(BQB) - Cách đây hơn 4 năm, chúng tôi được anh Đinh Hồng Nhâm ở thôn Quy Hợp 3, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình dẫn đến xã Tân Hóa để khám phá cụm hang động Tú Làn. Đó là một hệ thống hang gần kề nhau rất đẹp và tráng lệ, thạch nhũ muôn màu muôn vẻ, như: hang Ton, hang Tú Làn, hang Ken, hang Kim và nhiều hang động khác. Riêng tại hang Tố Mộ đang chứa đựng nhiều bí ẩn.

“Vua” Non

Theo những lời kể của các cụ cao niên ở xã Tân Hóa, cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp vào xâm lược nước ta, chúng đã kéo quân về xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa...

Mục đích của Pháp là đóng tại eo Chẹt giữa thôn Cổ Liêm và các thôn Yên Thọ một cái đồn hòng cắt đứt con đường huyết mạch nối huyện Minh Hóa với Tuyên Hóa đi qua đường Cây Khế, đàn áp phong trào cách mạng và cướp bóc dân làng.

Hồi đó, ở làng Cổ Liêm, xã Tân Hóa có người thanh niên cường tráng tên là Cao Non. Cao Non đã mất cha từ khi còn nhỏ, mẹ nuôi anh khôn lớn. Thương mẹ già nghèo khổ, Cao Non đã theo bà con vào rừng lấy mây về bán và thường xuyên ở lại trong rừng. Tối đến, anh ngủ lại bên một con thác và lấy những cây mây khoanh lại thành một “cái ổ” rồi chui vào đó nằm nhằm chống lại cái rét và thú dữ.

Hàng ngày, anh đưa mây ra khỏi rừng bán rồi quay lại giúp dân chuyển mây qua thác. Một hôm, có vị chức sắc trong vùng đi bói thì được thầy phán rằng: trong vùng có một người giỏi đủ đức, đủ tài có thể đứng lên giúp dân chống giặc. Thầy đã chỉ hướng đi, vị trí cụ thể cho các vị chức sắc tìm đến nơi ở của Cao Non. Khi đến nơi, các vị chức sắc đã trân trọng mời anh về giúp dân, giúp nước chống giặc ngoại xâm.

Về đến làng, Cao Non đã tập hợp được một đội quân hàng chục trai tráng khoẻ mạnh. Ban ngày, đội quân này dưới sự chỉ huy của Cao Non ẩn náu trong các hệ thống hang động để tập luyện võ thuật, sản xuất binh khí và bí mật theo dõi tình hình hoạt động của giặc nhằm tìm phương án tác chiến.


< Anh Đinh Hồng Nhâm (bên phải) trong hang Tố Mộ.

Thời gian này, giặc Pháp vẫn chưa xây đồn bốt kiên cố mà dựng lên các trại dã chiến để quân lính tá túc dưới những chân núi đá vôi. Biết giặc Pháp đóng lán dưới chân núi nên đêm đến là Cao Non cùng với đội quân mình xuất hiện trên những ngọn lèn cao dùng cung bắn tên độc và phóng lao tẩm nhựa cây cà boong vào lán trại của lính Pháp. Lán trại bị đốt cháy, binh lính Pháp bị chết và bị thương khá nhiều khiến chúng rất hoang mang, lo sợ. Nhiều lần bị Pháp truy kích, đội quân này đã nhanh chóng ẩn náu và biến mất một cách bí ẩn mà giặc không tài nào hiểu nổi. Nơi đóng quân, ẩn náu của Cao Non ở đâu thực dân Pháp cũng không thể tìm ra được. Có lần, chúng đuổi quân ta đến tận hang Ton rồi mất luôn dấu vết.

Một thời gian sau, mẹ của Cao Non lâm bệnh nặng, ông đã bí mật về thăm mẹ ở thôn Cổ Liêm. Khi gần tới nhà, chưa gặp được mẹ thì ông đã bị bao vây. Một mình ông đã dùng gươm chiến đấu lại cả chục tên lính và cuối cùng đã hy sinh. Dù vậy, hàng đêm quân của Cao Non vẫn tiếp tục xuất hiện trên những lèn cao bắn tên và phóng lao về phía lán trại của giặc Pháp, không cho chúng xây dựng đồn tại đây. Hoảng sợ trước sự tấn công của quân ta, giặc Pháp buộc phải rút khỏi Tân Hóa lên đóng đồn tại vùng Quy Hóa, nay là thị trấn Quy Đạt.


< Một mẫu xương trong hang Tố Mộ.

Cụ Trần Xuân Lạp, 83 tuổi ở thôn 3 Yên Thọ cho biết: “Sự hy sinh của ông Cao Non khiến người dân Tân Hóa nói riêng và vùng Kim Linh nói chung vô cùng thương tiếc. Để tỏ lòng biết ơn công lao của ông, người dân đã tự suy tôn ông là vua và thường gọi là vua “Non”. Đó thực sự là ông vua của lòng dân, do dân tự gọi như thế.

