(Tiếp theo)
Từ mặt Đông cụm núi Sơn Trà trở về, bụng đói meo nên ghé vào một quán lề đường trên đường Nguyễn Công Trứ tìm Mì Quảng nhưng không thấy. Kệ vậy: lúc đói thì cái giống gì bỏ vô miệng được cũng thành cao lương mỹ vị cả!

< Đường Hoàngg Sa lên đỉnh Sơn Trà mé Nam vẫn còn bữa bãi cát đất do đang xây dựng, sửa chữa.

Hơi ngại một tý khi hỏi giá tô bún gà nhưng chị vẫn trả lời nhẹ nhàng bằng giọng Đà Nẳng chính gốc: 15k/tô. Dzị là chơi 2 tô, xong rồi gọi thêm tô bánh canh cá - khá ngon, giá phải chăng.

< Đài quan sát và cứu hộ trên bãi biển Phạm Văn Đồng lúc nào cũng có người trực ban.

Hàn thuyên một hồi, chị mới thổ lộ là nghe anh chị 'hỏi giá' trước là biết chắc đã bị 'chặt chém' rồi (hi hi). Chị cũng nhìn nhận rằng một số quán bình dân tại Sơn Trà hay tính giá chát với khách du lịch, rồi chỉ cho bọn mình khúc đường Hồ Xuân Hương: bán đồ ăn sáng rất ngon và giá lại mềm.

< Cầu sông Hàn lung linh đổi màu. Chả bù tại Sàigòn, các đèn trang trí cầu lớn đều tắt tịt vì... tiết kiệm điện.

Chiều ghé bãi biển trước KS tắm một một phát, bãi vắng teo nhưng lạnh pà kố dù trời đã có nắng hiu hiu. Nhưng không sao vì về khách sạn tắm lại nước nóng, phê vô cùng - Hai bữa đầu xài sộp một tý, mấy bữa sau: chuyện "ở" teo lại để trừ!

Lại xách xe chạy loanh quanh kiểu quan 'khám điền thổ', mình khám phá ra con đường có nhiều trường học: đường Tô Hiến Thành. Chỉ là con đường nhỏ xíu thôi như lềnh khênh các trường như Phan Bội Châu, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Đà Nẵng, Mầm non Bạch Yến... lại rất đông người và xe.

< Bộ đôi "hơi bị hoàn hảo".

Nhiều trường, cũng nhiều hàng ăn uống vặt. Mà hàng vặt bán cho sinh viên học sinh thì chắc chắn phải giá mềm rồi... nên ghé vào một quán sau khi nghe chào mời rôm rả:"Không bao nhiêu đâu". Bé cái lầm là đây: bọn mình đã nghe rõ ràng giá bánh bèo chén Đà Nẵng, giá bánh bột lọc (cái này gói lá chuối - hai miếng nhỏ cột chung 1 cái, bột trong trong, có con tép đo đỏ ở giữa) khi chủ quán tính tiền của những người khác.

Vậy nhưng sau khi nhóp nhép một vài thứ, kêu chị ta khi tính $ thì giá... gấp hai rưỡi, thắc mắc hỏi rõ thì chị ấy nói rằng... tính lộn và tính lại chỉ giá... gấp đôi thôi (bán người khác thì tính cặp, bán cho mình thì tính chiếc).

Không bao nhiêu tiền do mình chỉ dùng thử mỗi thứ một cái nhưng bị tính cao hơn thiên hạ thì ức chế lắm, dzị là bèn từ giả mà không hề có lời hẹn 'See you again'. Xem chừng cái 'món' hỏi giá trước, chộp dĩa sau... vẫn còn giá trị. He he - xin đừng phiền để khách không bị... buồn phiền.

< Tô mỳ Quảng buổi sáng ngay cạnh khách sạn, chỉ 15k.

Tối chạy ven vịnh nhìn "đường lên trời" rồi vòng xuống ngắm cầu sông Hàn, xem như hết ngày đầu tiên. Để rồi cảm nhận thấy Đà Nẳng tuyệt vời lắm - trục trặc đôi chút chỉ là những hạt sạn thật nhỏ.

Hướng về Hải Vân

Sáng ngày thứ nhì, soạn ít hành lý và xuống dùng bữa đầu tiên trong ngày. Không xa, ngay cạnh hotel là cái quán ăn sạch sẽ, rộng rãi và có khá đông khách địa phương... nhưng chỉ bọn mình là nói sặc giọng Sàigòn. Người Đà Nẵng tinh ý nhận ra ngay, chào hỏi "Hôm qua đến ni anh chi đã đi chơi đâu chừ"...

< Ghé Petrolimex đổ cho một bình, đầy óc nhóc, chạy mệt xỉu. Xem báo chí biết xe tự chý khá nhiều nhưng Win ta thì chưa từng có, an tâm.

Lạ trước, quen sau - lại nói chuyện rôm rả với những ánh mắt đầy thiện cảm. Tô mỳ Quảng chỉ 15k, cà phê 7k trà miễn phí. Như mọi khi ra khu vực miền Trung: tại đây không có khái niệm "cà phê đen" - đen tức là cà phê đen có cục đá, phê sữa cũng có cục đá kèm theo chứ không nóng nghi ngút khói như ở Sài Thành. Lạnh thì có lạnh thật nhưng cứ tợp đá cho quen, dĩ độc trị độc mà! Duy chỉ có trà thì nóng, nghi ngút khói - không khéo phỏng cả mỏ!

< Và lên đường, chuẩn bị khám phá đèo Hải Vân cùng các ngóc ngách. Ngóc ngách đây là bãi Chuối và các bãi đá không tên khác - hoàn toàn không có thông tin gì trên mạng, chỉ có thấp thoáng trong bản đồ.

