(Tiếp theo)
Từ hàng chục năm trước: người ta vẫn biết xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) là vùng đất có tiềm năng để phát triển du lịch do nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Tuy nhiên, do là một xã bán đảo, không có trục lộ giao thông nối liền với đường chính nên Ninh Vân vẫn là một chốn heo hút dù đây vùng đất hoang sơ và xinh đẹp nằm trên bán đảo Hòn Hèo...

< Mình tạm gọi là đèo nhưng cũng đáng gọi là đèo do dốc cao, quanh co nhiều - bên núi, bên vực.

< Các dốc nhấp nhô liên tục như đánh võng.

Hòn Hèo còn có tên gọi là Phước Hà Sơn do địa danh này là một quần thể có trên 10 ngọn núi lớn, nhỏ khác nhau, cao nhất là Hòn Hèo (813 m) nằm chính giữa.
Theo các lão ngư kể lại, trên đỉnh Phước Hà Sơn có rất nhiều loại mây, gióng rất to và dài, nhiều hoa văn... nên nhiều người vượt biển ra đây khai thác về làm tủ, ghế, rương, tráp... và đặc biệt là làm gậy chống, dân gian gọi là cây hèo. Vì vậy, dân trong vùng gọi Phước Hà Sơn là Hòn Hèo.

< Cũng như những con đèo mình đi: đường nối liền Ninh Phước - Ninh Vân vắng xe, lắm khi năm bảy phút mới thấy một chiếc.

Đây là vùng núi cao hiểm trở có 3 mặt giáp vịnh biển Văn Phong và đầm Nha Phu, Hòn Hèo có phong cảnh và bãi biển đẹp tuyệt vời và từng là căn cứ cách mạng của quân dân Khánh Hòa qua hai thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Sáng sớm dân Hòn Hèo thường thấy hàng đàn gà rừng tao tác kiếm ăn sát cụm dân cư, còn lũ khỉ, voọc đầu trắng, heo rừng, nai thì thường xuyên xuống tận rẫy và mép biển để phá phách và ăn thức ăn thừa.

< Kỳ một đỗi là dân phượt thấy đường càng vắng sẽ càng thú vị do không nhà cửa, khung cảnh hoang sơ hơn. Dĩ nhiên là tránh đừng để hư xe hay tai nạn thì chừng đó lại trông có người cứu!

< Cột Km bên đường ghi Mũi Cỏ - 8km. Mũi Cỏ là một trong những mũi đá nhô ra của bán đảo Hòn Hèo.

Hồi trước, nói đến Ninh Vân là người ta nghĩ đến một xã đảo hẻo lánh nằm dưới chân núi Hòn Hèo. Xã có 3 mặt là núi, trước mặt là biển nên muốn ra, vào Ninh Vân đều phải đi bằng đường biển, do vậy nên suốt một thời gian dài không ai nghĩ đến việc phát triển DL ở Ninh Vân. Thế nên, rất nhiều người đã bất ngờ khi các nhà đầu tư DL chọn vùng đất này để xây dựng khu nghỉ mát (KNM) đẳng cấp quốc tế!
< Xe không gặp nhưng lại trực diện hai chiếc xe tăng này! Chận xế xin tiền mãi lộ à? Bọn mình cười cầu tài rồi lách trái dzọc luôn. May mắn là hai ông không có mô tô.

< Nếu trời mưa nhiều thì vách đá này sẽ là thác nước.

Tháng 12-2004, Six Senses Ninh Vân Bay đi vào hoạt động với hệ thống 54 biệt thự cao cấp được thiết kế mang đậm nét truyền thống của dân tộc Việt Nam với đồ nội thất sang trọng. Ở thời điểm đó, Six Senses Ninh Vân Bay là một trong những dự án đầu tiên phục vụ khách DL cao cấp, với mức giá được công bố là 250 - 1.000 USD/phòng/đêm.
< Ghé một nơi mà người ta quây rào dọn đất làm gì đó. Rào thì leo qua luôn, chủ ý 'khám điền thổ' - tương lai có thể một resort mọc lên.

Do vị trí tuyệt đẹp trên bán đảo hoang sơ, lãng mạn; một bãi biển trong sạch đến lý tưởng với đa phần thời gian là nắng quanh năm, khí hậu ổn định, ít bị bão: KNM Six Senses Ninh Vân đã chinh phục được du khách...
< Chạy thêm một đoạn, lại dừng rồi leo lên mỏm đá: nhìn lại vẫn thấy chỗ xây dựng này, dưới biển có chiếc xe cạp đất.

