Nếu yêu thích phong cảnh núi non, chắc chắn bạn nên đến Hà Giang ít nhất một lần. Ở vùng đất cực bắc này, đường sá hầu hết là đường đèo, cứ nối nhau quanh co uốn lượn.

< Hà Giang là vùng đất khắc nghiệt với địa hình chủ yếu là núi đá. Người dân trồng ngô trên những kẽ núi là chủ yếu.

Cái cảm giác bò loanh quanh một quả núi rất thú vị, bạn cứ thấy mình trèo lên từng tầng một của con đường, thoắt một cái thì đoạn đường vừa qua đã nằm ở tầng dưới.

Bài này sẽ cho bạn biết trước nên ăn gì, ở đâu tại cao nguyên đá Đồng Văn... và cũng giúp bạn khám phá những chốn thần tiên khác ở Hà Giang.

1. Phương tiện đi lại

Đi bằng ôtô:

Từ Hà Nội, bạn đi xe khách Hà Nội – Hà Giang từ bến xe Mỹ Đình, sau đó đi xe Quản Bạ – Đồng Văn từ bến xe Hà Giang.

Đến Đồng Văn thì thuê xe ôm để khám phá các điểm du lịch của Đồng Văn (ở Đồng Văn không có dịch vụ cho thuê xe máy)

Đi bằng xe máy:

Tuyến đi thứ nhất: Hà Nội – Vĩnh Phúc – Việt Trì – Phú Thọ – Tuyên Quang. Đường này thì nhiều người biết và đông xe đi lại.

Tuyến đi thứ hai: Hà Nội – Sơn Tây – Cầu Trung Hà – Cổ Tiết – Cầu Phong Châu – Phú Thọ – Đoan Hùng – Tuyên Quang.

Từ Hà Nội bạn đi theo Đại lộ Thăng Long. Sau đó gặp đường 21 đi theo đường 21 lên Sơn Tây (Chú ý: điểm giao nhau này ngày trước là ngã 3 nay đã làm cầu vượt qua đường 21 nên các bạn chú ý rẽ phải trước cầu vượt).

Tiếp theo bạn đi Từ Sơn Tây qua cầu Trung Hà đến Cổ Tiết, đến Cổ Tiết qua cầu Phong Châu, qua cầu Phong Châu đi theo đường vên sông (đường 320) đi lên Phú Thọ.

Từ Phú Thọ các bạn theo quốc lộ 2 đi lên Đoan Hùng rồi đến Tuyên Quang, đi theo đường cao tốc bên ngoài Tuyên Quang bạn sẽ không phải đi qua thành phố Tuyên Quang.

Theo đường Quốc lộ 2 đi tiếp: TP. Tuyên Quang – Hàm Yên -  Bắc Quang – Vị Xuyên – TP. Hà Giang

Tuyến đi thứ nhất dài hơn khoảng 30km so với tuyến thứ hai

* Lưu Ý: Nếu bạn có ý định phượt Hà Giang bằng xe máy thì chú ý mang theo đầy đủ giấy tờ xe, xe có giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS phù hợp, người ngồi trên xe phải đội mũ bảo hiểm đầy đủ, nên có kính mắt, đi giầy nhẹ hoặc giầy thể thao.

Nên trang bị điện thoại có hệ thống google map, mạng Vina, Viettel, Mobi hoạt động tốt ở vùng này.

2. Nên đến Hà Giang vào thời điểm nào?

Hà Giang đi mùa nào cũng thấy đẹp,mỗi mùa có một vẻ đẹp khác nhau. Tuy nhiên, Nếu đến với Hà Giang trong khoảng tháng 7 và tháng 8 thì nên mang theo sẵn áo mưa hoặc ô dù vì đó là thời điểm mùa mưa, bạn có thể găp những ngày mưa liên tục hay những cơn mưa rào bất chợt.

3. Khách sạn, nhà nghỉ

Tại Hà Giang các bạn có thể nghỉ tại các khách sạn có giá trung bình 170.000- 350.000 như khách sạn Huy Hoàn, khách sạn Công đoàn, khách sạn Khánh Linh, khách sạn Cao Nguyên Đá (ở thị trấn Đồng Văn).

Theo các tài xế xe khách và một số khách du lịch “bụi”. khách sạn tốt nhất ở Đồng Văn là khách sạn Hồng Ngọc nằm ngay thị trấn gần chợ phiên Đồng Văn, giá phòng từ 120.000 đồng đến 180.000 đồng/phòng (phòng có hai hoặc 3 giường). Nhà UBND thị trấn cũ ở cuối dãy phố cổ nay cũng là nhà nghỉ bình dân (có thể ngủ với giá 20.000 đồng/người) . Có khoảng 6 – 7 nhà nghỉ quanh đó giá rẻ hơn, dao động từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng/phòng.

