“Phượt” là câu cửa miệng của giới trẻ khi nói về những chuyến du lịch bụi đường dài bằng xe máy trong nhiều năm nay, phổ biến đến độ, những người chưa bao giờ “phượt” cũng biết nó là gì. Nhưng trekking thì khác. Nó còn khá mới mẻ và xem chừng có phần mạo hiểm trong mắt nhiều người. Tuy nhiên khoảng 4, 5 năm gần đây, nó đang thu hút những người yêu thích du lịch khám phá, nhất là những người trẻ.

Trekking - Ði, đến và sống

Cách đây chừng 6 năm, vào năm 2005, Nguyễn Hồng Giang (SN 1984)- một sinh viên của Học viện kỹ thuật quân sự đi tình nguyện trong một dự án bảo tồn Vọoc mũi hếch ở rừng đặc dụng Na Hang. Rừng đặc dụng Na Hang thuộc tỉnh Tuyên Quang, nằm trên vòng cung sông Gâm và sông Năng. Còn hoang sơ và gần như bảo tồn được nguyên vẹn các giá trị đa dạng sinh học, Na Hang hiện còn lưu giữ được trên 2000 thực vật.

Động vật ở đây cũng phong phú không kém, có hàng trăm loài chim, bò sát và thú, trong đó có nhiều loại nằm trong sách đỏ. Voọc mũi hếch- loại động vật trong dự án bảo tồn mà Giang tham gia cũng nằm trong số đó. Na Hang còn là nơi tập trung sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Mông, Tày, Dao...

Hàng ngày, Giang phải đi bộ 3 tiếng từ lán trú cho đến trạm quan sát theo dõi và ghi chép. Ngày nào cũng như vậy, cứ sáng vác một ba lô đồ ăn, thức uống và một vài thứ cần thiết đi bộ đến trạm. Chiều tối lại từ trạm quay về lán ngủ lấy sức cho buổi hôm sau. Liên tục như thế trong 20 ngày. Đối với Giang đây là một trải nghiệm thực sự tuyệt vời, bởi trước đây, cậu đã từng mê mẩn các chương trình khám phá thiên nhiên trên truyền hình. Nhìn các nhà làm phim, nhà khoa học sống và làm việc nhiều ngày trong môi trường hoang dã, Giang đã từng nghĩ ước gì mình được thử cảm giác sống hòa mình thực sự với thiên nhiên như thế.

Giang cho biết, “khác với những lần đi du lịch trước đây, 20 ngày sống trong rừng cho tôi những trải nghiệm thực sự rất khác. Tôi phải đi bộ rất nhiều giờ mỗi ngày, vì vậy tôi thường phải tính toán sao để chỉ mang theo những vật dụng cần thiết nhất và học cách sống thích nghi với cuộc sống di chuyển liên tục trong những điều kiện địa hình và thời tiết khác nhau”.

Giang cho rằng, ấn tượng lớn nhất đối với cậu trong quãng thời gian này chính là được sống như một người bản xứ, cũng đi chợ phiên, ăn các món ăn của người dân tộc và sống tách biệt khỏi cuộc sống thành thị hiện đại. Và có lẽ, trải nghiệm của lần đầu đi rừng ấy thôi thúc Giang quay trở lại đây vào năm 2006. Cũng chính từ chuyến đi này, cậu mới lần đầu biết đến khái niệm “Trekking”.

Trekking là một chuyến du lịch đặc biệt có đôi chút mạo hiểm. Bởi không giống với những cung đường thông thường khác, người đi chỉ có phương tiện di chuyển duy nhất chính là… đôi bàn chân của mình. Phải đi bộ, tự mang vác đồ và thường là đi vào rừng, núi, bản làng xa trung tâm không có đường cho ô tô, xe máy và đi bộ mất nhiều thời gian, vất vả, thậm chí là có nguy hiểm nữa.

Hiện nay, có một vài nơi được nhiều người chọn trekking nhiều nhất như vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn (Lào Cai), Nam Cát Tiên (Đồng Nai), núi Lang Biang (Lâm Đồng), khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luôn (Thanh Hóa)… Những điểm đến tuy không xa lạ nhưng cung đường để chinh phục nó thường không có tên trên bản đồ mà chỉ đi đến tận nơi du khách mới biết và khám phá ra những điều đặc biệt. Chặng đường đi trekking thường rất hoang dã nhưng cũng nhiều bất ngờ thú vị…

Anh Nguyễn Chí Bình - là một hướng dẫn viên du lịch đã từng thực hiện cả trăm cuộc trekking lớn nhỏ chia sẻ: “Trong các hoạt động thể thao mạo hiểm, hình thức Trekking được nhiều bạn trẻ quan tâm vì nó là môn chơi ít tốn kém so với các môn chơi khác, sử dụng sức lực cá nhân  giúp rèn luyện thân thể, có ích cho sức khỏe, thách thức cảm giác được chinh phục và hòa mình vào thiên nhiên hoang dã…

Việt Nam có địa hình đồi núi phong phú với nhiều cao độ khác nhau mà nổi bật hơn hết là đỉnh Fansipan (3.143 m so với mực nước biển, cao nhất Đông Dương) và một loạt các ngọn núi khác với cao độ hơn 2.000 m là điều kiện lý tưởng cho việc phát triển bộ môn này ở nước ta. Nếu như ở Bắc Tây Nguyên có ngọn Ngọc Linh (2.598 m, cao nhất dãy Trường Sơn và cao thứ nhì tại Việt Nam) thì vùng Nam Tây Nguyên, với 3 ngọn núi Chu Yang Sin, Lang Biang và Bidoup tạo nên Cao nguyên Lâm Viên, là 1 nơi thật sự dành cho trekking”.