KNM Six Senses Ninh Vân là một trong những số ít resort ở Việt Nam nhận được nhiều giải thưởng danh giá nhất của các hiệp hội DL Việt Nam và thế giới. Sau sự thành công của KNM Six Senses Ninh Vân Bay, nhiều nhà đầu tư đã “nhòm ngó” đến vùng đất hoang sơ này. Và đến đầu tháng 4-2011, trên địa bàn xã Ninh Vân đã có dự án DL thứ 2 đi vào hoạt động, đó là Khu nghỉ dưỡng An Lâm Ninh Vân Bay.

< Trên đỉnh đồi có trụ anten: Ninh Vân phủ sóng điện thoại ngon lành đó nhé.

Đầu năm 2011, con đường mới nối liền Ninh Phước với Ninh Vân vừa được hoàn thành ã mở ra cửa ngõ giao thương cho Ninh Vân, đánh thức tiềm năng DL của vùng đất hoang sơ và xinh đẹp này.
< Còn điện thì đương nhiên: phía trái là đường dây trung thế kéo dài đến tận cùng nơi dân cư thuộc Hòn Hèo.
Dốc cao, chạy không thấy phía bên kia.

Trước kia, từ đất liền muốn ra hòn Hèo phải vượt biển bằng ca-nô của các tour du lịch. Ngày nay, con đường mới mở ngoằn ngoèo cheo leo theo núi từ Ninh Tịnh kéo dài đến tận Ninh Vân làm sống dậy một vùng đất hoang vu.
< Liên tục trả số về 3, rồi 2. Vượt đỉnh dốc, thả trớn ào ào, gió rít bên tai.

Còn bây giờ, ai đến Hòn Hèo đều kinh ngạc trước các resort mang phong cách hướng về thiên nhiên như Wild Beach Resort, Jungle Beach với dịch vụ du lịch biển - núi với những dãy nhà lều bằng lá - gỗ trầm mặc dưới hàng cây sát bên bờ cát trắng tinh.
< Rồi đến bãi biển thật độc đáo này: Một bãi hoang có bề dài tầm 200m, hai bên là núi đá phủ thảm thực vật xanh rì. Cát trắng, nước trong xanh không khác gì chốn bồng lai.
Tuy nhiên: nếu bạn muốn xuống thì phải cắt rừng, tầm 100m.
Địa điểm trên Wikimapia.

< Việt Nam mình có hơn 3000km bờ biển với vô số những bãi biển đẹp từ Bắc chí Nam. nhiều bãi vang danh trong nền du lịch thế giới...


< Vậy nhưng những bãi biển be bé mình mình rất thích vì cung cách hoang sơ của nó.

Do giáp biển nên bờ biển Hòn Hèo lởm chởm đá với nhiều mũi như mũi Bàn Thang, mũi Cỏ, mũi Cây Sung, mũi Bãi Chướng, mũi Bắt Tay. Mũi Hòn Thị, là cùng điểm của dãy Phước Hà Sơn. Ngoài biển, có các đảo: hòn Chà Là, hòn Hổ, hòn Rồng, hòn Đụng Chóp Vung, hòn Bạc...
< Thèm thuồng, luyến tiếc rồi lại lên xe đi. Hòn ngọc Viễn đông mà có chỉ một rẻo biển này thôi cũng đủ lên tiên! Qủa là 'hàng hiếm' ở chốn thành thị, đông dân và phát triển nhất nước... nhưng tại đây: một rẻo biển nhỏ 'không là cái đinh gì'.
Thi thoảng ven đường có một chiếc xe gắn máy mà ai đó bỏ mặc bên lề, chắc của thợ rừng.

< Cung đường ngoằn ngoèo, khi rẽ trái, lúc lại quẹo phải, bên là núi thì bên kia vực sâu...

< ... lúc tuột dốc, khi khác lại lên cao xẻ đôi núi đồi.

Tận phía Nam là Six Senses Hideaway Ninh Van Bay và vài khu du lịch cao cấp khác. Do xung quanh có các Hòn Lao, Hòn Thị, Hòn Rớ, Hòn Sầm, Hòn Lăng... bao quanh nên mặt biển của Hòn Hèo luôn phẳng lặng. Hải sản được khai thác ngay trong đầm Nha Phu gồm mực, cá mú, tôm, ghẹ, ốc hương, sò điệp... Đặc biệt, các loại đặc sản như thịt cá sấu, đà điểu... được cung ứng tại chỗ và phục vụ tận lều...
< Chen kẻ vào đó là những khoảng lặng để bọn mình dừng chân ngắm nhìn...

< ... và thưởng lãm khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ - quê hương ta dù còn nghèo nhưng đẹp xiết bao!

