Nằm trên địa phận phường Đại Yên, từ quốc lộ 18 đi vào chừng dăm cây số, trên một ngọn núi cao bên hồ nhân tạo Yên Lập có một ngôi chùa mang tên rất... “Tây du” - Lôi Âm Tự. Sử sách truyền rằng: Núi Lôi Âm ở cách huyện Yên Hưng 25 dặm về phía Đông. Núi có thế thanh tú chót vót, cao hơn các núi khác, trên đỉnh có chỗ vuông vắn rộng rãi phỏng 5-6 trượng, không mọc cỏ cây, tương truyền là bàn cờ tiên, tục lại gọi là “chợ trời”.

Sườn núi có chùa gọi là chùa Lôi Âm, sau chùa có giếng, nước rất trong mát, bên tả có khe Giải Oan. Nước từ đỉnh núi chảy ra, quanh trước chùa rồi chảy về phía Tây Nam ra biển. Núi có nhiều cây thông, lên cao trông ra ngoài biển, các ngọn núi đều chầu vào, xứng được coi là một danh thắng…

Hành trình đến chùa Lôi Âm rất thú vị, nếu đi từ Hòn Gai hoặc Bãi Cháy (Quảng Ninh) thì có thể bắt xe buýt hoặc xe khách, đi qua ga Đại Yên chưa đầy một cây số dễ dàng thấy tấm biển nhỏ chỉ lối lên chùa Lôi Âm. Từ đó đi vào chừng 4-5km là đến bến đò. Ở bến này có 3 đến 4 đò máy thường xuyên đỗ trực. Trong đó có 1 đò của nhà chùa không thu phí người qua hồ.

Một trong những nét riêng của chùa Lôi Âm là du khách, phật tử đến lễ chùa, mỗi người thường xách theo đôi viên gạch đỏ để công đức cho nhà chùa.

Gạch thì nhà chùa đã chuẩn bị sẵn, buộc dây từng đôi một cho những người có sức, có tâm. Có lệ như vậy bởi lẽ Lôi Âm là một ngôi chùa cổ, trải qua bao thăng trầm thời gian nên dần xuống cấp.

Thời gian vừa qua, chùa được đầu tư trùng tu, xây mới lại nhiều hạng mục công trình. Mà công sức để vận chuyển nguyên vật liệu vượt đồi núi cao xa quả là tốn sức người. Nên cách vận động tâm, sức người hành hương lễ Phật, góp ít thành nhiều, tích tiểu thành đại thế lại hoá hay. Đã là thành tâm dâng công sức cho cửa Phật, dù ít dù nhiều cũng xách một đôi gạch để thể hiện lòng thành và ý chí của bản thân.

Đường lên chùa phải leo qua 2 ngọn đồi dốc thoải và chừng 5 ngọn đồi dốc cao hơn. Đường chỗ rộng chỗ hẹp, nơi thẳng nơi quanh co nhưng đều là đường mòn khó đi. Nhằm những ngày mưa thì chắc chắn không tránh khỏi trơn trượt.

Dọc hai bên đường là những thung lũng với bạt ngàn thông xanh, dưới gốc cây là thảm dứa trải dài khắp vạt đồi. Cảnh vật vào một ngày nhiều sương, tất cả chìm trong màu trắng bảng lảng như khói, nói có thể so với chốn bồng lai cũng không ngoa.

Nghỉ giữa đường cho đỡ mỏi chân đi bộ, mỏi tay xách gạch công đức xây chùa, thoảng nghe thấy tiếng chuông chùa âm âm, tiếng mõ ẩn hiện trong sương cùng những âm thanh lúc gần lúc xa của miền rừng núi… bao nhiêu mỏi mệt cõi trần thoắt cái tan đi đâu hết.

Khách bộ hành quệt mồ hôi, tiếp tục quãng đường còn dang dở. Thử thách cuối cùng là ngót trăm bậc thang dốc đứng dẫn lên sân chính. Đến lúc này, dù đã hơi thấm mệt, mồ hôi trên trán dù vào một ngày đầu xuân trời se lạnh cũng đang túa ra, những ai nấy đều leo rất nhanh, quên mệt mỏi. Để rồi lên đến sân chùa, nhìn thấy mái chùa nép mình trong sương bên vách núi với 3 chữ cổ “Lôi Âm Tự”... lại thấy ngót một tiếng leo đồi vượt rừng thoáng chốc như chỉ mới vừa qua.

Cái hay của chùa Lôi Âm chính là cái cảm giác khi người ta dừng chân đứng trước chùa. Không phải vì ngôi chùa toà ngang dãy dọc, cũng không phải mây núi hùng vĩ làm ta choáng ngợp mà chính là cái thần khí uy nghi vẫn còn nguyên trong dáng hình. Ngôi chùa nhỏ ẩn mình trên triền núi lớn, giữa ngàn mây, không lụy bụi trần... Bên phải chùa chính, một con đường nhỏ đan kín bóng cây sẽ dẫn chúng ta đến Ban Mẫu. Đi thêm qua một triền đồi nữa là thấy Hang Cậu nằm ẩn mình hướng ra lòng hồ Yên Lập. Đến trưa, trời tan sương, vài tia nắng le lói xuyên qua đám mây trắng hắt xuống mặt hồ lóng lánh. Cảnh vật hiện lên đẹp như một bức tranh.


Mặc dù đến ngày 27 tháng Giêng mới là chính Lễ Giỗ Tổ chùa Lôi Âm nhưng ngay từ những ngày đầu xuân đã có hàng nghìn lượt người đến lễ chùa với lòng thành tâm hướng thiện.

Du lịch, GO! - Theo Quảng Ninh Online, internet