Chuyến đi của bác Mai Thanh Hải bên blog bác ấy. Mình đọc một lần, rồi lần nữa. Đến lần 3 thì thôi, cóp qua đây cho các bạn xem về một vùng đất cận kề biên giới: xã Xuân Trường.
Mời bạn xem và cảm nhận...

(MTH) - Các thôn bản của xã Xuân Trường (huyện Bảo Lạc, Cao Bằng) nằm lọt thỏm trong biển mây. Mùa hè, ngày nào quang quẻ lắm, cũng chỉ có nắng từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều và đêm ngủ vẫn phải đắp chăn bông. Mùa đông, cả xã co quắp trong cái lạnh buốt, túa ra từ trùng trùng núi đá, ùn ùn gió mùa đông Bắc từ bên kia biên giới tràn sang.

Trung tá Nguyễn Hồng Vinh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng  Xuân Trường (Đồn 147, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng) kể lại câu chuyện khiến mình ám ảnh mãi: Rét quá, đồng bào kéo lên kêu: "Đồn ơi! Rét quá!", khiến Ban Chỉ huy phải lệnh cho Quản lý xuất chăn bông dự trữ và vận động cán bộ chiến sĩ nhường lại vỏ chăn cho những gia đình thiếu chăn áo nhất...

Mình có thói quen từ rất lâu rồi, hồi mới làm báo là trước khi đi công tác đâu đó, phải tìm để biết mọi thông tin về nơi đến, từ lịch sử, vị trí địa lý, lịch sử, kinh tế... Tuy nhiên, khi "sớt gúc gồ", mình thất vọng thực sự, bởi ngoài những thông tin cực kỳ đơn sơ của wikipedia tiếng Việt, tất cả là con số 0.

"Xuân Trường là một xã của huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam. Phía Bắc giáp xã Khánh Xuân và Trung Quốc; phía Đông giáp Trung Quốc... Xã có diện tích 84,92 km², dân số năm 1999 là 3.548 người, mật độ dân cư đạt 41,8 người/km² và được chia thành 19 xóm (Cao Bắc, Bản Chuồng, Cốc Kạch, Lũng Mật, Lũng Pù, Lũng Pèo, Lũng Rạc, Mù Chảng, Nà Đoỏng, Nà Chộc, Phìn Sảng, Phia Phoong, Thua Tổng, Thẳm Tôm, Thiêng Lầu, Sà Phìn, Phìn Sảng, Bản Thán, Tả Sáy). Trên địa bàn Xuân Trường có một số ngọn núi (như Bó Héc, Cô Péc, Đin Đeng, Lắm Côm, Lẫm Cũm, Phia Phoong, Pờ Cả Tản) và các lũng (Áng Lỏng, Phát, Quang, Tày Đủm, Tràm) cùng hồ Thâm Lẩm, các dòng suối Cốc Tả, Piêng Pán, Tả Nọi"...
Hài hơn là Wikipedia hồn nhiên: "Đồn Biên phòng Đồng Mu đóng trên địa bàn xã".

Thông tin mông lung vậy, nhưng vẫn nhất quyết lên phên dậu Cao Bằng, qua tuyến đường Phú Thọ - Tuyên Quang - Hà Giang - Bắc Mê - Bảo Lâm - Bảo Lạc, theo sự chỉ bảo của các "thổ công, thổ địa".

Lọ mọ từ 8 giờ sáng, giữa chiều mới lên tới Bảo Lạc và chạy thêm gần 10 km đến xã Khánh Xuân. Trung úy Lâm, Cán bộ Tỏ Công tác của Đồn 147 đang chốt tại đây, đón tụi mình, lo lắng: "Mưa cả tuần, hiện cả 3 tuyến đường (Quốc lộ 34 - Lũng Pán - Hồng An - Xuân Trường; thị trấn Bảo Lạc - Khánh Xuân - Xuân Trường; Hà Quảng - Thông Nông - Xuân Trường) đều sạt lở nghiêm trọng, phải đi bộ - tăng bo xe máy vài tiếng đồng hồ!".

