An Giang có khu chợ nổi "độc nhất vô nhị", đó là chợ tro rơm Trà Thôn thuộc ấp Long Quới 1, xã Long Điền B, huyện Chợ Mới. Các chủ vựa tại chợ mua tro để vựa lại rồi sau đó chuyển đi bán ở các tỉnh Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai... để bán cho các nhà vườn, chủ ruộng.

“Tro Trà Thôn cắm sào khắp ngả/ thấy tôi đen đúa cô chớ vội cười/ tro này bán hổng mắc đâu/ ruộng vườn cô trúng chúng mình nên duyên…” (vọng cổ Tình anh bán chiếu).

Tro Trà Thôn phân làm nhiều loại như: tro trấu mua từ các lò gạch, các nhà máy xay xát lúa gạo; tro rơm mua từ rơm bà con đốt sau thu hoạch.

Chợ tro ra đời từ sau năm 1975, hồi đó ở đây chỉ có vài chiếc ghe đi thu mua tro rơm từ những vùng lân cận chở về neo đậu ở cầu Trà Thôn và các bến sông gần đó để bán cho các chủ vựa tro. Rồi từ từ, nghề mua bán tro rơm đã giúp nhiều chủ vựa và thương lái có nguồn thu nhập khá nên số lượng ghe đi mua tro rơm về bán đã lên đến hàng chục chiếc lớn nhỏ. Lúc cao điểm lên đến cả trăm chiếc ghe tro rơm đậu dọc dài hai bên bến sông để lên hàng. Lâu ngày, hình thành nên một chợ tro rơm, nhiều người còn gọi là "thương cảng tro" thật ấn tượng và độc đáo.

Mùa nắng tro tiêu thụ mạnh nên giá cao, mùa mưa do bón bị ướt nên tro thường rớt giá. Miệt vườn miền Tây chủ yếu mua tro về làm phân bón cho các loại cây kiểng, rau củ. Còn các tỉnh miền Đông là vùng đất đỏ; nếu bón tro cây lúa, rau màu sẽ lên rất xanh tốt.

< Ngày nào ghe lớn, nhỏ cũng dập dìu lên xuống tro ở Trà Thôn.

Toàn xã Long Điền B hiện có hàng trăm hộ dân mưu sinh từ nghề vựa tro rơm và hàng chục hộ kiếm sống từ nghề mua bán tro rơm. Thời điểm này, tại "thương cảng" có hàng trăm ghe chở tro rơm nối nhau neo đậu hai bên bờ kênh ra tới dòng sông Ông Chưởng, với bán kính khoảng 1.000 m, kẻ mua người bán nhộn nhịp.

Nhiều người ở đây cho biết: "Thương cảng tro rơm" này được mua bán từ sáng đến chiều. Hễ có tro, sau khi thỏa thuận xong giá cả sẽ đưa tro lên vựa và nhận tiền. Anh Ngọc Trang có hơn 5 năm trong nghề bán tro rơm bộc bạch: "Năm nay, tro rơm tiêu thụ nhanh, trúng giá. Ghe tôi chở hơn 1.200 giạ tro rơm, mỗi chuyến bán được khoảng 5 triệu đồng/ghe, lãi được 1,5 triệu đồng"...


< Những đụn tro nằm cao ngất hai bên đường quê.

Để có đủ nguồn tro rơm cung cấp cho chủ vựa, các chủ ghe phải "lặn lội" đi mua ở các cánh đồng lúa sau thu hoạch của vùng Đồng Tháp Mười, khu Tứ giác Long Xuyên, vào Nông trường Sông Hậu, Nông trường Cờ Đỏ hoặc phải xuống tận các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang...

Bình quân một ghe chở từ 1.200 đến trên 2.000 giạ tro rơm, người bán kiếm lời một vài triệu đồng. Nếu xoay vòng được nhiều chuyến (5-7 ngày/chuyến) thì nguồn thu nhập nâng lên, lợi nhuận trung bình từ 3-5 triệu đồng/tháng. Còn vào mùa mưa bão, tro rơm bán ra tuy giá thấp nhưng các thương lái có lời nhiều hơn, do giá rơm mua vào rất rẻ.

Không chỉ bán tro rơm cho các chủ vựa ở Trà Thôn mà người trồng hoa kiểng, cây ăn trái ở miệt Sa Đéc, Cái Mơn, Vĩnh Long khi thiếu tro rơm cũng tìm đến "thương cảng tro rơm Trà Thôn" để mua.

Thời điểm này, giá dao động từ 3.800-4.000 đ/giạ, các chủ vựa ở Trà Thôn sau khi mua sẽ đưa vào kho dự trữ đến tháng 8, tháng 9 rồi chở đi bán cho những nơi có nhu cầu trồng hoa kiểng, hoa màu khác ở các tỉnh Đồng Tháp, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bến Tre... với giá bán từ 9.000-10.000 đ/giạ. Ông Lê Văn Hải, chủ vựa tro ở Trà Thôn cho biết: "Tro rơm là một loại phân bón rất thích hợp với các loại hoa màu, cây kiểng nên được nhiều nhà vườn sử dụng.

Ở Trà Thôn, có hàng trăm chủ vựa tro lớn nhỏ, vựa lớn nhất có đến cả trăm ngàn giạ, nhỏ cũng 10.000, 20.000 giạ tro. Từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm, các chủ vựa thường vận chuyển tro lên các tỉnh miền Đông Nam bộ để bán cho các nhà vườn, mỗi chuyến ghe chở từ 10.000-20.000 giạ trở lên, chủ vựa thu lãi cả chục triệu đồng".

Chợ tro rơm độc đáo này từ khi hình thành đến nay đã góp phần tích cực nâng cao thu nhập cho nhiều hộ gia đình, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động nhàn rỗi ở nông thôn.

Có một điều khiến người dân xứ tro không giấu được niềm tự hào là vào tháng 9.2011, chợ tro Trà Thôn được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Vietkings) trao tặng danh hiệu 1 trong 100 phiên chợ độc đáo của Việt Nam.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ internet