Chinh phục những đỉnh núi, đây không phải là môn leo núi, trèo vách đá với những công cụ hỗ trợ mà chỉ bằng đôi chân cùng hai tay trên những con đường dốc dựng hay giữa núi rừng cheo leo.
Vậy nhưng các phượt thủ vẫn có thể lên đến tận đỉnh Fansipan cao nhất Đông Nam Á hay các đỉnh núi khác không kém cạnh chỉ với nỗ lực của chính mình.

Để đảm bảo an toàn và thành công cho chuyến đi, trước khi muốn chinh phục những đỉnh cao, dân đi phượt dù mới hay cũ cần lưu ý những điểm sau:

1. Thời gian: tại Việt Nam, mùa khô từ tháng 11 hằng năm đến tháng 4 năm sau là thời điểm thích hợp cho các chuyến leo núi, băng rừng. Cần thiết phải nghiên cứu địa hình để quyết định thời gian di chuyển phù hợp nhằm đạt được mục đích cuối cùng. Đặc biệt phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người đi trước hoặc từ dân địa phương.

2. Đồ dùng cá nhân cho các hành trình leo núi phải tối giản nhưng đầy đủ. Quần rộng rãi, áo thun, áo khoác chống thấm, chống lạnh và thoát hơi, giày nhẹ, đế mềm, bám đường tốt, miếng bọc gối, cổ chân, khuỷu tay, mũ có vành mềm, áo mưa bền, nhẹ. Các hành trang khác phụ thuộc vào cung đường dự kiến: có lối mòn sẵn hay phải mở đường, có người vác đồ và dẫn đường hay không, thời gian của chuyến đi. Dao và đèn pin cũng là những vật dụng không thể thiếu.

3. Thực phẩm: ngoài các đồ ăn cần thiết cho cả hành trình, cần thiết phải có đồ ăn dự trữ năng lượng cao (sôcôla, bánh snicker) luôn mang theo người. Nước uống vô cùng quan trọng, nên có một bình nước với vòi hút để có thể uống từng ngụm nhỏ trong quá trình di chuyển liên tục. Uống nước đúng cách giúp bạn tiết kiệm sức lực và bù đắp lại năng lượng đúng lúc. Nước chanh pha với đường glucose, một chút muối là lựa chọn hoàn hảo cho hành trình leo núi.

4. Không tùy tiện ăn hoa quả, lá cây trong rừng nếu không biết chắc chắn về công dụng của nó. Đi rừng rậm nhiệt đới phải có thuốc phòng chống côn trùng như muỗi, vắt. Thuốc DEP khá phổ biến với dân đi, giá cả rẻ, tuy vậy tác dụng trong thời gian ngắn và không phải lúc nào cũng hiệu quả.

5. Với những lộ trình khó, hãy chuẩn bị kỹ lưỡng chuyến đi bằng máy định vị GPS, khi di chuyển phải đánh dấu đường phòng trường hợp bị lạc. Trên núi cao có thể mất sóng điện thoại, việc liên lạc bằng máy bộ đàm cũng là một lợi thế.

6. Tổ chức nhóm đi nhỏ, gọn, phù hợp cho những lộ trình hiểm hóc. Đừng bao giờ quên đặt an toàn cá nhân lên hàng đầu, không được phép đưa ra các quyết định liều lĩnh, nguy hiểm cho mình và các thành viên khác trong đoàn.
Mạo hiểm và chinh phục, nhưng hãy là những người hiểu biết để chiến thắng.

Du lịch, GO! - Theo Thái Anh \ Tuổi Trẻ