Tụi mình lục xe, kiểm tra lại đèn pin: "Thế mình đi, nhỉ?". Trung úy Lâm rút điện thoại báo cáo và quay lại dứt khoát: "Đồn trưởng đề nghị Đoàn ở lại ngủ đêm tại Tổ Công tác, sáng mai mới đi được. Hiện có vài điểm cao ướt nước, sập xuống đường bất cứ lúc nào. Đêm tối có chuyện gì xảy ra, việc cứu hộ - cứu nạn rất khó khăn!".

Ối Giời! Nói thế thì bố ai dám đi. Lục tục xách đồ, chia nhau nằm úp thìa trong phòng chật chội mà UBND xã Khánh Xuân, nhường cho Tổ Công tác.

Buổi sáng, sương mù õng ẹo gí vào mặt từng thằng, lôi dậy. Húp vội bát mì tôm ngâm nước sôi, thu dọn đồ gọn nhẹ nhất, đút trong ba lô và xắn quần, xỏ giầy vải - dép quai hậu, theo chân mấy anh em Tổ Công tác Biên phòng và Công an huyện, vào Xuân Trường.

Mình không kể nhiều về chặng đường đi bộ cả chục km, từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa, men qua những triền núi, cánh rừng mà chỉ nói vài chi tiết:

Ban đầu, thấy những tảng đá long chân, chênh vênh trên đầu, ở đoạn sạt lở, cả bọn còn co cẳng chạy qua. Nhưng về sau, có cả quả núi nằm trên, cũng chả còn sức mà chạy. Chặng đường đầu, gặp mưa còn lấy áo mưa ra mặc, về sau, chỉ lấy áo mưa bọc máy móc, không buồn che người, mặc cho hơi nóng trong người toát ra trong mưa lạnh, nhìn ai cũng mù mịt nhưng khói là khói;

Đứng dưới đường; nhìn lên 12 đoạn dốc chồng xếp nhau trên vách núi, phía tít trên là mờ ảo sương mây Khau Mè Pia “Cổng Trời”, muốn bật ngửa trở lại, mặc anh em Biên phòng đứng sau ủn đít: "Sắp tới rồi. Khắc đi khắc đến!" và mỗi đoạn dốc, lại bíu vào đá mà nghỉ, chân cứng nhắc không ngồi nổi;

Lên đến Đồn, cả bọn nằm vật, la liệt trước cổng khiến anh em ngồi đợi trong Hội trường, ùa ra tưởng... ngất xỉu...

Xuân Trường - Mình đã nghe và đã đến cái địa danh Xuân Trường của tỉnh Nam Định, san sát nhà cửa - chóp nhà thờ và sung túc, đầy đủ lúa gạo - cá muối - khói rơm thơm. Nhưng ở Xuân Trường của tỉnh Cao Bằng này, chỉ toàn núi đá, sương mù, lưa thưa vách gầy nhà tranh, mệt ngoài bám vào triền núi đá, để sống. Mà cũng phải bám vào đá, vào vách núi để mà sống, mà tồn tại chứ còn cách nào?..

Cả xã chỉ có duy nhất thung lũng Đồng Mu bằng phẳng trồng được ít lúa nước, mùa khô cạn như chảo rang, mùa mưa thấp thỏm mất mùa bởi lũ quét trên núi cao ộc về. Thứ lương thực triền miên, chủ đạo bao năm qua, đến nhà nào cũng thấy rặt ngô là ngô (thay cơm) treo đầy gác bếp và bí xanh lổn nhổn góc nhà (thay thức ăn). Thứ duy nhất bán được ra tiền là quả Mắc cọp mọc hoang dã trong vườn, trên núi với vị giòn giòn - chan chát, ăn xong rồi mới thấy vị ngọt đầu môi.

Mà lạ!. Hình như Trời đất cũng thương người dân Xuân Trường khốn khó, nên cái thứ quả "trời cho" này thơm ngọt đến kỳ lạ, đến mức người ta "phong vượt cấp" thành... quả Lê với câu ca từ xa xưa "gái Đồng Khê, lê Xuân Trường", dẫu rằng quả lê đó, nặng trịch trên vai người, luồn rừng - vượt núi gần chục km mới ra tới thị trấn và bán với giá rẻ mạt, để thương lái đưa về xuôi - sang bên kia biên giới làm vị thuốc tẩm bổ cho kẻ nhiều tiền...

