Với tác dụng rõ rệt nhất là “giải nhiệt” thì tắm biển đương nhiên là một lựa chọn không thể thích hợp hơn. Ngoài hiệu ứng làm mát cơ thể, tắm biển còn vô số các lợi ích sức khoẻ khác nhưng nếu không đúng cách thì lại gây tác dụng ngược.

Cẩn thận nhiễm lạnh

Không gian biển nhiều gió hơn, gió mạnh hơn bình thường. Trong gió lại có nhiều hơi nước thổi từ biển vào nên dễ làm cơ thể nhiễm lạnh. Song phần làm cơ thể nhiễm lạnh mạnh nhất chính là nước biển.

Nhiệt độ nước biển luôn thấp hơn nhiệt độ không khí từ 2-30C, lại do cơ thể luôn truyền nhiệt cho nước nên cơ thể sẽ bị mất nhiệt nhiều. Biểu hiện khi nhiễm lạnh là người tắm có cảm giác lạnh, chân tay run, da nhăn nheo, tím tái, nhịp tim nhanh sau chậm dần, huyết áp giảm.

Trong các trường hợp nặng, người bệnh có thể bị rối loạn ý thức khi nhiệt độ hậu môn dưới 35oC và có thể tử vong nếu nhiệt độ cơ thể hạ quá thấp dưới 33oC.

Mệt quá sức

Mệt quá sức trong tắm biển là do cơ thể vận động quá nhiều dưới nước. Nước có sức cản lớn hơn không khí, lại có sức ép nên hao tổn sức lực lớn hơn trên cạn. Đã thế, sự dao động mạnh của sóng biển liên tục tác động vào cơ thể nên cơ thể dễ bị mệt sức. Biểu hiện là thở dốc, chân tay mệt mỏi, rã rời, tê cóng. Rối loạn nhịp tim mà thường là nhịp tim nhanh và nhỏ. Hoa mắt, chóng mặt, nhiều khi bị chuột rút, tê cứng chân

Say nắng

Say nắng trong tắm biển là do cơ thể bị ánh nắng chiếu trực tiếp vào gáy quá nhiều. Cường độ nắng ngoài biển cao do biển không có bóng mát nên khi tắm biển vào những thời điểm quá nắng nóng thì dễ bị say nắng.

Đừng nghĩ rằng có nước thì ít bị say nắng, nếu chúng ta tắm ở vùng nước nông và hở gáy thì vẫn có nguy cơ bị say nắng như thường, nhất là những hôm nắng gay gắt.Biểu hiện là đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, sốt cao, thần kinh bị kích động, vật vã, ù tai, ngất, trụy tim mạch và thần kinh.

Chết đuối và chấn thương

Chết đuối trong tắm biển có thể là do bị chuột rút, có thể là do sóng đánh quá mạnh và lôi người tắm ra xa, có thể là do bơi quá xa và đuối sức không bơi được vào bờ. Nên nhớ hoạt động trong nước biển có sóng mệt hơn nhiều so với trong nước ngọt ở ao hồ. Chúng ta cũng có thể gặp những chấn thương do gặp phải những loài cá biển nguy hiểm như sứa, cá mập. Vì thế mà chúng ta nên chú ý khi tắm biển để có thể thu được các lợi ích toàn vẹn của tắm biển mà không bị các nguy cơ trên.

Để tránh được các nguy cơ không tốt trên, chúng tôi khuyên bạn nên thực hiện một số hướng dẫn sau:

+ Không nên tắm biển vào những ngày sóng mạnh (nhìn thấy bọt trắng của sóng hoặc nhìn thấy cây sóng), nhiệt độ ngoài trời thấp (dưới 25oC).

+ Không nên tắm biển ngay sau khi ăn vì nước biển ép vào bụng sẽ gây ra khó thở và đầy bụng. Tốt nhất là nên tắm biển sau khi ăn sáng 1h và sau khi ăn chiều 2h. Cũng không nên tắm biển vào lúc quá đói mệt, dễ gây ra mệt quá sức.

+ Không nên tắm biển sau 10h sáng và trước 14h chiều. Thời điểm này ánh nắng có nhiều tia tử ngoại và dễ bị say nắng.

