Qua nhiều lần hò hẹn, “chúa đảo” Nguyễn Văn Sáu đồng ý cho chúng tôi ở lại đêm để đón bình minh lãng mạn trên mũi Kê Gà.

Thiên đường trên biển

< Bình minh trên mũi Kê Gà.

Mũi Kê Gà thuộc địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Người Pháp cho xây tháp hải đăng trên một hòn đảo nhỏ cách bờ biển hơn 500m. Theo tài liệu, tháp hải đăng được xây dựng từ tháng 2.1897 do kiến trúc sư người Pháp Snavat thiết kế, tới đầu năm 1899 đưa vào sử dụng.

Tháp cao 35m, nếu tính luôn độ cao toàn bộ từ tầm ngọn đèn đến mặt biển là 65m, kích thước cạnh của tháp rộng 3m, đỉnh rộng 2,5m. Trên ngọn tháp có bóng đèn 2.000W, bán kính quét sáng 22 hải lý tương đương 40km, được những người giữ đèn gọi là “mắt biển”...

Ngày xưa du khách muốn ra hải đăng thì phải dùng thúng lắc. Ngày nay đi bằng ca nô dễ dàng hơn và muốn tham quan phải được sự chấp thuận của những người đang làm nhiệm vụ trên mũi Kê Gà. Có thể nói, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi khi chuẩn bị lên ca nô sang mũi Kê Gà là những bãi đá tuyệt đẹp mà thiên nhiên sắp đặt nằm trải dài trên bãi cát trắng hòa với nước biển xanh trong…

Chăm sóc “mắt biển”

Dẫn chúng tôi lên tháp, “chúa đảo” Nguyễn Văn Sáu cho biết, ngày nào cũng thế, sáng và chiều tối ông cùng đồng nghiệp phải bước 183 bậc thang lên trên ngọn tháp để chăm sóc cho con “mắt biển”. Chúa đảo nói: “Nếu mắt” biển không sáng thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra bởi vùng biển này nhiều bãi đá ngầm sẵn sàng phá vỡ tàu thuyền không thương tiếc. “Mắt biển” phát sáng khi mặt trời bắt đầu lặn và cứ thế sáng cho đến khi bình minh thức dậy. Công việc của chúng tôi là lau chùi, kiểm tra lại các hệ thống điện. Trước đây, ngọn hải đăng này hoạt động bằng máy phát điện chạy dầu diesel. Từ năm 2005 đến giờ thì hoạt động bằng pin năng lượng mặt trời…

“Chúa đảo” tâm sự: “Từ ngày đưa vào vận hành pin này đến giờ thì anh em đỡ cực hơn nhưng cũng mất đi nhiều kỷ niệm đẹp với cỗ máy phát điện bằng dầu diesel. Những đêm mới vận hành pin năng lượng mặt trời, nhiều người đang ngủ bỗng giật mình la lớn: Anh em ơi máy hết dầu rồi, đèn trên ngọn hải đăng hết sáng rồi. Dậy châm dầu lẹ lên…Phải mất gần cả tháng sau anh em mới quen không còn tiếng máy nổ...”.

Được biết, “chúa đảo”Nguyễn Văn Sáu (SN 1952) đã vào nghề hơn 30 năm và đã hơn chục năm công tác trên mũi Kê Gà. Ngoài ông Sáu ra trên đảo này có gần chục người khác cùng làm nhiệm vụ bảo vệ “mắt biển”.

Hồi hộp đón bình minh

Sau một đêm tâm sự với các anh, giây phút chúng tôi chờ đợi cũng đã đến khi đồng hồ đã chuyển sang 5 giờ và tiếng gà trên đảo cũng gáy rộ. Trời tờ mờ sáng, tiếng sóng biển vỗ rì rầm vào những ghềnh đá, xa hơn là thấp thoáng ánh điện của các tàu câu. Những âm thanh và hình ảnh mờ ảo trong sớm mai này tạo cho chúng tôi những hưng phấn đến lạ kỳ…

Anh Phạm Minh Dũng cho biết: Anh rất yêu mỗi sáng sớm đứng trên đỉnh hải đăng phóng tầm mắt ra xa tận tít chân trời và hồi hộp chờ mặt trời từ từ nhô lên mặt biển. Cái làm anh thích thú nhất là lúc bấy giờ nhiều màu sắc thay đổi từng giây.

Tất cả các anh đang công tác trên mũi Kê Gà đều có chung nhận định: Đón bình minh hồi hộp và háo hức nhất là những ngày tết cổ truyền, những ngày lễ truyền thống của dân và đặc biệt là ngày 30.4 lịch sử. Những ngày này, anh em ai cũng có nhiều mơ ước, ước mơ đất nước luôn thanh bình, nhà nhà giàu sang, biển trời không dông tố…

Mải mê ngắm mặt trời từ từ ló dạng trên mặt nước biển, tôi dường như quên hết công việc. Bình minh đang diễn ra như bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Tiếc một điều là nó diễn ra rất nhanh và chỉ thoáng một cái mặt trời đã chiếu những tia sáng đầu ngày trên biển tối... Phía trong bờ, làng chài cũng bắt đầu thức dậy. Tiếng bà con ngư dân gọi nhau ơi ới khi tàu thuyền chở đầy cá tươi cập bãi vọng tới tận đảo.

Du lịch, GO! - Theo Bùi Phụ (Dân Việt), internet