Bạn muốn thực hiện một chuyến du lịch biển đảo? Bạn muốn lạc vào một chốn hoang sơ tràn ngập màu xanh thi vị? Vậy hãy mang balô và đi tàu từ bến Hàm Tử khoảng gần 2 giờ để đến Cù Lao Xanh, hòa mình vào thiên nhiên và khám phá nhiều điều thú vị khác...

< Cù lao Xanh nhìn từ tàu khách sau chặng vượt biển.

Cách thành phố Quy Nhơn chừng 13 hải lý về phía Đông Nam, Cù lao Xanh là một trong 4 xã đảo và bán đảo nằm gần vịnh Xuân Đài có diện tích 365 ha gồm các thôn: thôn Tây, thôn Trung, thôn Đông.

Đảo cách Sông Cầu - Phú Yên 6 km, xưa kia là đất của tỉnh Phú Yên, sau năm 1975, được sáp nhập về Quy Nhơn (thuộc đơn vị hành chính của xã Nhơn Châu, TP Quy Nhơn, Bình Định). Đây là một điểm đến lý tưởng cho những du khách ưa thích khám phá du lịch tự nhiên kỳ thú.



Từ cảng cá Quy Nhơn ra đến đảo Cù Lao Xanh, du khách sẽ mất khoảng 50 phút đi bằng tàu thủy cao tốc và trên 150 phút đi bằng tàu vận chuyển hành khách của ngư dân trong điều kiện trời yên biển lặng. Tàu đi Cù lao Xanh - Nhơn Châu thường xuất từ bến Hàm Tử lúc 13h00 mỗi ngày nhưng đến Nhơn Châu thường đã là chiều tối nên người ta ưa dùng ghe 3 lốc chỉ mất gần hai giờ.

Rời cảng Quy Nhơn từ cửa Hàm Tử, chúng tôi theo một chiếc đò của dân chài để bắt đầu cuộc hành trình đến với Cù lao Xanh. Quy Nhơn dần lùi xa, tàu như một chiếc lá nhỏ bồng bềnh trên sóng biếc biển khơi. Không biết cái tên 'Cù lao xanh' có tự bao giờ, chỉ biết rằng trên bản đồ địa chính quốc gia nó nhỏ hơn một hạt đậu xanh nổi trên mặt biển.

Từ ngoài khơi nhìn vào, ngọn hải đăng Cù lao Xanh sừng sững trên độ cao 120m, uy nghi giữa trời mây. Năm 1890, từ sự kiện một chiếc tàu thủy bị chìm vì đâm phải Hòn Cao (là đá ngầm) thuộc khu vực biển Quy Nhơn, thực dân Pháp đã quyết định xây dựng ở Thanh Châu (tên gọi cũ của Nhơn Châu) một ngọn hải đăng.

Thuở đó, sau khi xây dựng xong Tòa sứ ở Quy Nhơn, người Pháp bắt đầu đặt các phao hướng dẫn cho tàu bè ra vào cảng Thị Nại rồi xây ngọn hải đăng hướng dẫn tàu bè đi lại trên vùng biển này. Thời thuộc địa, người ta không gọi là hải đăng như bây giờ mà gọi là đèn pha Poulo Gambir. Kể từ đấy, hải đăng Cù lao Xanh đi vào lịch sử hàng hải quốc tế nhưng trước đó 4 - 5 thế kỷ, các nhà hàng hải phương Tây đã ghi lại trên các tấm bản đồ đi về phương Đông địa danh Poulo Gambir.

Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân lên đảo Cù Lao Xanh là một hòn đảo nhỏ nằm giữa biển Đông, được bảo phủ bởi một màu xanh của cây, hòa quện với màu xanh của nước biển tạo thành một bức tranh thiên nhiên đẹp kỳ thú. Thiên nhiên, nơi đây còn khá hoang sơ với những dãy núi uốn quanh xanh ngút ngàn, những tảng đá tự nhiên chồng lên nhau rất đẹp mắt. Những rạn san hô, bãi đá ngầm, hòn ông già nhấp nhô giữa biển.

