(BQB) - Vực An Sinh hay có tên gọi khác là Trôốc Vực, được nhắc đến như một địa danh linh thiêng nằm ở thượng nguồn dòng Kiến Giang. Sự bình yên, mênh mang vùng sông nước nơi đây gắn liền với những huyền sử mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử của Lệ Thủy. Nhắc đến vực An Sinh, người ta truyền nhau câu ca: “Trôốc Vực không đáy chàng ơi/Phải lên trên nớ nói lời phôi pha”.


Vực thiêng

Tương truyền, vực An Sinh (xã Trường Thủy) là nơi quần tụ của rồng thiêng và có người tiên thường xuyên ghé thăm. Chính vì vậy, khúc sông qua đây yên tĩnh đến kỳ lạ. Khi thuyền đến nơi này, sóng nước lung linh, uốn lượn, cảnh sắc hữu tình khiến ai cũng ngất ngây.

Vực An Sinh là nơi hợp lưu nguồn nước của sông Rào Con và Rào Mệ. Nước từ thượng nguồn đổ về gặp nhau tại ngã ba dòng Kiến Giang xoáy mạnh tạo ra một vùng rộng lớn. Cứ thế, hàng trăm năm trôi qua, ở đầu nguồn, sau biết bao mùa mưa lũ, vực càng ngày càng sâu, càng rộng nên người dân địa phương gọi là Trôốc Vực.


Lần theo những huyền tích lịch sử, vào năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông cùng tùy tùng tuần thú phương Nam đến Lệ Thủy và lập nên am Tri Kiến (chùa Kính Thiên, Hoằng Phúc sau này). Phật hoàng và các quần thần thân tín đã phát hiện và du viễn ở Trôốc Vực. Khúc sông đẹp, đầy chất thiền, thế núi tựa như cái yên ngựa, hai bên có núi bao quanh, linh khí tỏa ra trầm mặc nên ngài đã dừng lại khá lâu.

Sông thiêng từ đó được lưu truyền, chim chóc kéo đến quần tụ, có cả chim công, chim trĩ, chim phượng… Vì thế, vực sông thêm thanh bình, nảy nở được coi là chốn phúc thủy đầu nguồn dòng Kiến Giang. Theo đại đức Thích Khải Đạo, giám tự chùa Hoằng Phúc, từ An Sinh theo quan điểm của Phật giáo (phái Trúc Lâm) có nghĩa là: Nơi sinh ra sự an lành, khu vực sinh sống an lạc.


Từ cách lý giải này, có thể hiểu, hàng năm, chùa Hoằng Phúc làm nghi lễ rước nước từ vực An Sinh về chùa để cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an và tưởng nhớ đến Phật hoàng Trần Nhân Tông là vậy.

Đặc biệt, trong lễ Phật đản nhà chùa dùng nước vực An Sinh để tắm Phật. Ở nghi thức này, toàn bộ đạo tràng tụng kinh kệ rồi đi đến tượng Phật sơ sinh đặt trong bồn nước, chắp tay đảnh lễ, dùng gáo dừa múc nước nhẹ nhàng tưới lên hai vai Phật, đồng thời lắng lòng quán tưởng về dòng nước cam lộ rửa trôi tham, sân, si ra khỏi tâm tư. Điều này khích lệ lớn lao với các phật tử và cũng là giữ gìn nghi lễ văn hóa tôn giáo của người dân Lệ Thủy hàng trăm năm qua.


Vực An Sinh còn gắn liền với lời truyền tụng, vua Hàm Nghi sau khi bỏ kinh thành Huế ra Quảng Bình (năm 1885) đã cùng các sĩ phu yêu nước ngang qua đây. Do đường sá xa xôi, địa hình đồi núi hiểm trở, việc đi lại vô cùng khó khăn nên vị vua yêu nước này đã ra lệnh cho quần thần thả xuống vực An Sinh 3 hộc vàng. Về sau, người dân làm nghề cát sạn, các thợ lặn giỏi nhất huyện lần lượt đến đây tìm nhưng không thấy.