Các dịch vụ lặn xem san hô, chèo thuyền kayak, ca nô kéo, dù lượn luôn luôn thu hút du khách vì sự phục vụ tận tình và giá cả khá hợp lý. Đi sâu vào trong đảo, người ta còn có thể leo lên đỉnh núi, ngang qua một khu rừng ngập mặn để đến một con suối nước ngọt có tên Hoa Lan với nhiều loại lan rừng quý hiếm.
< Ninh Vân còn 6km nữa. Hoàn toàn không xa nếu là đoạn đường phẳng phiu, bình thường. Tuy nhiên, do đây là đường đèo uốn lượn nên tay ga và cần số hoạt động liền tay, không thể nhanh đến được.

< Một trong những đỉnh núi của dãy Hòn Hèo phí trước mặt. Con đường vòng vèo từ vách núi này sang núi khác - vòng vo như cuộc sống đang xoay vần.

< Nắng nung người khi vào một con dốc cao. Khúc này chỉ còn đường dây điện hạ thế bên trái còn dây trung thế nằm tuốt dưới kia, mé vực.

< Trên sườn núi vẫn mờ mờ ảo ảo dù ngay giữa trưa, cái kiểu thời tiết ni đã diễn ra từ hồi mình ở Đại Lãnh, Đầm Môn về đến đây. Đôi khi nó tạo thêm sự huyền bí cho ảnh nhưng lúc này lại khiến ảnh giảm chi tiết.
Chiếc Cannon mà 'nửa kia' đang chộp cũng bắt đầu xuống sắc, thu hoạch ảnh về xong: khi post bài phải chỉnh nét và màu nhiều - Xài 2 năm rồi, có lẽ bắt đầu 'ngáp' đây...

< Liên tục những tấm biển báo 'dốc 10°... nhưng mình cho là dốc cao hơn thế.

Không ghé thì lại chạy ngay,
Đi hết nửa ngày mũi Cỏ, Cây Sung.
Chà Là, Hổ, Đụng Chóp Vung,
Kinh ngoài Hòn Bạc kinh trong Ninh Hò.

< Chạy khúc ni thấy đường sẽ đến trước mặt, quanh co theo núi.

Đứng tại hòn Bạc sẽ thấy Nha Trang, nhưng nếu quay mũi ghe về phía tay phải sẽ vào vịnh Nha Phu (đầm), mặt biển nơi này yên tĩnh. Giống như bên vịnh Vân Phong, vịnh Nha Phu núi cũng chạy sát biển, bờ biển cao, có nơi thẳng, ít chỗ lồi lõm như bên Vân Phong, nhưng dưới chân ghềnh cũng có nhiều hang hố ăn thông vào các thạch động ở bên trong núi Hòn Hèo.

< Những vách núi có độ dốc cao, 'thợ rừng' lên núi chắc cũng chua lắm đây, vì vậy rừng Hòn Hèo vân còn mênh mông.

< Nhìn thấy tấm bảng, muốn sặc cười "Lái xe chú ý: Đường dốc quanh co nguy hiểm, hạn chế tốc độ". Lời cảnh báo có quá trễ không khi mình đi sắp hết cả đèo rồi?

< Rãnh phải là mương thoát nước: mưa lớn hay mưa dầm, nước trong mương sẽ tràn trề, cuồn cuộn ra đường lộ đấy!

Trong vịnh, có nhiều đảo như hòn Thị (lớn nhất), hòn Trồng, hòn Rêu, hòn Nứa, hòn Cóc, hòn Lao. Bờ biển phía Đông vịnh Nha Phu cao nhưng bờ biển phía Tây từ cửa Hà Liên vào Ngọc Diêm, Rù Rỳ thấp vì núi chạy xa dần biển. Tuy nhiên, thỉnh thoảng núi đột khởi chạy thọc ra biển khiến bờ biển vụt chênh vênh làm thay đổi hình thể và sắc thái bờ biển: ví dụ như hòn Hoài ở Ninh Hà, hòn Giốc Thơ ở Tân Thủy.
< Vòng cung hình chữ S, trông như hình thể bờ biển VN.
Đây là vòng cua thứ mấy của con đường này thì mình không nhớ...

< ... nhưng chắc chắn đây là một trong các cua dốc cuối cùng trước khi đến thôn Tây của xã Ninh Vân, một chốn tận cùng của Hòn Hèo mà trước khi có đường, người ta phải vào đất liền bằng ghe...

< Ninh Vân: một nơi mà bọn mình chọn để đến thấp thoáng trước mắt kia rồi.
Ninh Vân với phía trái là đồng ruộng thể hiện qua các ô vuông vắn, phía phải điểm tô những mái nhà đo đỏ - nối liền bên là vài ngọn núi nhỏ nhô ra biển, che chắn cho bến cảng phía bên kia.

Vậy là bọn mình cũng đến Ninh Vân rồi.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!