(TBKTSG Online) - “Ai về đất mẹ Vĩnh Linh, quê tôi có dòng Bến Hải ân tình nặng sâu...”. Câu hò ngày nào vẫn còn vang vọng như tiếp thêm sự hứng thú cho chúng tôi khi tìm về vùng đất Vĩnh Linh (Quảng Trị), nơi có một hệ thống địa đạo lớn nhất nước trong thời chiến tranh.

< Biển Cửa Tùng, nơi có cửa địa đạo nối liền liên lạc với đảo Cồn Cỏ, một tiền đồn nổi tiếng thời chiến tranh ác liệt.

Câu chuyện về địa đạo Vịnh Mốc như huyền thoại, thể hiện bản lĩnh can trường và ý chí sắt đá của người dân Vĩnh Linh được chứng minh bằng những địa đạo, hầm hào như thiên la địa võng trong lòng đất.

< Dọc đường đến khu địa đạo Vịnh Mốc, du khách sẽ gặp những hố bom còn sót lại.

Từ thành phố Đông Hà - trung tâm hành chính, thương mại tỉnh Quảng Trị, mất khoảng hơn 1 giờ chạy xe máy theo quốc lộ 1A ra phía bắc rồi rẽ vào nhánh đường nhỏ xuống biển, chúng tôi đến được địa đạo Vịnh Mốc (thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh).

< Lối vào địa đạo Vịnh Mốc xanh rợp bóng mát của các hàng tre.

Hai bên đường vào Vịnh Mốc, những rặng tre xanh mượt tỏa bóng mát rượi, cảnh đồng quê yên bình mặc cho cái nắng gay gắt của mùa hè miền Trung. Thật không ai có thể tưởng tượng mỗi con người nơi làng quê nhỏ bé này đã từng phải hứng chịu lượng bom đạn khủng khiếp thế nào trong thời chiến. Trên đường vào địa đạo, chúng tôi bắt gặp nhiều công trình quân sự, từng gắn bó với người dân Vĩnh Linh như hầm tránh bom các loại, nhiều nhất là hầm chữ A được đặt ở gần trường học, giao thông hào.

< Những lối giao thông hào chằng chịt phía trên địa đạo.

Tiếp tục đi sâu vào bên trong, du khách không khỏi bất ngờ trước một hệ thống giao thông hào chằng chịt.

< Trong những năm chiến tranh ác liệt, vào thời điểm đông nhất có khoảng 1.200 người sinh sống dưới hệ thống địa đạo này. Trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại, trong lòng địa đạo không một người nào bị thương hay chết do bom đạn. Ảnh: Sơ đồ tổng quan địa đạo Vịnh Mốc được treo trong nhà trưng bày lịch sử.

< Có những chỗ lối đi trong địa đạo rất hẹp, chỉ đủ hai người tránh nhau.

Thỉnh thoảng lại thấy những hố bom lớn như cái ao. Và cuối cùng, mong ước được trực tiếp chui vào địa đạo, được sờ tận tay, thấy tận mắt cũng được thỏa mãn khi cửa hầm hiện ra trước mắt chúng tôi.

< Không khí làm cho đất sét trong lòng địa đạo càng ngày càng cứng chắc hơn nên nó vẫn tồn tại gần như nguyên bản cho đến tận ngày hôm nay. Ảnh: Những giếng trời là đường thông hơi đưa không khí xuống địa đạo.

Dù đã nghe nhiều về địa đạo Vịnh Mốc nhưng khi đến tận nơi, mắt thấy, tai nghe không ai không khỏi thán phục.

< Hầm chứa vũ khí.

Địa đạo như hình ảnh thu nhỏ của một làng quê được xây dựng và kiến tạo dưới lòng đất ở độ sâu từ 10 - 23m, có chiều dài hơn 1.700 mét đường hầm và một hệ thống giao thông hào chằng chịt được hình thành trong lòng đất đỏ bazan. Càng vào sâu trong địa đạo, không khí càng thêm mát lạnh trái hẳn với không gian chật hẹp và lối đi nhỏ phía ngoài.

< Cửa vào địa đạo được gia cố rất vững chắc.

