(NLĐ) - Những ốc đảo trên sông Hương từ lâu đã làm nên những điểm nhấn tuyệt vời trong kiến trúc hài hòa của Huế. Có điều, ít ai có thể ngờ rằng trên sông Hương không chỉ có hai hòn đảo Dã Viên- Cồn Hến từng mệnh danh là “Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ”, mà có đến 5 ốc đảo xuôi dòng nước xanh, chứa đựng trong nó biết bao dấu tích rêu phong của cố đô Huế và bao số phận con người...

“Dữ dã viên ký” và cồn Hến

Về địa lý phong thủy, cồn Dã Viên cũng như cồn Hến đã đóng vai trò tâm linh trong kiến trúc cố đô, các nhà quy hoạch kiến trúc đầu thế kỷ thứ 19 đã siêu nhiên hóa và hình tượng hóa chúng thành con rồng và con cọp ở trong thế rồng chầu hổ phục để bảo vệ vương quyền.

Không hiểu vì đâu mà người Huế gọi “Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ” là hai cái cồn, song lại gọi những cồn khác cũng trên con sông này là đảo Cũng không biết cồn Dã Viên hình thành từ bao giờ, chỉ biết nó được nhắc đến nhiều trong các văn tự thời Nguyễn và ngày 5-1-1750 đã từng có trận đấu giữa voi và cọp do chúa Nguyễn tổ chức.

Hôm đó 40 con voi đã quật chết hết 18 con cọp. Một trong những tư liệu quan trọng khác gắn với Dã Viên là bài “Dữ dã viên ký” do vua Tự Đức viết sau khi vườn ngự trên cồn này xây dựng xong. Trong đó có nói rằng khởi thủy của cồn này có bảy ngôi nhà dân ở, nhỏ hẹp và xiêu vẹo. Lầu ngự của vua nghe nói tồn tại đến năm 1900, còn từ 1925 thì bỏ mặc cho mưa nắng. Ngày nay, trên đảo cũng chỉ có 8 hộ dân sinh sống. Các di tích xưa đều đã biến mất, chỉ có tháp nước Dã Viên cung cấp nước cho dân thành phố là còn đứng sững giữa sông xanh.

Xuôi về phía dưới không xa, cồn Hến lớn hơn nhiều so với Dã Viên, cũng chia sông Hương ra làm hai nhánh. Nhánh phía Đông là ranh giới giữa Vĩ Dạ và cồn Hến, nhánh phía Tây là ranh giới giữa cồn Hến và phường Phú Cát. Ngày xưa, hai khe nước giữa cồn phù sa lấp cạn, tôm cá rất nhiều, đêm đêm người đến đây soi, đơm bắt, đèn đuốc sáng cả góc trời nên người ta còn gọi là “xứ cồn cạn”. Phường Giang Hến ra đời trên đất “xứ cồn cạn” lại không theo nghề tôm cá mà lại làm nghề cào hến dọc sông Hương. Bởi nghề này mà cồn Hến trở thành cái nôi của món cơm không nơi nào có được là cơm hến Huế.

Từ một ốc đảo nhỏ thuở xưa, nay cồn Hến đã là một vùng đất đai cao ráo với diện tích gần 33 ha, gồm 5 tổ của khu vực 6, phường Vĩ Dạ. Ở đó dân cư đông đúc, có trường học, đền chùa. Từ sau khi bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử được truyền tụng, với câu: “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”, cồn Hến ngoài nổi tiếng cơm hến, còn nổi tiếng món chè bắp với tên gọi “chè bắp xứ cồn” thơm và rất chi thanh ngọt. Kể từ sau khi đất nước mở cửa, kinh tế thị trường tràn ra đảo thì cồn Hến ngoài nơi cào hến và trồng bắp ra, còn là “đảo ẩm thực”. Du khách ra đảo này có thể vừa soi mặt mình xuống sông Hương vừa ăn cơm hến, chè bắp...

Bởi vậy năm 1997, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế dự định mở khu du lịch ở ốc đảo này nhưng chưa thực hiện được do không có vốn. Người cồn Hến mấy năm trở lại đây thất bát vì nghề cào hến không còn cho thu nhập như xưa. Do đánh bắt ráo riết với các dụng cụ không hợp lý, hến trên sông Hương đang ít dần. Một người đàn ông Giang Hến tên là Trai đã khóc trong bóng chiều, nói rằng thật đáng buồn khi một vài năm lại đây hến ở cồn Hến không còn là hến sông Hương nữa, mà người ta đi mua hến từ xứ khác về thay vào. Bây giờ con hến sông Hương đã bỏ đi, biết bao giờ nó sẽ quay về...

Cụm đảo bên cạnh cồn Hến

Phía trên cồn Hến, ngang qua phường Phú Cát có cụm đảo 5 cồn nổi nhỏ, người Huế gọi đó là “Đảo ông Sắt”. Tên gọi này xuất phát từ việc ông Võ Sắt là người dân vạn đò thường xuyên kè chắn, lập miếu thờ Thiên Y A na và lo hương đèn trên đảo rồi sau đó trở thành người vạn đò đầu tiên ở khu vực này lên đảo làm nhà ở. Bây giờ trên đảo này còn có một lớp học tình thương với khoảng 50 chỗ ngồi do UBND phường Vĩ Dạ xây dựng.

