Nhiều người vẫn chỉ nghe và biết đến “nóc nhà Đông Dương” hay “đỉnh núi cao nhất Việt Nam” là Fanxipang. Nhưng không mấy ai biết cũng như nghĩ đến việc chinh phục đỉnh Pu Ta Leng, vốn được coi là “nóc nhà thứ hai của Việt Nam”. Chúng ta cùng theo chân phượt thủ Long Hy và nhóm bạn chinh phục đỉnh núi kỳ thú này.

Thông tin về đỉnh núi cao thứ hai Việt Nam, Pu Ta Leng đến với tôi thật tình cờ khi một người bạn trong nhóm phượt “quăng” dòng rủ rê chinh phục đỉnh Pu Ta Leng ở tỉnh Lai Châu lên Facebook. Một chút tò mò và háo hức, thế là tôi đăng ký tham gia cùng bốn người bạn khác.

< Phụ nữ người Dao Đen.

Nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, Pu Ta Leng theo tiếng người Dao gọi là Pú Tả Lèng, với chữ “Pú” nghĩa là núi, nằm trong địa phận xã Tả Lèng, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Với chiều cao 3.049m và chỉ đứng sau đỉnh Fanxipang (3.413m), dân phượt gọi Pu Ta Leng là “nóc nhà thứ hai của Việt Nam”, hay "nóc nhà thứ hai ở Đông Dương".

Chào bản Phô!

Tôi và cậu bạn đồng hành tên Hưng đã tìm hiểu thông tin các đoàn đi trước để lên lịch trình chinh phục Pu Ta Leng. Chúng tôi sẽ đi trong 5 đêm 4 ngày. Theo như thông tin trên các diễn đàn phượt, mới chỉ có hai đoàn chinh phục Pu Ta Leng thành công. Cả nhóm tràn đầy hy vọng sẽ là đoàn thứ ba chinh phục thành công đỉnh núi cao này.

Đúng 8 giờ tối, chúng tôi xuất phát từ bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) đến bản Phô, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường (Lai Châu), bắt đầu hiện thức hóa “giấc mơ Pu Ta Leng”.

< Con suối đầu tiên.

Ở bản Phô, sẽ có hai thanh niên người Dao đen tên Đức và Páo đón và làm porter (người chỉ đường và khuân đồ) cho chúng tôi.

Ngày thứ nhất, đoàn sẽ chinh phục Pu Ta Leng ở độ cao 2.000 m. Ngày thứ 2 sẽ cán đỉnh 3.049m. Sau đó leo xuống và ngủ đêm ở độ cao 2.422m để ngày thứ 3 xuống núi Tà Lẻng thuộc địa phận xã Tà Lẻng, huyện Tam Đường (Lai Châu). Từ đó, bắt chuyến xe 7 giờ tối về Hà Nội.

Trên đường, chúng tôi đều thao thức không thể chợp mắt. Phần vì đêm xuống bắt đầu lạnh, trong khi điều hòa xe cũng lạnh không kém nhiệt độ bên ngoài.

Hơn nữa, đoạn đường vào địa phận tỉnh Lai Châu gặp nhiều đoạn cua, địa hình đồi núi dốc khiến chiếc xe chồm lên, xuống và cua ngoằn ngoèo thật khó khiến người ta có thể ngủ được.

6 giờ sáng hôm sau, Páo và Đức đón chúng tôi ở địa phận UBND xã Hồ Thầu. Hai thanh niên người Dao đen dáng cao gầy, khỏe khoắn cưỡi hai con “min khờ” đưa chúng tôi vượt qua con dốc đứng và dài gần 2km một cách ngon lành. Trước mặt tôi đã là bản Phô.

< Gặp các cô gái người Dao Đen lên rừng lấy rau cho lợn.

Sự xuất hiện của chúng tôi, những thanh niên miền xuôi ăn mặc nai nịt như chuẩn bị ra trận đã thu hút sự chú ý của những người Dao đen nơi đây. Họ kéo đến xem, đứng nhìn chúng tôi, cười hiền lành.

Những người phụ nữ tụ lại ngồi một chỗ. Họ vừa nhìn chúng tôi vừa nói chuyện rôm rả, Rồi họ cười thẹn thùng quay đi khi có chúng tôi cười chào đáp lại, hoặc định giơ máy ảnh lên chụp.

< Đường đi trong rừng.

Tôi ấn tượng với phụ nữ Dao đen ở đây bởi họ vẫn mặc trang phục truyền thống, nổi bật với sắc màu đen, màu sắc cũng tạo ra cách phân biệt giữa họ với những tộc người Dao khác trên lãnh thổ Việt Nam.

Khá thú vị khi chúng tôi hỏi một bà cụ về búi tóc trang sức trên đầu là tự làm hay có nguồn gốc từ đâu, bà cụ rất thật thà cho biết mua ở ngoài chợ.

Khi tôi hỏi chiếc búi tóc đặc biệt có phải chỉ dành cho phụ nữ có chồng hay không, các cô gái đứng xung quanh nhao nhao trả lời: “Ai thích đội cũng được". Có vẻ như những cô gái trẻ và phụ nữ Dao đen thế hệ trước có xu hướng không thích lối phục sức của tổ tiên họ.

