(LĐO) - Đi phượt Cà Mau, tôi chọn lúc đi bằng đường bộ, lúc về máy bay để có cơ hội đi qua Sóc Trăng và Bạc Liêu.

Sóc Trăng thường được đánh giá là một điểm đến không mấy thú vị, dân du lịch chỉ đi qua chứ không mấy khi ở lại. Điểm tham quan chủ yếu ở Sóc Trăng là chùa chiền. Tuy nhiên tôi lại cho rằng chỉ riêng ẩm thực Sóc Trăng thôi cũng đáng là một di sản.

1. Tôi đi lạc mùa, không được chứng kiến lễ hội Chol Chnam Thmay của người Khmer ở Sóc Trăng. Đến Sóc Trăng, nhác giống đi Phnom penh, đặc biệt là khi ta vào những ngôi chùa kiến trúc kiểu Khmer.

Trời nắng đổ lửa, đi qua những ngôi mộ tròn xoe như nắm cơm (kiểu mộ phần của người Khmer ở Sóc Trăng, người càng sang trọng mộ càng to, có mộ lùm tròn lên bằng cái nhà con) là sẽ đến khu vực yên tĩnh của chùa Mahatup với thấp thoáng bóng cà sa khoác trên những thân mình đen cháy, ngỡ đâu mình đã ra khỏi biên giới để lạc sang đất Lào, đất Thái.

Chùa Mahatup kiến trúc lộng lẫy, đến Tết Chol Chnam Thmay hay Ok Om Bok chắc sẽ tấp nập người nhưng thường ngày tĩnh lặng là thế. Ở Sóc Trăng, chùa cũng đồng thời là trung tâm lễ hội nên kiến thúc nội thất ở Mahatup chẳng khác nào cung điện, dù đã hao mòn, cũ kỹ qua 4 thế kỷ. Bên trong bày rất nhiều loại nhạc cụ kỳ lạ dành cho lễ hội mà tôi chưa nhìn thấy bao giờ.

Tuy là ngôi chùa lớn nhất và đông đúc nhất Sóc Trăng nhưng khuôn viên nom khá tiêu điều với cơ man là lá cây mục ải rắc đầy những vườn cây rậm rạp không người chăm sóc, rất khác với các ngôi chùa sạch sẽ, gọn gàng mà thâm u của phái Đại Thừa ngoài Bắc. Phía đằng sân sau Mahatup có chiếc ao nhỏ đầy cá. Cạnh đó một bà lão ngồi sau mấy lồng chim sẻ chật cứng. Bà mời tôi mua một chú chim phóng sinh. Tôi ngồi xuống chiếc ghế đá đầy phân chim bên cạnh ao, xung quanh rất nhiều rác và lá khô, cạnh đó là một ngôi mộ đắp ximăng tròn xoe.

Tôi ăn tạm bữa trưa bằng chiếc bánh mì mua dọc đường, lúc trời đã dần ngả chiều. Người Khmer gọi ngôi chùa này là Mahatup, còn người Hoa và người Kinh ở Sóc Trăng gọi là Chùa Dơi, vì đây là nơi cư trú của cả vạn con dơi, trong đó có cả chủng dơi ngựa đã được đưa vào sách đỏ thế giới. Khách phương xa vừa bước vào sân chùa đều ngẩng cổ cố tìm dơi nhưng nheo mỏi mắt chỉ thấy có lá cây đung đưa dưới bầu trời nắng gắt.

2. Hai ngôi chùa khác trong thành phố cũng thường được chú dẫn ở các thông tin du lịch là chùa Đất Sét và chùa Khleang, nhưng tôi chỉ thấy đặc biệt thú vị và độc đáo khi ở trong khuôn viên đặc trưng sắc Khmer của Mahatup. Trước khi đến Sóc Trăng, tôi cẩn thận ghi vào sổ tay những việc cần làm, ấy là phải ăn đủ những món sau: Cà ri gà, Phá lẩu, Bánh cống, Bún nước lèo, Bún xào, Bún gỏi dà, Bún vịt nấu tiêu, Bò nướng ngói...

