Nằm bên dòng sông Trẹm hiền hòa, phố cổ Thới Bình từng ghi đậm dấu ấn lịch sử hai  cuộc đấu tranh chống Pháp và Mỹ của người dân H.Thới Bình (Cà Mau). Sau gần một thế kỷ tồn tại, phố cổ này đang xuống cấp trầm trọng và có nguy cơ mất đi.

Minh chứng lịch sử

Theo sách sử ghi lại, vào thời triều Nguyễn, Thới Bình chia thành 4 thôn: Tân Thới, Kiến An, Cửu Vạn và Tân Bình. Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm, 4 thôn nhỏ này được sáp nhập thành một làng mới gọi là làng Thới Bình. Năm 1924, Thới Bình thôn là vùng đất hoang sơ, khắc nghiệt, rất ít cư dân sinh sống, chỉ một số người từ vùng trên xuống mưu sinh bằng nghề trao đổi mua bán.

Dần dần Thới Bình trở nên đông đúc, nhộn nhịp. Thấy sự phát triển của ngã ba sông Thới Bình thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán nên quan lại phong kiến tranh nhau cất phố, lập thôn và hình thành nên chợ Thới Bình.

Ban đầu, dãy phố được cất tạm bợ. Đến năm 1940, thực dân Pháp cai trị đã cất lại khu phố bằng gỗ dầu, lợp ngói, cột xây bằng gạch. Khu phố có trên 100 căn, mỗi căn rộng 4 m, dài 12 m, chia làm 2 dãy. Sau khi cất xong, khu phố được bán lại cho những thương lái người Việt, người Hoa. Từ đó, khu phố lầu bên bờ sông Trẹm được hình thành. Gọi là phố lầu nhưng thật ra cả dãy phố chỉ có vài căn có gác cao, xây cất khang trang hơn so với những căn khác. Khu phố được hình thành bởi 2 dãy phố đối mặt và cách nhau bằng một con đường, mỗi dãy đều có kiến trúc riêng, rất thuận tiện cho việc trao đổi buôn bán.

Khu phố gắn liền với 2 địa danh lịch sử là sông Trẹm và kinh xáng Chắc Băng. Nơi đây, tháng 11.1954, chính quyền cách mạng chọn kinh xáng Chắc Băng làm trung tâm khu tập kết 200 ngày đưa cán bộ miền Nam ra Bắc. Khu phố cổ còn là minh chứng cho những thăng trầm mà người dân Thới Bình đã trải qua trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Dấu mốc đầu có thể tính từ năm 1940, khi thực dân Pháp vào cai trị và cất lại khu phố cổ. Đến cuối năm 1946, hỏa lực của Thực dân Pháp trong nhiều trận càn đã làm cháy rụi một phần khu phố. Khi Đế quốc Mỹ vào xâm lược đã  xây cất lại một phần khu phố đổ nát do chiến tranh, hòng giảm bớt căng thẳng và phẫn nộ trong lòng người dân nơi đây, với ý đồ “lừa bịp” để dễ cai trị.

Phố cổ về đâu?

Từ năm 2000, nhiều căn nhà trong khu phố xuống cấp trầm trọng và có nguy cơ đổ ngã. Một số hộ đành tháo dở xây lại nhà mới, nhiều người luyến tiếc “vẻ xưa” đã kiến nghị chính quyền địa phương cần có chính sách bảo dưỡng khu phố. Năm 2006, UBND thị trấn Thới Bình phối hợp với Bảo tàng tỉnh trình UBND tỉnh Cà Mau đề án Bảo tồn khu phố cổ Thới Bình. Tuy nhiên đề án chưa được xem xét do “chưa đủ tuổi” để công nhận phố cổ. Từ đó đến nay, công tác bảo tồn khu phố cổ coi như bỏ ngỏ.

Mới đây, tại Hội nghị công bố quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến 2030, Sở VH-TT-DL Cà Mau đã đưa khu phố cổ Thới Bình vào danh sách các điểm có thể khai thác du lịch. Song, để dự án khôi phục khu phố này sớm thực hiện không phải là điều dễ dàng. Ông Trần Thanh Tâm, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa Sở VH-TT-DL Cà Mau cho biết: “Trước hết cần phải tiến hành khảo sát ngay hiện trạng khu phố, vận động người dân tạm thời không tháo dỡ nhà cổ, đầu tư vốn để bảo tồn khu phố thì họa chăng mới khôi phục lại được một phần nào dáng dấp phố cổ ngày trước”.

Đến nay, phố cổ Thới Bình đã nhiều thay đổi. Những ngôi nhà mái ngói cổ kính được thay bằng vật liệu bền chắc, hiện đại hơn. Đâu đó, xen lẫn trong tán những cây còng đại thụ, người ta vẫn còn thấy thấp thoáng một vài mái nhà rêu phong, cổ kính. Và rồi, có thể nét đẹp cùng những giá trị văn hóa, lịch sử ấy sẽ chỉ còn được lưu lại qua những lời kể của người dân một cách luyến tiếc!

Du lịch, GO! - Theo Phượt thủ Chí Tín (iHay), internet