Bao đời nay, ngư dân ở thôn Phước Lý (thị trấn Sông Cầu, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên), mưu sinh bằng nghề đánh bắt ghẹ trên đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài. Phía sau những đĩa ghẹ luộc đỏ bày bán ở các nhà hàng là mồ hôi, nhọc nhằn…

< Chuẩn bị ngư cụ để đánh bắt ghẹ.

Nhá ghẹ

Phải hẹn tới, hẹn lui mấy lần, anh Dương Ngọc Hồng mới đồng ý cho tôi theo anh ra vịnh Xuân Đài đi “săn” ghẹ. Lý do anh Hồng đưa ra là bây giờ đang mùa biển động, thời tiết bất thường, rất nguy hiểm cho những người không quen sóng gió như tôi.

Xuất phát tại bến lúc 16 giờ, sau khi lót dạ bằng bánh mì, chúng tôi chuẩn bị sẵn đồ nghề để khởi hành, hòa cùng  50 chiếc sõng nan (loại thuyền nhỏ ở vùng này) đi bắt ghẹ.

Đa số đã vào nghề đánh bắt ghẹ từ 2 năm trở lên, tôi là “lính mới” nên được anh Hồng ưu ái giao việc ngồi trên sõng bỏ mồi vào nhá. Nhá là loại dụng cụ được làm bằng sắt theo hình vòng tròn, đường kính khoảng 50cm, phía dưới đan lưới, có một thanh sắt chắn ngang để gắn mồi nhử ghẹ vào.
Bên trên được giữ thăng bằng bằng 4 sợi dây, có phao xốp nổi lên mặt nước để đánh dấu và phân biệt nhá của người này với người khác. Để làm được một cái nhá, người đi nhử ghẹ bỏ 3.500 đồng để mua nguyên vật liệu.

Sau 2 giờ rời bến Phước Lý, chúng tôi đã cách bờ 3km, lúc này vịnh Xuân Đài đã ken dày những chiếc sõng nan của dân đi bắt ghẹ. Để chuẩn bị cho chuyến đi này, anh Hồng bỏ 30.000 đồng để mua chình biển làm mồi và ngâm cho tanh để dụ ghẹ vào. Trước khi đưa nhá xuống mặt nước, phải lần lượt gài từng miếng mồi vào và cứ cách 5m, chúng tôi thả một cái nhá theo đường thẳng để dễ đánh dấu. Sau 2 giờ đồng hồ, 100 cái nhá mang theo trên sõng đã được thả hết.

Gió thổi càng lúc càng mạnh, thỉnh thoảng một vài con sóng tạt vào sõng, khiến tôi có cảm giác lạnh người. Sau mấy lượt đi vòng, chúng tôi kéo nhá lên khỏi mặt nước, mà chẳng phát hiện được chú ghẹ nào. Anh Hồng tỏ vẻ thất vọng: “Chỗ này cạn quá, ghẹ  ít lắm!”. Theo  những người có thâm niên trong nghề, thì nhá phải đánh ở tất cả các nơi nông sâu mới nhử  được ghẹ... Anh Hồng cho sõng ra xa một chút rồi lại tiếp tục thả nhá.

Xong, chúng tôi tấp sõng vào một chỗ nghỉ xả hơi. Bấy giờ, bóng tối đã bao trùm khắp vịnh. Những chiếc sõng đi đánh bắt ghẹ cũng bắt đầu thu hoạch. Họ vừa chèo vừa giở nhá, tóm những con ghẹ màu xanh tươi rói, hai càng to chắc khỏe như hai gọng kìm. Tôi mừng quýnh, vội lấy máy ra, nhưng chiếc sõng cứ lắc lư, không tài nào chụp ảnh được…

Vừa bơi sõng, vừa thả nhá, đánh lưới để bắt ghẹ gần  6 tiếng đồng hồ, mọi người đã thấm mệt. Anh Hồng cho sõng  tấp vào mé đá, mọi người ngồi hút thuốc, dùng cơm.

Tay chân ai nấy đã lạnh cóng. Tôi hỏi sao các anh không dùng nhiều nhá, nhiều lưới để đánh thì có thêm cơ hội kiếm được nhiều ghẹ. Họ nói: “Tiền không đủ xài, mình đi thế này đầu tư ban đầu cũng đã tốn mấy triệu rồi, tiền đâu nữa mà trang bị thêm đồ nghề”. Anh Ly, người có thâm niên 7 năm trong nghề, và cũng là  một tay “sát ghẹ” có hạng, cho biết: Ghẹ sống dưới đáy rạng san hô, nơi có độ sâu từ 3 đến 5 mét.

Đánh bắt ghẹ lý tưởng nhất là vào mùa biển lặng (từ tháng 11 đến tháng 3  và từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch). Dân hành nghề đông nhất là ở Phước Lý,  mỗi ngày có đến hàng trăm người ra vịnh Xuân Đài hoặc đầm Cù Mông nhử ghẹ. Để nhử ghẹ, người ta thường dùng các phương tiện như giã cào, dùng vợt, vừa bơi xuồng, vừa vớt hoặc dùng lưới. Nhưng đại đa số người dân ở Phước Lý đều dùng nhá.

