(Tiếp theo) - Mươi ngày sau, đúng ngày rằm tháng giêng, bọn mình lại... 'khăn gói' lên đường. Nói cho nó oai chứ túi xách chỉ mang theo hai chai nước, hộp khăn giấy... cùng ít thứ vặt vãnh khác rồi lót tót đi lúc hơn 6h. Rằm đầu năm, lại sáng sớm nên vẫn còn lạnh khác hẳn trước nay, đúng lý ra thì lúc này đã bắt đầu vào mùa khô, mùa nắng nóng rồi.

Hôm nay, lộ trình của mình sẽ theo hướng quận 2, về quận 9. Trên đường đi rất có thể sẽ ghé đình Phong Phú, chùa Phong Linh, chùa Bửu Long cùng một số nơi khác và chắc chắn sẽ cố gắng truy đường trên những con lộ là lạ, nếu vắng thì càng tốt. Do ý định này nên con đường nhỏ mang tên 'Bưng Ông Thoàn' lọt vào tầm ngắm.

< Vượt cầu Phú Mỹ để hướng về Q2, sau đó mới ra Q9 được. Lúc này là 6h35 sáng, mặt trời đỏ au trên cầu.

'Bưng Ông Thoàn'? Có thể bạn nghe lạ vì đây chỉ là con đường bé xíu, có đoạn 2 xe 4 bánh thừa sức chạy xuôi ngược, lại có khúc muốn 'ngược xuôi' thì một xe phải nép vào lề cỏ. Đường Bưng Ông Thoàn có điểm khởi đầu từ đường Nguyễn Duy Trinh (ngay ngã 4 Cây Lim - thuộc phường Phú Hữu) chạy quanh co kéo dài qua những vùng đất dự án, qua sông rạch và rất nhiều những bãi đất hoang... rồi cuối đường sẽ nối vào ngã 3 Dương Đình Hội (thuộc phường Tăng Nhơn Phú B).

< Từng đã có lúc tối nào bọn mình cũng hóng gió trên đây. Sau này, nhà máy nào đó xả mùi khen khét mỗi tối nên mình 'nghỉ chơi'.

'Bưng Ông Thoàn' cũng là tên một nhánh sông được hình thành từ rạch Chiếc, rạch Lò Lu... Sau đó tạo thành 2 nhánh gồm rạch Trau Tráu đổ ra sông Tắc, nhánh còn lại là dòng Bưng Ông Thoàn chảy xuôi ra sông Nhà Bè.

< Cảnh đẹp nhưng bà xã chụp, còn mình thì vướng chiếc xe: trên cầu không đậu bừa bãi được.

Đường Bưng Ông Thoàn có nhiều hồ câu cá giải trí, ví dụ như hồ câu Lã Vọn, hồ Hai Long...

Còn con đường thía nào, cảnh vật ra sao thì hồi sau mình sẽ kể chen hình, bạn đừng nóng ruột. Còn trước tiên thì mình xin đề cập tới chuyện 'hay đi chùa' dù mình không phải đạo Phật.

< Đổ dốc cầu Phú Mỹ để sang quận 2. Phía xa, sương mù vẫn còn giăng kín, mờ ảo.

Theo lẽ thường, chùa chiền thường được xây dựng tại nơi yên tịnh, dễ tĩnh tâm khấn Phật - tránh xa cám dỗ của đời thường.

Ta cũng thường thấy những chùa trên núi, trên đảo hay ở các cù lao. Đấy chính là ý muốn tránh xa cõi ồn ào của thế gian, tránh cái lộn xộn của con người để có thể thành tâm tu tịnh thành chính quả. Vậy nên: Chùa thường là chốn thanh tịnh, bạn nghĩ đúng không?

< Gió vi vu bên tai. Cái cám cảnh 'người người, xe xe' rớt lại trong nội ô, ở đây (quận 2) chỉ có một mùi cỏ đồng nội...

Vậy nhưng đôi khi, chùa lại ngự ngay chốn phồn hoa, đông đúc. Đó cũng là chuyện lịch sử thôi: có thể thoạt đầu, nơi ấy hoang vắng rồi dần dần thành chốn dân cư. Đất chùa thu hẹp dần do bị lấn chiếm. Thiếu diện tích thờ cúng, chùa phải tu sửa và dần trở thành 'cao tầng' giữa nơi đất chật người đông.

