(Bùi Văn Hoằng) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước: thực hiện chủ trương chiến lược ngày 15/9/1959, Bộ chính trị và quân ủy trung ương đã quyết định, thành lập đoàn 559 để mở đường giao liên, mở đường vận tải quân sự chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Đi qua đất Quảng Bình có nhiều con đường xuyên Trường sơn đó là đường 20, đường 15A, đường 12A, đường 16A, đường 10 hay còn có tên là đường 20/7…
Đường 10 là con đường sinh sau đẻ muộn, đường 10 xuất phát từ ngã ba Áng Sơn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, xuyên Trường Sơn đi về phía tây có chiều dài 72km.

Do thất bại ở khắp các chiến trường miền Nam, địch tăng cường đánh phá nhằm ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường miền Nam của chúng ta. Vì vậy tháng 4/1967 Trung ương đoàn  và Bộ giao thông vận tải đã huy động 6000 TNXP ở các tỉnh phía Bắc vào tham gia mở đường. Đường 10 đã đổ không ít máu xương của chiến sĩ ta, vì vậy mới có câu “ Chưa đi chưa biết đường 10, đi rồi mới biết sức người sức ta”.


< Ngầm Long Đại trên đường 10.

17g ngày 13 tháng 4/1971 C449 TNXP huyện Hà Trung đặt chân lên đường 10, đêm đầu tiên dừng chân ở rừng cao su Quảng Ninh tất cả không ai chợp mắt được. Sáng hôm sau chúng tôi bắt đầu hành quân vào đường 10. Cái nắng tháng tư như đổ lửa, đường quanh co, đèo dốc, trên bầu trời bọn F4 chao đảo dòm ngó.

Chiều hôm ấy đơn vị chúng tôi tập kết đầy đủ tại km 45 và cũng chính là nơi đơn vị đóng quân. Doanh trại đơn vị cách tuyến đường khoảng 1km. Bên kia con suối là bệnh xá của tổng đội 44 và mấy đơn vị dân công hỏa tuyến quê Hà Tĩnh. Đơn vị được đảm nhiệm cung đường từ km43 đến km48, từ km 48 trở vào đường quanh co, nhiều đèo dốc hiểm trở, cua gấp.

Lên đến km50 là cung đường do C445 TNXP huyện Vĩnh Lộc đảm nhiệm. Đoạn đường này càng lên cao càng hiểm trở, một bên vách đứng một bên vực sâu. Càng đi lên thì sương mù càng dày đặc, lên đến km57 là đỉnh dốc thì chỉ thấy một màu trắng đục của sương. Tại vị trí này nếu vào những ngày nắng, trời trong thì sẽ nhìn thấy biển Quảng Bình. Đi vào từ km58 thì đường chuyển hướng, vách núi bên phía đông còn phía tây thì vực thẳm, buổi chiều hưởng trọn cái nắng Trường Sơn.


< Cầu Long Đại trên đường 10 (thời chiến tranh nơi đây là ngầm).

Vào một đêm cuối tháng 10/1971 tại km 62+500, có một chiến xe téc chở đầy hàng nhu yếu phẩm bị lăn xuống vực nhưng rất may  chiếc xe dừng lại cách mặt đường khoảng 20m vì có một cây to ngăn lại. Hai chiến sĩ lái xe đã được các chiến sĩ C447 TNXP huyện Thiệu Hóa kịp thời đưa vào trạm quân y27 cấp cứu. Đi tiếp đến km67, hoặc 68 thì có nhánh rẽ vào một con đường, đường này gọi là đường 16E.

Được biết để chuẩn bị chiến dịch đường chín Nam Lào thì đường 16E được mở để rút ngắn cung đường vào đường 9. Vì thế con đường này bị máy bay đánh phá ác liệt, dọc đường chỉ có màu đỏ của đất. Đi vào đường 16E chừng 400m thì có lối rẽ vào Cù Bai nơi ấy có khu tăng gia, trồng rau chăn nuôi lợn, gà của Ban hậu cần E98 công binh và đơn vị chúng tôi.

Trở lại với km68 đường 10 đó là một cua gấp khúc thường gọi là cua tay áo, từ km68 đến km70 đường 10 thì đường thấp dần, tại vị trí km70 là lối rẽ vào đơn vị và trạm quân y27 và một số đơn vị xe…
Đơn vị C449 chúng tôi vào chốt giữ km68 đến km72 từ tháng 6/1971. Vào km71+500 phải qua cái ngầm, nơi đây được gọi là ngầm Dân Chủ, nơi này máy bay đánh phá ác  liệt không kể ngày đêm vì thế còn có tên ngầm Âm Phủ. Ở ngã ba Dân Chủ đường 10 gặp đường 16 rồi từ đây đi tiếp vào đường 9.


< Bia di tich lịch sử Tăng Ký (km 33 đường 10).

Những tháng năm ở Trường Sơn biết bao gian khổ hy sinh, thiếu thốn, mưa rừng, nắng lửa, cái sống cái chết cận kề. Vậy mà từ cán bộ đến chiến sĩ tất cả đều lạc quan, yêu đời. Cuối năm 1972 đơn vị chúng tôi được lệnh ra chốt đường ngầm hay còn có tên gọi đường xe con, vì con đường này đi dọc theo một con suối cạn, chính con đường này là điểm xuất phát đường ống xăng dầu đi vào phía nam.

Cũng trong thời gian này đơn vị C449 được tổng đội 44 bàn giao cho trung đoàn công binh 99 thuộc đoàn 559. Chúng tôi rời tây Trường Sơn ra chốt giữ đường 15A, nơi có bến phà Long Đại. Mức độ ác liệt ở đây cũng kém gì ngã ba Dân Chủ đường 10. Nhưng với tinh thần “Sống bám cầu, bám đường/ Chết kiên cường dũng cảm”, đơn vị chúng tôi luôn vượt lên bom đạn để đảm bảo cho những chuyến xe ra trận.

Xa núi rừng trường Sơn, chúng tôi lại được sống trong sự yêu thương đùm bọc của bà con thôn Xuân dục. Các mẹ, các chị các em đã tạo mọi điều kiện để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Thời gian qua đi, chiến tranh lùi vào dĩ vãng nhưng những địa danh: Ngã ba Dân Chủ, km 69, cua Tay áo, km45 đường 10, km7 và km20 đường xe con rồi bến phà Long Đại mãi mãi là những kỷ niệm của một thời Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ.

< Sông Sê Băng Hiêng.

Sau chiến tranh đường 10 hầu như quên lãng, nhiều đoạn không còn là đường nữa, cây cối cỏ mọc rồi đất sụt lở và đường 10 chỉ còn trong ký ức. Đến năm 2007 đường 10 được khôi phục lại và nay đường 10 là con đường nối hai nhánh Đông và Tây Trường Sơn, đường 10 được khôi phục là một sự kiện lớn đối với đồng bào Vân Kiều sống dọc tuyến đường, bởi vì họ được thông thương với đồng bào miền xuôi.

Chính đường 10 như một sợi chỉ đỏ nối xã Vạn Ninh huyện Quảng Ninh với các xã Ngân Thủy, Lâm Thủy của huyện Lệ Thủy và cũng là con đường đem lại no ấm và tương lại tươi đẹp của đồng bào các dân tộc tỉnh Quảng Bình.

Bùi Văn Hoằng
Hà Bình-Hà Trung-Thanh Hóa
Email: hoang1592@gmail.com
Du lịch, GO! trân trọng cảm ơn tác giả.

Còn mãi những con đường...