Nhọc nhằn mưu sinh

Cùng làm nghề đánh bắt ghẹ với anh Hồng còn có hàng trăm người khác ở thôn Phước Lý và vùng lân cận.  Người thì dùng nhá, người thì dùng lưới. Những chiếc giã cào cũng tham gia vào nghề này nên sản lượng ghẹ giảm đi rõ rệt. Anh Huỳnh Văn Quyến, một người “săn” ghẹ  bằng lưới, cho biết: “Tôi làm nghề này được 7 năm. Trước kia cũng đánh bằng nhá, nhưng sau này thấy năng suất không cao nên tôi đầu tư thêm tiền chuyển qua dùng lưới. Một tấm lưới khoảng 170.000 đồng, đầu tư gần 1,5 triệu đồng mới mua được 9 tấm lưới chuyên dùng để đánh bắt ghẹ”.

Anh Quyến than phiền: “Trước đây, chúng tôi có thể sống với nghề. Nhưng từ khi có phương tiện giã cào tham gia, chúng tôi không kiếm được là bao. Chính giã cào làm ảnh hưởng đến việc sinh sôi phát triển của ghẹ. Cách đây mấy năm, mỗi đêm tôi thu nhập từ 100.000-150.000 đồng thì nay khá lắm cũng chỉ kiếm được  từ 30.000-50.000 đồng.

Lão ngư Huỳnh Văn Tôn đã cả đời làm nghề, nay lớn tuổi, ông truyền nghề lại cho các con. “Nếu không làm nghề này, thì cả thôn Phước Lý sẽ đói” - Ông Tôn nói. Cũng theo ông Tôn, để sống được với nghề, ngoài sự  kiên trì, ngư dân  phải có  sức khỏe để chịu đựng sương gió. Đây là nghề thu nhập bấp bênh và phụ thuộc vào thủy triều lên xuống.

< Thu hoạch và phân loại ghẹ.

Có những chuyến đi trúng mánh, nhưng cũng có bữa về tay không. Người vào nghề phải đầu tư từ 2-3 triệu đồng ban đầu để sắm  dụng cụ gồm: sõng, nhá, đèn soi, vợt… Làm ăn được thì sau 2 tháng sẽ lấy lại vốn. Không gặp may thì chưa biết đến khi nào mới hoàn vốn.

Anh Hồng cho biết thêm: Có người khi thả nhá xong, quay lại thì chẳng thấy nhá của mình đâu cả. Do nước cuốn đi, hoặc người khác lấy lộn. Thế là mất cả chì lẫn chài.
Cũng theo anh Hồng, muốn bắt được nhiều ghẹ, người đi nhử phải biết căn cứ  vào thủy  triều, vào từng con nước lên xuống để đoán được nơi ở của ghẹ.

< Những lồng nghẹ vừa khai thác.

Ngoài việc săn ghẹ, thỉnh thoảng anh em còn “vô mánh” tôm hùm giống, cá mú... Nhờ vậy mà thu nhập cũng tăng thêm. Bình quân mỗi ngày đêm có thể thu hoạch từ 2 –3 kg ghẹ, mỗi kg bán ra từ 13.000-45.000 đồng tùy thời điểm. Theo lời ông Danh, Trưởng thôn Phước Lý, thì hiện trong thôn có khoảng 100 người làm nghề đánh bắt ghẹ. Còn ông Lương Công Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sông Cầu cho biết thêm: “Cách đây khoảng 4 năm, chúng tôi có phối hợp với Trung tâm Thủy sản 3 đưa ghẹ giống về nuôi thử nghiệm ở xã Xuân Hòa.

Tuy nhiên, mô hình này không hiệu quả, do con giống không thích nghi với môi trường”. Ông Tuấn cũng cho biết, đánh bắt ghẹ ở vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông là nghề tự phát, huyện không quản lý và thu thuế.

Ghẹ có nhiều loại. Ghẹ xanh xuất hiện khá phổ biến ở Sông Cầu, Tuy An. Ghẹ xanh ưa thích sống ở vùng nước có độ mặn 25-31‰ và thường sống ở độ sâu từ 4 - 10 thước,  ở những vịnh, đầm có đáy là cát, cát bùn và cát bùn có san hô chết.

Ngoài ghẹ xanh,  còn có  ghẹ đốm, ghẹ cát và  ghẹ ba chấm, ghẹ ba mắt... Mùa sinh sản của ghẹ kéo dài quanh năm, nhưng thời gian ghẹ ôm trứng nhiều nhất là từ tháng 2 đến tháng 4.
Cũng như các loài cua biển, sau khi nở, ấu trùng ghẹ phải qua nhiều lần lột vỏ và biến thái mới trở thành ghẹ giống. Đến mùa sinh sản,  ghẹ kết thành đàn nơi có độ mặn 30 - 34‰ để đẻ trứng.

Du lịch, GO! Theo TPO, báo Quảng Nam, internet