Người dân gọi là thị trấn 52 - tức tên “ăn theo” cột mốc giao thông trên QL18B, còn giới tài xế thì gọi là thị trấn “Bụi đời”...

< Một góc thị trấn “Bụi đời”.

Chỉ chừng chục nóc nhà sàn nằm rải rác ở bìa rừng, vài cụm quán xá bám theo con đường duy nhất là QL18B (Lào).
Ở đây, bụi đất đỏ luôn phủ một lớp dày, nhuộm màu úa cũ cả một vùng định cư mới. Điều đặc biệt là cư dân “bán trú” ở cái thị trấn này đều là dân tứ chiếng giang hồ, là những người tha phương buôn bán, kẻ dừng chân đường dài... Người dân gọi là thị trấn 52 - tức tên “ăn theo” cột mốc giao thông trên QL18B, còn giới tài xế thì gọi là thị trấn “Bụi đời”...

Miền biên viễn...

Mặt trời chợt tắt lịm phía sau khu rừng già. Buổi chiều vùng biên giới Việt - Lào lặng ngắt. Tôi vội vã làm thủ tục xuất cảnh rồi loay hoay mãi mới tìm được chỗ đổi tiền kíp. Hoá ra, siêu thị miễn thuế ở khu Kinh tế thương mại cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) lâu nay đã... đóng cửa im ỉm vì ế ẩm. Một cửa hàng đổi tiền, bán dăm cái sim, card điện thoại Lào là nơi duy nhất còn hoạt động ở bên ngoài bờ rào.

< Siêu thị miễn thuế tại Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y luôn trong tình trạng ế ẩm.

Thêm một chiếc xe khách từ Đà Nẵng đi Attapeu, Pakse (Lào) cũng hối hả đổ khách để kịp giờ xuất cảnh. Dường như gần 300 cây số đường đèo quanh co của đường Hồ Chí Minh từ Đà Nẵng lên đến đây, đã khiến phần lớn hành khách đều xác xơ, mệt nhoài. Vừa bước xuống xe, Tâm đã lê những bước chân chệnh choạng, rồi chạy nhào đến vệ đường nôn oẹ, dù chẳng còn thứ gì trong ruột.

Từ 7 năm trước Tâm đã sang Lào, buôn bán ở ngã ba SenNo (tỉnh Savanakhet), rồi quen một anh chàng người Quảng Trị, họ cưới nhau và ở lại luôn bên Lào làm ăn... và thế là bặt tăm. Nhưng cuộc hội ngộ này ngắn ngủi bởi sắp hết giờ hành chính, cửa khẩu ngừng làm việc, nên tôi cũng chỉ có thêm ít thông tin, rằng “vợ chồng em đã chuyển về thị trấn 52”. Tâm cho biết vừa mang con nhỏ về Việt Nam gửi nhờ ngoại trông hộ. Hình ảnh người đàn bà yếu gầy, mệt nhoài bởi bụi đường xa, tất tả lên chuyến xe chiều khiến tôi cứ ám ảnh mãi về cái thị trấn mới có tên 52 bên con đường mới mở.

< Cửa khầu Bờ Y.

QL18B dài 113km, nối từ thị xã tỉnh lỵ Attapeu (Lào) đến cửa khẩu Phù Kưa - Bờ Y, được Lào xây dựng mới, khánh thành năm 2006. Đây là tuyến giao thông huyết mạch nối các tỉnh Nam Lào, thông thương ra biển để đến với thế giới thông qua các cảng biển của miền Trung Việt Nam. Từ ngày QL18B đưa vào hoạt động đến nay, lưu lượt khách qua cửa khẩu quốc tế Phù Kưa - Bờ Y mỗi ngày từ 1.500 đến 2.000 người, phần lớn là người Việt sang Lào làm ăn và du lịch.