Lẩn mẩn tìm hiểu, mới ớ ra: Đúng 1 năm trước, trung tâm xã mới có điện và cho đến nay, điện sáng vẫn là thứ xa xỉ với các thôn bản vùng cao khác. Đến nỗi mỗi dịp Lế Tết - cuối tuần, bà con trên núi ùn ùn đổ xuống cái vạt chợ nằm cạnh UBND xã, lơ thơ mấy hàng tạp hóa, để mua bán thì ít mà ngắm điện, xem xe máy chạy ẻn ẻn phần nhiều.

Hôm trước khi lên Xuân Trường, đồng nghiệp ở Báo Cao Bằng bảo tụi mình: "Nếu khó khăn quá thì sẽ xin... ngựa thồ của Đồn!", khiến mình trề môi: "Thâm sơn cùng cốc như Biên phòng Lai Châu, còn xóa biên chế ngựa, nữa là...". Thế nhưng lên đây, mới thấy là có những việc "không tin được, dù đó là sự thật".

Buổi chiều ở Đồn, trời "giải lao" tạnh mưa, tự dưng nghe lộc cộc ngoài vách tường và tiếng hí rất đặc trưng... ngựa. Ngó đầu ra, mấy cậu chiến sĩ Đội Vũ trang đang hì hục dắt ngựa lùa ngựa vào chuồng và cười: "Một số ngựa thồ vận tải còn gửi trong nhà dân đấy ạ!" khiến ý định: "Mơ màng phi ngựa kình kịch, trên đường tuần tra biên giới" của mình, đứt cái phịch.

Thiếu tá Minh, Chính trị viên phó của Đồn Xuân Trường kể: Những Tổ Công tác của Đồn nằm trên địa bàn núi cao, giáp cột mốc, xa dân, địa hình hiểm trở, toàn phải chặt cây - đan lá thành lán ở, suốt 4 mùa sương mù nhớp nháp, quần áo không bao giờ được khô. Mỗi lần tiếp tế lương thực - thực phẩm cho anh em, người đi chả nổi nên phải huy động... sức ngựa, mới xong.

Ngay sáng hôm sau, mình lại chứng kiến cảnh Tổ Công tác của BCH BĐBP Cao Bằng, trước khi lên Thôn bản xa, ai cũng cột theo 1 túi nhựa tròn vo. Hỏi ra mới biết: Phải mang sẵn gạo - thực phẩm, khi nào đói hoặc là tự nấu hoặc là tìm vào nhà dân nhờ nấu, bởi "đồng bào cũng chẳng có mà san sẻ cho mình!"...
Khó khăn thế, vất vả thế nên chuyện đi học cái chữ của con trẻ vùng biên giới Xuân Trường, gian nan đến cùng cực.

Mình lên Xuân Trường đúng dịp tụi trẻ con vẫn đang nghỉ, chưa phải đi học hè - học thêm như con trẻ dưới xuôi. Thế nhưng, lang thang các bản, vẫn thấy chúng nó vơ vẩn chơi đầu nhà, tha thẩn bế em, cắm mặt tẽ ngô, khệ nệ khuân củi...

Hỏi chuyện chuẩn bị năm học mới, đứa nào cũng im lặng quay đi. Khi về, tìm hiểu mới biết: Chúng nó không có khái niệm chuẩn bị. Vào năm học mới, tất tật sách vở - quần áo, đứa bé dùng lại của đứa lớn. Những đứa nào không có, đành chấp nhận... học chung.
Cô Hòa, Giáo viên Trường Tiểu học Xuân Trường kể: "Mùa đông, học sinh đến lớp phải mang theo củi, để đốt thành đống lửa xua đi cái rét, mới học được!".

Còn Trung tá Nguyễn Hồng Vinh, Đồn trưởng Biên phòng Xuân Trường thì thở dài: "Cứ dịp này (trước năm học mới), cán bộ chiến sĩ đi phép - tranh thủ đều có thói quen thu gom, xin sách vở - quần áo cũ, mang lên cho bọn trẻ con, gọi là động viên chúng nó đến lớp!" và lắc đầu: "Năm học này, toàn xã có trên 500 học sinh, giúp thế nào cho đủ?".

