Phòng nghỉ là những căn nhà ngói cấp bốn, không điều hòa, máy lạnh, sinh hoạt ăn, ngủ cùng chung với gia chủ, vườn cây, ao cá cùng những người dân chất phác, đậm chất quê tạo cho du khách những cảm nhận như được hòa mình trong bản sắc làng quê Việt.

< Nhưng ngôi nhà như thế này là đặc trưng của du lịch cộng đồng tại xã Giao Xuân, Giao Thủy, Nam Định.

Căn nhà 5 gian cấp bốn lợp ngói đỏ, bộ bàn ghế bằng gỗ nan được kê chính giữa ngôi nhà cùng hai chiếc giường gỗ đã cũ tất cả được kê ngay ngắn ở ba gian nhà ngoài – chỗ nghỉ cho khách du lịch, cạnh đó là 2 gian buồng, nơi ngủ của cả gia đình chủ nhà, giàn hoa giấy được tỉa lá, hé nở những bông hoa tím đung đưa trước hiên nhà.

Coi khách như người thân

< Nhà bổi truyền thống có lịch sử hàng trăm năm.

Trước khoảng sân, khu vườn rộng khoảng gần nghìn m2, được trồng các cây ăn quả như: nhãn, chanh, ổi, đu đủ, ngay cổng nhà là ao cá rộng gần hai trăm m2. Chủ nhà, bà Nguyễn Thị Thìn (52 tuổi), ở thị tứ Giao Xuân, Giao Thủy, Nam Định cho biết: “Gia đình tôi mới làm du lịch còn bỡ ngỡ, mỗi khi có khách đến, cùng ăn, cùng ở nói chuyện như người thân, nào là chuyện đồng áng, cấy hái ra sao, vùng quê có gì đặc biệt, đời sống sinh hoạt của bà con ở đây thế nào, có nghề truyền thống gì nói hết, vui lắm. Chú ở đây cư yên tâm, muốn ăn gì bảo để tôi mua, đừng ngại”.

< Du khách tham quan tại khu du lịch sinh thái cộng đồng.

Điều thú nhất khi ở với gia đình người dân là được tắm ngoài bể nước, múc nước bằng gáo dừa tuy hơi lạnh, nhưng được hít thở không khí đồng quê cùng hương vị gió biển.

Chiều muộn, hai người con bà Thìn sang nhà ông ngoại chơi, vợ chồng bà cùng tôi quây quần bên mâm cơm, với món ăn là cá biển kho, thịt lợn luộc, rau muống chấm tương và cà muối, đơn giản nhưng đủ chất. Bên mâm cơm, chủ và khách như người thân lâu ngày mới gặp, bà hỏi thăm tôi gia đình thế nào, công việc ra sao, rồi bà kể về gia đình, về mấy đứa con đang học thế nào, rồi chuẩn bị cấy lúa ra sao. Câu chuyện cứ râm ran đến hết bữa cơm.

< Giao lưu văn nghệ cùng cộng đồng dân cư bản địa.

Tối đến, bà Thìn mời tôi đến thăm khu hội trường do ban quản lý du lịch cộng đồng xã xây dựng cách nhà khoảng 300m, khu hội trường rộng khoảng 400 m2, gồm một khu nhà chính được làm bằng tre, mái lợp rạ, có sân khấu và bàn ghế cho khách ngồi, ngay lối cổng vào được kê một bộ máy xay sát gạo. Bà Thìn kể, toàn bộ khu này được xã giao cho Đoàn thanh niên xã quản lý để bán nước, đón khách du lịch và sinh hoạt văn nghệ vào mỗi tối thứ bảy hàng tuần.

< Cùng nhảy múa trong đêm lửa trại đầy sôi động.

Khoảng 21 giờ tối, bên ấm nước vối, bà giới thiệu về làng quê biển Giao Xuân qua làn điệu hát chèo, bà kể về những bỡ ngỡ khi làm du lịch, về ý thức của người dân đối với việc bảo vệ đàn cò Mỏ Thìa, loài cò đang nằm trong danh sách đỏ có nguy cơ bị tuyệt chủng cần được bảo vệ. Loài cò này mỗi khi giao mùa, chuẩn bị đến mùa đông, chúng lại cùng nhiều loài chim khác từ Bắc di cư vào Nam đều dừng chân tại bãi chim nơi có rừng sú vẹt số lượng có thể lên đến hàng vạn con. Hàng ngày, mỗi khi chiều tà, đi dọc con đê Xuân Châu sẽ thấy các loài chim biển về ngủ đêm cũng tại khu rừng này, qua hình thức làm du lịch cộng đồng cũng để người dân nơi đây ý thức hơn trong việc bảo về môi trường, bảo vệ các loài chim.