Attapeu là tỉnh cực nam của nước Lào, đất đai rộng lớn với hơn 13.000km2, nhưng dân số chỉ chưa đầy 130.000 người, lại phân bổ thưa thớt theo các bản làng heo hút với mật độ 20 - 25 người/km2. Bởi vậy, trên suốt quãng đường hơn 100 cây số của QL18B mới mở, nối từ cửa khẩu Bờ Y sang đến Attapeu, không có bất cứ cụm dân cư nào. Từ những ngày đầu mới mở đường, do phát sinh nhu cầu dịch vụ thiết yếu dọc đường dài, một số người dân Việt Nam đã dựng nhà, lập quán buôn bán ở km52.

< Khu vực tái định cư trong khu kinh tế mở Bờ Y.

Và chỉ thời gian ngắn, cái thung lũng nhỏ này nhanh chóng hình thành cụm dân cư, thu hút nhiều hộ dân tộc Brâu (Lào) sinh sống cộng cư. Khi QL18B thông thương, nhu cầu dừng chân, nghỉ máy, sửa xe, làm lốp... giữa đèo dốc của xe khách, xe tải càng tăng cao nên hàng quán mọc ra càng nhiều, chủ yếu là người Việt sang buôn bán, làm dịch vụ. Và thị trấn 52 dần dần được hình thành theo cách như thế.

Tôi chạm chân đến thị trấn 52 khi trời vừa sập tối. Lác đác vài cụm quán có máy nổ, đèn thắp sáng trưng cả khoảng sân rộng. Còn những hộ dân xung quanh đều leo lắt đèn dầu hoặc đèn điện thắp bình ắc quy, pin sạc. Trong bãi, ngoài đường, xe khách, xe tải đổ nghênh ngang. Có xe nằm lại qua đêm, vì cửa khẩu đã “đóng” sau giờ hành chính, có xe tải nặng chờ nửa đêm đường vắng để tiếp tục leo đèo về Việt Nam, và cũng có nhiều xe buộc phải nằm lại vì hỏng hóc, thủng lốp... Tôi rảo quanh một vòng là hết thị trấn. Cạnh các tiệm cắt tóc gội đầu, massage, mấy ả gái già ăn mặc hở hang, ngồi dưới cái dù hoa sặc sỡ chào mời khách. Mọi thứ trông nhếch nhác dở chợ, dở quê.

Vùng “thương mại tự do”

< Những thương lái người Việt “cõng chợ trên lưng” từ Kon Tum sang thị trấn “Bụi đời”.

Tài xế trên chuyến xe của tôi - anh Đỗ Bá Tỵ - đã ngược xuôi trên tuyến đường này từ ngày mới mở - nói: “Tuy bề ngoài nghèo nàn, lạc hậu vậy chứ không thiếu thứ gì ở thị trấn này đâu”. Tỵ cho biết, ngoài những mặt hàng thiết yếu phục vụ ăn uống, thư dãn tại chỗ cho khách đường dài, cánh lái xe tải, thị trấn “Bụi đời” cũng là nơi trung chuyển, trao đổi hàng hoá giữa người Việt từ Kon Tum qua và Việt kiều ở Attapeu. Hằng ngày, có những đoàn xe gắn máy cả trăm người, phần lớn là phụ nữ từ Kon Tum tải hàng rau quả, gạo, hải sản... sang đây để buôn bán, trao đổi với cư dân bản địa và cung ứng cho thị trấn.

Chiều, họ trở về với vài đoạn gỗ quý, dăm cái săm lốp ôtô cũ, sắt thép phế liệu, hàng gia dụng có nguồn gốc từ Thái Lan. Ở đây cảnh mua bán, đổi chác diễn ra tự do như thời trung cổ, bởi phía Lào chưa chính thức định danh nơi này địa chỉ hành chính, chỉ mới đặt ra trạm kiểm soát lâm sản để chốt chặn, kiểm tra gỗ lậu.

