(Tiếp theo) - Đoạn đường từ Sàigòn vượt Cần Giuộc, Cần Đước đến cù lao Long Hựu, bọn mình đã đi chủ yếu bằng QL50 do đa phần các lộ nhánh đều là đường rải đá, xấu.

< Con đường rải đá đỏ này dẫn thẳng ra bờ kênh Nước Mặn, chỗ bến phà cũ đi Long Hựu (vị trí ở đây). Ngày nay đã có cầu nên phà không còn.

Rõ ràng nếu cứ theo quốc lộ mà đi hay về thì đây là phương cách tối ưu nhất do đường tốt, chạy nhanh hơn... nhưng nếu cứ theo cái thuận lợi về đường xá thì cả trong các chuyến dài hay ngắn, điều tiện lợi ni cũng làm mất cái 'khoái' của lượt phượt.

< Vượt bến phà cũ, con lộ rẽ trái theo đường con rồi chui tọt dưới gầm đầu cầu kênh Nước Mặn. Vị trí nơi này tại đây >

Vậy nên cung đường về, 'nửa kia' đã đề xuất chạy theo con đường mới sẽ giúp ta ta khám phá được nhiều điều khác lạ hơn. Do chuyến đi gần nên trái lệ thường, bọn mình chả ghi chép gì (các chuyến lớn đều mang theo netbook trong đó có lộ trình và bản đồ rất chi tiết) mà chỉ xem sơ sịa bữa trước khi đi, tức là bữa mồng 6.

< Chả thấy bóng xe nào khác, cũng không thấy dáng người. Quanh ta chỉ còn tiếng lạo xạo dưới bánh, ngoáy nhìn phía sau là làn bụi tung mù...

'Sơ sịa' nên lúc này chỉ còn nhớ loáng thoáng, chỉ còn nhớ rằng nếu theo đường khác thì từ cầu Kênh Nước Mặn đổ xuống sẽ theo đường dọc bờ sông Cần Giuộc. Hóa ra muốn vào lộ dọc sông thì đường này sẽ chui dưới gầm cầu như bao nhiêu con đường dọc sông khác cạnh cây cầu vắt ngang.

< Lộ ra một góc cua, phía phải là đường dây điện hạ thế - có dân mà, duy chỉ vài đoạn thưa vắng thôi.

Thú thật, khi xem bản đồ ở nhà, bọn mình cứ mường tượng cho rằng đây sẽ là con đường nhựa nhỏ, nhiều đoạn bong tróc... nhưng bé cái lầm. Đa phần những con đường be bé của một khu vực rộng lớn của tỉnh Long An mà bọn mình đã qua đều là đường rải đá, đường đất đá.

< Thấy chưa, mình nói là có nhà dân. Nhà khang trang ra phết đó chứ. Vậy nhưng đường xá thì hơi lang bang...


< Phía trái đường là đàn vịt tung tăng dưới ao, xa xa là đồng lúa...

Vựa lúa Long An, một trong 3 tỉnh từng biến đất hoang thành vựa lúa vàng (Long An, Tiền Giang, Ðồng Tháp - trong đó Long An đã là một nửa: 300 nghìn ha trên tổng số 697 nghìn ha), nơi vốn là vùng đất chua phèn nặng 'bưng sậy lên hoang', nơi 'Muỗi kêu như sáo thổi' khi người ta bắt đầu bắt tay vào việc khẩn hoang vùng đất hoang hóa nổi tiếng là Đồng Tháp Mười...

< Phía phải có những hồ nuôi tôm.

Giờ, đây dưới bàn tay của con người đã trở thành lúa vàng đất bạc, cung cấp cho cả nước hàng triệu tấn lương thực mỗi năm và biến Việt Nam thành nước xuất khẩu gạo vào hạng nhất nhì thế giới.

Tuy nhiên, như bạn thấy: đường giao thông ở vùng sâu Long An còn vô vàn khó khăn mà địa phương vẫn phải đối mặt.

< Không còn 'bầy vịt' mà đây là một góc 'sư đoàn' vịt, thi nhau cạp cạp.

