Bài viết này được tác giả, là thầy giáo Nguyễn Đức Thạch, dạy Văn ở Ninh Thuận mà Thế Giới Số từng có dịp giới thiệu về trang web của ông gửi riêng cho tạp chí.

< Bãi Hồ Na (bán đảo Đầm Môn).

Ít ai ngờ rằng, ông cũng là một dân “phượt” đáng gờm khi đã trải qua hành trình xuyên quốc gia bằng xe máy. Bài viết giới thiệu về cực Đông Tổ Quốc này từ một chuyến phượt lẻ của ông, những chi tiết cảm nhận và hướng dẫn cặn kẽ về chuyến đi sẽ rất lợi ích cho những người muốn tìm tới điểm dừng này.
Đặt chân lên bốn cực của Tổ Quốc là ước mơ của biết bao người ưa khám phá. Ba cực Bắc – Nam – Tây đã mặc nhiên được công nhận thì cực Đông vẫn còn là điều gây tranh cãi trong giới phượt sĩ giang hồ. Mũi Đôi (Khánh Hòa) hay Đại Lãnh (Phú Yên)? Câu trả lời sẽ khác nhau tùy theo điểm đến của từng phượt sĩ.

Các nhà khoa học địa chất vẫn im lặng vì cực Đông mãi mãi vẫn là cực Đông, đúng như những gì được ghi trong các tài liệu chính thức. Tới Đại Lãnh chiêm ngưỡng danh lam thắng cảnh còn được “lời” thêm “cảm giác cực Đông” cũng là điều thú vị. Chỉ những kẻ thích phát minh lại cái bánh xe đạp mới lần ra Mũi Đôi để biết thế nào là… cực mà thôi.

Một bức họa cổ điển

Những thông tin từ Phuot.com và hình ảnh cập nhật trên bản đồ vệ tinh cùng chiếc máy định vị GPS của một lão làng trong ngành địa chất đủ cho hai kẻ “ham của lạ” đủ tự tin làm một chuyến ngao du.

< Đường đi Đầm Môn.

Sáng 29/4/2011, tôi cùng đồng nghiệp Lưu Văn Hai tức “thầy Min Đơ” trường THPT Lê Quý Đôn-Ninh Thuận cưỡi “Future tuấn mã” rời Phan Rang trực chỉ Khánh Hòa. Hết giờ Ngọ, chúng tôi mới tới quán trọ Hải Hà ở km 0 Đầm Môn. Đây là điểm xuất phát của tất cả các phượt sĩ trên bước đường khám phá cực Đông.
Giải quyết xong vấn đề năng lượng và thống nhất lịch trình tới Mũi Đôi, hai phượt sĩ tự mình làm một tour khuyến mãi.

< Những đồi cát cao ngất tại Đầm Môn.

16 giờ, lang thang từ Đầm Môn về phía Nam bán đảo để săn ảnh. Con đường cát chồn chân biết bao thế hệ đã được trải nhựa phẳng lì chạy dài tới eo biển Sơn Đừng giúp du khách tin rằng mình đang ở thế kỷ 21.

Những cồn cát trắng cao ngất, những bãi đá hình thù kỳ dị, những miền cây bụi và cỏ cháy bừng lên trong nắng chiều tạo nên những khuôn hình đậm chất hoang vu.

Điểm cực Đông khuất sau sa mạc, dẫu trèo lên đồi cao vẫn không nhìn thấy, dù bán đảo hẹp và dài như một dấu chấm than.

Khi mặt trời lặn xuống mé biển Tây, hai chúng tôi mới có thể chia tay cồn cát để đến eo biển Sơn Đừng. Nơi ấy, xóm chài tám nóc nhà sống gần như biệt lập với cõi nhân gian, ngay cả cái tên Sơn Đừng nếu gọi là Xuân Đừng cũng chẳng ai đính chính.

Sơn Đừng lặng lẽ đẹp như một bức họa cổ điển phương Đông. Nếu Bà Huyện Thanh Quan từng đặt chân tới nơi này chắc là đời sau lại có thêm một bài thơ u hoài để ngâm ngợi.

< Sa mạc cát mênh mông.

Đế đảm bảo an toàn - theo khuyến cáo của người dẫn đưòng -  mãi tới 5 giờ 45 phút sáng chúng tôi mới rời khỏi nhà trọ Hải Hà. Con đường rải đất đỏ đâm thẳng vào chân núi đầy những ổ gà ổ voi  tăng dần độ dốc giúp du khách chinh phục đồi cát đầu tiên.

