(Tiếp theo)
Đường vào Đầm Môn trải nhựa phẳng lỳ, đoạn đầu là 2 luồng lưu thông lớn - đến đoạn sau thì tăng lên 4 luồng với vạch phân luồng đầy đủ, cuối đường là lối nhỏ vào làng chài Xuân Đừng.

< Khúc cua đầu tiên của con đường vào Đầm Môn.

Về địa danh này, mình có những thông tin tổng hợp sau đây:
Đầm Môn (thuộc khu vực bán đảo Hòn Gốm) là một bán đảo có hình dáng như một cánh tay đưa ra biển bao bọc lấy phía Đông vịnh Vân Phong. Đây là vùng đất thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang khoảng 80 km theo quốc lộ 1A về phía Bắc (cách 45 km theo đường biển).

< Ở đoạn đầu, mé phải đường giáp vịnh Vân Phong - cũng là nơi mà bề ngang doi đất nối Đầm Môn với đất liền mỏng nhất, chỉ khoảng 400m bề ngang (nếu không tính các ao lấn vịnh nuôi hải sản).

Bán đảo Đầm Môn được tạo thành do hai núi đá: Hòn Nhọn (436 m) và Hòn Đôi (309 m), nối với đất liền bằng eo cát hẹp từ 0,4 - 2 km. Chiều dài tổng cộng chừng 36 km với tổng diện tích tự nhiên là 128km². Rừng nơi đây bị tàn phá do gió biển và con người, chỉ còn rừng dương và thảm cây bụi. Mũi Đôi là điểm cực đông của bán đảo, đồng thời là điểm cực đông của phần đất liền Việt Nam.

< Chạy một đỗi thì bắt đầu thấy núi chập chùng phía xa xa. Núi đây chính là núi Hòn Nhọn, núi Hòn Đôi, núi Hòn Lớn...
Đường rất vắng, thi thoảng có vài chiếc xe gắn máy chạy qua lại. Có nhiều đoạn không bóng nhà, không xe và dĩ nhiên là cũng không bóng người.

Bán đảo Đầm Môn là một trong những điểm du lịch mà Tổ chức Du lịch thế giới đã tiến hành khảo sát và đánh giá rất cao. Ở đây có đầy đủ mọi điều kiện tự nhiên tối ưu cho sự phát triển du lịch sinh thái: khí hậu, bờ biển, rừng núi, cảnh quan, môi trường sinh thái, cảng biển, nguồn cung cấp hải sản…

< Lúc này đồng hồ công tơ mét của xe mình kêu rền rĩ. Cái kim màu cam run rẩy, đôi khi nhảy lút kim và gãy luôn. Vậy là hết tính được tổng kilomet mình đã đi, thiệt khỉ gió!
Gãy thì gãy nhưng kêu vẫn cứ kêu, kêu là do mấy cái bộ phận trong đồng hồ. Chuyến sau chắc phải đem theo cây tuốc vít 2 đầu loại tốt hơn.

Hiện nay, bán đảo Đầm Môn có tất cả 3 thôn : Đầm Môn Hạ (thôn Khải Lương), Đầm Môn Thượng và thôn Xuân Đừng. Bao quanh bán đảo có khoảng 20 đảo lớn nhỏ có rừng nguyên sinh với những điều kỳ lạ, độc đáo ở làng chài Đầm Môn và Xuân Đừng…

< Xe chạy qua một ngã 3 lớn, nhánh rẽ phía trái. Thật tình lúc đó mình không biết nó dẫn đi đâu vì ngõ vào Sơn Đừng bé tẻo teo nếu coi trên bản đồ vệ tinh...
Thêm một đoạn nữa thì thấy thôn Đầm Môn phía phải: mình chạy vào luôn. Đường trong này lòng vòng với các ngách, khá nhiều nhà dân - có trường, có chợ, có cảng cá, có nhà nghỉ và cũng có một số nhà bán đồ tạp hóa, cơ khí tàu biển.

< Cuối cùng mình chạy đến đây: cảng cá Đầm Môn, còn cảng sò tít ngoài kia.
Nước vịnh nhưng xanh rì, xanh không phải ảnh này đẹp hơn nhờ chụp bằng cái Nikon... mà nước xanh thật dù cảng ngay khu dân cư, không mấy gì sạch.
Gặp vài đứa bé cầm bao rác đem ra vứt - Giữ gìn lấy môi trường sạch cho ngày sau, các bé ơi...

