“Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định cầm roi đi quyền” – câu ca dao đã in sâu vào các thế hệ người Việt Nam, để chứng tỏ rằng, Bình Định là quê hương của đất võ, và cũng là điểm đến rất thú vị với những bãi biển đẹp.
Hành trình Bình Định – Phú Yên, bạn nên sắp xếp khoảng 3-4 ngày cho chuyến đi của mình.

Đi & Đến

Với hành trình này, điểm dừng chân của bạn sẽ là Quy Nhơn, thành phố của tỉnh Bình Định. Từ Sài Gòn, có rất nhiều phương tiện để bạn chọn lựa như: tàu hỏa, ô tô, máy bay… để tới Quy Nhơn.

Kết thúc hành trình tại Phú Yên. Bạn có thể trở về Sài Gòn bằng đường bộ hoặc tàu hỏa. Ở Phú Yên cũng có sân bay, nhưng số chuyến bay khá ít và khó đặt vé hơn tàu hoặc ô tô. Nếu bạn muốn tiết kiệm thời gian thì nên đặt vé trước.

Quy Nhơn – Bình Định

Quy Nhơn – Bình Định nổi tiếng với những bãi biển rất đẹp như bãi tắm Hoàng Hậu, bãi Hòn Trứng rất đẹp và lãng mạn khi đi dạo vào buổi chiều… Nhưng ngoài biển ra, Quy Nhơn còn rất nhiều các điểm đến khác.

1. Cầu Thị Nại

Đây là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, nối liền thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai. Đến đây bạn sẽ cảm nhận được cảnh sắc thiên nhiên sơn thủy hữu tình của thành phố biển này. Khi đứng trên cầu Thị Nại, nhìn thành phố Quy Nhơn đẹp như một bức tranh; hướng về biển Đông là những vó biển của dân chài xã Nhơn Lý, phía xa nhấp nhô những cụm sa mạc cát trùng phùng hòa lẫn mây ngàn. Tất cả tạo nên một cảm giác bềnh bồng khó tả.

2. Eo Gió và Đồi cát Nhơn Lý

Eo Gió  thuộc thôn Hưng Lương, xã Nhơn Lý, nằm cách Quy Nhơn hơn 20 km về hướng đông bắc. Đây là thắng cảnh đẹp, mang dáng vẻ hùng vĩ bậc nhất ở Bình Định.

Đường lên Eo Gió, lối đi vẫn còn hoang sơ và không có sự tác động nhiều từ bàn tay con người. Từ trên cao nhìn ra xa, xóm chài nằm ngay dưới chân núi trông thật bình yên với những con thuyền bé nhỏ đang từ từ cập bến.

Để lên tới đỉnh phải đi theo những con đường mòn nhấp nhô đá rất khó khăn. Nhiều đoạn phải dò dẫm từng bước. Nhưng bù lại cho những vất vả thì bạn sẽ được tận hưởng tiếng gió vi vu thổi vào vách đá, luồn qua những hang động và hòa quyện tiếp với sóng dạt dào ngày đêm xô vào bờ. Trước mắt là biển trời bao la với những đường cong tuyệt đẹp của Eo Gió. Tiếng gió thổi lồng lộng rít bên tai, "nghe" chan chát mùi của biển cả.

Tại đồi cát Nhơn Lý, bạn có thể vui chơi, tham gia trượt cát. Đây là đồi cát được cho là lớn nhất Việt Nam; nơi được mệnh danh là “Một sa mạc giữa lòng biển xanh”.

3. Đảo Hòn Sẹo

Cũng nằm trên địa phận bán đảo Phương Mai, xã Nhơn Lý. Đây là một hòn đảo rất đẹp, hoang sơ, kỳ thú và chưa có người ở của thành phố Quy Nhơn.

Từ trong đất liền nhìn ra, Hòn Sẹo tựa như con thuyền khổng lồ đang tiến vào bờ. Đá ở đây được nhiều người dân trong vùng và du khách thập phương thấy đẹp mang về làm kỷ niệm hay trang trí nhà cữa, hòn non bộ… Vì đây là một bãi đá độc đáo và có lẽ là duy nhất ở Bình Định.

Để khám phá Hòn Sẹo, bạn có thể đi bằng dịch vụ ghe thuyền của các doanh nghiệp lữ hành hoặc thuê ghe của ngư dân đánh cá tại Nhơn Lý. Nếu xuất phát từ bãi biển Nhơn Lý thuyền sẽ đưa du khách qua Eo Gió, đảo Yến chạy chừng 20 phút là du khách đặt chân lên đảo, còn đi từ cảng Quy Nhơn ra bạn mất khoảng hơn 1 giờ là tới nơi.

4. Thắng cảnh Hầm Hô

Danh thắng Hầm Hô cách thành phố Quy Nhơn hơn 55 km về hướng Bắc, thuộc địa phận thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

Hầm Hô là nơi giao nhau giữa hai con sông Đồng Hưu và sông Cát đổ vào sông Phú Hương. Được tô điểm thêm bởi nét đẹp ở hai bên dòng nước trong, màu xanh cuả trời in bóng xuống làn nước trong thấp thoáng màu tím của hoa sim. Nhiều người đến đây rồi nhận xét, nơi đây đẹp như tiên cảnh.