Lúc còn ở nhà mà nghe qua mấy thứ đồ ăn chưa nếm thử bao giờ này đã muốn ứa nước miếng. Nhưng rồi chẳng thực hiện nổi, lý do là vì tôi phải vội vàng đi tiếp đến Bạc Liêu trước khi trời tối. Hãng xe du lịch liên tỉnh lớn nhất khu vực phía nam là Phương Trang, bận nào di chuyển trong ấy tôi cũng chọn Phương Trang. Xe chạy đúng giờ, có nước uống, khăn lạnh, tủ ủ đá, ghế ngồi đánh số, màn hình xem DVD, lơ xe kiêm hướng dẫn viên luôn thông báo cẩn thận thông tin chặng đến và đi. Anh ta đến từng hành khách hỏi xem muốn về chỗ nào ở Sóc Trăng để Phương Trang sẽ lo xe trung chuyển miễn phí trong phạm vi 5km. Tất cả cộng vào được miêu tả bằng một mỹ từ duy nhất là “Sự chuyên nghiệp”.

Phương Trang còn có hẳn một trạm nghỉ dọc đường to như cái nhà ga với vài chục hàng quán bên trong để khách nghỉ ngơi, mua sắm đồ ẩm thực và ăn trưa. Khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long trải dài cho đến Đà Nẵng chỗ nào cũng thấy dấu ấn của Phương Trang. Nhưng đến Sóc Trăng thì Phương Trang dừng lại đấy, không lo tiếp nữa, cứ như thể quên mất một chặng trên bản đồ vậy. Từ Bạc Liêu đến Cà Mau sẽ có xe Phương Trang, nhưng từ Sóc Trăng đến Bạc Liêu và ngược lại thì chẳng có hãng xe nào cả. Vào bến xe cũng vô ích thôi.

Muốn đi Bạc Liêu, ra đường quốc lộ mà bắt xe dù, người địa phương bảo thế. Nghe vậy đâm sợ. Tự dưng cứ thấy hoang mang như đang lạc sang tận Texas. Đường quốc lộ là ở mãi tận đâu, cách thành phố bao xa? Cứ đứng ven đường quốc lộ dưới chiều tà ngóng xe vùn vụt qua mà rủi không có xe nào đỗ lại thì biết đi đâu về đâu? Cuối cùng đành chọn cách không thể tiết kiệm là đi taxi. Từ Sóc Trăng về Bạc Liêu có 54km thôi mà phương tiện không hề thuận tiện. Kỳ lạ là thế. Người hai tỉnh không có việc gì phải đi sang nhau hay sao?

3. Trước khi rời Sóc Trăng, tôi bảo cậu tài cho vào tiệm bún nước lèo Cây Nhãn để ăn cố. Cũng giống như về Hội An mà bảo muốn đi ăn cơm gà, tài không cần hỏi đã dong thẳng về cơm gà Bà Buội, về Huế đòi đi ăn cơm hến thì tài chở ngay ra Cồn Hến. Đây cũng vậy, dù bất kỳ vỉa hè nào ở Sóc Trăng cũng đều thấy đề biển “Bún nước lèo” nhưng anh tài cười bảo: “Biết rồi, bún nước lèo chỉ có ở quán Cây Nhãn là ngon nhất”.

Quán Cây Nhãn không phải là một biển hiệu, chỉ là vì nó nằm dưới gốc nhãn mà thôi, tít sâu trong ngõ, cách chùa Đất Sét chừng gần cây số. Lối vào bị chặn ngang bởi một đám ma, cậu tài vòng xe đi lối khác, lại bị chặn ngang bởi một đám cưới. Hai lối vào duy nhất bị chặn đứng, cậu tài đưa mắt nhìn tôi hỏi ý kiến, ý rằng có muốn ăn bún nữa hay thôi? Tôi vội vàng tụt xuống xe bảo sẽ đi bộ vào.