< Cạnh cảng là ngôi trường tiểu học với lum xum những nhóm trẻ trong giờ tan trường. Loay hoay, mình hỏi đường ra chợ thì hai chú bé nói 'Cô chú đi theo tụi con', vậy là chạy đến chợ. Tuy nhiên, chợ trưa vắng teo không còn hàng hóa gì. Vậy nên bọn này trở ra đường lớn...

Một số đảo có thể kể tên tại đây như: Hòn Lớn, Hòn Ông, Hòn Săng, Hòn Đỏ, Hòn Me, Hòn Mài (Hòn Dung), Hòn Kê, Hòn Đôi, Hòn Trâu Nằm, Hòn Tai...

< Hỏi mấy cô gái đứng ngoài cửa thôn đường đi Sơn Đừng, hóa ra chính là cái ngã 3 tổ chảng ngoài kia, hiện đại dữ nha.
Con đường như một đại lộ ở thành phố, cốt ý để làm tiền đề cho việc phát triển du lịch tại vịnh Vân Phong và những khu du lịch sinh thái như Bãi Cát Thắm, KDL Bãi Cá Ông... đã từ được khởi động rầm rộ nhiều năm trước kia.

< ... Vậy nhưng sự suy thoái toàn cầu khiến những KDL dự đoán là sẽ 'hoành tráng' này đến nay chỉ mới là một vài căn nhà điều hành, nhiều cây số rào bao quanh để... xí chỗ và hết! Một sự im lặng đến lạnh lùng của nơi chốn bị bỏ hoang tựa như cung cách 'bỏ của chạy người'.

Tháng 6/2002, một con đường được làm dài 18,5km bắt đầu từ dưới chân đèo Cổ Mã chạy suốt đến Đầm Môn, mở đầu cho việc phát triển khu du lịch vịnh Văn Phong.
< Cuối con đường - nói rõ hơn là nơi 'đại lộ thênh thang' bị cắt ngang bởi những cồn cát... là thôn Sơn Đừng.

Đi trên con đường mới mở này, xuyên suốt vùng bán đảo, du khách có thể nhìn thấy những ngôi nhà như bị chìm trong cát, những cồn cát mênh mông, trắng xóa chạy dài. Có những đoạn đường chung quanh không một bóng nhà hay người khiến ta có cảm giác như con đường đang băng qua một sa mạc rộng lớn.

< Mé trái đường căng vài tấm lưới chống nắng trên các cọc tầm vông, bên phải cũng vậy. Một tấm bảng ghi nguệch ngoạc "Nơi giữ xe" đong đưa trước gió, đàng kia có chái nhà nhỏ có một hai người nhưng không ai buồn quan tâm nhìn ra ngoài đây.

< Làng xóm Sơn Đừng nằm dưới con dốc khá kinh dị này. Vứt xe trên kia, mình ngoắc bà xã xuống nhưng 'nửa kia' lắc đầu. Vậy là mình xuống.
Ngay đầu dốc phía dưới có 2 chái nhà, trong đó có gần chục chiếc xe gắn máy. Chắc chắn là chỗ gửi xe - nhưng ai gửi? Có lẽ là nhóm bạn nào đó vào thôn cốt ý khám phá cực Đông.
Lúp xúp những ngôi nhà ven vịnh biển, xẻ qua lại là những hàng rao liêu xiêu chứng tỏ đây là ranh đất của những người nào đó...

< Nơi mà ngày trước cực kỳ hoang sơ thì bây giờ: các hàng rào làm mình cụt hứng. Nắng đổ lửa, bước chân xào xạc trên con dốc xi măng đầy cát - mình xuống đến phía dưới, nhìn ngó dãy xe, và những nhà ven bãi biển nho nh Sơn Đừng: Không khám phá 'cực Đông', không 'bò' ra nổi bãi Hồ Na thì vào đây làm gì nhỉ?
Vậy là mình trở lên...

< ... và rời khỏi nơi đây. Mặt đường nóng bỏng, trời oi nồng không một chút gió nào - Con lộ thênh thang không bóng người, tiếng rin rít khó chịu của cái đồng hồ công tơ mét khiến mình nghiến răng xiết tay ga, phóng vùn vụt...

