(TPO) - Làng Mỹ Xuyên (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) được coi có nhiều sắc phong nhất Việt Nam. Làng còn có một bộ lư “khủng”, chân lư hai người vác mới nổi, có cây đa mọc trên rễ của một gốc đa. Trải qua hàng trăm năm, câu chuyện bảo vệ giữ gìn từng báu vật, mái đình, gốc đa, bến nước của làng vẫn đầy bất ngờ.

Gần 300 năm thay nhau “sơ tán” sắc phong

Nằm phía nam sông Thu Bồn, làng Mỹ Xuyên hiền hòa với những ruộng lúa, bãi dâu, đường bê tông chạy vào tận từng xóm nhỏ. Tuy không phải là làng cổ nhất nhưng Mỹ Xuyên tự hào vì có nhiều sắc phong nhất Việt Nam: 32 tấm.

Trong gian thờ nhà cụ Nguyễn Văn Thanh (84 tuổi), chiếc hòm gỗ nhỏ được khóa chặt, đặt trang trọng. Sau khi thắp hương xin tổ tiên, cụ bảo con cháu cẩn trọng bê xuống. Trong đó là 32 tấm sắc phong được ép nhựa, cuộn lại kĩ càng, nhiều tấm đã rách phần góc. Sắc phong đầu tiên của vua Minh Mạng năm thứ 5 ban ngày 11/2/1824, rồi lần lượt các đời vua sau đó Thiệu Trị, Đồng Khánh, Duy Tân…, cho đến sắc phong cuối cùng của vua Khải Định ban ngày 25/7/1924.

Ông Nguyễn Quang Pháp, trưởng làng, lý giải việc Mỹ Xuyên được ban nhiều sắc phong là nhờ việc đào con sông đi ngang qua làng, dân vẫn thường gọi là sông Đào, để phục vụ nhu cầu thủy lợi và quân sự của trấn Quảng Nam xưa. Và vì làng có vị tiền hiền Lê Quý Công đã khai khẩn đất đai cho bà con canh tác. Vậy là gần 300 năm, 32 “báu vật” đó vẫn tồn tại trước dòng thiên di của lịch sử và bao trận càn quét của giặc.

< Những tấm sắc phong của làng Mỹ Xuyên được nâng niu, giữ gìn nguyên vẹn.

Các bô lão trong làng kể thời loạn lạc, dân ở đâu chạy giặc không biết, còn ở đây, cả làng chuyền nhau giữ sắc phong đến cùng. Khi ôm sắc phong chạy, khi giấu trong miếu, bụi rơm, nhiều trận giặc đốt sạch, dân phải đào đất chôn sắc phong xuống đất. Cụ Thanh nói cứng: “Mất sắc phong, còn gì là làng nữa!”. Đến ngày hòa bình, 32 tấm sắc phong được tập hợp lại, làng bắt đầu chọn những bô lão hiền từ, phúc đức, kĩ tính nhất cất giữ. Chỉ khi có lễ làng, bộ sắc phong mới được rước ra đình để con cháu cùng xem và tự hào về làng mình.

Ngoài sắc phong, làng còn có một bộ lư “khủng” được ông Nguyễn Ngọc Lễ, một người dân làng, tặng năm 1957. Chân lư cao gần 1m, phải hai người vác mới nổi. Trước 1975, lính Đại Hàn lấy mất nồi lư, bà con trong làng thay nhau vác chân lư đi trốn. Năm Mậu Thân 1968, cả làng bị san bằng, nhưng hai chân lư vẫn được bà con khiêng ra tận cầu Câu Lâu (cũ) cất giấu. Đến nay, dù đã lùng sục từ nam chí bắc nhưng không nơi nào có chiếc nồi lư sánh được với hai chân lư cũ.

Cây đa trồng lại trên gốc đa

Mỗi không gian trong làng là một huyền thoại. Sáng sớm, bên quán nước nhỏ trước đình, các bô lão không dứt câu chuyện về làng. Năm 1471, thời vua Lê Thánh Tông, làng Mỹ Xuyên bắt đầu hình thành. Ngôi đình đầu tiên được xây dựng rộng gần 100m2. Có đình, dân quyết trồng cây đa, vậy mới là làng. Kháng chiến chống Pháp, đình bị địch đánh sập, dân lại xây. Thời chống Mỹ, năm 1964 ngôi đình lại bị đạn bom tàn phá. Nghi là nơi ẩn nấp của bộ đội, cây đa hơn 400 tuổi bị tưới xăng đốt, nghi ngút cháy suốt hơn một tuần. Cả làng cũng cháy lòng cháy dạ theo.

