Gạo nương, măng rừng, cá suối… của nghìn trùng Tây Bắc được người dân miền xuôi coi là đặc sản, đã lên với Tây Bắc thì phải mua cho bằng được, nhưng nơi núi rừng còn có một thứ đặc sản không phải ai cũng dám thưởng thức.

< Côn trùng bán ở chợ Hát Lót rất đa dạng...

Cũng thật khó lý giải về “cơn nghiện” món ăn côn trùng ở Hát Lót, bởi từ bao đời nay, trong bữa cơm của người dân nơi đây, món ấy là “chủ lực”. Có thể đó là cách tận diệt thiên nhiên, cũng có thể là văn hóa thưởng thức của vùng miền.

< Dế chiên là món khoái khẩu của người Thái ở Hát Lót, Sơn La.

Khi chủ quán ở chợ Hát Lót, Mai Sơn, Sơn La bưng ra đĩa côn trùng vừa rang thơm nức, thực khách trong quán người thì hào hứng, nhưng có người lại chẳng dám động đũa. Cái cảm giác gờn gợn ở cổ được dân “phượt” chuyên nghiệp lý giải là cảm giác của người ít trải nghiệm, kén ăn, kén uống chứ với những người sẵn có thú xê dịch, thích trải nghiệm thì quả thật chẳng có gì hào hứng hơn.

< Người Thái bản địa gọi con liềng liệng ở suối là con dế nước. Món này có thể băm chả viên ốp với trứng có vị thơm đặc biệt.

Bọ xít, dế mèn, châu chấu… là những mặt hàng làm sinh động chợ phiên nơi này. Từ xa xưa, thịt gia súc, gia cầm chưa có trong mâm cơm của mỗi gia đình bà con, thì những loài côn trùng sẵn có trên rừng được xem là món ăn bổ dưỡng được lựa chọn. Văn hóa ẩm thực thật giản dị tiềm tàng trong con người, trong mỗi phiên chợ để làm nên nét độc đáo mà chỉ nơi Tây Bắc mới có.

< Vào những tháng này, bọ xít sinh sản trên cây nhãn, vải nhiều nên người Thái ở Sơn La còn gọi chợ Hát Lót là chợ bọ xít.

Ngồi bên góc chợ Hát Lót bắc cái bếp tạm bằng 3 hòn đá, vừa trò chuyện với cô gái Thái bán côn trùng, vừa tự tay thoăn thoắt đảo “tôm bay” (châu chấu hoặc cào cào) thấy cuộc sống thú vị làm sao.

< Người Thái luôn xem côn trùng là món ăn bổ dưỡng.

Cô bán hàng chuyện cứ rôm rả giòn tan trong tiếng cười mộc mạc. Bất chợt, mùi thơm thốc vào khứu giác, cô nhẹ nhàng nhắc nhở, rằng món ăn đã được rồi, nhấc chảo ra đi. Đĩa “tôm bay”  thơm nức cộng với rượu ngô nồng cay.

< Lá me chua nấu canh thường ăn với chả dế nước băm viên.

Dân ở dưới xuôi lên, ai cũng phải công nhận cái kiểu ăn này nó đưa chén ghê thật.
Đĩa dế ở chợ bán với giá 20.000 đồng/ đĩa, cào cào, bọ xít cũng thế. Rẻ đấy, nhưng muốn ăn nhiều cũng không dễ. Mỗi ngày, người dân bản, ai nhiều thì bắt được vài cân bọ xít, vài lạng cào cào, dế mèn, chứ không có nhiều.

< Người Thái có nhiều cách chế biến nhộng ong như hấp, chiên, xôi đồ nhộng ong... 

Phiên chợ chỉ có thế, hôm nào cũng vậy. Cái kiểu bán vù cái hết hàng, lại chờ phiên sau chính là nét độc đáo của chợ vùng cao. Bởi nếu hàng bán dầm dề, ngày này sang ngày khác thì chắc gì chợ phiên độc đáo này còn tồn tại.

Những người dân bản nói với chúng tôi, chợ thiếu côn trùng thì dường như chợ kém vui, còn đồng bào Thái ở Hát Lót thì chợ còn có côn trùng. Phóng xe từ Hà Nội lên Hát Lót để thưởng thức hay lạc vào chợ phiên này thì có vẻ hơi ngông. Nhưng có đi thì mới biết hết được món côn trùng độc đáo thế nào.

< Không ai còn nhớ chợ có từ bao giờ, nhưng người Thái mỗi khi thèm côn trùng thì lại bước chân đến chợ.

Đương nhiên, tiệc côn trùng cũng chỉ là cớ để ta sưu tầm đặc sản hóa các dân tộc trong cuộc sống thường nhật ở mỗi lần đi và đến.

Thật khó lý giải về cuộc sống “nghiện” món ăn côn trùng ở Hát Lót, bởi từ bao đời nay trong đời sống sinh hoạt của đồng bào Thái nơi này, món ăn ấy được coi là đặc sản đúng nghĩa.

< Chuồn chuồn cũng là món khoái khẩu, loài côn trùng này được xỏ xâu...

Chỉ là phiên chợ quê mộc mạc, chỉ với những mặt hàng dân dã, thậm chí người chưa từng gặp nhìn thấy sẽ thấy gờn gợn thế nhưng đồng bào nơi này thiếu nó thì sẽ buồn như nương rẫy mất mùa, như xuân thiếu cánh hoa ban.

Văn hóa ẩm thực bản địa thật giản dị, song nó tiềm tàng trong từng con người, trong mỗi phiên chợ và chính nét độc đáo ấy làm ta tìm về nơi Tây Bắc. Bởi chợ phiên Tây Bắc mà thiếu đi nét văn hóa ẩm thực côn trùng thì chẳng khác nào Tây Bắc mùa hoa ban chính vụ mà chẳng thấy sắc hoa gọi bầy ong bướm.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ An Ninh Thủ Đô