Tại nhà trưng bày hình ảnh và tài liệu về khu di tích, người thuyết minh cung cấp cho khách du lịch những thông tin về địa đạo: Hệ thống địa đạo gồm có 3 tầng.

Tầng thứ nhất sâu 12 mét, là nơi sinh hoạt cho người dân; tầng thứ hai cách mặt đất 15 mét, được dùng làm nơi cất giữ lương thực và vũ khí hay hội họp và tầng cuối cùng sâu đến 23 mét, dùng làm nơi tránh bom. Ngay cả tầng sâu nhất, 23 m vẫn còn cao hơn mực nước biển đến 3 mét nên mọi sinh hoạt trong địa đạo vẫn diễn ra bình thường vào mùa mưa.

< Mặc dù trong lòng địa đạo rất gian khổ, thiếu thốn mọi bề, cuộc sống vẫn diễn ra; hai bên trục đường chính, cứ cách nhau từ ba đến năm mét lại khoét lõm sâu vào thành một hầm nhỏ, dùng làm nơi sinh hoạt của một gia đình từ ba đến bốn người ở. Ảnh: Tái hiện mô tả cảnh sinh hoạt của người dân làng Vịnh Mốc trong lòng địa đạo.

Toàn bộ hệ thống địa đạo Vịnh Mốc có 13 cửa thông ra ngoài; trong đó, có 7 cửa thông ra biển, 6 cửa thông lên đồi, mỗi cửa hầm được coi như một lỗ thông hơi. Đây chính là kết quả của chiến dịch “nhà nhà đào địa đạo” với 18.000 công lao động của nhân dân xã Vĩnh Thạch trong thời gian hơn 2 năm.

< Trong thời gian người dân Vĩnh Linh phải xuống sống trong các địa đạo, đã có 60 đứa trẻ được sinh ra trong lòng đất; riêng ở địa đạo Vịnh Mốc đã có 17 đứa trẻ ra đời.

Thật ngưỡng mộ khi nhìn thấy những hầm chỉ huy, phòng nghỉ, giếng nước, trạm gác, nhà bếp, nhà vệ sinh và nhiều lỗ thông hơi được bố trí một cách hợp lý, khoa học... nằm sâu trong lòng đất. Ngạc nhiên hơn cả khi được chứng kiến cảnh tái hiện sinh hoạt đời thường của người dân và thật sự xúc động khi chúng tôi bước vào khu bệnh xá, nhà hộ sinh - nơi đã có 17 đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời trong lửa đạn…

< Trong lòng địa đạo có ba giếng nước, một hội trường (với sức chứa 50 người), bệnh xá, nhà hộ sinh, trạm phẫu thuật, kho gạo, trạm đặt máy điện thoại... Trong ảnh, lối vào nhà tắm ngay trong địa đạo, một thiết kế hết sức độc đáo.

Đường ra khỏi hầm là các lối thông ra biển nên vừa bước ra, chúng tôi bắt gặp ngay biển Cửa Tùng. Bãi biển Cửa Tùng tựa lưng vào các làng chài của xã Vĩnh Thạch bốn mùa rợp bóng xanh mát rừng phi lao ngày đêm rì rào trong gió. Đứng ở mạn cát bên mép sóng Cửa Tùng, thấp thoáng trong tầm mắt chúng tôi, đảo Cồn Cỏ hiện ra sừng sững.

< Một cửa địa đạo thông ra bãi biển được ngụy trang ở dưới lớp cây xanh từ xa rất khó phát hiện.

Trong hành trình về với Vịnh Mốc, tuy thời gian lưu lại không nhiều nhưng đủ để chúng tôi hiểu về một địa đạo đầy những chiến tích lịch sử hào hùng. Địa đạo Vịnh Mốc đã được công nhận là di tích lịch sử Việt Nam. Khu bảo tàng địa đạo Vịnh Mốc chính thức mở cửa đón khách từ năm 1995, đến nay đã thu hút được một lượng du khách đông đảo.

Theo Thanh Ly (The Saigon Times)
Du lịch, GO!

Địa đạo Vĩnh Mốc và biển Cửa Tùng