Quán bún nước lèo trứ danh nằm sát bên bờ sông chảy ngang qua nội thị. Tôi đã vừa lỡ ăn no bụng trong sân chùa Mahatup, giờ cố gắng ních thêm bát bún. Tuy nhiên, bún nước lèo quả không hổ danh khi đã từng đoạt giải nhất ẩm thực tại Liên hoan du lịch Mekong. Bún nước lèo Cây Nhãn lại càng xứng đáng được dân phượt trên mạng đồn thổi. Vị của bún đơn giản, chỉ là kết hợp giữa thịt heo quay, cá lóc, mắm, hẹ, rau muống chẻ, bắp cải sống, hoa chuối, giá đỗ... nhưng vị ngọt lịm của cá lóc tươi, vị béo ngậy của heo quay, vị thơm lừng của hẹ và bát nước lèo dậy hương đã khiến tôi không để sót bất cứ thứ gì trong bát. Phía bên kia sông, người đi chợ chiều tấp nập và vội vã. Tôi cũng vội vã đứng dậy. Cậu tài chờ sẵn trong xe toét miệng cười hỏi “Ngon không chị?” - “Tuyệt”.

Cậu hỏi nếu tôi còn muốn ăn thêm món gì nữa, cậu sẵn sàng chở đến và ngồi chờ ngoài xe cho tôi ăn. Thôi chịu. Dù muốn đến mấy cũng không thể một buổi chiều mà đưa hết ẩm thực của người Sóc Trăng vào bụng. Khi còn ở Hà Nội, tôi mới chỉ được ăn lạp xường và bánh pía Sóc Trăng, vào đây mới thấy hết ẩm thực đa dạng biết chừng nào. Dễ ở lại một tuần mới trải nghiệm được hết.

Tôi sang xứ Lào, Thái, Campuchia (nơi có nhiều người gốc Khmer) đều thấy các bữa ăn ngon miệng, nên có lẽ nhờ những gia vị đặc trưng của người Khmer, lại kết hợp thêm tinh túy ẩm thực của người Kinh, người Hoa mà món ăn Sóc Trăng mới thành đậm đà khó quên như thế. Tuy nhiên trên đường về Bạc Liêu, tôi vẫn còn cơ hội ghé qua cửa hàng bánh cống ở xã Đại Tâm, xế bên chùa Chén Kiểu (cách trung tâm thành phố hơn chục cây số) để mua mấy chiếc mang đi theo.

Dễ đến gần chục hàng bánh cống với chảo mỡ sôi bốc khói ngay bên đường quốc lộ, nhưng cậu tài chỉ ghé vào một hàng duy nhất. Ấy là tiệm bánh cống “xịn” ở Đại Tâm. Nhưng tôi bị người bán hàng từ chối không bán với lý do: Khách ngồi chờ đông thế này, phải chờ nửa tiếng nữa mới có bánh.

Tôi đành sang hàng bên cạnh. Hàng bánh cống nổi tiếng thì khách đông bán không xuể, trong khi tất cả những hàng còn lại ngồi đuổi ruồi. Bánh cống bán 7.000đ/chiếc, là vỏ bánh bằng bột mì nhồi nhân thịt heo xay và đậu xanh. Bánh được rán trong chảo mỡ, ăn kèm các loại rau sống và nước mắm chấm. Tôi mua hai chiếc bánh mà được chủ hàng tiếp như khách quý với nụ cười tươi rói và gói cho một túi rau sống đủ ăn kèm với 10 chiếc nữa.

Đường về Bạc Liêu hút dài trong tà dương vắng lặng, Sóc Trăng lùi dần lại phía sau, nhưng vị bánh cống đeo đẳng mãi dư âm một vùng đất kỳ lạ, pha trộn ba nền văn hóa trong một món ăn chơi dọc đường.
Xem thêm >

Ghi chép của nhà văn Di Li (báo Lao Động)
Du lịch, GO!