Ngồi cùng những người làm vườn Khánh Sơn bên những cây sầu riêng non mới được đưa từ miền nam về, chuẩn bị đem trồng trên rẫy mới. Những cánh lá bé xíu khẽ lay động, lay động như muốn chào một vùng đất mới, một nơi dừng chân mới.

Những câu chuyện về sự tích cây sầu riêng, về một loài cây mới trên đất Khánh Sơn cứ tiếp nối nhau, bên ánh lửa bập bùng trong đêm tối, gợi nhớ một mùi hương không thể lẫn lộn vào đâu được của trái sầu riêng. Cái hương vị nồng nàn, mãnh liệt và đầy quyến rũ ấy khiến ai đã một lần được nếm là khó có thể quên.

Bây giờ, khách ở xa đến thăm xã Sơn Bình được nghe kể chuyện về vườn cây ăn trái của anh Cao Văn Sang. Mới về với Khánh Sơn khoảng hơn sáu năm nay, nhưng anh Sang đã thể hiện là người có sự đồng cảm sâu sắc với mảnh đất này.

Nhìn khu vườn của anh, cảm nhận đầu tiên của tôi là sự bài bản, căn cơ. Bởi trang trại được sắp xếp trật tự, ngăn nắp và đẹp. Cây cối ngay hàng thẳng lối. Cạnh đường vào trang trại là hai hàng cau thẳng tắp, những hàng sầu riêng, chuối, quýt, măng cụt. Cơ ngơi bề thế vậy mà chủ nhân của nó còn rất trẻ, mới chỉ 34 tuổi, chưa có vợ.

Việc trồng cây sầu riêng của Sang buổi đầu nhiều gian khó. Cái khó lớn nhất vẫn là vốn liếng và kỹ thuật. Vốn liếng thiếu thì Sang cùng gia đình chạy vạy, cạy cục để mua giống, khai khẩn, chăm sóc cây non. Kỹ thuật thiếu thì Sang đi khắp nơi tìm tòi, học hỏi. Trong quá trình đó, Sang đã có một quyết định rất quan trọng, đó là đầu tư lắp đặt hệ thống nước tự chảy, từ trên núi cách vườn khoảng gần ba cây số. Cách nghĩ ấy, cách làm ấy đã đem dòng nước mát lạnh từ trong lòng suối đá về chảy chan hòa khắp trên những luống cây. Trong cái nắng gắt mùa hè, đi trong vườn cây trái của Sang, cảm nhận sự trong lành của một không gian xanh mát mới thấy hết giá trị của sức lao động con người.

Sang kể, có một kỷ niệm thật khó quên về giống cây sầu riêng. Ngày ấy, Sang mê cây sầu riêng nên tìm vào tận miền nam mua cây giống. Khi đem về Khánh Sơn, Phòng Nông nghiệp huyện đến kiểm tra, đòi lập biên bản, không cho trồng. Số là, để bảo đảm chất lượng giống cây sầu riêng trên địa bàn, từ năm 1999, huyện Khánh Sơn chỉ mua giống của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền nam, không chấp nhận giống sầu riêng trôi nổi, kém chất lượng. Sau khi thẩm định cây giống của Sang, huyện cho trồng. Và từ đó, Phòng Nông nghiệp huyện và gia đình Sang ngày càng trở nên thân thuộc gắn bó trong công việc chăm sóc cây sầu riêng.

Những cây sầu riêng của Sang lên rất mạnh, và cũng rất nhanh cho trái. Cây còn nhỏ xíu, tán lá chưa lớn, chưa rộng mà trái lúc lỉu, oằn cành. Vườn sầu riêng của anh Sang trồng giống Moong Thoong, có chất lượng cao. Hiện tại gia đình Sang đang có 1.500 cây sầu riêng; trong số đó 90% cây đã cho trái.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Khánh Sơn, kỹ sư Lê Bá Sương nhẩm tính, với số lượng trái hiện có, năm nay, vườn sầu riêng của anh Sang đạt khoảng 100 tấn. Nếu tính giá ở mức thấp là 20 nghìn đồng/kg, năm nay vườn sầu riêng của anh Sang thu khoảng hai tỷ đồng. Quả là một con số đầy ấn tượng trên một vùng đất núi. Đây có phải là cây làm giàu của Khánh Sơn? Tôi cứ băn khoăn mãi với câu hỏi ấy. Bởi trước nay, Khánh Sơn đã từng đau đầu trước câu hỏi lấy cây gì, con gì làm chủ lực cho nông nghiệp địa phương.

Còn nhớ, cách đây hơn chục năm, khắp các nẻo đường Khánh Sơn, đâu đâu cũng rôm rả câu chuyện trồng cây cà-phê, hồ tiêu. Sự giàu có tưởng chừng như đang ở ngay trước mắt với những chùm cà-phê xanh nặng trĩu và giá bán rất cao. Lúc cao điểm, toàn huyện có đến hơn 800 ha cà-phê. Nhưng, giá cả tụt không ngờ, người dân Khánh Sơn không đủ sức đầu tư, cây cà-phê sụp đổ. Vườn vườn trồng cà-phê chết đứng. Người người trồng cà-phê điêu đứng.

Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn Ngô Hữu Giác rất tâm đắc với cây sầu riêng: Là huyện miền núi, nhưng trồng cây gì là một bài toán khó, chúng tôi cứ tìm tòi mãi. Rồi cũng tìm ra được cây sầu riêng. Đây là cây trồng mở ra hướng mới cho người dân Khánh Sơn phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo...
Năm 1999 trồng thử, đến năm 2006, huyện Khánh Sơn quyết định xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển cây sầu riêng giai đoạn 2006-2010, nhằm mục đích đưa cây sầu riêng trở thành một trong những cây trồng chủ lực của huyện. Đến nay, Khánh Sơn đã có gần 500 ha sầu riêng; trong số này hiện có khoảng 200 ha cây đã cho trái. Về lâu dài, huyện Khánh Sơn có chủ trương phát triển diện tích trồng sầu riêng đến con số 500 ha là tối đa, không mở rộng thêm nữa mà đi vào đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Kể chuyện nghe vắn tắt như vậy, song, để cây sầu riêng đứng được trên đất Khánh Sơn là một câu chuyện thật dài. Bước đầu thấy cây lên tốt như vậy, nhưng biết sau này cây ra trái như thế nào; giá cả, thị trường tiêu thụ ra làm sao... Hàng loạt câu hỏi được đặt ra. Nỗi ám ảnh của cây cà-phê, cây hồ tiêu của những năm trước khiến nhiều người dân Khánh Sơn e dè. Mà e dè cũng phải, bởi vốn liếng bỏ ra có phải nhỏ đâu, có phải thu hồi lại ngay được đâu. Riêng đối với đồng bào dân tộc, người dân chưa quen việc trồng cây ăn trái, khả năng chăm sóc yếu nên cây chết nhiều, huyện phải hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc...

Một thực trạng đáng buồn là thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn đang bị lạm dụng mạnh. Thời vụ thu hoạch sầu riêng Khánh Sơn là vào tháng 7, tháng 8 hằng năm. Vậy mà trên thị trường mới vào tháng 2, tháng 3 đã có người mang sầu riêng từ các địa phương khác về Khánh Hòa bán và ghi là 'Sầu riêng Khánh Sơn, cơm vàng, hạt lép'. Nhiều người tiêu dùng đã bị lừa. Chất lượng trái sầu riêng bị đánh cắp từng ngày.

Một câu hỏi được đặt ra là ai sẽ là người xử lý và xử lý như thế nào đối với những hành vi vi phạm trực tiếp đến thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn đã được pháp luật bảo hộ? Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn tiếp tục bị xâm hại. Và như vậy, việc giữ được thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn sẽ là công việc hết sức khó khăn.

Giữa những vườn sầu riêng trĩu quả ở Khánh Sơn, trong cái nắng của vùng cao, tiếng con chim chiền chiện hót lảnh lót, nghe xao xuyến thanh bình. Câu chuyện về cây sầu riêng của anh Cao Văn Sang cứ theo tôi mãi. Anh đã đến với vùng cao Khánh Sơn bằng cả tấm lòng. Và đất đã không phụ người.

Sầu riêng Khánh Sơn rất thơm ngon, cơm vàng hạt lép, tỷ lệ cơm 30 - 40%, lại được thu hoạch trái vụ với các địa phương khác trên cả nước nên được khách hàng rất ưa chuộng. Khánh Sơn hiện có hơn 500ha sầu riêng, trong đó 200ha thu hoạch, tập trung chủ yếu ở các xã Sơn Bình, Sơn Lâm, Sơn Trung, Ba Cụm Bắc, thị trấn Tô Hạp. Giá thu mua tại chỗ từ 18 - 35 nghìn đồng/kg tuy thời điểm. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai lên Khánh Sơn đặt vấn đề thu mua với số lượng lớn, trung bình một ngày Khánh Sơn bán khoảng 100 tấn quả. Phòng NN-PTNN cũng làm việc với các siêu thị trên địa bàn tỉnh đưa SRKS vào tiêu thụ.

Thương hiệu Sầu riêng Khánh Sơn đã được đăng ký độc quyền trên toàn quốc từ tháng 3-2011. Thế nhưng, tháng 6-7 vừa qua, nhiều cửa hàng, tư thương ở Nha Trang, Cam Ranh và nhiều địa phương khác vẫn mượn danh SRKS để bán “hàng giả”. Ông Nguyễn Trọng Lâm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Khánh Sơn khẳng định: “SRKS cuối tháng 8 mới bắt đầu vào vụ thu hoạch và kết thúc vào tháng 10. Không thể có chuyện có Sầu riêng Khánh Sơn ở thời điểm tháng 6-7. Thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị Chi cục Quản lý thị trường phối hợp kiểm tra xử lý đối với những trường hợp mạo danh thương hiệu”.

Du lịch, GO! - Theo báo Nhandan, Khanhhoa, ảnh internet