Hết khu vực cồn cát sẽ hiện ra con đường chạy dọc ven biển kéo dài từ Đầm Môn đến tận Đại Lãnh. Và điểm cuối cùng của hành trình sẽ là một làng chài nhỏ nằm trong vịnh, kín đáo, quanh năm xanh rợp bóng dừa: đấy là thôn Đầm Môn.
< Có lẽ Đầm Môn là chốn khám phá dành cho giới trẻ thích 'đi cực' - 'Cực' đây là 'cực Đông', cũng là 'cực khổ' thử sức chính mình với những đồi cát mênh mông, vách núi cheo leo để ra điểm cần đến... chứ không phải là chốn xã hơi, an nhàn thư giãn dành cho bọn trung niên.
Trước chuyến đi, bọn mình vẫn tính là sẽ ở tại nhà nghỉ Đầm Môn 2 ngày đó chứ, nhưng bây giờ sẽ về Đại Lãnh vậy.

< Khung cảnh hai bên loáng thoáng vượt qua, rồi mình dừng xe lại ở chốn ni: "Đẹp quá kìa em"!

Ở làng chài nhỏ này du khách sẽ thấy người ta không mang dép và có thể ngồi hay nằm dài trên cát bất kể nơi nào. Đầm Môn Thượng có đồi cát cao, nơi du khách có thể leo lên ngắm biển xanh thẳm ngoài xa. Ở thôn Xuân Đừng, chỉ cần đào một gang tay sẽ tìm thấy nước ngọt ngay cạnh bờ biển. Tại đây có một làng người dân tộc thiểu số có tên là Đàng Hạ, nay dù không còn tên trên bản đồ phân bố dân cư Việt Nam, nhưng vẫn còn tồn tại trong vịnh Văn Phong.

< "Đẹp" ở đây chính là bãi biển sau những hàng dương. Phía xa xa, trên biển là Mũi Ne thuộc núi Hòn Ngang đấy.

Tuy nhiên, tại thôn Khải Lương nằm tận cùng bán đảo Đầm Môn: người dân vẫn chỉ giao thương với phần trong đất liền bằng thuyền đò vì chưa có đường bộ do quanh thôn có địa hình phức tạp. Khách muốn ra đây phải vượt 15 hải lý với gần 2 giờ đồng hồ lênh đênh trên biển từ cảng Đầm Môn...

< Với những triền cát nhấp nhô, trên đó là những dây thực vật là lạ bò lổn ngổn. Thứ cây này khác hẳn loài muống biển hoa tím mà bọn mình thường thấy mọc trên các bãi biển.

... Hiện tại, thôn Khải Lương đã có một số công trình quan trọng như trường Tiểu học, trường mầm non, trạm y tế, điện lưới quốc gia.

< Cát vàng trắng, biển một màu xanh ngọc đẹp tuyệt mỹ. Đến đây mà không tắm một lần thì phí cả... nửa đời. Vậy nhưng, tắm rồi thì lấy nước ngọt đâu để tắm lại trong khi nước uống chỉ còn lưng lửng trong 2 chai nhỏ?

< Vậy nên bọn mình lang thang một hồi trên bãi biển đầy nắng trưa, giữa tiếng rì rầm của sóng, tiếng vi vu của gió - tận hưởng thú thưởng ngoạn một khung cảnh hoang sơ không một bóng người.
Ảnh này chụp bằng cái Cannon cũ, màu không thực bằng chiếc Nikon mình chụp ra các ảnh trên - vậy nhưng nó vẫn lột tả được một màu xanh của biển.

< Lên xe trở ra được dăm cây số thì mình thấy tấm bảng 'sửa xe' bên trái đường. Tấp vào, cốt ý để tháo đầu sợi dây cáp công tơ mét, tránh cái tiếng rít khó chịu kia.

Gọi là 'Sửa xe' nhưng chỗ này không có vẻ 'dầu mỡ' hay đồ nghề lỉnh kỉnh như những chỗ sửa xế tại phố. Vậy nhưng anh thợ trẻ cũng tháo được con ốc khóa rồi rút luôn ruột cáp ra ngoài - Xem như tạm 'khóa miệng' cái tiếng ồn phiền nhiễu kia, thở phào.

< Trả tiền anh, anh không nhận, chỉ gọi là làm giùm. Nhìn thấy đứa bé, và cô gái phía trong - ắc hẳn vợ con anh rồi. Vậy là 'nửa kia' mở túi treo xe rồi xé gói kẹo trao cho cậu bé một nắm to.

15 phút trò chuyện thật vui vẻ, bọn mình lại đi. Nhìn bên đường thấy thấp thoáng ngôi chùa mới: vậy là tại Đầm Môn đã có địa điểm lo phần tâm linh rồi.