4. Ăn uống

Món ngon nên thưởng thức ở Đồng Văn là: thịt gà, thịt bò khô, rau cải mèo, măng nứa và uống rượu ngô.

Tối ở Đồng Văn còn có chè nóng, ngô nướng, mía nướng… Ngoài ra bạn cũng có thể thứ các món ăn dân tộc ở chợ như mèn mén (ngô xay đồ chín), xôi màu, thắng cố, bánh ngô.

5 . Các điểm du lịch và khám phá

Chúng tôi đưa ra danh sách một số điểm không thể bỏ qua khi đến Đồng Văn. Bạn có thể tự sắp xếp lịch trình để đến các điểm mà bạn cho là thú vị nhất theo thời gian của mình.

- Cổng trời Sà Phìn, cách Đồng Văn 15km về phía Yên Minh (đường 4C) là điểm bạn cần phải đến. Từ Sà Phìn, bạn nên đi thăm điểm cực bắc của Việt Nam là Cột cờ Lũng Cú 26km nữa, dưới chân cột cờ là làng văn hóa Lô Lô, bạn có thể đi dạo vòng quanh.

- Từ Sà Phìn đi đến cửa khẩu Phó Bảng 7km, bạn có thể thăm Thị Trấn Cổ trên Cao Nguyên Đá.

Từ cồng trời Sà Phìn nhìn xuống lòng thung lũng là di tích lịch sử nổi tiếng: nhà vua Mèo Vương Chí Sình.

- Chợ phiên Đồng Văn họp vào sáng thứ 7 hàng tuần, rất đông bà con dân tộc xuống chợ, chợ vui và vô cùng náo nhiệt.

- Khu vực phố cổ Đồng Văn với những ngôi nhà tường trình, mái ngói nung và tường rào bằng đá, vào ngày rằm hàng tháng cũng treo đèn lồng như phố cổ Hội An.

- Nếu có nhiều thời gian thì bạn có thể leo núi Đồn Cao nằm ngay phía sau khu chợ phiên, trên đó có thể ngắm toàn cảnh thị trấn Đồng Văn.

- Từ thị trấn Đồng Văn đi về phía Mèo Vạc khoảng 15km là Thiên hạ đệ nhất đèo Mã Pí Lèng, còn đèo đẹp và hùng vĩ nhất miền núi phía bắc, bên dưới thung sâu, có dòng Nho Quế bé xíu như một sợi chỉ xanh cắt ngang giữa những dãy núi đá tai mèo nhọn hoắt.

- Chợ Mèo Vạc cách Đồng Văn 28km họp vào sáng Chủ nhật hàng tuần.

6. Mang gì khi du lịch Hà Giang

Bạn nên mang theo quần áo ấm khi lên đến khu vực vùng cao vì khi hậu thay đổi đột ngột và thời tiết càng về đêm càng lạnh.

Chuẩn bị sẵn một số thuốc tây chữa các bệnh thông thường như cảm cúm nhức đầu vì du khách có thể mắc phải khi chưa thích ứng được với bình độn cao và khí hậu lạnh.

Túi thuốc cá nhân ít nhất phải có dầu gió, thuốc đau bụng, thuốc trị nhức đầu, kem thoa da chống muỗi, thuốc trị côn trùng cắn, kem thoa da trị bỏng hoặc dị ứng… Tùy theo sức khỏe cá nhân, cần mang theo đường ăn kiêng hoặc thuốc đặc trị riêng.

Du lịch Hà Giang chắc chắn sẽ cần đi bộ nhiều, bạn phải chú ý chọn loại giày êm, nhẹ, tất cotton mềm. Mang theo loại kem thoa chân dùng vào buổi tối để làm mềm da, giúp thư giãn và phục hồi mỏi mệt cho chân.

Những vật dụng khác như bộ kim, chỉ với chiếc kéo nhỏ, kim khâu tay, chỉ, nút áo, kim băng, có thể sẽ trở nên rất hữu dụng trong các trường hợp bất ngờ.

Ngoài ra, nếu có dự định dã ngoại và qua đêm trong rừng thì phải chuẩn bị thêm các bộ lều dã ngoại, diều, nồi nấu đa năng… để thỏa mãn nhu cầu tận hưởng không khí thiên nhiên hoang dã, tự thưởng thức bữa ăn theo ý mình.

Du lịch, GO!- Theo Dulich Datviet, internet