Bà Chúa Thượng Ngàn (đền còn có tên gọi là Lĩnh Chúa Linh Từ hay Mẫu Thượng Ngàn hoặc Lâm Cung Thánh Mẫu) là một trong ba vị mẫu được thờ trong đền hoặc điện theo tín ngưỡng dân gian của người Việt, chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung.
Nhiều người tin rằng, cùng với nhiều vị thần thánh khác, Mẫu Thượng Ngàn đem đến sự may mắn, bình yên cho dân chúng và gọi bà là Mẫu một cách tôn kính và gần gũi.

Tọa lạc ở nơi cao nhất của núi Chúa – với độ cao 1,487m so với mặt biển, đền Mẫu Thượng Ngàn là nơi trời đất giao hòa, âm dương hội tụ thích hợp cho những chuyến hành hương tâm linh về Bà Nà Đại Ngàn.

< Toàn cảnh đền Mẫu Thượng Ngàn.

Việc thờ phụng Mẫu Thượng Ngàn là một đặc điểm của tín ngưỡng gắn liền với núi rừng của người Việt. Lĩnh Chúa Linh Từ là nơi tôn thờ Bà Chúa linh thiêng của cả vùng núi Bà Nà. Mẫu Thượng Ngàn, còn gọi là Mẫu Đệ Nhị cai quản miền rừng núi. Mẫu Thượng Ngàn gắn bó với con người cùng cỏ, cây, chim, thú.

Theo truyền thuyết, Bà là con gái của Sơn Tinh và công chúa Mỵ Nương. Lúc còn con gái, Bà có tên là La Bình. Khi Sơn Tinh và Mỵ Nương, theo lệnh Ngọc Hoàng trở về trời thành hai vị thánh bất tử thì La Bình cũng được phong là công chúa Thượng Ngàn, thay cha trông coi tất cả các miền núi non hang động, các miền trung du đồi bãi của nước ta. Ảnh: đền Bà Chúa Thượng Ngàn trên đỉnh Bà Nà, núi Chúa, Đà Nẵng.

Con đường dốc quanh co dẫn lên một khoảng sân rộng phía bên trái ngôi đền (bên phải ảnh). Giữa sân là ngôi nhà lục giác, hai tầng mái ngói, làm nơi an vị pho tượng Phật Di Lặc ngồi khá lớn. Sau nhà lục giác là bình phong, án trước khoảng sân nhỏ trước chính điện.

Ngôi chính điện có ba gian, ba tầng mái ngói theo kiến trúc đền miếu truyền thống. Bên ngoài đền có treo bảng sơn nền đỏ, chạm bốn chữ màu vàng bằng Hán tự “Lĩnh chủ linh từ” (Đền Bà chúa Thượng Ngàn).

Ngôi đền mới cất vài năm nay nhưng được chăm chút kỹ lưỡng các chi tiết theo kiến trúc đền miếu cổ bằng gỗ quý. Cả 26 góc mái và đầu giông của ngôi nhà lục giác và chính điện đều có đầu rồng chạm trổ khá chi tiết.

Bên trong điện, ba gian đều có bàn thờ chư vị thánh mẫu. Bên trên mỗi hương án đều có hoành phi Hán tự sơn son thếp vàng: Lâm Tuyền Dục Tú (gian giữa), Cầu Chi Tất Ứng (bên trái) và Đảo Chi Tất Thông (bên phải).

Thật đáng ngạc nhiên vì từ ngoài vào trong, tất cả hoành phi, câu đối toàn chỉ dùng chữ Hán. Điều này khiến một số du khách Việt Nam băn khoăn, cảm giác như đang sống ở thế kỷ XIX dù ngôi đền này mới được xây dựng gần đây và thờ những vị thánh mẫu của Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ phụng Bà Chúa Thượng Ngàn vốn không liên quan gì đến đạo Phật, nhưng trước bàn thờ Thánh mẫu lại có quyển kinh Nhật tụng của các Phật tử dùng tụng niệm hàng ngày.

Theo truyền thống, các thiết chế, kiến trúc tôn giáo và đời sống tâm linh của người Việt vốn có sự phân biệt rạch ròi giữa am, miếu, đền, đình và chùa chiền.

Vì thế, sự có mặt của pho tượng Phật Di Lặc nơi đền Bà Chúa Thượng Ngàn cũng khiến nhiều người thắc mắc, mơ hồ về tín ngưỡng thờ Mẫu và Phật giáo.

Chính xác thì cũng có chữ Việt được ghi trên một cột mốc bằng bê tông cao hơn nửa mét được dựng nơi đây từ lâu: “Đỉnh núi Chúa, độ cao 1.487 m”.

Có khách vãn cảnh bồng lai chốn linh thiêng thờ đền bà chúa Thượng ngàn và chùa Linh ứng, đã thốt lên rằng :

Chót vót xa trông mây lớp mây
Bà Nà núi Chúa hẳn là đây
Chuông ngân thánh thót trên đầu núi
Suối chảy rì rào dưới tán cây
Rộn rã vời nghe cơn sóng vỗ
Đìu hìu lặng ngắm cánh chim bay
Dấu thơm muôn thuở còn ghi để
Linh Ứng vang đồn Đông lại Tây.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Saigon Times, Xã Luận