< Mùi hương đồng cỏ nội sẽ tồn tại đến bao giờ? Có lẽ sẽ bền vững nếu Q2 quy hoạch và phát triển tốt, quá khứ từng trải qua bao kinh nghiệm rồi mà.

Thanh tịnh. Vậy nhưng có thể trong những ngày lễ tôn giáo, chùa cũng đầy người và trước cổng buôn bán nháo nhào đầy vẻ xô bồ.

Vậy nhưng điều rõ ràng là trong chính điện, ai to mồm nhất, ai dữ dằn nhất ngoài đời cũng sẽ thầm lặng khấn vái với vẻ thật tôn kính. Có thể người ta khấn bình an cho một cõi sơn hà, cầu xin khỏe mạnh cho gia quyến... hay thậm chí xin trúng mánh, xin cho 'thằng kia' rớt ghế... cũng có thể có, biết đâu được?

< Đường từ cầu đến nút giao thông vành đai 2 biết bao người chê vì nó không tương xứng với cây cầu. Mình thấy nó cũng tạm được chứ, trông cũng cỡ tỉnh lộ đấy.

Tán phét mà chơi, trong thật tế thì bọn mình thích những cảnh đẹp trong khuôn viên của chùa. Không chỉ với chùa, nếu nhà thờ, đình miếu... có khuôn viên rộng và nhiều cay xan thì mình cũng rất thích, chốn thiền viên mà.
Không nói dóc nữa, bây giờ mình sẽ đề cập đến nơi mình sắp đến trong buổi lang bạt này, đó là quận 9.

< Bình minh soi bóng trên hồ, lãng mạn thật. Giờ đây đã vào địa phận quận 9.

Quận 9 là một quận ngoại ô của Thành phố Hồ Chí Minh. Quận được thành lập theo Nghị định số 03-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 6 tháng 1, 1997 tách ra từ huyện Thủ Đức cũ. Quận 9 cách trung tâm thành phố khoảng 7km, ven xa lộ Hà Nội: phía Đông giáp huyện Nhơn Trạch và thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) với ranh giới tự nhiên là sông Đồng Nai - phía Tây giáp Quận Thủ Đức - phía Nam giáp Quận 2 - phía Bắc giáp Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

< Ngã 4 đường Vành đai 2 - Nguyễn Duy Trinh. Người ta đang thi công các cụm cầu dẫn vào cao tốc Long Thành - Dầu Giây ở đây (vị trí).

Về hành chính, hiện nay Q9 gồm 13 phường: Phước Long A, Phước Long B, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Long Trường, Trường Thạnh, Phước Bình, Tân Phú, Hiệp Phú, Long Thạnh Mỹ, Long Bình, Long Phước và phường Phú Hữu.

Quận 9 ngày xưa vốn là vùng đất hoang rừng rậm, thú rừng sống thành từng đàn, dân cư thưa thớt, hầu hết sống trên vùng cao chuyên các nghề nương rẫy, chăn nuôi và săn bắt nhưng không quen làm lúa nước.

< Mình rẽ phải vào Nguyễn Duy Trinh.

Đến thế kỷ 15, sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh của nhà hậu Trần thất bại, tàn quân rút vào thuận hóa là tuyệt lộ, một số bỏ chạy sang lào, một số qua Chiêm Thành, số còn lại xuống phía Nam, cũng giống như hơn 200 sau tàn quân Long Môn của nhà Thanh, số người này đã bắt tay vào việc khai phá rừng rậm, cuốc xới sình lầy, gieo trồng lúa nước là ngành nông nghiệp và sống chung hoà hợp với dân bản địa, tạo thành một cộng đồng dân cư ngày càng đông đảo.

< Ngã 3 Cây Lim đây (vị trí), ngõ đó là Bưng Ông Thoàn với băng rôn 'Lễ Kỳ yên đình thần Tân Thiện'... được tổ chức vào ngày 19.2.2014.
Vậy là có đình thần trong đây à?

