Sông Sêrêpốk chảy qua lãnh thổ Việt Nam có chiều dài 126 km nhưng có tới 10 nhà máy thủy điện đã và đang xây dựng

Sêrêpốk là con sông lớn nhất Đắk Lắk và lớn thứ 2 ở Tây Nguyên sau sông Sê San (Gia Lai - Kon Tum), có nhiều ghềnh thác nổi tiếng, lưu lượng dòng chảy lớn, hệ sinh thái phong phú, đa dạng.

Những năm gần đây, các nhà máy thủy điện lần lượt mọc lên, cắt ngang dòng chảy làm cho sông Sêrêpốk hùng vĩ của đại ngàn Tây Nguyên chỉ còn trong quá khứ.

Thủy điện băm nát dòng sông

Sông Sêrêpốk dài 406 km, đoạn chảy qua lãnh thổ Việt Nam chỉ 126 km nhưng có tới 10 nhà máy thủy điện, gồm: Cụm Nhà máy Thủy điện Đray H’linh 0, 1, 2, 3, Sêrêpốk 3, 4, 4A, Buôn Kuôp, Buôn Tua Srah, trong đó Nhà máy Thủy điện Đrang Phốk đang trong quá trình hoàn thiện đánh giá tác động môi trường để xây dựng.

Tổng công suất của 10 nhà máy này chỉ khoảng 870 MW. Để đủ nước phát điện cho các nhà máy, nếu tính cả Thủy điện Đrang Phốk, đoạn sông này có tới 7 đập chặn ngang dòng và một công trình thu gần hết nước của đoạn sông dài khoảng 20 km đổ sang kênh đào.
Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đắk Lắk cho biết nhiều nhà máy thủy điện nhỏ không quan tâm đến an toàn đập. Trong 6 nhà máy được kiểm tra có 5 công trình chưa lắp thiết bị quan trắc chống thấm, chưa có phương án bảo vệ đập, 4 công trình chưa xây dựng phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du…

20 km sông khô cạn

Sông Sêrêpốk bị chặn dòng, các loài cá quý hiếm như: cá lăng, cá mõm trâu ngày càng khan hiếm. Thậm chí, vài tháng tới khi Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 4A đi vào hoạt động sẽ làm khô cạn đoạn sông dài 20 km.

Theo thiết kế, Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 4A có công suất 64 MW, do Công ty CP Điện Buôn Đôn làm chủ đầu tư. Nhà máy sẽ lấy nước xả trực tiếp từ kênh xả của Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 4, nước sẽ theo kênh dẫn dài khoảng 15 km, được đào băng qua 3 xã Ea Wer, Ea Huar và Krông Na, huyện Buôn Đôn.

Sau khi phục vụ phát điện cho nhà máy, lượng nước này sẽ được trả về sông Sêrêpốk, cách nơi nhận nước khoảng 20 km đường sông. Lúc này, lượng nước từ Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 4 xả trực tiếp xuống sông Sêrêpốk chỉ còn lại 8,23 m³/giây, trong khi dòng chảy tự nhiên của sông là 220 m³/giây, tức chỉ bằng 1/26 so với dòng chảy tự nhiên khiến cả một đoạn sông dài khoảng 20 km cạn nước.

Ngoài ra, theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, đây là đoạn sông có tiềm năng phát triển loại hình du lịch mạo hiểm nên cần phải được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt. Bộ NN-PTNT đã có công văn gửi UBND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị không nên xây dựng Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 4A theo phương án kênh dòng mà nên điều chỉnh vị trí, quy mô và phạm vi nhà máy trên dòng Sêrêpốk. Thế nhưng đến nay, Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 4A đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng.

Hứng chịu thảm họa từ thủy điện

PGS-TS Bảo Huy, Trường ĐH Tây Nguyên, cho biết: Hiện nay, chúng ta cho phép xây dựng các nhà máy thủy điện một cách ồ ạt mà quên không giao cho họ quản lý lưu vực. Rừng quanh các dòng sông bị xóa trắng, nếu xảy ra lũ lụt lớn, sẽ không còn rừng để điều tiết, nước sẽ ồ ạt đổ về các dòng sông. Điều này cực kỳ nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến công trình mà đe dọa tính mạng của người dân vùng hạ lưu. “Cứ đà này, e rằng chúng ta sẽ phải hứng chịu thảm họa từ thủy điện”.

Du lịch, GO! - Theo Cao Nguyên (báo Người Lao Động), internet