Có một người thầy đã nhiều năm, dù mưa hay nắng, ngày nào cũng đi ghe ra đảo để dạy những đứa trẻ rất mê học chữ ở đây. Học tập ông Sắt, ông Võ Mốc cũng kè chắn những hòn đảo nhỏ xung quanh, dựng miếu thờ Thiên Y A na và đàn Âm hồn. Năm cụm đảo này bây giờ là đất lành cho 400 thuyền thuộc tổ 21, 22 khu vực 7, phường Vĩ Dạ neo đậu, sinh sống. Các hộ đò ở đây giờ đã biết hình thành các quỹ tiết kiệm, chẳng hạn mỗi đò một ngày đóng 200 đồng, đến cuối năm “đổ ống” ra mổ heo ăn Tết. Cũng có một số chương trình xã hội do thanh niên Huế thực hiện ở đây, đưa được một số thanh niên trên đảo vào đất liền học các nghề may, điện lạnh... Đảo đang ngày càng gắn với đất liền.

Hai ốc đảo khác

Đứng ở Đập Đá nhìn về hướng Đông Nam, cách không xa (khoảng 600 m) có một hòn đảo nhỏ là đảo Bảo An Định. Đảo này nằm giữa dòng sông Như Ý, một nhánh của sông Hương mà cả khởi đầu và kết thúc đều ở sông Hương. Khởi thủy, đảo chỉ là một mô đất cạn giữa dòng, ông Võ Văn Đồng, làm nghề sông nước đã nhọc công lặn đá chắn kè khiến đảo ngày một lớn. Lúc rộng nhất của đảo là 150 m2, ông Đồng đưa cả gia đình ra đảo sống. Năm 1967, ông Đồng xin chính quyền hồi ấy lập miếu thờ thần rắn trên đảo và được chấp nhận.

Hiện, con trai ông Đồng là Võ Văn Thư đã xây một ngôi nhà trên đảo. Tuy nhiên, sống ở trên đảo vào mùa lũ là rất nguy hiểm. Năm 1999, lũ đã cuốn trôi 4 mạng người trên đảo Bảo An Định cùng với 50% diện tích đảo (đảo giờ chỉ còn 80 m2). UBND TP Huế đã quyết định cấp tốc giải tỏa các hộ ở trên đảo này và đã cấp đất cho gia đình ông Đồng, ông Thư ở phường Vĩ Dạ. Dù đã nhận đất, dựng nhà, con cháu đã đến ở, ông Thư vẫn cứ sống và làm ăn trên đảo.

Xuôi dọc sông Như Ý, về đến ngã ba sông Vân Dương có một hòn đảo nhỏ gọi là đảo Phao Võng. Vào thời Gia Long, ông Nguyễn Hữu làm nghề sông nước ở thôn Phao Võng, xã Hiền Vinh (Phú Lộc) cùng 5 gia đình khác chuyển lên vùng đất nổi ở ngã ba sông này làm nơi neo đậu, sinh sống bằng nghề chài lưới, lập nên thôn mới gọi tên là Phao Võng (để nhớ thôn cũ). Hòn đảo nhỏ giữa ngã ba sông này cũng mang tên Phao Võng từ đó. Lâu ngày, đảo hẹp dần, hậu sinh của họ Nguyễn lên cạn làm ăn sinh sống, chỉ còn lại một hòn đảo nhỏ với cây mân trên trăm tuổi và một am thờ Thiên Y A na khá lâu đời.

Lãng mạn cùng ốc đảo

Trên những ốc đảo đó, người ta thờ thần Thiên Y A na, thần rắn cầu mong mưa thuận gió hòa, thuận thuyền xuôi chèo để làm ăn, đánh bắt tôm cá... Lâu ngày, người trên cạn cũng ra đảo thờ cúng các lễ như: cúng bạc vớt, cúng xai-phan (cầu hồn), lễ thành, đám chay... Bởi vậy, những ốc đảo nói trên ngoài việc tạo vẻ mỹ quan độc đáo cho sông Hương, còn là những vùng đất tâm linh trên sông nước.

Năm 1995, giữa lúc các đảo, cồn trên sông Hương mai một dần, có một người chợt nhớ ra là kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn. Bấy giờ, với tư cách là chủ nhiệm đồ án “Quy hoạch tôn tạo cảnh quan hai bờ sông Hương”, ông Huấn đề nghị đưa cồn Dã Viên vào khai thác văn hóa du lịch. Trong đó, có đề xuất chuyển tuyến đường sắt qua Dã Viên sang hướng khác, giải tỏa tháp nước Dã Viên trên cồn... hình thành một hoa viên trên sông Hương, tháp nước cao 35 m sẽ cải tạo thành một khu vui chơi, giải trí, nhà hàng trên cao...

Rất tiếc là những ý tưởng ấy giờ vẫn còn nằm trên giấy. Nhưng rõ ràng trong mắt nhiều nhà du lịch, rất có thể thiết kế một tour du lịch bằng thuyền đến các đảo trên sông Hương. Có thể tận mắt nhìn thấy những phế tích về một lầu đài xưa kia cực kỳ hoa lệ trên Dã Viên, những con người trên các đảo, những làng nghề sông nước ở cồn Hến và tất nhiên, thưởng thức tại đây những món ăn hải sản tươi sống vừa đánh bắt từ sông Hương lên, hay cũng chỉ cần ăn cơm hến, chè bắp xứ cồn là đủ... Nếu may mắn hơn, có thể dự một buổi lễ cúng tâm linh miền sông nước. Đó không phải là những cái thú sao

Theo Hương Cẩn (báo Người Lao Động), ảnh internet
Du lịch, GO!