Lâu nay, khách du lịch chỉ biết đến suối cá thần Cẩm Lương và Cẩm Liên nổi tiếng thuộc huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Tuy nhiên, ít ai biết tại thôn Chiềng Ban, xã Văn Nho, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) từ lâu đã tồn tại một suối cá thần thứ ba đẹp hoang sơ không kém gì hai suối cá thần trên.

< Toàn cảnh ngọn núi cao nơi có hang suối cá thần Chiềng Ban sinh sống được xây đập chứa nước kiên cố.

Giống như suối cá thần Cẩm Lương, suối cá thần thứ ba này cũng nằm trong một cái hang sâu tự nhiên có nước chảy từ trong lòng núi chảy ra.

Theo nhiều người dân sinh sống ở quanh khu vực suối cá thần thì suối cá này đã có từ rất lâu, có thể là trước khi con người đến đây sinh sống.

Theo ông Hà Văn Thân, người trông coi, bảo vệ suối cá và cũng là người có nhiều hiểu biết về suối cá cho hay: “Tại hang động thờ thần cá này hai thủ lĩnh trong phong trào Cần Vương ở miền núi Thanh Hóa là Hà Công Bộ và Hà Văn Nho đã bị giặc Pháp bắt, tra tấn và đều bị chém đầu tại động thờ cá thần. Chính vì thế, suối cá thần và động thờ cá thần này có sức ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần của người dân bản địa”.

< Cận cảnh cửa miệng hang núi nơi ra vào của đàn cá thần lúc nào cũng ngập sâu trong nước.

Người dân nơi đây cũng không ai dám đánh bắt cá để ăn, hằng ngày vẫn thay phiên nhau mang thức ăn ra suối cho cá thần. Hàng năm cứ sau Tết, dân trong thôn còn tổ chức lễ hội cá thần rất to. Mỗi khi có việc phải đi xa mong thượng lộ bình an hay cầu phúc đỗ đạt, sức khỏe người dân đều làm một cái lễ con con mang đến động thờ cá thần với mong muốn được thần cá giúp đỡ.

< Ông Hà Văn Thân đang thắp nén hương trong động thờ thần cá.

Theo cụ Thân, hang cá thần này có chiều sâu khoảng 30m, nước trong hang được bắt nguồn từ cây km số 8 đổ về đây. Du khách muốn chiêm ngưỡng cá thần sẽ gặp khó khăn hơn so với hai suối cá thần ở Cẩm Thủy. Mặc dù ít khi tiếp xúc với người lạ nhưng cá thần ở Chiềng Ban cũng rất dạn người. Mỗi lần cho cá ăn chỉ cần vãi một ít thức ăn  xuống mặt đập là khách tham quan có thể thấy những con cá có thân hình giống y hệt cá thần ở Cẩm Lương bơi ra đớp mồi. Tuy nhiên, ba suối cá thần có phải cùng một loại cá không thì đây vẫn là câu hỏi lớn chưa ai giải đáp được. Chỉ biết, cá thần ở ba suối đều rất giống nhau mặc dù khoảng cách địa lý xa nhau lại không cùng một nguồn nước chảy qua.

< Do mực nước trong đập sâu lại bị nước mưa làm đục nên chỉ có thể quan sát cá thần khi chúng nổi lên ăn.

Theo lời hướng dẫn của người trông coi hang cá thì phải lên động thắp hương cá sẽ ra đông hơn. Sau khi nén nhang được cắm xuống dù trời mưa nước đập bị đục nhưng cả đàn cá đông đúc từ miệng hang bơi ra liên tục khiến mọi người có mặt đều hết sức ngạc nhiên.

Không ai có thể biết được chính xác số lượng đàn cá thần hiện có trong hang núi này là bao nhiêu con. Theo người dân mô tả trung bình mỗi con nặng từ 7kg – 8kg, con to nhất nặng khoảng 10kg, cá chúa rất to không bao giờ ra khỏi hang, cá thần sống rất ôn hòa với một số loài cá đồng lạc vào hang như cá chép, cá mài mại.

< Đàn cá thần đông đúc hàng trăm con ở suối Ngọc, Cẩm Lương - Cẩm Thủy.

Trên mình mỗi con cá đều óng lên màu sắc rất đẹp, miệng và vây cá có màu hồng, thân có màu đen tuyền, phía dưới bụng cá lại được “trang điểm” bằng màu bàng bạc mỗi khi cả đàn cá hàng trăm nghìn con chao mình quẫy đuôi mặt nước lại sóng sánh, lấp lánh nhìn xa như có ánh bạc phản chiếu.

Suối cá thần Chiềng Ban thực sự là một nét độc đáo mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất Bá Thước – Thanh Hóa. Nơi đây, chứa đựng một tiềm năng du lịch lớn nếu kết hợp với hai suối cá ở huyện Cẩm Thủy.

Du lịch, GO! - Theo báo Laodong