< Lễ khánh thành công trình nâng cấp nền gốc đa làng Mỹ Xuyên.

Nơi cây đa bị đốt sụp xuống một hố sâu, bà con đã nhiều lần có ý định trồng lại cây đa khác, nhưng do giặc quần thảo vùng ấy quá nhiều nên không thể. Đến năm 1973, khi tình hình chiến sự tạm lắng, ông Nguyễn Văn Hạc, một người làng ra Đà Nẵng mua một cây đa con mang về. Và ông Nguyễn Quang Ấn, hiện nằm trong ban trị sự làng, là người trồng cây đa xuống chính nơi cây đa cũ bị đốt cháy. Về sau, cả làng góp tiền xây lại khuôn viên cho đình và cây đa trên nền móng cũ. “Mọi thứ có thể di chuyển, nhưng những gì đã gắn bó với làng thì không bao giờ”, các lão làng khẳng khái.

Dưới gốc cây đa bây giờ vẫn là những đất, những đá mà ngày xưa bà con lấy về vun quanh cây đa cũ. Họ bảo rằng mới hơn 40 tuổi mà cây đa này sum suê, lớn cả chục người ôm là bởi nó sống bằng tro mùn của cây đa cũ. Mỗi năm, cây thay lá hai lần vào mùa xuân và mùa thu, đặc biệt tất cả lá rụng một lần chứ không kéo ngày này sang ngày khác, hễ cây ra rễ con trắng ngần như giá là báo hiệu trời sắp mưa.

Ông Nguyễn Quang Tuyển, 52 tuổi, một người làng, tự hào: “Có mái đình, cây đa, làng tôi trông bình yên hẳn dù bây giờ quán xá, xe cộ đầy đường. Hễ đi đâu xa một thời gian là nhớ làng vô cùng”. Tháng 12/2011, đình làng Mỹ Xuyên được công nhận là Di tích văn hóa cấp tỉnh.

< Đình làng Mỹ Xuyên nằm ở vị trí trung tâm của làng đã có lịch sử hơn 500 năm hình thành.

Bến Giá cũng là một huyền thoại. Nhiều giả thuyết được đặt ra để lý giải cho cái tên này. Có người cho rằng ngày trước, bà Đoàn Quý Phi trong một đêm trăng đẹp đi hái dâu đã cất tiếng hát, cùng lúc đó thuyền của chúa Nguyễn Phúc Lan đang ngự giá tại đây, người liền lần theo tiếng hát và gặp được bà rồi kết duyên. Nơi ấy được gọi là bến Giá.
Về sau, các bô lão trong làng bác bỏ giả thuyết này. Bến Giá, là nơi trước kia dân Mỹ Xuyên tập trung làm giá, một nghề khá hưng thịnh của làng lúc bấy giờ do ở đây có độ ẩm thích hợp, lại thuận tiện cho ghe thuyền buôn bán neo đậu.

Cụ Nguyễn Văn Thy, phó làng, tâm sự: “Sợ con cháu quên làng, những thế hệ đi trước chúng tôi đã chung một dạ phải giữ lấy bằng được những báu vật của làng, mất cây đa, trồng cây đa, có xây dựng, đổi mới đến đâu cũng không thể đập bỏ sân đình, bến nước”.

Mỗi năm, làng Mỹ Xuyên hai lần tổ chức lễ hội vào ngày 1/11 âm lịch cúng tổ mộ tiền hiền Lê Quý Công, và ngày 12/2 âm lịch với lễ Tế xuân cầu an. Cháu con, người ở trong làng, kẻ tha phương cứ quần tụ về dưới mái đình, gốc đa nghe các cụ già kể chuyện, căn dặn phải quý trọng những báu vật mà cha ông hàng trăm năm nay cất công gìn giữ.

Theo báo Tiền Phong
Du lịch, GO!