Văn Chấn là một huyện miền núi, với điều kiện địa hình đối núi dốc mạnh, lượng mưa lớn tập trung. Do đó, sản xuất nông nghiệp ở Văn Chấn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là trồng các loại cây hoa màu như cây ngô.

< Những đồi ngô lai CPA88 ngả vàng báo hiệu mùa thu hoạch sắp đến ở Văn Chấn – Yên Bái.

Nhưng dưới sự hỗ trợ về giống của chính quyền và sự mạnh dạn dám nghĩ, dám làm của người dân nơi đây, những giống ngô lai đã dần vươn mình cắm rễ trên đất Văn Chấn góp phần thay đổi bộ mặt đời sống người dân trong vùng.

< Những bắp ngô lai LVN99 vàng óng với các dãy hạt tròn đều, căng mọng.

Đến Văn Chấn vào thời điểm tháng 5, tháng 6 trong năm, dọc theo con đường quốc lộ từ thành phố Yên Bái đến hết vùng đất Suối Giàng (nơi có những cây chè San tuyết nổi tiếng), thay vì màu xanh của cây, của lá ngô thì đâu đâu cũng bạt ngàn màu vàng của những bắp ngô lai đang vào độ thu hoạch.

< Người Mông thu hoạch ngô trên nương.

Văn Chấn là huyện có diện tích trồng ngô lớn nhất nhì tỉnh Yên Bái với hơn 5000ha đất trồng ngô và chủ yếu tập trung ở các xã: Sơn Thịnh, Cát Thịnh, Suối Giàng, Gia Hội, Sơn Lương, Nậm Mười…

Chúng tôi được anh Hanh, cán bộ phòng Nông nghiệp huyện Văn Chấn đưa đi thăm những vùng trồng ngô tập trung ở các xã trong huyện.

< Nụ cười được mùa ngô của người Mông ở Văn Chấn – Yên Bái.

Đây đang là mùa thu hoạch ngô nên đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp cảnh những hộ gia đình người Tày, người Thái với những đống ngô vàng óng bên căn lều được dựng tạm ngay ở thửa ruộng nhà mình. Những đống ngô này để vận chuyển được về nhà là cả một “hành trình”, bởi ruộng ngô nào cũng nằm chót vót trên những quả đồi, sườn núi cao.

< Con trẻ sung sướng khi nhìn những bắp ngô vàng óng chất đầy sân nhà mình.

Thế nhưng hình ảnh những người dân đi bẻ ngô vui như đi trẩy hội khiến người ta không khỏi ngạc nhiên, thích thú. Tay bẻ, tay tước vỏ mà miệng thì vẫn nói cười, chuyện trò rôm rả. Tôi cảm nhận được niềm vui của một mùa màng bội thu, niềm vui của những người nông dân Văn Chấn yêu lao động sản xuất.

Có gia đình cả dòng họ cùng đi bẻ hộ như gia đình anh Trang A Lử, nhưng lại có gia đình chỉ có hai vợ chồng và một cậu con trai vẫn còn đang lò dò tập bò cũng được bố mẹ cho đi nương như gia đình anh Sổng A Hồng (người Mông, xã Suối Giàng).

< Cả nhà vui mùng khi ngô được mùa.

Sổng A Hồng cho biết: “Năm nay nhà em trồng giống ngô LVN919. Em thấy bắp to, hạt đều kín hết đầu và năng suất hơn giống C99 năm ngoái”. Gia đình A Hồng có gần 5000m2 đất đồi trồng ngô. Và trước khi bắt đầu gieo hạt cho vụ mới, A Hồng cũng như những hộ gia đình khác trong bản đều xuống huyện mua giống của những đại lí bán giống theo cơ cấu giống của huyện. “Bọn em được các đại lí tư vấn là vụ này huyện có giống gì mới, tốt đã được thử nghiệm để lựa chọn có mua và trồng thử trong vụ mới này hay không. Thấy đồn giống nào tốt hơn là em mua về trồng thử”, A Hồng chia sẻ.

< Được mùa ngô, mẹ và con sẽ được no ấm hơn.

Sau đó, anh Hanh dẫn tiếp chúng tôi qua thăm các thửa ruộng trồng thử nghiệm hai giống ngô lai PAC293 và PAC296. Đây là 2 giống ngô lai mới nhất của Công ty Attanta Thái Lan đang được thử nghiệm trên đất đồi Văn Chấn trong vụ xuân hè năm nay. Hai giống ngô này cũng đang vào độ thu hoạch và chuẩn bị được nghiệm thu để xem xét có đủ tiêu chuẩn đưa vào cơ cấu giống của huyện hay không. Do đặc điểm về địa hình đồi núi dốc mạnh nên đặc thù riêng của trồng cây hoa màu trên đất Văn Chấn là để cây cho năng suất cao thì phụ thuộc rất nhiều vào hai yếu tố: thời tiết và giống.

