Những ngày cuối năm với ảnh hưởng cơn bão số 5 nên trời Hà Nội mưa tầm tã. Thế nhưng khi tới thăm làng lụa Vạn Phúc (Q. Hà Đông), chúng tôi vẫn bắt gặp khá nhiều du khách trong và ngoài nước tới tham quan, say sưa xem các quy trình dệt lụa

Du lịch làng nghề

Ghé thăm cơ sở sản xuất của nghệ nhân Triệu Văn Mão (người nổi tiếng là sành nghề dệt từ năm 7 tuổi) nằm ngay trên con phố đầu tiên vào làng, chúng tôi được chị Nguyễn Thị Tâm (con dâu của ông Mão) đưa đi tham quan nơi trưng bày, bán các sản phẩm lụa và xưởng dệt. Trong tiếng dệt lụa lách cách nơi hàng chục nữ nghệ nhân đang làm việc bên khung dệt, chị Tâm kể: “Nghề dệt lụa ở Vạn Phúc có từ hơn 1.000 năm trước.

Gia đình tôi cũng theo nghề cha truyền con nối. Ðể tạo ra những sản phẩm tơ lụa tuyệt hảo, người thợ phải trải qua nhiều quy trình kỹ thuật với nhiều công đoạn như khâu tơ, khâu hồ sợi, khâu dệt, khâu nhuộm. Mỗi khâu đều phải tiến hành theo những quy trình nhất định, đặc biệt tất cả các công đoạn đều phải làm thủ công mà không được dệt bằng máy, đòi hỏi người thợ phải tinh mắt, nhanh tay”.

Lụa Vạn Phúc xưa nay nổi tiếng bền đẹp, mát, mịn óng, đường nét tinh tế, không thể lẫn với những loại lụa khác nên được du khách trong nước và nước ngoài ưa chuộng. Theo lời một số nghệ nhân, trước đây các hộ ở làng nghề chỉ biết sản xuất ra lụa, còn chuyện tiêu thụ phải phụ thuộc vào các chủ hàng. Thế nhưng, từ khi phát triển du lịch làng nghề, các cơ sở vừa sản xuất, vừa bán trực tiếp nên rất chủ động về đầu ra, không bị đọng vốn, lợi nhuận cao hơn.

Bên cạnh đó du khách còn được tìm hiểu quy trình làm ra một tấm lụa. Để thu hút khách, một số hộ gia đình còn có sẵn máy dệt cho khách “thử tay nghề” và hướng dẫn nhiệt tình cách quay tơ, dệt lụa… Ðó chính là điểm hấp dẫn làm tăng lượng khách du lịch tới đây.

Chị Nguyễn Thị Liên, chủ tiệm lụa Sinh Silk cho biết: “Từ khi làng nghề làm theo hướng du lịch, lượng khách đến cửa hàng nhiều hơn. Sức mua – bán cũng tăng đáng kể do hiệp hội làng nghề kết hợp với các hãng du lịch tổ chức đưa khách du lịch tham quan, thực hiện các chương trình truyền hình quảng bá nét độc đáo, đặc sắc của làng nghề tới công chúng. Đáp ứng thị hiếu của khách hàng, nhiều cửa hàng đã làm các sản phẩm từ lụa rất đa dạng với đủ loại màu sắc, giá cả cạnh tranh như: túi xách, ví đựng tiền, đựng điện thoại di động, khăn quàng cổ, quần áo thời trang, áo ấm mùa đông…”.

Ướm thử một tấm vải lụa vào người, chị Mary- du khách người Anh cười nói: “Lụa VN rất đẹp, mịn và hoa văn sắc sảo. Tôi  rất thích. Ở đây có dệt lụa theo yêu cầu của khách hàng nên tôi sẽ chọn những tấm vải ưng ý nhất để dệt làm quà cho bạn bè, người thân”.

Chị Mai Lâm– hướng dẫn viên một công ty du lịch tại Hà Nội cho biết, làng lụa Vạn Phúc là điểm du lịch được công ty thường xuyên chọn đưa khách đến tham quan. Đến đây, du khách không những có dịp mua các sản phẩm chất lượng mà còn được tìm hiểu thêm một nét văn hóa Việt.

Đầu tư, phát triển nhưng vẫn còn bấp bênh

Ông Nguyễn Văn Sinh– Chủ tịch Hiệp hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho biết: Từ 10 năm trước, làng lụa đã làm du lịch chuyên nghiệp song từ năm 2010 mới có kế hoạch phát triển du lịch làng nghề. Theo đó, thành phố cho phép các cơ sở dệt lụa mở cửa hàng đặt tên là phố lụa Vạn Phúc, đường làng được rải nhựa, các công trình miếu mạo, đền thờ ở làng được trùng tu khang trang…

Hiệp hội làng nghề kết hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Công thương để thu hút khách du lịch. Các hộ dệt lụa bổ sung thêm máy móc để giải phóng sức lao động nặng nhọc, năng suất cao hơn nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng, doanh thu cao. Cụ thể: Năm 2009 doanh thu của làng lụa Vạn Phúc đạt 45 tỷ đồng, năm 2010 tăng lên 60 tỷ đồng và năm 2011 dự tính đạt 65 tỷ đồng.

Hiện nay, phường Vạn Phúc có 13.000 nhân khẩu, trong đó 2/3 dân số sống bằng nghề dệt. Cả làng có 400 máy dệt thì 200 máy còn hoạt động, chưa kể có khoảng 400 lao động thời vụ từ quanh vùng đến đây làm việc. Cửa hàng bán lụa tơ tằm mọc lên ngày càng nhiều, hình thành ba dãy phố lụa với trên 150 cửa hàng, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách. Chị Hoàng Oanh (quê Quốc Oai) nói: “Với công việc bán hàng, tôi được trả lương từ 2-2,5 triệu đồng/ tháng, còn thợ dệt ăn theo sản phẩm, được trả từ 2,5- 3 triệu đồng/ tháng”.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, vài năm trở lại đây giá nguyên liệu tăng lên đáng kể, nhất là từ năm 2009 tới năm 2010 giá tơ đã tăng gần gấp đôi, trong khi đó các sản phẩm bán ra chỉ tăng chút ít. Nguồn nguyên liệu không ổn định, đầu ra phụ thuộc vào lượng khách du lịch nên một số người dân dù rất yêu nghề nhưng không thể sống nhờ nghề truyền thống, đành ngậm ngùi bỏ nghề.

Lụa Vạn Phúc

Du lịch, GO! - Theo Quỳnh Mai, Tuấn Ngọc (Phunuonline)