Từ năm 1623, để mở rộng giang sơn các chúa Nguyễn đã tạo mối thiện cảm đối với triều đại Chân Lạp để đưa dân cư từ vùng Thuận Quàng vào lập nghiệp. Đến năm 1698 thì số dân toàn vùng đã lên đến hơn 40 vạn hộ với ruộng đất khai phá hơn nghìn dặm. Chúa Nguyễn Phúc Chu mới sai Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào đây kinh lý, lấy đất Đồng Nai lập ra phủ Gia Định, lấy đất Đông phố lập huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, đất Sài Gòn lập huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, đặt quan chức cai trị hành chánh, quân lính trong coi về quốc phòng.

< Đường nhỏ nhưng khá tốt, ít ra trong đoạn đầu. Hai bên rợp bóng cây xanh, nhà cửa sạch sẽ.

Huyện Phước Long lúc đầu có bốn tổng là Tân Chánh, Bình An, Long Thành và Phước An. Phần đất quận 9 ngày nay thuộc về địa phận tổng Long Thành. Đến năm Gia Long thứ 7 (1808) huyện Phước Long được nâng thành bốn huyện Phước Long được nâng lên phủ Phước Long, bốn tổng được nâng lên thành 4 huyện. Mỗi huyện được chia làm 2 tổng Long Vĩnh và Thành Thành Tuy, lấy hai chữ tên huyện đặt lên đầu tên hai tổng. Địa bàn quận 9 nay lúc đó thuộc tổng Long Vĩnh. Tổng Long Vĩnh bấy giờ có 34 xã, thôn, phường, ấp, mà một số còn lưu giữ đến ngày nay như Long Trường, Phước Thiện, Long Đại v.v…

< Mé trái có cây sakê lớn, đoạn đường này thuộc phường Phú Hữu, quận 9.

Năm 1821, Qua triều Minh Mạng, năm thứ 2, địa bàn hai tổng được chia làm bốn tổng. Để bảo tồn tên nguyên thủy của các tổng mới, người ta chỉ thêm các chữ Thượng và Hạ vào sau, như Long Vĩnh Thượng , Thành Tuy Hạ. Từ thuở ban đầu, với các chính sách khuyến nông rất thoáng của các chúa Nguyễn rồi đến các vua Nguyễn: người dân khai phá ruộng được bao nhiêu làm chủ bấy nhiêu, tự mình kê khai với phường thôn để chịu thuế, không có đo đạc trên thuộc địa. Đơn vị tính thuế gọi là khoảnh, thửa, dây, không gọi theo sào mẫu, thước tấc.

< Có những căn biệt thự rất khang trang.

Năm 1836 vua Minh Mạng mới cử phái bộ Trương Đăng Quế, Trương Minh Giảng thực hiện công cuộc đo đạc toàn thể ruộng đất trên cả sáu tỉnh Nam Kỳ. Từ đó các thôn phường mới có địa bộ chính thức. Năm 1837, Đời vua Minh Mạng thứ 18, ranh giới hành chánh của tỉnh Biên Hòa có sự thay đổi. Hai Huyện Long Thành Và Phước An được tách ra khỏi phủ Phước Long để thành lập phủ mới lấy tên là Phước Tuy. Tình trạng đó kéo dài mãi cho tới khi người Pháp đánh chiếm tỉnh Biên Hòa, thành lập chính quyền thực dân.

< Rồi mình gặp ngã 4 với hai nhánh khác, đi ngõ nào đây?
Theo kinh nghiệm thì cứ chạy theo 'đường chính' nhưng để nhận ra đường chính thì bạn xem trong ảnh: 'Đường chính' có góc cua bo tròn, còn các nhánh khác lại vuông góc. Vậy cứ rẽ trái là đường Bưng Ông Thoàn.


< Suy đoán đúng nên chạy thêm một đoạn, mình thấy đường cao tốc Long Thành phía trên.

Năm 1862, theo hòa ước Nhâm Tuất, sau khi được làm chủ ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ người Pháp muốn thi hành chính sách trực trị, bèn bỏ hết cấp tỉnh, phủ, huyện chia địa bàn tỉnh thành 13 địa hạt (Arrondisements), trong đó tỉnh Biên Hòa cũ được chia làm 5 địa hạt.

