Huế có một con đường quanh năm tỏa hương thơm ngát. Với nghề xe hương truyền thống, con đường theo đó đã trở nên rực rỡ sắc màu, độc đáo, đặc biệt là những ngày cận tết.

Đã thành thương hiệu

Con đường ấy uốn mình bên chân đồi Vọng Cảnh, mang tên Huyền Trân Công Chúa, thuộc thôn Trường Đá, phường Thủy Biều, TP.Huế. Không chỉ con đường mà lâu nay thôn Trường Đá cũng chỉ là một cái tên hành chính, còn người dân đã quen gọi là làng hương. Trên đoạn đường ngắn này tập trung khoảng 20 hộ gia đình chuyên nghề làm hương.

Cứ vào sáng sớm, người thợ lại đem tăm hương (loại nan của cây lồ ô dùng làm cốt cho cây hương) và hương mới ra phơi nắng. Hương được sắp xếp thành những bông hoa đa sắc màu. Có những bông chớm nở, có những bông thì vươn mình tỏa cánh, trông rất ưa nhìn. Chị Nở (44 tuổi), một người làm hương lâu nhất trong làng, cho biết: “Ngày xưa, làng còn thưa thớt, nghề làm hương chỉ có một vài nhà làm. Nghề làm hương thực sự thịnh đạt sau ngày giải phóng. Dân làng  đều sống bằng nghề này”.

Hương nơi đây nổi tiếng với nhiều mùi thơm khác nhau. Có 8 mùi chính, gồm: trầm, quế, thuốc bắc, tùng, đàn, nước hoa, bột thơm. Người thợ sẽ tùy theo nhu cầu của khách hàng rồi gia giảm sao cho phù hợp. Trong số đó, hương trầm là loại hương đặc biệt. Song hương trầm cũng có nhiều loại: trầm thường, trầm tốt, trầm đặc biệt...

Với người Huế, để cho ra một mẻ hương tốt, người thợ thường rất chú ý đến khâu tuyển chọn nguyên liệu, bao gồm: Ngũ vị thuốc Bắc với quế chi, thảo quả, nụ tùng, đinh hương, hoa hồi; ngoài ra còn kèm thêm cả vỏ quả bưởi rừng, hoa bưởi khô, quế, bạch đàn…

Hương trầm nơi đây có mùi đặc trưng riêng, không giống các nơi khác. Nó thơm xa nhưng không nức, thơm lâu nhưng nhẹ nhàng, dễ chịu. “Trong số nhiều loại hương, thì hương trầm luôn được khách hàng ưa chuộng. Đối với người Huế, mùi trầm phù hợp với không khí của cúng bái, khử mùi, xông uế... Không chỉ người trong nghề như chúng tôi mà người buôn bán ở Huế, sáng nào cũng thắp một nắm hương trầm trước cửa để mong có một ngày làm ăn thuận lợi”, chị Bé, chủ tiệm hương trầm Phương Loan, nói.

Đối với người làm nghề hương, ở bàn xe hương, luôn có một cây hương vừa tàn. Mùi hương đối với họ trở thành mùi quê hương, xứ sở. Nhiều người con xa xứ, mỗi khi nhớ về làng hương Trường Đá lại nhớ về mùi hương quen thuộc tỏa ra khắp làng. Một người thợ giỏi không chỉ xe hương nhanh, đẹp mà còn phải có nhiều kỷ thuật từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến trộn bột hương. Lõi hương được người thợ làm từ những cây tre làng có độ già vừa phải. Lõi hương được nhuộm đa sắc màu rồi cột lên lại và xếp trên giá phơi nắng, phơi sương nhiều ngày trời để tre thật khô, thật giòn. Thế nên, cây hương cháy đều, có tàn uốn cong đẹp mắt.

Sau công đoạn phơi khô chân hương, người thợ sẽ tiến hành công đoạn tạo màu cho “chân hương”. Ngày trước, người Huế thường chỉ làm chân hương với màu “đỏ sẫm” là chủ đạo. Nhưng hiện nay, tham quan làng Hương, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp sự đa sắc của chân hương, nào đỏ tươi, gạch, xanh lá chuối, xanh đậm, vàng, tím… trông như 1 vườn hoa đang khoe sắc.

Để có được màu sắc cho chân hương, người thợ sẽ hòa một lượng bột màu thích hợp trong nước sôi nóng (nước càng nóng chừng nào thì màu chân hương sẽ càng tươi sắc, và giữ được lâu chừng nấy), nhúng chân hương qua một vài lần, sau đó đem phơi khô lại lần nữa. Trong công đoạn tạo màu, người thợ cũng chú ý loại bỏ những chân hương có dấu hiệu ẩm mốc vì những chân hương này khi phủ màu sẽ không giữ được màu sắc theo mong muốn của người thợ.
Thành phần mùn cưa tưởng chừng đơn giản là thế nhưng vẫn được người thợ lựa chọn khá cẩn thận. Thông thường mùn cưa phải từ những cây gỗ xốp, mềm, thân tốt, không bị mối mọt, khô, ít hút nước.

