(ĐVO) - Sau trận bóng đá, khán đài ngập tràn những cổ động viên trước đó từng gào lên “Việt Nam cố lên”, “Việt Nam vô địch” chỉ còn lại rác và rác, ngập trong rác. Tình yêu thể thao, tình yêu đất nước hình như không song hành với tình yêu môi trường và sự giữ gìn thể diện.

Sau trận đấu của đội U19 Việt Nam với U19 Nhật Bản trong Giải U-19 quốc tế - Cúp Nutifood tại sân vận động Thống Nhất – TP.HCM ngày 8/1 vừa qua, có hai hình ảnh khiến tôi phải chú ý. Đó là hình ảnh một cụ già còn ngồi nán lại trên khán đài khi trận đấu kết thúc, dưới chân ngập trong rác thải. Hình ảnh kia là một nhóm cổ động viên trẻ tuổi, ở lại sau trận đấu để thu dọn rác trên khu vực khán đài C cho vào bao nilon đen to.

Có lẽ chỉ cần thế là đủ, không phải nói nhiều thêm về những thói hư tật xấu của người Việt mình nữa. Cái thói quen vô tư xả rác nơi công cộng dường như đã ăn vào máu, trở thành một “đặc tính” của người Việt, chỉ cần sạch trong nhà mình, còn từ cửa trở ra, là của thiên hạ, mạnh ai nấy vứt rác.

Bất cứ một cuộc nhóm họp đông người nào cũng vậy, sau đêm giao thừa, đường phố lại ngập rác và rác, ai cũng nhìn thấy nhưng hầu như chẳng ai bận tâm.

< Nhóm bạn trẻ nán lại dọn rác sau trận đấu.

Bởi vậy, thật vô cùng cảm động trước hình ảnh của nhóm cổ động viên trẻ đã nán lại thu dọn rác trên khán đài C sân Thống Nhất tối 8/1 đó. Các em chắc chắc sẽ khiến nhiều người cảm thấy xấu hổ (nếu họ còn loại dây thần kinh cảm giác này) vì thói quen xấu của mình và nhen lên cho chúng ta niềm hy vọng rằng sẽ có một lớp trẻ khiến đất nước có thể ngẩng cao đầu.


< Tụ họp xong rồi thì thế này đây!

Chắc nhiều người sẽ chê bai tôi, gớm, có tý rác thôi, làm gì mà nâng quan điểm, phán xét nặng nề đến thế. Nhưng ai cũng biết, tính cách được hình từ những thói quen nho nhỏ, tôi không tin rằng những người có tính buông tuồng xả rác bừa bãi ấy lại là những công chức chỉn chu ở công sở, những công dân chấp hành nghiêm túc luật lệ giao thông trên đường.

Ai cũng có thể nói rất nhiều những lời hay ý đẹp, có thể hô hào rất nhiều để thể hiện tình yêu nước, nhưng việc làm nhỏ nhất là giữ gìn vệ sinh công cộng, để khỏi cảm thấy xấu hổ với khách du lịch nước ngoài, thì không phải ai cũng quan tâm và rèn cho mình, cho con cái mình thói quen ấy.


< Cấm, nhưng vẫn xả rác.

Tại sao Việt Nam mãi cứ là một đất nước kém phát triển, tại sao khi bước chân ra khỏi biên giới quốc gia, chúng ta thường hay nhận được những ánh mắt xem thường từ người dân các quốc gia khác vì những thói xấu “lộ thiên” trong hành xử, đi đứng, nói năng? Là bởi vì nhiều người dân chưa ý thức được về cái sự phải biết giữ gìn thể diện của mình, của đất nước mình nên cứ hồn nhiên mà xấu xí.

Hãy tự thấy xấu hổ vì những vụ cướp của ngang nhiên như vụ cướp bia, hãy tự thấy xấu hổ vì những bãi rác khổng lồ ngập tràn sau những cuộc tụ tập đông người. Hãy nhân lên những hình ảnh đẹp như nhóm bạn trẻ ở lại trên khán đài để thu dọn rác.
Cảm ơn các bạn trẻ, vì chính họ, đã cho chúng ta có quyền tự hào và niềm tin vào tương lai của người Việt!

Bao giờ mới có một câu slogan đơn giản thế này: “Yêu nước thì nên dọn rác”, từ rác rưởi đến những thứ rác lớn hơn, đang đầu độc môi trường và cuộc sống.

Theo Mi An (Báo Đất Việt)
Du lịch, GO!

< Một trăm năm nữa: thứ rác này không hề suy suyễn.

Chỉ riêng trong vấn đề phượt đó đây, mình cũng nhận thấy rằng 'thói quen xả rác bừa bãi' có lẽ đã ăn sâu vào một đại bộ phận (hic, thật đáng tiếc nhưng đó là sự thật!). Những ngọn núi hùng vĩ, những dòng thác tựa cảnh tiên giữa khung cảnh hoang sơ... nhưng chúng ta đã tô điểm thêm bằng những thứ rác mà chính mình đem tới nhưng... không muốn đem về.

'Lấy đi những bức ảnh và chỉ để lại những dấu chân' là điều cần thiết. Một thắng cảnh đẹp mà ta đã thụ hưởng, cho dù ta không còn có dịp đến đó lần sau thì chốn ấy vẫn cần thiết phải giữ gìn để gia đình ta, con cháu ta, bạn bè ta, đồng bào ta... cũng cần thụ hưởng. Ta xả rác, cho là 'vấn đề nhỏ' - rồi trăm người, ngàn người như ta cũng cho là 'chuyện nhỏ' thì cái thắng cảnh ấy trong một năm sẽ thành bãi rác rồi còn chi?

< Giữa các kẻ đá ở thác Bà, có những thứ 'không mời mà đến'.

Thôi thì chẳng mất bao công sức: ta đem gì đến thì cũng nên đem các 'tàn dư' về nhà nghỉ, thậm chí về nhà để đưa vào thùng rác - thật dễ dàng mà: 'hàng họ' đem tới bằng bao xốp thì cũng chính cái bao xốp ấy sẽ chứa các thứ còn lại, treo sau baga phía sau đem về.
Mình vô cùng cảm ơn bạn nếu bạn từng làm như vậy và sẽ làm như vậy.

Văn hóa du lịch
Núi Cấm cao thêm nhờ... rác!
Nhiều bài liên quan nếu tìm bằng từ 'rác'