Vậy nhưng người ta chạy xe được thì mình vẫn có thể vi vu thật tốt đó chứ? Không đem so bì với những chàng trái, cô gái trẻ trung trong đội quân phượt sẳn lòng chịu vất vả vượt sình lầy của rừng hoang, băng ngang những dốc dựng như vách đá lởm chởm đầy cây rậm... nhưng chí ít thì ta muốn, ta vẫn cứ tới được nơi muốn đi...

< Một mảnh đồng đã gặt được vây quanh là lưới dùng để quây vịt.


< Hiếm hoi mới thấy một chiếc xe gắn máy chạy ngược lại, bụi tung mù mịt tô trắng cả những loại cỏ cây hai bên đường.

Trở về chuyện 'con đường', nói thiệt là ở quận mình: khó mà kiếm được một con hẻm 'xế chạy lưng tưng, ót lưng bụi mù' như vậy vì hầu như hẻm nào cũng lát bê tông, còn hơn cấp 'hẻm' tức là cấp 'đường' thì đã được láng nhựa hết rồi. Vậy nhưng 'lưng tưng' có lẽ cũng là cái 'sướng'! Điển hình như dân Sàigòn xuống đây tìm đường rải đá để được chạy... lưng tưng - ê cái sống lưng, hi hi.

< Đồng hồ điện của các hộ dân trong kia được các sếp điện đưa ra tận 'mặt tiền đường'.
Chạy mãi chả biết đến đâu, cứ tiếng máy rù rù, tiếng lạo xạo - tốc độ chỉ dám chạy rề rà do có nhiều mảnh đá sắc: cả 2 vỏ xe mình đều mới, đá chém một phát thì đau lắm nghen!


< Thi thoảng cũng có đoạn nhìn bên phải thấy dòng sông Cần Giuộc chảy song song.

Đường này không tên. Có lẽ với người địa phương, nó có một tên gọi gì đó nhưng trên các bản đồ thì rõ ràng nó không có tên. Chỉ biết đây là con đường rải đá dẫn từ đầu cầu Kênh Nước Mặn (thuộc xã Phước Đông), chạy dọc theo dòng sông Cần Giuộc đến đầu cầu Thủ Bộ (thuộc xã Long An), cây cầu nằm trên tỉnh lộ 19.

< Những nơi có nhà dân, người ta kéo ống ra phun nước để giảm 'sương mù' dù chả bao xe chạy ngang...

Đường chạy dọc theo sông với khoảng cách xa nhất là 245m, gần nhất chỉ vài ba mươi mét nhưng đi rồi mới thấy không mấy đoạn nhìn thấy sông do cây cối hai bên đường phủ kín. Sông đây chính là con sông Cần Giuộc, với mình thì khá rộng.

< Cuối cùng thì cũng gặp được con đường lớn cắt ngang, tạo ra một ngã 4. Đường 'lớn' này chính là tỉnh lộ 19 với điểm nối với QL50 đoạn thuộc xã Long An (tỉnh LA nhưng có xã cũng LA!), sau khi vượt sông Cần Giuộc, TL19 sẽ qua xã Long Phụng, xã Đông Thạnh, xã Tân Tập và cuối đường là bến đò Tân Tập đi Cần Giờ.

Từ con đường 'cát bụi' ra, mình rẽ trái vượt cầu - vị trí cầu Thủ Bộ ở đây.

< Dừng trên cầu đôi phút để chụp ảnh. Đây chính là cầu Thủ Bộ bắc qua sông Cần Giuộc nối liền hai xã Long An và Long Phụng thuộc địa phận huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Khởi công vào ngày 20 tháng 9 năm 2001, cầu có chiều dài 544 m, rộng 12 m, tổng vốn đầu tư xây dựng công trình là 83 tỉ đồng với thời gian thi công 18 tháng.

< Sông Cần Giuộc nhìn từ trên cầu Thủ Bộ. Ai nói nó 'nhỏ' đâu? Bề ngang sông đoạn này trên dưới 220m.

Sông Cần Giuộc còn có tên gọi là sông Rạch Cát, sông Phước Lộc. Nếu so với các dòng sông khác trong khu vực như sông Vàm Cỏ, sông Nhà Bè, dòng Soài Rạp... thì đây là một dòng sông nhỏ (nhưng bơi vượt sông cũng ná thở đấy) chảy qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An.