< Do cao tốc vẫn còn thi công các công trình phụ nên người ta trổ nhánh tạm chạy vòng tránh công trình.

Năm 1867, sau khi chiếm trọn Sáu tỉnh Nam Kỳ, người Pháp chia toàn địa bàn 24 đơn vị hành chính gọi là hạt thanh tra (Inspections), sau đổi thành tham biện (Administrateur). Nơi trụ sở gọi là tòa tham biện, người Việt quen gọi là tòa Bố. Ngày 05 tháng 6 năm 1871, thống đốc Nam kỳ ra nghị định giải thể tòa tham biện Long Thành, sát nhập phần đất vào các toà tham biện lân cận, do đó các làng thuộc tổng Long Vĩnh Hạ được sát nhập vào hạt tham biện Sài Gòn.

< Qua công trình, cây xanh lại phủ kín xung quanh những căn nhà. Lúc này, mặt trời đã lên cao hơn vì gần 7h rồi.

Năm 1885, hạt Sài Gòn đổi tên thành hạt Gia Định. Đến năm 1889, lại đổi là tỉnh Gia Định theo lệnh chung của toàn quyền Đông Dương. Tỉnh Gia Định bấy giờ có 8 tổng với 190 xã thôn. Tổng Long Vĩnh Hạ sau này là địa bàn quận 9 có 11 xã thôn là: Chí Thạnh, Ích Thạnh, Long Đại, Long Hậu, Long Sơn, Long Tuy, Mỹ Thạnh, Phước Hậu, Phước Thiện, Phước Thới, Vĩnh Thuận.

< Nhà cửa lưa thưa, thi thoảng qua một xóm nhỏ chừng mươi căn.

Sau một thời gian thi hành chính sách trực trị không kết quả nên vào thập niên 1920, người Pháp buộc lòng phải cho thành lập lại cấp huyện có thời nhà Nguyễn dưới danh xưng thống nhất là quận, theo đó là tỉnh Gia Định được chia làm 4 quận: Thủ Đức, Hóc Môn, Gò Vấp và Nhà Bè. Các thôn làng được xác nhập lại thành các xã. Bấy giờ quận Thủ Đức có 5 tổng với 19 xã. Các cấp hành chính trên đây tồn tại cho đến Cách mạng tháng tám 1945.

< Rồi mình đến một cây cầu nhỏ có tên là Cầu Làng (vị trí).

Trải qua 9 năm kháng chiến chống Pháp, mọi khả năng của đôi bên đều tập trung vào vấn đề quân sự không có thời giờ và điều kiện cải cách hành chính. Sau Hiệp định Genève, hòa bình lập lại, chính quyền Sài Gòn bắt đầu thực hiện việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính một cách quy mô. Theo chủ trương đó, hai tổng An Thủy và Long Vĩnh Hạ của huyện Thủ Đức được tách ra hợp với tổng Chánh Mỹ Thượng của quận Châu Thành, Biên Hòa lập thành quận mới Dĩ An thuộc tỉnh Biên Hòa.

< Không khác gì đường quê, thật yên tĩnh như bao vùng quê khác.

Từ đây cấp tổng chỉ có trên danh nghĩa, không còn trên thực tế nữa. Các xã làm việc trực tiếp với quận. Ngày 10.10.1965, tổng Long Vĩnh Hạ lại được tách khỏi quận Dĩ An, nhập trở lại quận Thủ Đức. Đến thời điểm 1965 quận Thủ Đức có 15 xã là An Khánh, An Phú, Bình Trưng, Hiệp Bình, Linh Đông, Linh Xuân, Long Bình, Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Phú Hữu, Phước Long, Tam Bình, Tăng Nhơn Phú và Thạnh Mỹ Lợi.

< Chạy thêm một đoạn nữa thì không còn 'quê', đây là khởi đầu của một vùng đất đầy các dự án mà một số đang đổ nền, làm đường... ngoài các vị trí đã hoàn thiện...