Từ đó, người dân ở đây không dùng từ “Non” trong giao tiếp hàng ngày nữa vì họ cho rằng như thế là “phạm thượng”. Để thay từ “Non”, các chức sắc trong vùng ngồi lại bàn bạc với nhau và thống nhất dùng từ “chợt”. Ví dụ: mít non, măng non thì gọi là mít chợt, măng chợt. Thậm chí, kể cả từ “non trẻ” họ cũng gọi là “chợt trẻ”... Và đến bây giờ, người dân vùng Kim Linh vẫn giữ nguyên cách gọi này.

Giải mã những bí ẩn ở hang Tố Mộ

Cuộc khám phá hang động của anh Đinh Hồng Nhâm bắt đầu cách đây khoảng 40 năm về trước. Ngày đó, anh mới lập gia đình nhưng cuộc sống rất khó khăn. Vì vậy, chàng trai trẻ đã vận động anh em đi làm nghề đánh cá. Trong thời gian làm nghề đánh cá ở đây, anh Nhâm đã phát hiện ra rất nhiều hang động đẹp. Trong đó có hang Ton, hang Tú Làn khô, Tú Làn nước, hang Tố Mộ nước...

Một lần, anh Nhâm đã đánh liều một chuyến khi bơi qua hang Tố Mộ nước rộng chừng 30m, qua một đoạn đường đá tai mèo lô nhô rồi lách qua một cửa hang nhỏ. Qua cửa hang đó, anh phóng đèn vào rồi bỗng giật mình khi thấy hiện ra trước mắt mình là cả một không gian rộng lớn, đầy thạch nhũ. Theo lời kể của anh Nhâm, trước đây trong hang này có hai dãy đá ở hai bên được sắp xếp thẳng hàng. Giữa hai hàng đá có những tảng đá nhiều màu sắc lộng lẫy được kết lại với nhau giống như một ngai vua thường ngồi. Hai bên ngai có 4 cột bằng đá thạch nhũ như được đúc tiện. Hai cột đứng trước cao hơn 1m, hai cột sau thấp thua và đều có mầu mận óng ánh rất đẹp mắt. Phía trước là một bãi cát rất mịn, trên cát có nhiều viên đá có hình dáng như những quả trứng gà, được mài giũa hết sức trơn, bóng giống như ngọc trai, có kích thước lớn nhỏ khác nhau.

Quay lại câu chuyện của ông vua Non và đội quân đánh Pháp cuối thế kỷ XIX, đối chứng với hang động này thì nhiều ý kiến cho rằng: Vua Non đã từng ở đây. Bởi trong những lần đội quân này bị thực dân Pháp truy đuổi chạy đến hang Ton thì mất tích. Từ hang Ton có thể đến hang Tố Mộ khô bằng 2 con đường. Một con đường đi qua hang động Tú Làn rồi bơi qua hang Tố Mộ nước, đi một quãng đường ngắn thì tới.

Cửa hang này rất khó tìm, lại nhỏ và được nhiều thân cây che chắn. Một con đường đến hang Tố Mộ khô nữa là đi từ hang Ton xuống bằng cách đu dây hoặc bắc thang. Bởi hang Ton nằm trên và thông với hang Tố Mộ khô qua một cái hang thẳng đứng, có độ cao khoảng 12m nhưng không thể đi xuống bằng đường bộ. Vậy nên, khi giặc Pháp truy đuổi, đội quân của ông Cao Non đã đu dây để trở về bản doanh nên quân Pháp không thể biết được.

Trở lại với cuộc hành trình của chúng tôi vào hang Tố Mộ năm 2009 cho thấy: Nơi đây đã có dấu hiệu của con người từng sinh sống. Trong hang có rất nhiều gốm sứ, bát đĩa và các vật dụng đã vỡ vụn thành từng mảnh. Ở đó, có rất nhiều bộ xương mà theo anh Nhâm đó là xương người. Bởi địa thế của hang này thì người dân đi làm ăn không bao giờ vào đó để sinh sống, hay chôn người chết cả, muông thú cũng rất khó để tới đây. Ngoài ra, dưới bãi cát mịn trong hang có rất nhiều than củi và một số vật dụng khác của con người.

Giải thích về tên hang Tố Mộ, anh Đinh Hồng Nhâm, anh Đinh Vũ Thường và một số người cao tuổi ở xã Tân Hóa đã cùng chung nhận định: Tên hang động này xuất xứ từ thời ông vua Non. Từ “Mộ” ở đây có thể là mồ mả, liên quan đến những cái chết. Bởi trong hang động này trước đây có rất nhiều xương như đã nói. Còn chữ “Tố” trong tiếng Nguồn có nghĩa là đố. Từ “Tố” có thể được hiểu rằng: Đố ai tìm ra hang động này hay là một sự thách đố của đội quân ông Cao Non đối với thực dân Pháp, nếu vào tới thì nơi đây sẽ biến thành mồ mả của chúng.

Vừa qua, Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh cũng đã phát hiện tại hang Tố Mộ có hai bộ xương người vẫn còn khá nguyên vẹn. Việc phát hiện này cho thấy hai bộ xương hoàn toàn có thể liên quan đến cuộc chiến đấu giữa đội quân ông Cao Non và thực dân Pháp, bổ sung cho cách lý giải về tên hang Tố Mộ của anh Nhâm, anh Thường và những người cao tuổi ở xã Tân Hóa.
Xem thêm >

Theo Xuân Vương (Báo Quảng Bình)
Du lịch, GO!

Tú Làn: hang động đẹp tại Quảng Bình