Ừ!. Biết giúp thế nào cho đủ, khi mà suốt dọc hơn 30 km đường biên giới Đồn phụ trách, cũng có từng ấy điểm trường chon von trên núi cao và gấp mấy chục lần từng ấy, những đứa trẻ - thế hệ tương lai bảo vệ biên cương, thiếu từ cái ăn, cái mặc, cái đọc, cái viết?. Lại nhớ đến cảnh gặp dọc đường Bảo Lạc: Cậu bé chắc học THCS, buộc tập vở mới sau xe đạp, qua chỗ xóc, mấy cuốn rơi xuống mặt đường lép nhép nước mưa. Cu cậu vứt xe ven đường, lấy vạt áo lau từng mép giấy dính bùn, gượng nhẹ...
Ừ!. Xuân Trường đâu có phải xa lạ gì đâu, mà cứ như bị cách biệt, quên lãng thế này?.

Lên đến mảnh đất địa đầu này, mình mới biết: Xuân Trường là bí danh của đồng chí Hoàng Văn Nhủng, Liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam hy sinh trong trận chiến đánh đồn Pháp ở Đồng Mu (Bảo Lạc) đêm mùng 4 rạng ngày 5/2/1945 của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và tên anh đã được đặt cho địa danh nơi ngã xuống: xã Xuân Trường.

Hoàng Văn Nhủng, quê ở bản Nà Nghiềng, xã Sóc Hà (Hà Quảng). Năm 1936, khi mới 18 tuổi, Hoàng Văn Nhủng và em trai Hoàng Văn Vân được giác ngộ và tham gia hoạt động Cách mạng với nhiệm vụ làm liên lạc viên.

Năm 1939, cả 2 anh em bị mật thám bắt, tra tấn dã man, giam giữ khoảng nửa năm, nhưng kiên quyết không khai. Được trả tự do, 2 anh em lại tiếp tục hoạt động. Để che mắt bọn mật thám, anh Nhủng lấy bí danh Xuân Trường.

Giữa năm 1940, Xuân Trường cùng với một số cán bộ Cách mạng tiêu biểu của Cao Bằng được cử đi học quân sự tại Hoàng Phố, Liễu Châu, Trung Quốc. Đầu năm 1944, Xuân Trường về nước và hoạt động chủ yếu ở vùng Lục Khu, Hà Quảng.

Tháng 12/1944, Xuân Trường là một trong những đội viên vũ trang xuất sắc của châu Hà Quảng được chọn vào Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ). Sau trận đánh Phai Khắt, Nà Ngần (Nguyên Bình) thắng lợi, Tiểu đội của Xuân Trường cùng với anh em trong Đội trở về Lũng Dẻ củng cố lực lượng rồi hành quân lên đánh đồn Đồng Mu - Pù Đôn (nằm ở  xóm Nà Đoỏng, xã Đồng Mu, Bảo Lạc, có nhiệm vụ kiểm soát đường từ Đồng Mu sang Sóc Hà, Hà Quảng và đường từ Pác Lũng, xã Huy Giáp sang Ba Bể, huyện Chợ Rã, tỉnh Bắc Kạn).

Đêm 4/2/1945, Đội VNTTGPQ dưới sự chỉ huy của các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hồng Sâm, Đàm Quang Trung đã thực hiện tấn công tiêu diệt địch và đồng chí Xuân Trường hy sinh ngay trong lúc xông vào nhà chỉ huy. Anh hy sinh tuổi đời còn rất trẻ, chưa có gia đình.
Ngày 19/8/1961, Liệt sĩ Hoàng Văn Nhủng được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công, được công nhận là Liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Mình về Hà Nội, đã hỏi rất nhiều người: "Ai là Liệt sĩ đầu tiên của Quân đội ta? Hy sinh ở đâu?" và đều nhận được những câu trả lời trật lất hoặc lắc đầu không hiểu. Không thể trách, bởi có ai nói, ai kể, ai nhắc lại cho mọi người biết đâu?.

