Nằm trong quần thể của cụm di tích Phố Hiến, đền Mẫu được coi là ngôi đền có cảnh quan thiên nhiên đẹp cổ kính nhất ở Hưng Yên hiện nay.

Đền Mẫu có tên gọi khác là Hoa Dương linh từ hay đền Mậu Dương tọa lạc ở phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên), thờ bà Dương Quý phi (triều nhà Tống ở Trung Quốc), là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn. Theo “Đại Nam nhất thống chí” và một số Thần tích, Thánh Mẫu vốn là phi tần của vua Tống Đế Bính. Năm 1279, quân Mông Cổ xâm lược nước Tống, vua Tống cùng hoàng tộc dạt về phương Nam tránh nạn nhưng quân địch đuổi sát, biết không thoát được, vua Tống và các phi tần đã nhảy xuống biển tự vẫn.

Tương truyền rằng có một thi thể phụ nữ trôi dạt vào cửa sông vùng Phố Hiến, được dân cư ở đây vớt lên, mai táng. Sau này có một vị quan thái giám nhà Tống lưu lạc đến vùng này biết chuyện đã cùng nhân dân xây dựng ngôi đền và lập làng Hoa Dương, với ý nghĩa biểu dương tấm lòng tiết liệt, trung trinh của bà. Từ đó, đền có tên là Hoa Dương linh từ.

Năm 1294, vua Trần Anh Tông chinh phạt Chiêm Thành, một đêm qua đây, nằm mộng thấy có thần nữ đến phù trợ giết giặc. Sau khi thắng trận trở về, nhớ tới công lao đó của thần nữ, nhà vua cho tôn tạo lại đền, và miễn thuế thuyền buôn ở Phố Hiến.

Qua thời gian ngôi đền không ngừng được trùng tu và xây dựng thêm. Vào năm Thành Thái thứ 8 (1896) đền Mẫu được trùng tu lớn và có quy mô như ngày nay. Năm 1990, Đền Mẫu đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật.

Đền Mẫu toạ lạc trên một vùng đất rộng gần 3000m², quay về hướng Tây Nam, phía trước là hồ bán nguyệt, xa hơn một chút là con đê sông Hồng. Tương truyền, hồ nước phía trước đền xưa kia chính là một đoạn của con sông Hồng, do nước chảy đổi dòng mà thành. Đây cũng là nơi thi hài bà quý phi nhà Tống dạt vào.

Ca ngợi cảnh đẹp trước cửa đền, danh sĩ Lê Cù thời Lê mạt, đã viết, tạm dịch: “Luỹ hoa rải rác kìa trong trấn/ Ngàn liễu sương bay trước cửa đền/ Kìa hồ là cảnh hữu tình/ Khi soi xuống hồ thì có nguyệt/ Mà nguyệt vốn là kho vô tận/ Ngửa trông lên còn nguyệt ấy còn hồ...”.

Đền  được  xây dựng  theo bố  cục tiền  nhất,  hậu  đinh gồm các hạng mục chính như: Nghi môn, đại  bái, trung từ, hậu cung, phủ Đông, phủ Tây, nhà Oản (nhà sắp lễ). Toàn bộ công trình được bài trí hài hòa và được xây dựng bằng nguyên liệu bền vững như: gỗ lim, vôi mật, xi măng tạo nên một khu di tích khang trang, thoáng đãng. Nghi môn được xây dựng rất bề thế với chiều  dài là 16,9m, kiến trúc chồng diên 2 tầng 8 mái.

Cửa đền (tam quan) được xây dựng theo kiểu vòm cuốn  gồm 1 cửa chính và hai cửa phụ, cửa chính cao 7m đắp hình ngói ống. Trên vòm cuốn có bức đại tự ghi: “Dương thiên hậu Tống triều”. Tầng trên đắp bức đại tự “Mẫu nghi thiên hạ” được ghép bằng các mảnh gốm lam (đây là nét trang trí điển hình của kiến trúc thời Nguyễn).

Qua nghi môn là sân đền, giữa sân có cây cổ thụ gần 700 năm tuổi - sự hội ngộ của 3 cây đa - sanh - si quấn quýt lấy nhau tạo thế chân kiềng vững chắc bao trùm toàn bộ ngôi đền tăng thêm vẻ thâm nghiêm, cổ kính cho di tích.

Theo mọi người kể lại, rằng ngày xưa, giữa sân có một cây bàng cổ thụ, chim chóc kéo về quần tụ, làm rơi vãi những hạt đa, si, sanh trên ngọn cây bàng. Những hạt ấy mọc thành cây buông rễ xuống ôm trọn cây bàng. Các rễ khác đâm ngang, toả theo thế một cây đa 3 gốc như hiện nay. Theo các nhà sử học thì đây là cây đa cổ nhất vùng châu thổ Bắc Bộ.

Đi qua sân đền là đến toà đại bái với 3 gian, kiến trúc 2 tầng 8 mái; mái uốn cong mềm mại kiểu rồng chầu; lợp ngói vẩy rồng; chính diện đắp lưỡng long chầu nguyệt. Hai bên đại bái là điện Lưu Ly và cung Quảng Hàn. Bên trong đại bái là cung đệ tam với 5 gian, gian giữa nổi bật với 4 đôi câu đối ngợi ca Thánh Mẫu.

Gian phía trong treo bài văn của Chu Mạnh Trinh, soạn năm 1896, ghi lại công trạng của bà. Trong hậu cung an trí tượng Thánh Mẫu cùng với khám thờ, tràng kỷ. Tất cả đều được sơn son thếp vàng. Ai đến đây vào buổi tối, dưới ánh sáng mờ ảo của điện nến, trong làn khói hương lan toả, cũng đều cảm nhận một không khí tĩnh lặng và linh thiêng của chốn thâm cung.

Ngoài cảnh quan đẹp và kiến trúc cổ kính ra trong đền còn lưu giữ nhiều di vật quý như: Kiệu võng, long đình, long sàng, long đại có niên đại thế kỷ 18 - 19 và 15 đạo sắc phong từ triều Lê đến triều Nguyễn, cùng nhiều bức hoành phi, câu đối, đại tự ca ngợi sự trinh tiết và trung thành của Dương Quý phi.

Lễ hội đền Mẫu được diễn ra từ ngày 10 đến ngày 15 tháng 3 âm lịch hằng năm. Trong lễ hội thường diễn ra các hoạt động văn hoá dân gian như: rước kiệu, múa lân, múa rồng, rước nước... rất long trọng và được diễu qua nhiều đường phố tạo nên một không khí tưng bừng mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.

Đền Mẫu đang là điểm du lịch văn hoá tâm linh, không chỉ của người dân Hưng Yên, mà còn thu hút đông đảo du khách thập phương đến hành hương chiêm bái cầu phúc, cầu lộc, cầu tài... Không chỉ vào chính hội, mà vào những ngày rằm, mồng 1 âm lịch hằng tháng lượng người đến thắp hương lễ bái và thzm quan cũng rất đông. Tuy là thờ một quý phi người nước ngoài nhưng đây lại là một công trình kiến trúc thuần Việt, rất đáng để tham quan, chiêm ngưỡng...

Du lịch, GO! - Theo Chín Hinh (báo Người Đưa Tin), internet