Ði để được là chính mình

Không chỉ tổ chức trekking vì công việc, đối với anh Bình “chỉ trong những chuyến đi như vậy, tôi mới thật sự được là chính mình”. Anh chia sẻ, “chúng tôi đi không phải để chứng minh với ai điều gì cả, đơn giản chỉ là muốn tìm đến những gì chân thật nhất của thiên nhiên, con người, ăn những món ăn đặc trưng của vùng ấy, uống chén rượu của bản làng ấy, tìm hiểu cuộc sống của họ ra sao…”.

Đam mê du lịch, Bình thực sự là một tay tiêu biểu của “chủ nghĩa xê dịch”, yêu thích thể thao mạo hiểm, ưa khám phá và khao khát tự do. Chẳng thế mà, không chỉ rong ruổi trên các cung đường bộ bằng xe máy, Bình còn chinh phục các con sông, thác lớn bằng kayak, chinh phục bầu trời bằng dù lượn, chinh phục biển bằng lặn…  Trong tất cả các hình thức trải nghiệm ấy, anh cho rằng trekking mang lại những cảm xúc rất riêng. Chỉ có trekking thì người đi du lịch mới gần gũi với thiên nhiên, con người đến thế.

Quay lại với câu chuyện của Hồng Giang. Năm 2006, Giang quyết định quay trở lại Na Hang, thực hiện một chuyến đi xuyên từ Na Hang sang Ba Bể- Một cuộc hành trình kéo dài 9 ngày. Đây có lẽ là chuyến trekking chính thức của Giang và nó mang đến cho cậu những bài học đầu tiên, bài học cơ bản, và đơn giản nhất mà bất cứ dân trekking nào cũng phải biết.

Giang kể, “chuyến đi đầu tiên của chúng tôi tuy không gặp phải những sự cố nào tuy nhiên có một vài bài học được rút ra, chẳng hạn như chúng tôi mang nhiều đồ theo không hợp lý, ba lô không tốt nên bị rách, tính toán sai nên mang không đủ pin dùng chiếu sáng…”. Giang cho biết “có những việc tưởng chừng như vô cùng đơn giản nhưng cần phải lưu ý khi đi trekking chẳng hạn như phải mặc loại quần áo chống nước hoặc nếu có ngấm nước thì phải nhanh khô nếu không sẽ rất khó di chuyển. Ba lô cũng vậy, phải là ba lô loại tốt và không ngấm nước, vì ba lô sẽ nặng dần lên khi sức khỏe của bạn bị giảm sút”.

Tuy nhiên, mỗi một chuyến trekking là mỗi lần ném mình vào một thử thách khác nhau nên việc rút kinh nghiệm sau mỗi chuyến đi không có nghĩa là những chuyến sau bạn không gặp phải những sự cố khác.

Năm 2008, Giang thực hiện chuyến trekking Fanxipan theo một con đường khác đi từ phía Lai Châu và bị lạc trong rừng 2 ngày đêm, thời tiết xấu, thức ăn mang theo cạn sạch, nửa đêm bình ga du lịch mang theo bị nổ làm cháy lều và phải ngủ trong hốc cây giữa rừng, tinh thần của mọi người trong nhóm bắt đầu lục đục, trách móc lẫn nhau và ai cũng mệt mỏi…

Nhưng những ai đã chấp nhận dấn thân cũng có nghĩa là phải sẵn sàng đối diện với thử thách. Bởi mỗi một cuộc hành trình sẽ có những “món quà” và có cả những khó khăn sẽ chờ ở phía trước.

Vì vậy, một khi đã vác ba lô lên vai, đặt chân vào hành trình này thì chẳng có cách nào khác là phải tự trang bị thật tốt và chuẩn bị những kỹ năng sống cần thiết cho những tình huống tồi tệ nhất, cho mình và cho cả đồng đội của mình. Chẳng hạn rèn luyện thể lực, sự dẻo dai, tập bơi, tập leo núi, đu dây…  Chẳng ai nói trước được lúc nào sẽ phải sử dụng đến nó.

Trekking có lẽ hơi quá vất vả cho những ai chỉ thích thể hiện bản thân. Thật thú vị khi biết rằng, phần lớn những kẻ trekking “khủng” lại là những người thích “ẩn mình”. Họ không muốn nói về những chuyến đi như một thành tích bởi với họ, đi đơn giản là để được sống với chính mình mà thôi.

Du lịch, GO! - Theo Hà Trang (VTC), internet