Ngay nơi mà người chiến sĩ đầu tiên của Quân đội ta ngã xuống, bây giờ vẫn chỉ đơn độc 1 tấm đá trong khung vòm xi măng, dựng trên bờ thành xanh rì rêu phong, ghi những dòng đơn giản - ngắn gọn, nhắc tên, địa điểm, thời gian (mà nghe đồng bào kể lại: Hồi xưa Tướng Đàm Quang Trung về thăm lại chiến trường xưa, huy động dựng lên)... Quá nhỏ bé, sơ sài so với bao tượng đài, bia tưởng niệm đâu đâu!.

Cũng ngay gần nơi người chiến sĩ đầu tiên ngã xuống, một tấm bia ghi rành mạch "Danh sách các Liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chống giặc ngoại xâm" và trong số đội hình 42 người đã ngã xuống đó, tên tuổi của 3 chiến sĩ nằm lại trong những ngày đầu, tháng đầu đánh trả quân Trung Quốc xâm lược 2/1979, được tô đậm nét.

Và cũng ở nơi thịt xương các anh tan vào từng thớ đất, gốc cây, ngọn cỏ... - Bao năm qua, cả dải biên cương Xuân Trường được giữ gìn nguyên vẹn, qua cả chục năm đánh trả quân xâm lược, qua vài chục năm giằng co phân giới cắm mốc.

Sự toàn vẹn lãnh thổ ở vùng phên dậu Cao Bằng này, không "đao to búa lớn" như người dưới xuôi vẫn thường giảng giải, mà rất giản dị - gần gũi, từ việc giữ nguyên từng bờ đất, hòn sỏi, lũng suối cho đến vị ngọt của quả lê Xuân Trường, mùi thơm hạt gạo Đồng Mu và cả nỗi vất vả, truân chuyên, thiếu thốn trĩu trên vai anh lính Biên phòng, người già thôn bản, đứa lít nhít tới trường.

Mình rời Cao Bằng, cùng với đội hình hành quân của những lính trẻ Biên phòng 18-20 tuổi, băng rừng, men núi, gập người qua những vòng cung sạt lở, đứng chênh vênh định ào xuống vùi lấp. Trẻ trung lắm! Tươi tắn lắm! Tíu tít lắm!. Nhưng cũng trách nhiệm lắm, khi nhận nhiệm vụ ra ngoài thị trấn gùi muối, thồ xăng dầu cho vùng Xuân Trường bị cô lập, do đường sạt lở - tắc nghẽn bấy lâu...

Quãng đường xuống núi ngắn lại, có lẽ vì cảm thấy những vất vả của mình chả là gì so với những gì đã, đang hiện diện ở Xuân Trường.

Chia tay nhau, đám lính trẻ rối rít túm tay: "Nhớ lên với chúng em nhé!. Trên này cả năm, có khi chẳng có khách dưới xuôi lên thăm!" khiến mình mới chợt nhớ việc: Vào "gúc gồ" tìm kiếm, chỉ có đúng 3 thông tin về Đồn Biên phòng Xuân Trường (Đồn 147), của Báo Cao Bằng.

"Yên tâm! Mọi người dưới xuôi chắc chắn sẽ quay lại sớm với các em, với tụi lít nhít trẻ con biên ải Xuân Trường!". - Hình như lời hứa của mình khiến lính trẻ vui lắm. Chả thế mà khi đã vẫy đến mỏi tay, không nhìn thấy màu áo xanh Biên phòng nữa rồi, tiếng cười lính trẻ vẫn vẳng lại giòn tan, lăn dài trên triền núi, hòa cùng bát ngát lá xanh, trời xanh, nơi phên dậu Cao Bằng...
Xem nguồn >

Theo Maithanhhaiddk.blogspot.com
Du lịch, GO!

* Phên giậu, nghĩa đen là hàng rào - nghĩa bóng là vùng biên cương tổ quốc.
Bạn có nghĩ rằng ngày nào đó sẽ đi đến đây một chuyến? Có thể lắm chứ, những bàn chân phượt có chừa mảnh đất nào đâu...