< Những cung đường lớn tại Đà Nẵng khang trang, sạch đẹp và thoáng đãng. Nhớ hồi đi Tuy Hòa cũng vậy... rồi lại nhớ đất Sài Thành với lủ khủ xe và khói bụi...

< Nhầm đường một tý nhưng không sao, móc cái máy cùi bắp ra dò rồi cũng ra đường đi nước bước...

< Bé đến trường kia...

Mình cũng để ý rằng trong chuyến đi này, những nơi đi qua là Đà Nẵng, Thạnh Mỹ, Khâm Đức... : hương vị ly cà phê đều tuyệt hảo, cả trà cũng vậy, thơm lừng - uống rồi cứ nghe phảng phất vị chan chát, ngòn ngọt trong cổ.

< Xem ngồ ngộ: Cà phê... 'Chim'.

Xong buổi sáng rồi thì lên đường hướng về đèo Hải Vân. Chưa quen thuộc thành phố lắm nên quay quần một tý, hỏi vài câu cộng với cái bản đồ trong máy Ipad cùi bép TQ của mình một hồi cũng ra được đường Nguyễn Tất Thành, chạy theo vòng cung ven vịnh hướng về phía Bắc.

< Đường Nguyễn Tất Thành ven vịnh, tít chân trời là rặng núi có đèo Hải Vân.

Nhìn từ chân trời, cụm núi Hải Vân xa xa mờ ảo trong mây - ở đây thì nắng thật nhưng lên đó có lẽ sẽ khác đấy nghen.

< Trên con đường thênh thang và nhiều đất trống này có những công trình đã hoàn thành, đang xây dựng hay một số chung cư cũ kỹ: có phải từ thời người Mỹ còn đây không nhỉ?

< Biển của vịnh bên đường.

Một thành phố của sông và biển! Thiên nhiên đã ưu đãi cho Đà Nẳng những bãi biển đẹp, những rặng núi hùng vĩ, con sông Hàn êm đềm cùng con đèo Hải Vân cheo leo, hiểm trở, được mệnh danh là "Thiên hạ đệ nhất hùng quan".

Không những vậy, Đà Nẳng còn được những người đứng đầu lèo lái con thuyền phát triển đi đúng hướng khiến thành phố ngày càng giàu đẹp và văn minh hơn.

< Lật máy ra xem mình có đi đúng hướng không: OK rồi!

< Hải Vân không còn xa, chỉ ở phía cuối chân trời...

< Mình phục lăng Đà Nẵng cái này, bạn thấy trong ảnh là bảng cổ động trên xe: "Toàn dân quyết tâm thực hiện Không có người lang thang, xin ăn". Qủa vậy, ở đây 2 ngày, bọn mình không hề thấy bóng dáng người xin ăn - Buôn bán cheo kéo cũng không có.
Thành phố 'Lớn nhất nước' Sài Thành cần phải học tập ĐN điều này.

< Qua cầu Nam Ô, cầu cũ bên đây có bảng 'Cầu yếu', bên kia là cầu mới đang xây dựng, sắp hoàn thành - qua cầu là phường Hòa Hiệp Bắc 1, vẫn thuộc Đà Nẵng.

< Mé phải là cầu hỏa xa, đang có chuyến tàu chạy ngang.

Ngẫu nhiên hay định mệnh đã khiến Đà Nẵng nằm giữa vùng kế cận ba di sản văn hoá thế giới: Cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn, chính vị trí này đã làm nổi rõ vai trò của vị trí trung tâm trong khu vực, đó là nơi đón tiếp, phục vụ, trung chuyển khách. Vì vì, không lạ khi du khách đã đến đây rồi thì khó mà quên được sau khi đã rời nơi đây.

< Xuống cầu là đường Nguyễn Văn Cừ, ngã 3 phía trước nếu rẽ trái là vào hầm đường bộ Hải Vân, rẽ phải thì vi vu lên đèo.

< Bảng bên đường cho biết đã rời địa phận nội ô thành phố. Trời lúc này không nắng, lai u u...

Dãy núi có đèo Hải Vân là một mạch núi của núi Trường Sơn Bắc đâm ngang ra biển với nhiều ngọn núi cao, mà ngọn cuối cùng là Hải Vân cao 1.172m (Đỉnh Bạch Mã cao 1.444m). Thật ra thì núi Hải vận chỉ là một trong những đỉnh núi của dãy Bạch Mã, là một phần của Dãy Trường Sơn chạy dài ra sát biển.

< Lại một ngã 3 khác, rẽ trái cũng vào hầm - Có bảng KDL, nhà hàng tá lả...
Dĩ nhiên bọn mình chọn phải để vào đèo, mấy món kia không 'dụ khị' được!

< Bất chợt thấy mình chạy sau một chiếc xe bồn, phải tìm cách vượt qua thôi. Chạy sau 'ông cố' này hồi hộp, rủi nó đứt thắng thì tiêu (hi hi)...
Do hầm đường bộ không cho những xe chứa chất dễ cháy chạy nên đa phần xe vượt đèo là xe bồn và xe khách du lịch.

< Và đèo Hải Vân đây rồi: Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan".

Dãy Bạch Mã là một dãy núi đẹp, là ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng. Dãy núi này nằm trong vườn quốc gia Bạch Mã. Trong đó, núi Hải Vân là một bức tường thành thiên nhiên quan trọng ngăn các đợt gió mạnh từ phương Bắc tràn về. Do vậy các tỉnh từ thành phố Đà Nẵng trở vào hầu như quanh năm ấm áp và không có mùa đông.

Còn tiếp

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13...