Chắc Băng là một con kênh ở vùng U Minh Hạ, thuộc hai huyện: Thới Bình của tỉnh Cà Mau và Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang. Kênh Chắc Băng dài hơn 40km nối liền từ ngã ba sông Trẹm đến đầu Vàm Chắc Băng ra sông Cái Lớn. Đây là con kênh thông thương giữa vùng U Minh Hạ và U Minh Thượng.

< Lão nông Sáu Quân, nhà ở kênh Chắc Băng đoạn xã Trí Phải, huyện Thới Bình đã bỏ ra 2 tỉ đồng xây cầu bắc ngang kênh để bà con vào viếng Phủ thờ Bác Hồ dễ dàng.

Huyền thoại về Chắc Băng xưa
Theo Huỳnh Minh trong cuốn “Bạc Liêu xưa”, Chắc Băng là một con kênh nhỏ, chưa có tên. Trong lúc chạy trốn nghĩa quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đến ẩn náu ở vùng đất này...

Trong lúc lâm bệnh, nghĩ mình không qua khỏi nên ông trăn trối với quan quân rằng: “Cơn bệnh ngặt nghèo này không chữa hết. Chắc trẫm phải băng rồi!”. Về sau, người ta nhớ câu nói “Trẫm chắc băng” nên đặt tên cho con kênh này là Chắc Băng.

Còn theo nhà văn Sơn Nam, địa danh Chắc Băng là do đọc trại từ tiếng Cao Miên “Chap tung”, nghĩa là chim Chằng bè. Cách lý giải này cũng có cơ sở bởi khu vực thuộc xã Vĩnh Phong, Vĩnh Thuận, Vĩnh Bình Nam... huyện Vĩnh Thuận nằm dọc theo kênh Chắc Băng có khá đông bà con Khmer sinh sống. Các vị cao niên kể lại, Chắc Băng ngày xưa có một sân chim rất lớn, tập trung đủ loại chim cò của vùng U Minh, trong đó chim Chằng bè chiếm số lượng nhiều. Chắc Băng xưa là vùng rừng tràm khá âm u, sản vật vô cùng phong phú. Nơi đây có nhiều sân chim nổi tiếng thời bấy giờ, như: Thứ Nhứt, Kinh Dài, Thầy Quơn. Sân chim Chắc Băng có sản lượng khá lớn với các loài đặc trưng như: Chằng bè, Già đẩy, Già sói... Chim bầy, chim đàn quần tụ về Chắc Băng hòa âm bằng những tiếng kêu rộn ràng như những bản nhạc rừng.

< Đầu kênh xáng Chắc Băng tại ngã ba Sông Trẹm – Thới Bình.

Trong quyển biên khảo “Tìm hiểu đất Hậu Giang” của nhà văn Sơn Nam, tại sân chim Chắc Băng vào khoảng năm 1873, có ba lần giết chim gồm: Cuối tháng Giêng, cuối tháng Hai và cuối tháng Ba âm lịch, tổng cộng chừng 16 ngàn con. Thu hoạch nhiều là vậy nhưng cứ “đến hẹn lại lên”, chim về nhiều vô số kể. Thiên nhiên đã ưu ái cho vùng đất này rất nhiều.

Dẫu không vang danh bằng nhan sắc con gái Nha Mân (tỉnh Đồng Tháp) qua câu: “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh. Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”, nhưng con gái miệt Chắc Băng - Thới Bình cũng có sắc đẹp mặn mòi, nức tiếng. Tương truyền, trong lúc Nguyễn Ánh lâm bạo bệnh, vì muốn tạo phúc đức để trời cho khỏi bệnh, ông đã cho phép một số cung nữ xuất cung lấy chồng và định cư ở vùng đất này. Đây là một cách “giải hạn” của nhà vua. Vì là cung tần, mỹ nữ của bậc đế vương nên nhan sắc rất diễm lệ, quyến rũ. Con cháu họ sau này ở vùng Chắc Băng - Thới Bình vì thế mà có sắc đẹp nền nã.