Vạn sự khởi đầu nan

Gần 9 giờ sáng, nhóm bảy người chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình với tư trang cá nhân, một ít thức ăn, nước. Tất cả nặng khoảng 50kg được Páo và Đức cho vào gùi và khoác theo.

< Hoa và quả loài thảo quả do người dân địa phương trồng.

May mắn là hành trình lên đỉnh cũng đã có lối mòn do bà con người Dao đen lên núi lấy rau rừng, đi làm nương hoặc hái thảo quả tạo thành. Chúng tôi theo sự chỉ dẫn của Páo và Đức, cứ men theo lối mòn đó mà đi.

< Hoa đỗ quyên trắng  ở độ cao 1.982m.

Đoạn đường đầu tiên chưa nhiều đoạn dốc, địa hình vẫn nhiều đoạn bằng phẳng. Tuy cây rừng chằng chịt và nhiều đoạn băng qua những con suối với những tảng đá to mấy người ôm.

Đường dần dần dốc đứng. Nhiều đoạn có thân cây to cổ thụ đổ chắn ngang. Chúng tôi hoặc là chui qua, hoặc là nhảy qua. Cũng có thể trèo qua nếu biết bám vào những vệt dao mà người đi rừng trước đã khía lên thân cây. Bám chắc thì chân không bị trơn trượt.

Cũng có những đoạn dốc, chúng tôi phải dùng tay bám vào những bụi cây hai bên để nhấc mình lên. Nhưng có lẽ mất sức nhất vẫn là những đoạn dốc phải đi bộ. Những thanh niên như miền xuôi như chúng tôi dù đã tập luyện ở nhà trước, thậm chí có thành viên chạy bộ thường xuyên cũng thở dốc chỉ sau vài bước đi.

< Khung cảnh ở điểm dừng chân.

Trong khi chúng tôi chân mỏi rã rời, hụt hơi và thường bị tụt, thì Đức và Pao vẫn đi nhanh thoăn thoắt. Mặc dù trên vai hai chàng thanh niên người Dao đen này đeo gùi khá nặng nhưng vẫn không tỏ ra mệt nhọc như năm người chúng tôi. Tinh thần dù cao nhưng sức người có hạn, cứ đi được khoảng 20 – 30m là chúng tôi lại ngã vật ra đất để thở và nghỉ chân.

Thật không may là trong đoàn chúng tôi có chị Lan, vốn là người chịu khó đi trek và leo núi nhất nhưng do bị lạnh và say xe từ đêm hôm trước nên chị bị mất sức và nôn nhiều lần, khiến mọi người trong đoàn thực sự lo lắng.

Dù có ăn thêm bánh sôcôla hay uống nước đường gluco nhưng chị Lan đều nôn ra hết sau khi di chuyển một đoạn ngắn. Trong khi Páo và bốn thành viên còn lại trong đoàn thường xuyên đi trước, Đức được giao đi kèm chị Lan theo sau, chúng tôi vừa đi vừa nghỉ và đợi chị đi cùng.

Đức và Páo tỏ ra lo lắng hơn. Họ lắc đầu nói rằng ngày thứ hai khó lòng mà lên được đến đỉnh như dự kiến. Thậm chí ngày đầu cũng không thể đến được điểm độ cao 2.422m như lịch trình.

< Lều dựng ở độ cao 1.982m.

Tuy lo lắng là vậy, nhưng chúng tôi đều nghĩ cả đoàn đã đi cùng nhau thì vẫn đặt vấn đề sức khỏe của mọi người lên hàng đầu, leo được đến đâu thì leo, cố quá không phải mục đích quan trọng nhất.

Chúng tôi dừng chân ở điểm cao 1.982m vào lúc 16 giờ 35 do chị Lan đuối sức không thể đi tiếp. Tại điểm dừng có một chiếc lán tạm của người đi rừng nằm dựa vào một tảng đá lớn nhô ra như một mái che tự nhiên. Ba người sẽ ngủ trong lán, còn lại dựng lều cạnh đó để ngủ.

< Mọi người cố gắng ăn thật nhiều để lấy sức.

Bóng tối dần bao phủ một cách chậm chạp chứ không nhanh như chúng tôi thường thấy trong những chuyến đi rừng trước đây. Quây quần bên bếp lửa và ánh đèn pin, bảy người cắm cúi ăn càng nhiều càng tốt để lấy sức. Tuy nhiên, sự mệt mỏi khiến cho người ta khó có cảm giác ngon miệng.

Hơn 9 giờ tối, mọi người nhắc nhau đi ngủ sớm để lấy sức cho ngày thứ hai sẽ vất vả hơn và nỗ lực hơn. Có như vậy chúng tôi mới chinh phục được đỉnh 3.049m như lịch trình. Ngày đầu tiên đã qua.

Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3

Du lịch, GO! - Phượt ký của Long Hy - Thi Nguyễn (iHay.Thanhnien).