Để tạo độ kết dính cho hương, người thợ sử dụng vỏ cây “Bì lời”, một loại vỏ được lấy chủ yếu từ vùng rừng núi phía Tây Quảng Trị (Lao Bảo), hoặc từ Quảng Ngãi về.
Sau đó các thành phần sẽ được đem nhào vừa với nước sao cho hỗn hợp bột đạt độ “dẻo quánh” là có thể bắt đầu công đoạn se hương. Tuy nhiên, để tạo nên hương thơm khác biệt cho các mẻ hương lại tùy thuộc vào bí quyết của từng người thợ. Thường thì người thợ sẽ gia giảm các thành phần hương liệu theo một tỉ lệ thích hợp bằng phương pháp gia truyền. Điều mà nhiều người thợ giỏi thường nói rằng: “sự đặc biệt về tỉ lệ chính là điều quanh trọng nhất tạo cho sản phẩm có được hương thơm, độ bền nhất”.

Đa số, người thợ làm hương ở đây đều xe hương thủ công. Nhưng nhìn những cây hương đều đặn, tròn trịa, dẻo dai không ai nghĩ đó là những sản phẩm bằng tay. “Máy sấy hương” là ánh nắng mặt trời chứ không đưa vào máy sấy (vì làm như vậy hương sẽ giòn và dễ gãy, vừa làm mất mùi của hương). Nhiều thương lái đến đây mua hương ngoài yếu tố mùi thơm đặc biệt, lâu thì một phần do hương ở đây không bị gãy, bể vụn trong khi vận chuyển xa.

Hương theo chân du khách

Con đường Huyền Trân Công Chúa là đường lên lăng Tự Đức, chen giữa núi đồi, hai bên rợp bóng cây xanh. Hàng ngày, có rất nhiều khách du lịch trong ngoài nước đi qua. Không ít du khách tò mò và dừng chân nhìn ngắm con đường hương. Du khách không chỉ được tìm hiểu về nghề hương truyền thống mà còn được tự tay mình làm ra những cây hương. “Tôi đã tự tay mình xe được những cây hương. Tuy không được đều đặn nhưng thật tuyệt. Ở trong Sài Gòn, tôi cũng dùng hương của Huế. Hương Huế có mùi thơm rất đặc biệt”, chị Hà, một du khách đến từ Sài Gòn, đang ngồi xe hương tại cơ sở Phương Loan, cho biết. Khách du  lịch ghé thăm làng hương không chỉ vì nó là đường đi đến các điểm tham quan di tích mà còn tìm đến đây để tìm hiểu nghề hương truyền thống.

Thời điểm này, khi tết cổ truyền dân tộc đang đến gần, con đường hương trầm này lại càng nhộn nhịp hơn để vừa phục vụ du lịch, vừa có đủ hàng cung cấp cho các mối sỉ phục vụ nhu cầu tết. Hương của làng không chỉ cung ứng nhu cầu trong tỉnh mà còn đi đến các tỉnh trong cả nước và xuất khẩu sang nước ngoài. “Trung bình, một người thợ giỏi thì xe được khoảng 10 ngàn cây/1 ngày. Những ngày tết thì phải làm nhiều hơn mới đủ đáp ứng. Làm nghề này chủ yếu lấy công làm lời. Người lúc nào cũng bụi bặm bột hương, miệt mài từ sáng đến tối”, chị Hương, một người làm hương lâu năm, nói.

Vài điều cần biết:

- Thường người thợ sẽ trộn bột hương theo công thức : ½ keo + ½ bột trầm + 2 bột cưa.
- Làng Hương ở Huế nay thuộc thôn Trường Đá, phường Thủy Biều.
- Ngày trước, bột hương chỉ có 2 màu là: vàng và nâu đen. Nhưng hiện nay, đã xuất hiện rất nhiều màu hương khác nhau để thõa mãn nhu cầu của khách du lịch.
- Huế giờ đây cũng đã có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh về hương như Cty cổ phần nhan Vĩnh Thịnh Phát tại khu vực Tứ Hạ - Hương Trà.
- Cây hương trong Nam còn có tên gọi là “cây nhang”
- Hương thắp thường là những con số lẻ như 1,3,5,7,9. Và người Việt không bao giờ thắp cả bó hương lên bàn thờ vì khói hương sẽ xông lên ngào ngạt, điều đó biểu hiện cho sự ô trọc, sự thất kính đối với hương linh người đã khuất.
- Thắp 3 cây hương 3, theo quan niệm của người xưa:
+ Tam bảo (Phật – Pháp - Tăng)
+ Tam giới (Dục giới – Sắc giới – Vô sắc giới)
+ Tam thời (Quá khứ - hiện tại – Tương lai)
+ Tam vô lậu học (Giới – Định – Tuệ)

- Hương còn thể hiện sự “vô thường” (sự không vĩnh viễn), mọi thứ đều là giả tạm, cũng như đời người ngắn ngủi…
- Trầm hương đối với nhiều quốc gia được đánh giá là mắc hơn cả vàng: như ở bán đảo Ả Rập ngày đó, hương liệu này ngoài việc sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo quan trọng, còn được sử dụng rất nhiều như khi chưa có keo chewing gum, người Ả Rập đã vón nhựa cây trầm thành những cục nhỏ để làm sạch khoang miệng hoặc hòa với nước để chữa bệnh thận và dạ dày. Xông hương trầm còn là một phương pháp để làm thanh sạch khí quản của người khỏe, và giúp người đau mau chóng hồi phục. Ngoài ra, người A Rập còn sử dụng nguyên liệu này trong ngành công nghiệp sản xuất nước hoa, như loại nước hoa “Amvadj” rất nổi tiếng tại vương quốc Oman xưa.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Thanhnien và nhiều nguồn khác