< Trời lúc này bổng chuyển mây, âm u ngoài QL1A. Loáng thoáng vài giọt nhưng vẫn may vì mây tan nhanh. Cuối cùng thì cũng ra đến ngã 3 quốc lộ: bọn mình rẽ phải hướng về đèo Cỗ Mã, đi Đại Lãnh.

< Tại góc cua đầu tiên của đèo Cỗ Mã, ảnh là tấm bảng tên hiệu của nhà hàng. Vậy nhưng nơi hiu quạnh chỉ với xe chạy ngang vùng vụt này, 'đông khách' có lẽ là chuyện khó.

Đầm Môn là nơi không thể không đến với những người thích chinh phục các cực ở Việt Nam. Cực Đông tại đây với vĩ độ 12 độ 40 phút Bắc - kinh độ 129 độ 27 phút Đông là nơi nhận được ánh nắng đầu tiên tính từ đất liền.
< Qua nhà hàng là tấm bảng 'Phòng tránh tai nạn', phòng ngừa các bác tài 'mắt nhắm mắt mở phi thẳng xe xuống biển.
Đây cũng là chỗ mà bọn mình dự định sẽ ghé lại khám phá một chốn hay hay...

< Đó là chốn này: Đối diện đèo Cỗ Mã là một đảo nhỏ với đỉnh núi hình phễu nhô cao mà dân địa phương thường gọi là Hòn Dom.
Hòn Dom là là một đảo nhỏ được nối với đất liền bằng một dãi đất thấp. Ở hai rìa dãi đất này, cát được tích tụ thành 2 bãi biển riêng biệt với cảnh vật thật nên thơ. Trước chuyến đi, bọn mình dự định sẽ lết bộ ra đây...
< Vậy nhưng phía vách ngoài đèo Cỗ Mã bị bọc kín bởi các thanh chắn an toàn nên không có chỗ đẩy xe ra mép ngoài (xe lúc này vẫn còn túi đồ treo xe nặng trịch).
Đậu xe phía ngoài: xe tải mà quẹt vào một phát thì Win của mình chắc cũng tả tơi.
Trong khi đó, lối xuống cũng không có như trên bản đồ vệ tinh. Nơi này lại rất dốc, phủ đầy cây bụi...
Tiêu rồi!

Ảnh panorama mình chụp Hòn Dom đây - Vậy là chỉ 'nhìn ngó' nhưng không thể 'sờ vào hiện vật'.
Bạn thấy đấy: núi, bãi biển, bãi đá với sóng rào rạt, tuyệt vời đó chứ?

< Tiếc nuối nhưng rồi cũng phải đi. Qua đèo rồi là biển Đại Lãnh: một thắng cảnh đã được vinh danh trên Cửu Đỉnh, tức là có hình ảnh nơi này trên một trong 9 cái đỉnh bằng đồng được đúc từ cách đây hơn 170 năm khi mà nhà Nguyễn đang hồi thịnh trị.

< Qua cầu Xóm Dừa, cây cầu vắt ngang dòng suối chảy ra biển Đại Lãnh, tạo ra cảnh đẹp từ ngàn xưa.

< Vào khu trung tâm Đại Lãnh. Gọi là 'trung tâm' vì khúc này sầm uất nhất với ngã 3 đâm thẳng vào chợ.

< Nhà nghỉ mà bọn mình chọn đây:

Phương Nam - QL1A Đại Lãnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa. ĐT 058.3949464
Phòng 2 người, rộng, cửa sổ nhìn ra biển, có rèm cửa. truyền hình cáp, wifi, bồn tắm, nước nóng lạnh, máy lạnh...
Nói chung là cũng khá tiện nghi chỉ với mức giá 150k.

< Mình hỏi thăm về những nơi có thể qua bữa, anh chủ rất dễ chịu nhiệt tình hướng dẫn:
Ăn rẻ thì ra chợ, tuy nhiên chỉ có buổi sáng sớm và chiều tối. Còn trên QL có hàng loạt quán cơm nhưng không rẻ.

Thu dọn đồ đạc lên phòng xong thì buộc lòng phải tính đến chuyện 'nạp năng lượng', không có rẻ cơm trưa thì chịu mắc vậy.
Thành quả là đây: hai dĩa cơm, một dĩa mực và tôm, dĩa rau thơm, một chai bia Saigon xanh và 2 cái tẩy - tổng giá 70k.
Cũng không quá chát đó chứ?

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!