Đêm, bà Thìn cẩn thận chuẩn bị giường chiếu, chăn màn cho khách ngủ trên chiếc giường ở gian nhà ngoài. Trước khi chìm trong giấc ngủ tôi vẫn nghe thấy tiếng sóng biển rì rào như lời thì thầm, vỗ về của một vùng quê như mời gọi, níu giữ du khách thập phương.

Ấm áp tình quê

< Thăm làng nghề chế biến hải sản.

Theo chị Nguyễn Thị Thơ, Ban Quản lý du lịch cộng đồng xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy, Nam Định, từ năm 2006 với sự hỗ trợ của Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng, người dân xã Giao Xuân đã xây dựng mô hình “Du lịch sinh thái cộng đồng” với mục đích tạo sinh kế mới bền vững cho cộng đồng địa phương và góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Mô hình này cũng đồng thời tạo điều kiện cho khách du lịch tìm hiểu thêm về truyền thống văn hóa, nếp sinh hoạt cũng như vẻ đẹp của người dân bản địa, góp phần không nhỏ trong chiến lược khai thác vẻ đẹp tiềm ẩn của ngành du lịch Việt Nam.

< Thăm Bến cá Tiền Lang- Giao Hải.

Ông Nguyễn Văn Khuyến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Giao Xuân, Giao Thủy, Nam Định cho biết, hiện tại trên địa bàn xã có 10 hộ tham gia hình thức du lich cộng đồng, với 25 giường ngủ tại các gia đình trong xã. Điều kiện để chọn các hộ tham gia hình thức du lịch này là phải được công nhận gia đình văn hóa, có nhà mái ngói, vườn rộng, ao cá, giếng nước, trong 10 hộ tham gia, duy nhất có một hộ có nhà lợp bằng lá bồi (cây cói) rất mát. Khó khăn nhất đối với người dân là ngôn ngữ để giao tiếp với người nước ngoài, Năm 2009, có 278 du khách nước ngoài đến Giao Xuân du lịch và thưởng thức hình thức du lịch này, chiếm 1/3 số lượng khách nước ngoài đến với Nam Định. Số khách du lịch về với Giao Xuân từ đó đến nay đã ngày một tăng.

< Cùng tham dự phiên chợ quê tấp nập.

“Để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Giao Xuân, xã đã có kế hoạch tập huấn nghiệp vụ du lịch, mở lớp nấu ăn, dạy ngoại ngữ cụ thể là tiếng Anh cho người dân trên địa bàn”, ông Khuyến nhấn mạnh.

Nghỉ một đêm, thưởng thức hai bữa cơm cùng gia đình gia chủ, bà Thìn tính cho tôi chỉ 80 nghìn đồng, trong đó 30 nghìn tiền ngủ một đêm, ăn hai bữa cơm 25 nghìn/bữa. Chỉ ngần ấy nhưng ấm tình làng quê, ấm bởi cái chân chất của những con người chất phác, thật thà, lam lũ của vợ chồng bà Thìn.
Cùng với sự mộc mạc giản dị từ những con người chân lấm tay bùn, không xô bồ, bon chen khác xa nơi đô thị là không khí trong lành nơi thôn dã, không bụi bặm, yên bình thoát khói tiếng gầm rú của động cơ phố thị. Ngần ấy lý do của Giao Xuân cũng làm tôi khó quên vùng đất và con người nơi đây dù chỉ ở một ngày.

Giao Xuân là một xã thuộc vùng đệm Vườn Quốc Gia Xuân Thuỷ với diện tích đất tự nhiên là 775,54 ha, có hơn 2 km bờ biển và dân số hơn 10 nghìn người. Với đặc thù về địa lý và điều kiện tự nhiên như vậy nên người dân nơi đây phần lớn là làm nông nghiệp và khai thác, nuôi trồng thuỷ sản. Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng do Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) được triển khai thực hiện thí điểm ở nơi đây đang có xu hướng phát triển đầy hứa hẹn. Hàng năm có hàng trăm lượt khách trong và ngoài nước đến địa phương để học tập, nghiên cứu hệ sinh thái đất ngập nước VQG Xuân Thủy và cùng tham gia hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng.

Du lịch, GO! - Theo Xuân Hải (Infonet)