Ngoài cái tên Hầm Hô, nơi này còn có tên “Thác cá nhảy” bởi vì vào mùa gió Nam, từng đàn cá kéo về đây đẻ trứng, rồi trong dòng nước đặc sệt bởi cá là từng con nhảy lên theo thác nước.

5. Trung tâm thành phố Quy Nhơn

Với bờ biển trải dài dọc theo cả thành phố, Quy Nhơn được coi là một trong những thành phố biển lãng mạn nhất Việt Nam với nhiều bãi biển đẹp như Bãi tắm Hoàng Hậu; khu du lịch Gềnh Ráng, di tích mộ Hàn Mạc Tử ngay cạnh biển.

Tháp Đôi. Đây là Ngôi tháp Chàm cổ, có từ thế kỷ XII - một di tích văn hóa nghệ thuật mang màu sắc tôn giáo của người Chăm xa xưa trong lòng thành phố Quy Nhơn. Tháp cấu trúc khá độc đáo, đặc biệt là kỹ thuật mài dũa, lắp ghép các tảng đá chồng khít lên nhau rất vững chắc.

Phú Yên

Từ Bình Định, bạn có thể bắt xe buýt sang Phú Yên. Trên đường đi, bạn sẽ được thưởng thức vẻ đẹp của cung đường Quy Nhơn - Sông Cầu rất đặc biệt. Tại Phú Yên, bạn có thể khám phá những kỳ vĩ về thiên nhiên của biển dưới đây.

1. Ghềnh đá đĩa

Ghềnh Đá Đĩa rộng khoảng 50m và trải dài hơn 200m, nằm sát bờ biển ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, là cảnh quan thiên tạo. Đá ở đây được dựng đứng theo từng cột (như có sự sắp xếp của bàn tay con người) liên kết với nhau, trên bề mặt mỗi phiến đá có tiết diện hình lục giác hoặc hình tròn rất độc đáo.

Từ trên cao nhìn xuống ta thấy như miếng sáp ong khổng lồ, đứng một bên ghềnh, ta lại thấy phiến đá tạo thành trụ liên kết bên nhau, vững trãi, bền chặt, dãi dầm mưa nắng. Đá nơi đây đã thăng trầm cùng với sự biến thiên của tạo hóa, sóng biển, nắng gió và đất trời. Tên gọi là Đá Đĩa bởi các cột đá gắn kết bề mặt như những chiếc đĩa xếp liền kề nhau, tăm tắp thẳng hàng.

2. Vũng Rô - Núi Đá Bia (còn gọi là Thạch Bi Sơn, dân gian tương truyền là Núi ông)

Nằm ngay trên đèo Cả (giáp ranh giữa Vũng Rô – Phú Yên và Đại Lãnh - Khánh Hòa). Vừa tới địa phận Phú Yên bạn sẽ thấy cảng Vũng Rô nằm phía dưới chân Đèo. Từ đó bạn xổ đèo xuống, đến lưng chừng đèo bạn sẽ thấy có con đường đi vào Cảng Vũng Rô khoảng tầm 10 -15km. Gần đó có con đường đi lên núi đá Bia, bạn sẽ phải gởi xe và đi bộ khoảng 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng là tới tấm Đá Bia. Tại Vũng Rô còn có khu di tích lịch sử Tàu Không Số nếu bạn muốn tìm hiểu.

3. Mũi Điện

Mũi Điện hay còn gọi là mũi Đại Lãnh, mũi Nạy, mũi Ba thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, Huyện Đông Hòa, Phú Yên, cách thành phố Tuy Hòa khoảng 40 km về phía nam. Mũi Điện là một trong 2 điểm cực Đông trên đất liền nước ta (điểm còn lại là Mũi Đôi - Hòn Gốm) nên được xem là nơi đón bình minh sớm nhất nước.

Mũi Điện nằm phía dưới chân đèo Cả thuộc địa phận Phú Yên (tới đó bạn hỏi đường vào Ngọn Hải Đăng, người dân sẽ chỉ). Đi khoảng hơn 10km thì tới ngọn Hải Đăng. Nơi đây ngắm bình minh hoặc hoàng hôn là thú vị nhất.

Thưởng thức ẩm thực

Bình Định rất nổi tiếng với bún chả cá Quy Nhơn, bánh xèo Phước Sơn, bánh hỏi cháo lòng, nem chua, rượu bàu đá,… Vậy nên bạn không nên bỏ qua những món này khi đến đây. Ngoài ra món đặc sản cua hoành đế với cái mai màu đỏ hoặc vàng đậm, cua có một chùm lông vàng ngắn, cách di chuyển của nó cũng đặc biệt so với những loại cua khác là bò ngang, nơi đây còn có các món khác như tôm rắn, tôm bạc, mực, sứa, rau câu, sò điệp…

Tại Phú Yên, bạn nên thưởng thức món đặc sản là sò huyết đầm Ô Loan rất nổi tiếng; cùng món hàu với nhiều cách chế biến khác nhau như nấu cháo, nấu canh, xào, nhưng có lẽ ngon nhất là món hàu tái và món hàu trộn với đậu phộng và cà chua rất hấp dẫn.

Du lịch, GO! - Theo Newmoon16 (Proguide.vn), internet