Nắng mai hắt sáng khu bãi đá phía Nam báo hiệu một ngày mới gay gắt. Vòng qua eo núi cát, những vạt cỏ bông lau ửng hồng phất phơ trong nắng sớm. Sau 3 km, không thể tiếp tục lăn bánh, dẫu ì ạch, hai chiếc xe máy được giấu vào trong căn chòi cạnh mép rừng.

< Gian lao vượt những đồi cát.

Anh bạn Quang Tèo (người dẫn đường) đưa chúng tôi băng qua khu rừng thấp tiến về hướng Nam. Sau gần 1 km, bắt đầu những dặm đường sa mạc. Những triền cát cao trải dài về mũi phía Nam của bán đảo  thách thức khách phương xa. Cảnh vật phóng khoáng nhưng buồn tẻ. Cát trắng, cỏ lông chông lá nhọn như gai và những vạt rừng thấp xanh thẫm trong ống kính.

< Nước trong xanh màu ngọc.

Thỉnh thoảng, qua nhũng mép rừng, mùi hoa gì không rõ toả hương quyến rũ và đâu đó lảnh lót tiếng chim. Sau ba lần vuợt dốc và lội bộ, tôi đã nhìn thấy những thuyền câu nhỏ bé nhấp nhô và ghềnh đá phía Nam nhoài mình ra đón sóng.

< Bãi biển Na (Hồ Na).

Thêm 10 phút xuyên qua trảng rừng tạp, bãi Hồ Na hiện ra đẹp đến không ngờ. Bãi biển cong nhẹ như một vệt trăng khuyết, bờ cát trắng phẳng lì, tinh khôi, hai đầu được chốt bằng hai ghềnh đá hiểm trở, phía Đông Nam thấp thoáng hòn Khô Trắng, còn Khô Đen vẫn khuất sau ghềnh.

Màu nước Hồ Na là những gam màu xanh tăng dần sắc độ. Bắt đầu từ màu xanh ngọc nhẹ nhàng, sắc nước đậm dần lên thành màu mực thẫm phía khơi xa. Bên ghềnh đá, đàn cá cơm ùa vào tung tăng bơi lội, kiếm ăn theo từng đợt sóng. Bữa điểm tâm của du khách nơi cuối bãi đầu ghềnh vì thế mà có thêm phong vị.

7 giờ 50 phút, thầy “Min Đơ” dùng GPS đo tọa độ trước lúc tiếp tục hành trình. Máy định vị báo điểm cực Đông còn cách Hồ Na 2,7 km đường chim bay về hưóng Đông Bắc (tất nhiên là máy không tính được đưòng “chim đi bộ”). Quang Tèo cho biết, nếu nhảy ghềnh đến đó thì dân địa phương như anh phải mất 4 tiếng mới tới nơi, còn dân phượt như chúng tôi thì ít nhất là 6 tiếng. Sau một hồi suy tính, chúng tôi chấp nhận lên thuyền thẳng tiến Mũi Đôi.

Vượt ghềnh chạm đến cực Đông

Con thuyền nhỏ rẽ sóng đưa chúng tôi ra với bát ngát trời mây non nước, tất cả tràn ngập sắc xanh. Ghềnh đá cheo leo hiểm trở tạo thành đưòng viền ngăn biển với rừng. Rải rác những chiếc thuyền câu nhỏ bé của ngư dân dập dềnh theo sóng nước.

Sau gần 30 phút, Mũi Đôi và cả Hòn Đầu đã ở ngay trước mắt. Chủ thuyền cho hay chỉ chở khách ngắm cảnh Mũi Đôi chứ không thể cập bờ vì đá ngầm có thể gây nguy hiểm, thuyền này cũng không có thúng để chèo vào. Bằng mọi cách phải tới đựơc Mũi Đôi, ý chí của khách khiến chủ thuyền phải nhượng bộ.

Lách qua những gộp đá lấn ra biển, hưóng về phía Bắc chừng 200 m, thuyền ghếch mũi vào gần một mỏm đá thấp. Quang Tèo làm cú phi thân điệu nghệ, chủ thuyền quăng sợi dây thừng lên, có người giữ chặt một đầu, hai du khách cũng chinh phục được hòn đá quái ác. Lúc này, mới có thể thở phào vì mình đã đặt chân đến cực Đông của Tổ quốc. Những đợt sóng trắng dạt dào bên ghềnh đá cũng tràn ngập niềm vui.

