Công viên đầu tiên ở Hà Nội chính là vườn Bách thảo (Jardin des plantes) được lập vào năm 1889, trên vùng đất của làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp và Khán Xuân.

< Vườn hoa Cửa Nam.

Vườn Bách thảo ban đầu chỉ là một vườn thí nghiệm, được trao cho một viên dược sĩ hải quân biệt phái về Sở Nông lâm nghiên cứu phương thức di thực các loại thảo mộc từ nước ngoài, tìm ra những giống thích hợp để trồng trên phố.

Dần dà, cùng với các giống cây, các luống hoa nở quanh năm đã tạo nên kỳ hoa dị thảo. Rồi người ta bắt đầu nuôi hươu, nai, gấu, hổ và voi cùng nhiều loại chim muông nên vườn còn được gọi là Bách thú.

< Vườn Bách Thảo xưa tại Hà Nội.

Chiến tranh thế giới thứ 2 xảy ra, thú không được chăm sóc, nên họ cho chuyển vào Sở thú Sài Gòn.

Vườn Bách thảo tuy không lớn nhưng cảnh quan và bóng mát của nó thu hút người đến thưởng ngoạn ngày một đông, khiến cho một thời, người các tỉnh về Hà Nội là phải đi hóng mát hồ Gươm, ghé chợ Đồng Xuân và thăm vườn Bách thảo mới “đủ món”.

< Người Pháp di dân để làm vườn Bách Thảo, gọi là vườn Thảo Mộc (jardin botanique), còn người ta vẫn gọi là trại Hàng Hoa hay vườn Bách Thú.

Bách thảo cũng là nơi học sinh Trường trung học bảo hộ (còn gọi là Trường Bưởi) nhà ở xa vào đây nghỉ trưa. Những năm 1960, GS Vũ Văn Chuyên thường dẫn sinh viên học dược lên Bách thảo để nhận biết các giống thảo mộc, vốn vô cùng phong phú. Từ khi Hà Nội thành nhượng địa năm 1888 đến đầu những năm 30 của thế kỷ trước, hệ thống vườn hoa và công viên Hà Nội khá hoàn chỉnh, với cây, hoa và tượng đài.


< Trong vườn Bách Thảo có trồng nhiều loại cây, mở nhiều lối đi, ở giữa dựng một cái lầu bát giác gọi là nhà kèn.

Sau này Hà Nội có thêm một công viên lớn nữa là công viên Thống Nhất. Tham gia xây dựng công viên Thống Nhất không chỉ có cán bộ và công nhân, mà còn có sinh viên, học sinh và công sức của nhân dân. Thời đó phụ nữ chủ yếu mặc quần lụa, sa tanh và quần phíp lồng chun, khi tham gia lao động, có chị em hăng hái quá đã bị sa xuống đống bùn lầy, khi kéo lên được thì quần ở lại.

Tuy bùn bám xuống tận đùi, khó nhìn thấy, nhưng các cô cũng đỏ chín mặt và cánh đàn ông liền cởi áo đưa chị em quấn. Năm 1960, công trình hoàn thành với hai mặt nước trong xanh là hồ Bảy Mẫu và hồ Ba Mẫu (phía bên kia đường Nam Bộ - nay là đường Lê Duẩn - TN).

Trên bán đảo Gió có quán Gió, ngoài sân quán có giàn phong lan với khá nhiều giống là điểm hẹn của các nhóm bạn phổ thông hay đại học. Thời bao cấp, công viên Thống Nhất đúng là địa chỉ vui chơi, giải trí.

< Vườn hoa canh nông.

Tối thứ bảy có ca nhạc ngoài trời, ngày Quốc khánh, Tết Nguyên đán dưới hồ có lướt ván, trên bờ bắn pháo hoa, có thi hoa, chọi chim. Chủ nhật các cặp vợ chồng trẻ dẫn con đến đây dạo chơi và chụp ảnh kỷ niệm. Nhưng trong những ngày còn lại, thì buổi tối, cũng như Bách thảo, công viên Thống Nhất là địa điểm lý tưởng để bày tỏ và biểu diễn các trạng thái tình yêu. Gái làm tiền cũng trà trộn đi kiếm khách, vì thế để ngăn chặn tệ nạn, công an thường xuyên vào công viên kiểm tra.