< Giống ngô mới làm cho cuộc sống đồng bào vùng cao Văn Chấn khấm khá hơn.

“Bởi vậy, năm nào huyện cũng liên kết và phối hợp với các công ty giống ngô lai cho trồng thử nghiệm ở một vài thửa ruộng trong huyện. Khi nghiệm thu nếu cây đạt đủ tiêu chuẩn, chịu hạn, chống đổ và cho năng suất cao thì sẽ được cho vào cơ cấu giống của huyện”, anh Hanh cho biết.

Với lý do đó, trong những năm qua, việc chuyển dịch cơ cấu giống, lựa chọn giống có năng suất cao, chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu thị trường và phục vụ chăn nuôi luôn được lãnh đạo huyện Văn Chấn rất chú trọng. Với địa hình thổ nhưỡng đặc thù, Văn Chấn đã xác định giống là yếu tố hàng đầu mà địa phương cần chú trọng để giúp bà con nông dân trong huyện đạt năng suất cao hơn trong trồng trọt hoa màu. Và hầu hết các giống ngô lai nổi tiếng trong nước và nước ngoài như LVN99, C919… đều có mặt trên đất đồi Văn Chấn. Gần đây nhất là hai giống ngô lai NK6654, NK4300 được trạm khuyến nông huyện Văn Chấn phối hợp với công ty TNHH Sygenta Việt Nam và công ty Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Giang cho trồng khảo nghiệm ở một số xã trong huyện và cho đến nay đều đạt từ năng suất từ 6 - 6,5 tấn/ha. Đây là năm thứ tư giống ngô NK “cắm rễ” trên đất Văn Chấn và liên tiếp được mùa nên nó cũng đang ngày một khẳng định ưu thế vượt trội trên vùng đất đồi này.

< Ngô được cho vào máy để tách hạt.

Giống ngô NK4300 chịu hạn tốt, cây khỏe, bắp to màu hạt đẹp, năng suất cao; Giống ngô NK6654 trồng được 3 vụ/năm, có ưu điểm chịu hạn, chịu úng tốt năng suất trung bình 8 tấn/ha, năng suất tiềm năng có thể đạt tới 12-14 tấn/ha. Đây là hai giống ngô thuộc nhóm trung ngày, có thời gian sinh trưởng từ 105 – 110 ngày. Năng suất thực tế ở mô hình trình diễn tại xã Sơn Lương đạt 9 tấn/ha. Đây cũng là hai giống ngô có lượng tiêu thụ lớn nhất trong toàn tỉnh Yên Bái. Tính 6 tháng đầu năm 2012, lượng tiêu thụ của nó đã vào khoảng 60 tấn.

< Ngô lai sau khi tách hạt.

Ngoài ra, một số giống ngô khác trong huyện cũng cho năng suất cao như CPA88, CP333... Theo đánh giá của các hộ dân tham gia mô hình thử nghiệm giống ngô lai trên đất dốc, CP A88, CP 333 có ưu điểm vượt trội hơn các giống ngô khác đang được triển khai tại địa phương như: phát triển mạnh, tỉ lệ nảy mầm cao, thời gian sinh trưởng ngắn; trỗ cờ phun râu tập trung, lá ngô đứng, ngọn, thân cây to, dẻo; bộ rễ chân kiềng phát triển mạnh, khả năng chống hạn và chống đổ tốt, chống chịu sâu bệnh khá; độ đồng đều cao, hạt mẩy, hạt có mầu vàng cam dạng đá, lõi ngô nhỏ, vỏ bi kín nên hạn chế được sâu bệnh hại.

< Mua bán ngô ở vùng cao Văn Chấn.

Với việc xác định rõ đặc thù của địa phương, chính quyền nơi đây đã có những hướng đi mạnh dạn sáng tạo, luôn tìm tòi đổi mới trong việc lựa chọn, cung ứng những giống ngô lai tốt nhất cho người nông dân. Và với một vùng đất đồi dốc, xác định cây ngô là một trong những cây hoa màu chủ lực của địa phương thì đây đúng là một sự hỗ trợ cần thiết để người nông dân Văn Chấn vươn lên thoát nghèo, xây dựng đời sống kinh tế gia đình ngày một bền vững.

Du lịch, GO! - Theo Thảo Vy - Trịnh Văn Bộ (Vietnam.vnanet)