< Lại xuôi theo tỉnh lộ 19 về phía Đông. Vẫn khá vắng vì... còn tết mà (he he).

Đoạn chảy qua Thành phố Hồ Chí Minh của dòng sông này chỉ dài khoảng 500m ở ngã ba sông Chợ Đệm - Rạch Cát, còn lại chảy trên địa phận tỉnh Long An, tiếp giáp nhiều kênh rạch của lưu vực sông Vàm Cỏ và huyện Bình Chánh, chảy qua địa phận xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, qua thị trấn Cần Giuộc tới địa phận xã Phước Đông, huyện Cần Đước đến cách sông Vàm cỏ khoảng 12.5 km thì dòng sông này tách thành 2 con sông. Một hướng rẽ ra sông Xoài Rạp, một hướng xuống Vàm Cỏ thông qua kênh Nước Mặn. Nhánh chính của dòng sông này còn có chiếc cầu Rạch Cát bắc qua (cầu Thủ Bộ).

< Lúa gạo và vịt là 'đặc sản' của Cần Giuộc.

Xuôi dòng sông này, nếu đi theo phía Đông có thể ra sông Xoài Rạp, phía Nam ra sông Vàm Cỏ, phía Bắc ra sông Chợ Đệm, ra Kinh Đôi và từ đó ra sông Sài Gòn. Tính từ lưu vực sông Vàm Cỏ đến sông Chợ Đệm, tổng chiều dài dòng sông này khoảng 38 km. Có lưu vực vận tải khoảng 56 m³/s.

< Đường cho xe 10 tấn thôi nhé, siêu trường siêu trọng đi chỗ khác chơi.

Dòng sông này còn có trận đánh lịch sử giữa quân Pháp - Việt năm 1858, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc cũng là một tác phẩm liên quan đến dòng sông ni do Nguyễn Đình Chiểu sáng tác.

Cờ nước vẫn rợp bên đường, chắc của ngành văn hóa xã đây, còn nhà dân cắm riêng trước hiên nhà nhưng người ta thường tháo cất từ mồng 3.

... Trăm năm âm phủ ấy chữ quy, xá đợi gươm hùm treo mộ
Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng;
Chẳng phải án cướp, án gian đày tới, mà vi binh đánh giặc cho cam tâm.
Vốn không giữ thành, giữ lũy bỏ đi, mà hiệu lực theo quân cho đáng số...

< Vào địa phận xã Đông Thạnh, mình thấy nhà cửa phố xá đông dần lên - có vẻ như sắp đến một ngã ba tư nào đó...

Đông Thạnh là một xã thuộc huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Xã Đông Thạnh gồm: 6 ấp là ấp Tân Quang 1, ấp Tân Quang 2, ấp Bắc, ấp Trung, ấp Nam, ấp Tây. Tổng diện tích: 17,330 km², dân số: 6.720 người.

< Ngã 4 thật, có đèn xanh đèn đỏ đàng hoàng. Đây chính là ngã tư Đông Thạnh cũng là trung tâm xã. Từ đây, nếu chạy thẳng sẽ đến bến đò Tân Lập đi Cần Giờ, rẽ phải chạy hoài sẽ đến bến đò Chợ Kinh đi cù lao Long Hựu (đò cập vào ngay chợ Kinh trên cù lao), còn rẽ trái theo hương lộ 34 là về Nhơn Đức - Nhà Bè.

< Nửa kia hỏi thăm đường lần nữa cho... chắc ăn. 'Gần lắm, chỉ tầm 20 cây số' là câu trả lời của một bác khi mình nói muốn về Nhà Bè.
Vậy nên quẹo trái - Trên bản đồ thì đây là hương lộ 34. Tuy nhiên mình nhớ hình như các bảng hiệu dọc theo đường này lại ghi hương lộ với một con số khác, chả hiểu!

Nhưng không sao cả, cái rõ ràng nhất đây là con đường hướng về Nhà Bè, vậy là đủ!
À, nhớ ra rồi: đã có lần bọn mình định lang thang về Cần Giuộc theo đường này, hướng ngược lại. Tuy nhiên chỉ đến xã Phước Lại thì trở lui - lần ni đi đủ nhé!

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6

Du lịch, GO!