Nơi chúng tôi chọn làm điểm đến đầu tiên cho hành trình này đó chính là trạm hải đăng Cù Lao Xanh được xây dựng song song với hải đăng Cù Lao Xanh. Tòa nhà này là một công trình khá độc đáo gồm 2 tầng, rộng 10m, dài 40m, có 16 phòng trước đây là khu nhà nghỉ của quan Pháp, nay được dùng làm trạm hải đăng.

Tòa nhà này cũng được xây dựng bằng gạch vồ với tường dày tới gần nửa mét và nền móng xây bằng đá tảng kiên cố. Ðặc biệt, ở đây có một hệ thống dự trữ nước mưa không bao giờ cạn đặt trên tầng sân thượng. Nước chảy xuống nhiều ống có lưới gạt, lọc bụi, rác nên khi nước chảy xuống bể sâu ở tầng hầm cuối cùng thì rất sạch.

Hải đăng Cù lao Xanh cao 119 mét tính từ mực nước biển gồm 3 phần: chân tháp được xây 32 bậc thang bằng gạch vồ; thân tháp hình trụ, cao 19 mét, bên trong có một cầu thang lượn hình xoắn ốc 58 bậc. Hải đăng Cù lao Xanh là một hòa quyện tuyệt diệu giữa hai phong cách kiến trúc Ðông – Tây; vừa mang hơi hám của trường phái kiến trúc Gô-tich, vừa có dáng dấp kiến trúc phương Ðông. Kết cấu của hải đăng phân bổ hài hòa, hợp lý.

Vào trong lòng tháp, đi hết cầu thang lượn xoắn ốc người ta sẽ tới tầng chính, nơi để ngọn đèn pha có độ chiếu sáng gần 25 hải lý (tương đương 50km). Ban đầu, đèn dùng bằng gas, vòng quay phải dùng bằng một quả tạ cơ năng làm cho đèn quay. Năm 1957, đèn được thay thế bằng điện (công suất bóng 1000W). Năm 1984, đèn lại được thay bằng một hệ thống mô-tơ từ trường. Mô-tơ này điều khiển mâm quay. Mâm quay cấu tạo nhiều lỗ tròn dùng để hạ định tốc độ, được điều khiển bằng một bán dẫn điện tử làm cho tốc độ luôn luôn cố định. Chu kỳ của vòng quay là 12 giây: gồm 3 tia ngắn, 1 tia dài.

Đứng từ trên đỉnh núi dưới chân ngọn hải đăng nhìn xuống, ta sẽ thấy toàn cảnh Cù lao Xanh như một bàn cờ với gần những nóc nhà làm thành những cái ô trên bàn cờ ấy. Cù Lao đẹp như một bức tranh với màu xanh chủ đạo trải dài từ những ngọn dừa đong đưa trong gió, lan tỏa trên những cây bàng non chạy dọc bờ biển và ngút ngát trên mặt biển mênh mang bất tận.

Bãi trước là cát trắng nhìn vào đất liền, nơi cư dân trên đảo sinh sống. Còn bãi sau toàn đá, những tảng đá khổng lồ xếp chồng lên nhau quanh năm chống chọi với gió hú và sóng gầm. Xa xa là bọt sóng và bụi nước tung lên trắng xoá cả một vùng trời biển.

Từ ngọn hải đăng, chúng tôi đi men xuống theo hướng tây bắc là suối Giếng Tiên. Tên suối xuất phát từ một truyền thuyết kể rằng, xưa kia vào những đêm trăng sáng các nàng tiên trên trời hay xuống suối để du ngoạn, tắm mát và vui đùa rồi mới bay trở về trời. Có dịp tới đây, du khách hãy một lần đến tắm ở suối để cảm nhận được vị ngọt tinh khiết của nước suối và hương vị mặn mòi của biển cả phảng phất trong không khí.

Rời suối Giếng Tiên, chúng tôi xuống chân núi và men theo một con đường dài chừng 3km trải đầy hoa dại hai bên để đến phía bắc của Cù Lao Xanh.