Ngày 10 tháng 10 năm 1965, tổng Long Vĩnh Hạ lại được tách khỏi quận Dĩ An, nhập trở lại quận Thủ Đức. Năm 1967 xã An Khánh được cắt khỏi quận Thủ Đức, nhập vào thành phố Sài Gòn và được thành lập quận 9 với hai phường là An Khánh và Thủ Thiêm. Qua năm 1972 trên địa bàn Thủ Đức lại được lập thêm một xã mới là xã Phước Bình. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền cách mạng sắp xếp lại các đơn vị hành chính trong thành phố, quận Thủ Đức được gọi là huyện ngoại thành.

< Hoàn thiện rồi thì có Villa Park, Godora villa, The Eastern...
'May mắn' là vùng quê Bưng Ông Thoàn ít bị ảnh hưởng do lối đi chính của những dự án này dẫn vào từ đường Vành đai 2, ngay bùng binh mà các xe lên đường cao tốc trở đầu.
Nhánh trái bạn thấy trong hình chính là con đường chính ấy.

< Chạy qua cái khu 'trung tâm' của những dự án này rồi thì đường lưng tưng với tiếng rào rạo dưới bánh xe, bụi tung mù: con lộ Bưng Ông Thoàn đã trở mình thành đường rải đá.

Một số xã quá rộng được chia ra làm các xã mới, quận 9 bị giải thể. Hai phường An Khánh và Thủ Thiêm được trả về cho huyện Thủ Đức và gọi là xã, đưa tổng số đơn vị hành chính của huyện lên 23 gồm Thị trấn Thủ Đức và 22 xã là An Khánh, An Phú, Bình Trưng, Hiệp Bình Chánh, hiệp Bình Phước, Hiệp Phước, Linh Đông, Linh Trung, Linh Xuân, Long Bình, Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Phước Bình, Phú Hữu, Phước Long, Tam Bình, Tăng Nhơn Phú, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm, Tam Phú, Tân Phú.

< Đình Tâ Thiện bất ngờ xuất hiện ven đường; có vẻ như mới được tu bổ nên sáng keng.
Lễ Kỳ Yên tổ chức vào ngày 19, còn hôm nay chỉ mới ngày 14, cũng là rằng tháng giêng ta.

< Chạy đến đâu bụi tung đến đó, tiếng lạo rạo như nhai... bánh tráng giòn.

Đáng tiếc là vừa rửa xế ngày hôm qua thì hôm nay: nàng Win tha hồ hít bụi đường - nề hà gì hả cưng, hi hi...

< Đường xấu nhưng 'tương lai' sáng rạng đấy. Bạn có biết, lúc trước kia thì đường ni là đường nhựa không?
Người ta rải đá để nâng cấp lên chứ không phải hạ cấp xuống đâu.

Ngày 6 tháng 1 năm 1997, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 03-CP thành lập quận 9 trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số các xã Long Bình, Long Thạnh Mỹ, Long Phước, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình, Tăng Nhơn Phú, cộng thêm 484 ha diện tích tự nhiên và 15.794 người trích từ xã Phước Long, 891 ha diện tích tự nhiên và 13.493 người trích từ xã Hiệp Phú, 140 ha diện tích tự nhiên và dân số trên đây được chia làm 13 phường nêu trên.

< Có điều chờ nâng cấp hơi bị lâu, vậy nên 'tức cảnh sinh tình', ngắm cảnh đẹp để khuây khỏa, ha ha...

Địa bàn quận 9 vốn là vùng sâu vùng xa nông thôn của huyện Thủ Đức cũ, là vùng oanh kích tự do của quân đội Mỹ và Sài Gòn trước kia nên còn yếu kém nhiều về mọi mặt so với các quận huyện khác của Thành phố. Tuy nhiên quận 9 có ưu thế về mặt tự nhiên do nằm 2 phía giáp sông Đồng Nai, có đường giao thông chạy suốt chiều dài quận để nối với trung tâm thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Biên Hòa, là xa lộ Hà Nội và hương lộ 33 lại có khu giải trí Suối Tiên, Lâm viên Thủ Đức, khu công nghệ cao TPHCM với Intel là nhà đầu tư lớn nhất.

Trong tương lai, Q9 sẽ có trung tâm văn hóa của thành phố, nhà ga và tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam (Metro Bến Thành – Suối Tiên), Khu Di tích lịch sử văn hóa các dân tộc... quận 9 có triển vọng sẽ phát triển mạnh về công nghiệp và du lịch sinh thái sau này.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!