Người dân địa phương còn có truyền thuyết, dưới đáy vực An Sinh có thủy cung nguy nga, tráng lệ và bà thủy tiên ngự trị nơi chốn đầu của dòng Kiến Giang. Vì thế, mọi người ở đây đã lập miếu thờ bà. Trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, miếu thờ bà vẫn được người dân thờ phụng.


Đánh thức sứ mệnh

Được bao bọc bởi dãy núi Yên Mã hùng vĩ, vực An Sinh như một lòng chảo đón nhận nước từ sông Rào Mệ và Rào Con đổ xuống. Đây được coi là vực sâu không đáy. Sách “Ô châu cận lục” của  tiến sĩ Dương Văn An viết: "Thế núi cao, dáng hình uốn lượn, chỗ đứt đoạn, chỗ liên tục, chỗ đổ xuống chỗ ngóc lên, trông như hình cái yên ngựa. Hai bên tả hữu có các núi vây quanh, có chỗ như ký mã thong dong, có chỗ như tuấn mã hăm hở. Tinh thần phong phú, khí vượng dồi dào...".  Điều làm nên giá trị của vực An Sinh là cảnh quan thanh bình, độc đáo, tạo nên dòng Kiến Giang trong xanh, thơ mộng.

Bởi ở thượng nguồn dòng Kiến Giang là nơi vực thiêng nên người dân Lệ Thủy có ý thức giữ gìn, bảo vệ nguồn sinh thái tự nhiên. Các loài cá nổi tiếng của Lệ Thủy, như: Cá tràu, cá chép, cá chưng, cá diếc, cá thát lát… hiện còn rất phong phú. Vì nước sâu nên nhiều loài cá có kích thước lớn, có râu, da láng bóng, xanh rì màu rêu.




Vẻ đẹp của vực An Sinh tựa viên ngọc lấp lánh trên dòng Kiến Giang. Mặt nước phẳng lặng, trong veo như một tấm gương in đậm bóng núi, mây trời. Thi thoảng có vài chiếc thuyền của người dân ngang qua tựa như những chiếc lá rơi xuống, lênh đênh...

Vào sáng sớm, vực An Sinh thấp thoáng trong màn sương ẩn hiện với bộ váy trắng tinh khôi. Khi nắng lên, mặt nước của vực ửng hồng, chấp chới ánh xạ vào dọc hai bên bờ, tạo nên một vẻ đẹp kì thú. Khi màn đêm buông xuống, vực An Sinh như đôi mắt của núi rừng, vừa trữ tình điềm đạm, vừa long lanh, tha thướt. Tôi có may mắn cùng các nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy lên đây vài lần.


Trên chiếc thuyền theo dòng nước, điệu hò khoan vang lên bừng thức cả khúc sông. Tiếng lá rơi, tiếng nhịp phách dặt dìu vừa vang xa, vừa sâu thẳm khiến ai ai cũng mê đắm, không muốn về. Cùng với các làn điệu hò khoan, chúng tôi nhấp chén rượu cay nồng, thưởng thức món tôm nộm, cá nướng với bếp lửa than hồng đượm.

Có người nói rằng: “Sự khởi nguồn thịnh vượng cho đô thị là sứ mệnh của các dòng sông”, ý nhấn mạnh đến vai trò bồi tụ văn hóa, kinh tế của miền sông nước. Vực An Sinh là khởi nguồn của dòng Kiến Giang trầm tích, phát quang bao vẻ đẹp truyền thống, khát vọng của người dân Lệ Thủy, tạo nên dòng văn hóa bền chặt, độc đáo. Muôn đời vẫn thế, vực An Sinh miệt mài gạn đục buồn vui, khơi trong dòng nước Rào Mệ, Rào Con để lưa giữ những giá trị văn hóa tinh thần quý báu của người dân xứ Lệ.

Theo Ngô Mậu Tình (Báo Quảng Bình)
Du lịch, GO!