+ Không nên tắm biển liên tục quá lâu. Ngâm người trong nước quá lâu làm cho da bị ngấm nước, nhăn nheo. Do các lý do sức khoẻ nên chúng tôi khuyên bạn không nên tắm quá 1h với người khoẻ, và không nên quá 20-30 phút với người yếu

+ Nên chú ý khởi động kỹ khi bơi dưới nước để tránh nguy cơ chuột rút. Đứng lên ngồi xuống dăm ba lần, chạy tại chỗ vài phút, ép chân vài ba nhịp, bạn sẽ làm trơn tru các khớp cử động và tuần hoàn máu trong cơ tốt, tránh tối đa nguy cơ chuột rút.

Vì tắm biển là tốn nhiều sức do sóng to hơn tắm ao hồ nên khuyên bạn hãy uống nhẹ một chút nước đường hoặc một chút sữa khoảng 100-200ml, chúng ta sẽ tránh được nguy cơ mệt quá sức.

+ Hãy tuân thủ đúng nguyên tắc nội quy của bãi biển, không được tự ý đi ra xa khỏi khu vực an toàn mặc dù trông có vẻ gần vì như thế chúng ta có thể bị tình huống: ra quá xa không bơi vào bờ được, gặp cá dữ và sóng mạnh cuốn trôi. Cả ba tình huống này đều nguy hiểm tính mạng trước khi có cơ hội tận hưởng các lợi ích của biển.

Những mẹo nhỏ để chuyến đi biển của bạn thêm hoàn hảo.

1. Cách chữa rộp da

Phơi nắng quá lâu hay tung tăng dạo biển mà không che chắn sẽ có thể khiến làn da của bạn bị ửng đỏ, phồng rộp và bong tróc trông rất xấu. Mẹo để chữa trị rất đơn giản, bạn hãy lấy phần lắng đọng của nước vo gạo xoa nhẹ nhàng lên vùng da bị rộp đó. Làn da sẽ mau chóng được làm dịu và mềm trở lại. Ngoài ra, mặt trắng trong vỏ cam cũng góp phần giúp lấy đi những lớp da chết sần sùi, bôi tiếp một lớp kem dưỡng nữa là mọi thứ lại ổn.

2. Chống say tàu xe

Nhiều bạn ngại du lịch xa chỉ bởi cái vụ say xe này. Nếu cao dán chống say hay thuốc chống nôn không có tác dụng, hãy thử mẹo sau.

Nếu đi thuyền biển, hãy tìm chỗ ngồi nơi thoáng, ngoài trời, nếu phải di chuyển lâu nên chọn chỗ giữa thân tàu, thuyền, vì nơi đó ít chòng chành. Khi đi máy bay nên chọn chỗ ngồi trên cánh, tránh ngồi ở phần đuôi vì đó là chỗ hay lên – xuống nhất, mở bộ phận thông gió trên đầu và hướng gió vào mặt mình.

Đi tàu xe, nên nhìn phong cảnh đằng trước mặt, không nên nhìn sang 2 bên, mở cửa kính để có gió (trừ những nơi không khí bị ô nhiễm), chọn chỗ cạnh lái xe hoặc ghế đằng trước để đảm bảo sức khỏe. Quy tắc chung: ngủ sớm ở đêm trước khi đi du lịch, không dùng chất có cồn, gas, không đọc sách báo khi máy bay, tàu xe di chuyển.

3. Chăm sóc máy ảnh

Nước biển hay hơi nước mang muối có thể khiến máy ảnh bị hỏng. Bạn nên thường xuyên lau máy, quét cát trên than máy và ống kính bằng chổi chuyên dụng sau mỗi lần đi săn ảnh trên bãi biển.

4. Mang chanh tươi để… chống muỗi

Cuối cùng là hãy mang theo vài quả chanh nếu bạn không muốn bị muỗi đốt ngoài trời. Xát vỏ chanh lên da hoặc đun nước ấm có pha chanh cùng tinh dầu chanh sẽ xua đuổi được lũ muỗi đáng ghét.

5. Bảo quản cua ghẹ tươi về nhà

Thu hoạch ngon lành nhất khi đi biển về là hải sản tươi sống, đặc biệt là những chú cua ghẹ chắc nịch. Bạn nhớ là cua, ghẹ tươi sống mang về đừng thả luôn vào nước vì sau một chặng đường mệt nhọc, nắng nóng, chúng sẽ bị “chết cảm”.

Bạn nên vận chuyển cua ghẹ về tới nhà trong một thùng xốp có lót đá lạnh dưới đáy thùng. Trải lên đó một lớp ni long rồi mới đặt cua ghẹ lên, không để trực tiếp lên đá, vì có thể nó sẽ bị chết cóng ngay.