Sau 15 phút nhảy ghềnh, chúng tôi tới đựơc chòi canh của công ty yến sào gần mỏm đá cực đông. Tảng đá lớn bằng cả gian nhà này có thể nhìn thấy rất rõ từ bản đồ vệ tinh đã trở nên quen thuộc. “Thầy Min – Đơ” lấy GPS ra dò toạ độ, điểm xa nhất mà chúng tôi tới đựoc là 12*38’53,5” N và 109*27’41,7” E. Vẫn còn thiếu 0,3” nữa mới là kinh độ Đông từng được biết, có lẽ nó phải nằm ở mép ngoài của tảng đá lớn kia.

Dẫu không tới được điểm tận cùng, chúng tôi vẫn vui sướng vì một lần được tự mình kiểm chứng thực tế để cũng cố thêm niềm tin sách vở. Đánh dấu tọa độ cực Đông vào một phiến đá, chụp ảnh đủ bốn phương tám hướng từ mỏm đá thiêng liêng, lần lượt từng người giương cao lá cờ Tổ quốc hưóng ra phía Hòn Đầu để lưu giữ cho mình những khoảnh khắc không thể nào quên.

Kiểm tra tọa độ Đại Lãnh

Chia tay những ngưòi mới quen ở Đầm Môn, tiếp tục hành quân ra Đại Lãnh. Gần nửa đêm, hai chúng tôi lên hải đăng ngủ tại nhà công vụ để sáng hôm sau đón ánh bình minh. Thiên nhiên đã ban tặng cho chúng tôi những hình ảnh tuyệt vời vào thời khắc đêm qua ngày tới. Sau tuần trà buổi sáng với anh Thắng trạm trưởng hải đăng,  GPS lại tiếp tục được sử dụng. Lần xuống mỏm đá sát mép biển, toạ độ được hiển thị là 12*53’47,4” N và 109*27’27,3” E, vẫn kém điểm cực Đông gần 15” tức là khoảng 400m theo thực địa.

Độ chênh này cũng phù hợp với những gì chúng ta có thể đo được theo bản đồ vệ tinh. Chừng đó cũng đủ cho một niềm hạnh phúc.

Có mặt tại Phan Rang lúc 12 giờ rưỡi của ngày đầu tháng Năm, cực Đông lại khiến lòng  bồi hồi mơ tưởng. Con đưòng chinh phục Mũi Đôi từ trạm biên phòng Cỏ Ống ở phía Bắc vẫn là một lời mời gọi. Chờ tôi nhé, Mũi Đôi!

Đường đi:

Mũi Đôi thuộc bán đảo Hòn Gốm, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà.

Từ chân đèo Cổ Mã (phía Nam đèo Cả) rẽ vào Đầm Môn theo bảng chỉ đưòng (18 km)
Chỗ nghỉ: duy nhất có nhà trọ Hải Hà sau km 0 Đầm Môn, phòng 2 giưòng, 100.000đ/ngày/2ngưòi.
ĐT: ( 058) 3507474 – 0912273018)
Thuê người dẫn đưòng: (nhờ chị Vân, anh Lộc – chủ nhà trọ liên hệ giúp): 400.000 đ nếu đi trong ngày.
Thuê thuyền đi – về từ bãi Hồ Na: 400.000 đ. Nếu có thời gian nên tự vựot ghềnh (6 tiếng) rồi thuê thuyền 1 chiều. Nên liên hệ trước vì ở Mũi Đôi không có sóng điện thoại.
Nhớ mang đủ nước uống (tại trạm biên phòng Hồ Na có giếng nước cực kỳ ngọt, ngư dân vẫn ghé vào tiếp nước mỗi ngày).

(Gợi ý tour: Có mặt tại Đầm Môn vào buổi trưa, 16 giờ chiều ra bãi Hồ Na, cắm trại, thưỏng thức hải sản tươi sống (gọi thuyền đưa vào). Sáng hôm sau ra Mũi Đôi, về lại Đầm Môn, ra Đại Lãnh ngủ đêm tại hải đăng, đón bình minh, chơi núi Đá Bia và kết thúc chuyến du lịch lý thú. Nếu có nhóm bạn 10 ngưòi để di chuyển bằng xe máy thì đây sẽ là tour du lịch bụi trên cả tuyệt vời)

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Đức Thạch (Thegioiso), Huynhphuchung và vài nguồn ảnh khác.