(Infonet) - Là một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đã được công nhận, thế nhưng Hải Vân Quan đang không được “đối xử công bằng” như những di tích khác…

Hải Vân Quan là dấu ấn niềm kiêu hãnh của người Việt từ thời cha ông đi mở mang bờ cõi. Sử sách xưa chép rằng, Hải Vân Quan được xây dựng vào đơi Trần và được trùng tu thời Nguyễn năm Bính Tuất (1826), niên hiệu Minh Mạng thứ 7. Trước đó, khi thân chinh đi đánh Chiêm Thành (1470), lúc đi ngang qua đèo Hải Vân, vua Lê Thánh Tông đã ngỡ ngàng trước cảnh đẹp và địa hình núi non hiểm trở nên đã đặt cho nơi đây là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Nằm sừng sững án ngữ trên đỉnh đèo Hải Vân với vẻ đẹp hoang vu và bình yên, Hải Vân Quan là điểm dừng chân của hàng trăm du khách thập phương mỗi ngày. Lẻ loi cô độc chốn non cao sương trắng, sự thờ ơ của con người và sự bào mòn của thiên nhiên đã làm cho di tích này đang dần trở nên hoang phế theo thời gian…

Du khách cũng phải ngán ngẩm

Một ngày cuối tháng 10, vượt quảng đường đèo Hải Vân cheo leo, khúc khuỷu khoảng 30km bằng xe máy từ Đà Nẵng, chúng tôi đã có mặt tại Hải Vân Quan.

< Rác rải khắp Hải Vân Quan.

Lối nhỏ lên cổng thành lởm chởm, cỏ dại mọc um tùm, còn có cả rác rưởi vứt bừa bãi. Sự bào mòn của thiên nhiên theo thời gian đã khiến những viên gạch trên cổng thành rạn nứt, đổ nát. Những dòng chữ vua Lê ban tặng cũng bị rêu mốc làm mờ dần không còn nhìn thấy rõ.

Gần đó, các lô cốt do quân đội Pháp xây dựng cho quân lính đặt ống nhòm, chĩa súng ra đường để bảo vệ ngọn đèo này cũng đã đổ gãy, cây cối mọc um tùm bao quanh. Đối diện cửa thành hướng về Đà Nẵng là ngôi nhà được Pháp xây dựng cho người trông coi Hải Vân Quan ở đã bị bỏ hoang nhiều năm nay.

Cơn bão số 11 qua đã được 9 ngày, nhưng cây cối gãy đổ sập vào bia di tích của một trận đánh (có tên là Đồn Nhất), nhưng cũng không có ai chặt dọn. Những hình ảnh hoang tàn, xập xệ khiến cho du khách không khỏi lắc đầu, ngán ngẩm.

Jack Fielding, một du khách người Anh chia sẻ: “Tôi tới đây lần đầu tiên và thấy cảnh ở đây rất đẹp, rất hung vĩ. Nhưng rác rưởi không có người dọn nhìn bẩn quá”. “Tôi nghĩ cần đặt thêm thùng rác ở đây nữa để giữ gìn cảnh quan chung.” Harry Standard, một du khách góp chuyện.

< Vẻ xập xệ bên trong căn nhà do Pháp xây dựng để người gác HVQ nghỉ ngơi đã bị bỏ hoang nhiều năm nay.

Suy nghĩ của Jack và Harry chắc cũng giống như bao du khách tới đây, họ còn biết cần làm gì ngay để giữ những vẻ đẹp cho nơi từng được vua Lê ngày xưa đặt cho là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” . Tại sao chúng ta vẫn chưa có những phương án tu bổ và nâng cấp? Đó là câu hỏi cần dành cho các ngành chức năng có trách nhiệm phải suy nghĩ và cần sớm lên phương án thực hiện.

Nạn chèo kéo khách… cấm nhưng vẫn còn

Rất vui là ngày 28/02/2013, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ra Quyết định số 1527/QĐ-UBND về việc Công nhận Đỉnh đèo Hải Vân là điểm du lịch địa phương của thành phố Đà Nẵng, có tên tiếng Anh là HAIVAN PASS SCENIC LOOKOUT.

Theo Quyết định, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) có trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác, tu bổ và nâng cấp, bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo đảm an ninh trật tự tại điểm du lịch.

< Nạn hàng rong chèo kéo khách du lịch tại đây.

Tổ trực thường xuyên trên đỉnh đèo gồm lực lượng dân quân thường trực của UBND phường Hòa Hiệp Bắc cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng Đồn Hải Vân hoạt động khá tích cực nên an ninh đảm bảo hơn. Theo ghi nhận, chúng tôi thấy tình trạng hàng rong chèo kéo khách du lịch đã giảm, nhưng vẫn chưa dứt điểm.

Lân la hỏi chuyện một chị bán hàng quán ở đây đã được 23 năm, chúng tôi biết được biết đội quân bán hàng rong ở đây vẫn tồn tại và có tới hơn 30 người. “Trước kia, họ hành nghề bát nháo mỗi ngày. Từ khi có lính biên phòng túc trực giữ trật tự ở đây thì họ lại bày kế mới hoạt động chứ không chịu thua. Anh lính gác có mặt ở đây lúc 8h, thì họ đã đi lên đây từ tờ mờ sáng. Trong lúc chờ đợi anh lính hết giờ gác, họ ngồi trong quán lập hội đánh bài. Tầm 2h chiều, anh lính đi về thì họ lại ùa ra hành nghề tiếp.

Họ bám theo khách dai như đỉa, nhằm bán những chiếc vòng tay lưu niệm đắt gấp 3, gấp 4 lần bình thường. Chúng tôi thấy cũng không dám nói một lời, cũng không ai dám tố cáo. Vì họ mà biết, họ sẵn sàng đáp trả ngay. Họ dữ dằn lắm” - Chị bán hàng quán xin được phép dấu tên cho biết.

Đã đến lúc cần có những phương án để tổ chức quản lý, khai thác, tu bổ và nâng cấp, bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo đảm an ninh trật tự và phát triển tại điểm du lịch lý tưởng của vùng Tây Bắc thành phố, giữ hình ảnh đẹp khu du lịch trong mắt những du khách thập phương về đây.
Xem thêm >

Theo Quỳnh Lưu (Infonet)
Du lịch, GO!