền hình, kết nối mạng Viettel 2G, hay gọi điện thoại nói chuyện với người thân... Ban đêm, nhìn từ tàu vào các đảo đều thấy sáng rực ánh đèn dọc bờ kè, soi sáng cả một vùng biển rộng trông như một góc phố của Vũng Tàu, hay Nha Trang...

Ông Phạm Xuân Hoà - Chủ tịch thị trấn Trường Sa Lớn - nói: “Cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên huyện đảo Trường Sa ngày càng chất lượng hơn, hiện đại hơn. Phát triển kinh tế biển đang được tập trung, đặc biệt là khai thác nguồn hải sản phong phú nhờ các phương tiện đánh bắt đầy đủ.

Ngoài kinh tế biển, huyện đảo Trường Sa đang phát triển dự án du lịch biển, du lịch sinh thái như bơi lặn tham quan, đi câu cá, câu bạch tuộc... Tại đảo Trường Sa Đông, diện tích được mở rộng và xây dựng khang trang.

Trung tá Nguyễn Ngọc Vinh - Chính trị viên đảo Trường Sa Đông - cho biết: “Cuộc sống trên đảo đầy đủ về cơ sở vật chất, đảo rất xanh với hơn 600 cây xanh như bàng ta, tra, bàng vuông, phong ba, dương... Trên đảo cũng nuôi rất nhiều heo, gia cầm phục vụ cải thiện đời sống”.

Không chỉ cán bộ, chiến sĩ trên đảo mà ngay ngư dân từ các tỉnh ven biển miền Trung cũng ngày càng yên tâm đánh bắt hải sản ở ngư trường truyền thống của mình. Tại đảo Đá Tây, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đang phát triển mạnh, phục vụ cho hoạt động sản xuất, đánh bắt của ngư dân huyện Trường Sa và ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung.

Từ nhiều năm qua, trung tâm này đã trở thành nơi cung ứng các dịch vụ cho tàu thuyền của ngư dân khi vào đảo như lương thực, nhiên liệu bằng giá trong đất liền tại thời điểm bán; nhận sửa chữa các tàu thuyền bị hư hỏng, cứu hộ cứu nạn trên biển khi nhận được tín hiệu yêu cầu (miễn phí tiền công); cấp nước ngọt miễn phí, tiếp nhận và sắp xếp nơi ăn ở cho bà con ngư dân khi đau ốm.

Ông Chu Minh Sơn - Trưởng BQL dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây - cho biết: Trung tâm đã trở thành hậu phương vững chắc đối với hàng ngàn con tàu trên biển đảo Trường Sa, DK1, mỗi khi hết gạo, thiếu dầu hay máy móc tàu thuyền gặp sự cố rủi ro, con người ốm đau bệnh tật. Với một cơ ngơi hiện có là công trình đảo đồ sộ được xây dựng trên diện tích 3.000m2 gồm các khối nhà văn phòng, hội trường, trung tâm điều khiển...

Ông Sơn tin tưởng nơi này sẽ sớm trở thành một bến cảng phục vụ ngư dân, tiếp tục đưa trung tâm vươn xa ra các đảo phía bắc. Hiện trung tâm có 8 tàu dịch vụ và 1 bontông chứa dầu làm nhiệm vụ vận chuyển hàng từ đất liền, luân phiên trực canh trong lòng hồ đảo Đá Tây, sẵn sàng cho việc tuần tra, cứu hộ hàng hải...

Đội tàu làm nhiệm vụ bán hàng lưu động trên biển, hướng dẫn chuyển giao công nghệ câu cá ngừ đại dương và phương pháp bảo quản cá đảm bảo chất lượng cao đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường ngoài nước. Có thể khẳng định bà con ngư dân vẫn kiên trì bám biển, đang khai thác nguồn tôm cá vô tận của ta trên biển đảo của ta. Và những đoàn thuyền luôn hiện diện trên khắp các vùng biển đảo Trường Sa là những cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển đảo của tổ quốc.


Trường Sa đang ngày càng vững chãi, đẹp lên như những ngôi sao giữa biển. Những ngọn hải đăng đang được tiếp tục xây dựng sẽ tạo thành một hệ thống dẫn đường cho tàu bè qua lại. Những ngôi làng trên biển đang được mở rộng và hiện đại hoá, trẻ em Trường Sa đang trưởng thành từng ngày trong ước mơ đưa đất nước mạnh giàu từ biển...

Theo Hà Anh Chiến (báo Lao Động)
Du lịch, GO!