Đến bây giờ, có dịp xuôi dòng Chắc Băng, nhiều người vẫn ấn tượng với hình ảnh những phụ nữ mái tóc dài ngang vai, đội nón lá trong chiếc áo bà ba mềm mại chèo xuồng bán trái bầu, trái bí hay bó mía với giọng rao lảnh lót, làm xao xuyến lòng người.
Năm 1919, nhận thấy vị thế chiến lược của vùng đất U Minh cũng như con kênh này nên thực dân Pháp đã cho đào mở rộng để tiện việc giao thông, giao thương.

Và Chắc Băng ngày nay

Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, kênh Chắc Băng cũng ghi dấu những chiến công cũng như tấm lòng của người dân dọc hai bờ kênh với Đảng, cách mạng và Bác Hồ.

Sau khi ký Hiệp định Genève, kênh Chắc Băng được chọn là trung tâm khu tập kết 200 ngày để cán bộ miền Nam ra Bắc. Tại Ranh Hạt (vùng giáp ranh giữa xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau với xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) nằm bên bờ Chắc Băng, má Lê Thị Sảnh đã tìm đến điểm tập trung, tay nâng niu cây vú sữa, nói với các đồng chí cán bộ tập kết ước nguyện của mình:


< Tại Ranh Hạt (vùng giáp ranh giữa xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau với xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang), má Lê Thị Sảnh tay nâng niu cây vú sữa, nói với các đồng chí cán bộ tập kết ước nguyện của mình: “Má muốn gởi các con cây vú sữa nhỏ này ra kính tặng cụ Hồ”. (Trong ảnh là người cháu dâu của má Sảnh).

“Má muốn gởi các con cây vú sữa nhỏ này ra kính tặng cụ Hồ và đồng bào miền Bắc, các con chuyển được không?”. Má Tư Sảnh trao tay cây vú sữa cùng với lời căn dặn thiết tha: “Ra ngoài đó, các con thưa với cụ Hồ, thưa với cô bác miền Bắc rằng, bà con trong này luôn hướng về cụ Hồ, hướng về miền Bắc”. Xúc động làm sao tấm lòng của một bà má miền Nam, bà má Chắc Băng với quê hương đất nước.

Kênh Chắc Băng còn là nơi che chở cho các đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Võ Văn Kiệt... hoạt động cách mạng trong những năm tháng kháng chiến ác liệt. Dọc bờ kênh Chắc Băng hiện nay có ngôi trường tiểu học và trung học cơ sở mang tên Võ Văn Kiệt - như là một sự ghi ân của người dân nơi này đối với cố Thủ tướng.

Mỗi lần về Chắc Băng thật khó mà quên được. Chợ Vàm Chắc Băng ngày nay sung túc, người dân mua bán tấp nập. Hay ghé kênh Trời ăn thịt trâu mới làm buổi sớm mai để nghe như có hương vị của từng cọng cỏ, sợi rơm vùng đất này trong từng thớ thịt. Và đừng quên ghé chợ nổi Vĩnh Thuận, ghe xuồng tấp nập trên dòng kênh Chắc Băng treo lủng lẳng trái mận, trái xoài mới hái từ vườn...

< Chợ nỗi Vinh Thuận nằm trên con kênh xáng Chắc Băng.

Trên dòng kênh Chắc Băng giờ không chỉ có ghe xuồng mà còn có những chiếc cao tốc vượt sóng phục vụ nhu cầu đi lại của bà con và những chiếc xà lan, tàu chở hàng với khối lượng lớn. Dọc hai bờ kênh là những ngôi nhà tường khang trang, lên hai, ba “tấm” đầy đủ tiện nghi, đường giao thông thông suốt... Tất cả như điểm sắc hồng cho Chắc Băng hôm nay.

Về Chắc Băng hôm nay đáng khâm phục về chuyện lão nông Sáu Quân nhà ở kênh Chắc Băng đoạn thuộc xã Trí Phải, huyện Thới Bình đã bỏ ra 2 tỉ đồng xây cầu bắc ngang kênh để bà con vào viếng Phủ thờ Bác Hồ được dễ dàng. Dường như tính cách hào sảng, phóng khoáng và “chơi cho đáng đồng tiền” của người Nam Bộ vẫn “rặt ri” trong lòng mỗi người dân Chắc Băng.

Du lịch, GO! - Theo  Duy Khôi, Duy Thư (Báo ảnh Đất Mũi), internet