Trước đây, dân Lào của thị trấn này sống rải rác trong rừng, khi có đường 18B, có hàng quán kinh doanh của người Việt bấy giờ họ mới dời dần về ở quần tụ để tiện việc trao đổi hàng hoá, làm ăn. Như vậy, về mặt hành chính, thị trấn 52 chưa có tên và vẫn trực thuộc bản Hatxan (đơn vị tương đương xã, phường của Việt Nam). Bây giờ tôi mới thấy cánh lái xe rất có lý khi gọi tên thị trấn này là “Bụi đời”!

Bà Bùi Thị Hương - một thương lái kiểu “cõng chợ trên lưng” - cho biết, đoạn đường mà mỗi ngày họ đi qua không xa, nhưng cực kỳ nguy hiểm vì ở giữa rừng vắng. Mùa hè thì chen nhau với những đoàn xe tải nặng, chuyên lấn hết đường ở những đoạn cua, mùa đông thì đối mặt với đường trơn trượt và nỗi sợ thú rừng. Nhưng việc buôn bán tiện lợi vì không cần nhiều vốn, chẳng thuế má gì.

“Mỗi ngày tôi sắm chuyến chừng vài trăm ngàn đồng, sang tới đây bán cũng chừng vài trăm ngàn kíp, nhưng chênh lệch mệnh giá giữa 2 đồng tiền lên tới 2,77 lần, nên xem như mình lãi gấp đôi. Mặt khác, các loại sắt thép phế liệu, thảo dược, dăm gốc, rễ gỗ quý, thịt thú rừng... thì mua bên này rất rẻ, nên mỗi chuyến đi lợi cả 2 chiều”.

Có cả trăm trường hợp mua bán qua miền biên giới kiểu “cõng chợ, cõng siêu thị trên lưng” như bà Hương đang làm ăn khấm khá từ cái thị trấn “Bụi đời” này. Thế nhưng, chỉ cách đó đúng 52 cây số, Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y bên kia biên giới lại rơi vào cảnh hoang vắng, buồn tênh.

Khi mở cửa khẩu, xây dựng Khu kinh tế Bờ Y, Chính phủ Việt Nam xác định đây là cửa ngõ giao thương quan trọng của tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, là điểm nhấn trong chiến lược liên kết phát triển giữa các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mê Kông. Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y còn được xem là có vị trí quan trọng, có vai trò gắn kết liên vùng, không chỉ Tây Nguyên mà còn vươn tới nhiều đô thị lớn, khu kinh tế ven biển, các cảng biển và sân bay ở Việt Nam, gắn kết với các tỉnh Tây Nguyên và với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan... Thế nhưng sau thời gian ngắn triển khai rầm rộ, kêu gọi đầu tư ồn ào, rồi ỳ xèo chuyện chuyển đổi cấp quản lý (thuộc tỉnh Kon Tum, rồi trực thuộc Chính phủ...), bây giờ cả vùng kinh tế quy hoạch rộng hơn 70.400ha - gần như bao phủ hết diện tích huyện Ngọc Hồi - giờ chững lại, lặng ngắt.

Trong khi đó, hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Bờ Y thì ngày càng tăng. Từ năm 2007 đến 2012, đã có hơn 1,4 triệu lượt khách xuất, nhập cảnh; hơn 166.000 lượt phương tiện xuất nhập cảnh; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 495 triệu USD. Giá trị hàng hoá quá cảnh trong năm 2012 đạt hơn 1,5 triệu USD...
Rõ ràng bức tranh khu kinh tế thương mại cửa khẩu đang mâu thuẫn với sự sầm uất nơi cửa khẩu quốc tế này.

Tôi nghĩ, khi có một thay đổi về cơ chế quản lý, nhất định Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y sẽ phát triển mạnh như hoạch định ban đầu. Nhưng, với bối cảnh “chợ lớn mà chưa đông” như hiện nay, cái thị trấn “Bụi đời” là một câu chuyện hưởng lợi rất thú vị...

Du lịch, GO! - Theo báo Lao Động, internet