Đến đây, ngắm nhìn những hòn đá đủ hình thù, dõi mắt theo đôi chân nhảy nhót của những chú chim biển… chúng tôi như thực sự tan biến vào thiên nhiên tươi đẹp. Tại đây còn có một bãi cát nhỏ mà rùa biển thường lên đào ổ đẻ trứng và nếu may mắn, du khách sẽ có cơ hội nhìn thấy đàn rùa con bò trên bờ cát để về với biển.

Du khách nhớ đem theo cần câu để khi mỏi chân, hãy ngồi nghỉ bên ghềnh đá và buông cần câu hay lội nước bắt một ít ốc vú nàng. Khách có thể gom củi rừng, xỏ xiên cá nướng chấm muối ớt, chén ngay tại bãi món hải sản tươi ngọt và thơm lừng hoặc mang về nhà dân nhờ nấu canh chua lá giang. Hào thì có thể dùng ngay bằng cách hơ trên lửa, hào há miệng, vắt chanh lên, điệu nghệ hơn thì nặn chút mù tạt là có thể ăn ngay.

Đến giữa trưa, chúng tôi quay trở lại với làng chài và được những người dân nơi đây chiêu đãi bữa cơm đạm bạc của xứ đảo với những món ăn tươi ngon vừa được đánh bắt. Sau bữa trưa, những người dân nơi đây đã hướng dẫn cho chúng tôi ra dọc bãi Nam ngay trước làng chài để ngắm san hô. Tuy nằm gần kề làng chài đông đúc dân cư sinh sống nhưng rặng san hô ở đây vẫn còn nguyên sơ lắm, không cần lặn sâu như những nơi khác cũng vẫn thấy được sự đa dạng, phong phú về chủng loại cũng như màu sắc tuyệt đẹp của 'hoa biển'.

Chiều về, ngồi ngắm hoàng hôn trên cầu cảng; khách sẽ thực sự ngây ngất trước cảnh những người dân đảo ngồi vá lưới nói chuyện bên bờ biển, những em nhỏ hồn nhiên nô đùa, giỡn sóng, và những chiếc thuyền đánh cá dập dềnh xa xa trong một buổi chiều bình yên chín đỏ. Nếu một lần ghé thăm miền đất võ, du khách hãy một lần ghé thăm nơi đây để khám phá, hòa mình vào trời xanh, biển xanh và một Cù lao Xanh.

Hướng dẫn thêm

* Di chuyển:
- Nhơn Châu - Quy Nhơn: 1 chuyến/ngày, xuất phát khoảng 6h30-7h00 sáng
- Quy Nhơn - Nhơn Châu: 1 chuyến/ngày, xuất phát khoảng 13h00 chiều
- Có thể thuê tàu từ bến Hàm Tử để đi về trong ngày (từ Quy Nhơn đến Nhơn Châu mất khoảng 2 tiếng rưỡi - tàu gỗ).

* Nơi ngủ nghỉ: UBND xã có nhà khách (2 phòng ngủ) dành cho khách sang công tác. Trên đảo không có resort, hotel, nhà nghỉ.

Tuy nhiên bạn cũng không nên lo lắng vì người dân trên đảo khá hiếu khách, bạn có thể ở cùng họ. Hoặc ra đảo mang theo lều, trại để ngủ giữa thiên nhiên.

* Nhà hàng, quán ăn hầu như không có. Chỉ có một vài quán cafe nhỏ. Đồ ăn nên chuẩn bị trước từ Quy Nhơn. Bạn có thể mua đồ ăn của ngư dân ở đây và tự nấu hay nhờ người ta nấu giúp.

* Mùa khô đảo thiếu nước ngọt. Mùa mưa bão có thể thiếu lương thực vì bị cô lập (hải sản thì không thiếu). Máy điện của xã chỉ phát điện từ 17 giờ đến 23 giờ hàng ngày.


Du lịch, GO!

Cù lao Xanh - Quy Nhơn
Một chiều với hải đăng Cù Lao xanh