Nhưng mỗi gốc cây là một đôi trai gái làm sao biết đôi nào yêu nhau, đôi nào bán dâm và để hoàn thành nhiệm vụ, họ thực hiện chính sách nhầm còn hơn bỏ sót. Họ tách hai người ra hai nơi, hỏi cô gái tên gì, anh kia tên gì rồi lại hỏi anh kia tên gì và cô gái tên gì, nếu khớp thì tha (không xin lỗi), còn không khớp thì lập tức bắt cô gái đưa về khu (nay là quận). Nhưng cũng có cô bị bắt oan vì vừa mới quen trên đường (thời bao cấp, các chàng trai có trò tán gái ngoài đường và gọi đó là “cưa đường”, cô nào xiêu xiêu đồng ý vào công viên coi như đã “cưa đổ”), chưa kịp biết tên thật của nhau.

Công viên Thống Nhất cũng là nơi kiếm ăn của “quân quân khu” (chuyên mặc quần áo bộ đội, tiếng lóng là quần áo “dõng”, đi dép đúc, đầu đội mũ cối hay mũ dạ), phía bắc là quân khu ngõ Hoàng An, phía nam là quân khu Vân Hồ. Quân quân khu trấn lột các đôi ngồi ở góc khuất, ngoài tiền, quân quân khu còn lột dép nhựa Tiền Phong, “đúc Tàu”.

Cùng nạn “quân quân khu” còn có ăn cắp, chúng quan sát thấy đôi nào đang mải mê là bò đến lấy túi, thậm chí dắt cả xe đạp. Ban ngày bụi đời hay trẻ “dạt vòm” (bỏ nhà đi) ngủ đầy trên ghế đá. Để chỉ những kẻ lười lao động sống lang thang, dân Hà Nội mắng đó là loại "cơm đường, cháo chợ, vợ công viên".

Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, lãnh đạo Hà Nội quyết định xây dựng công viên và đào hồ mới, đó là công viên Thanh Nhàn (nay là công viên Tuổi Trẻ), công viên Thủ Lệ, hồ Giảng Võ. Công viên Thủ Lệ hoàn thành vào năm 1978, còn Thanh Nhàn thì đến 2012 vẫn dang dở. Đến nay, tiếng là công viên cho thanh niên nhưng Thanh Nhàn chủ yếu là nơi hoạt động của nhà hàng, siêu thị và sân thể thao. Điểm vui chơi duy nhất có lẽ là sàn nhảy nhưng là chỗ cho kẻ có tiền...

< Đường Thanh Niên ngăn hồ Trúc Bạch và hồ Tây.

Ngày 19.4.1980, nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Lê Nin (22.4), thành phố quyết định đổi tên công viên Thống Nhất thành công viên Lê Nin. Nhưng rồi, năm 2003, lấy lại tên Thống Nhất vì tên Lê Nin đã được đặt cho vườn hoa Chi Lăng, nơi có bức tượng “ông Lê Nin ở nước Nga”. Đất nước đổi mới, Hà Nội đi đầu trong việc xây dựng nhà nghỉ và không ít đôi đã tìm đến nhà nghỉ, nên công viên không còn là thiên đường của tình yêu, nó trở nên vắng tanh, hoa cỏ xác xơ, cây cối héo hon, lòng hồ hôi thối và cả công viên như một nhà toa lét công cộng.

Lấy cớ công viên xuống cấp, một công ty đã trình thành phố dự án biến khu vực phía nam thành các khu nhà với các trò chơi nhưng đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của báo chí, nhân dân và giới kiến trúc.

Rồi trước kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, người ta đổ một đống tiền vào đây để cải tạo với mong muốn tạo nên “một không gian sinh hoạt văn hóa, vui chơi sạch đẹp, hấp dẫn người dân trong các dịp lễ hội và kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Nhưng hiện nay, đây vẫn chỉ là nơi tập thể dục của người cao tuổi, và chỗ ngủ qua đêm cho kẻ lang thang không nhà.

Hết
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6 - Kỳ 7 - Kỳ 8 - Kỳ 9 - Kỳ 10 - Kỳ 11 - Kỳ 12

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Ngọc Tiến (báo Thanhnien), internet