Tận dụng đợt nghỉ Tết dài ngày, nhiều bạn trẻ chọn cách chơi độc đáo như săn quà lạ; ngược núi, chinh phục đỉnh cao; 'phượt' xuyên quốc gia

Sốt săn rồng

Phong trào nuôi rồng* lan rộng trong cộng đồng trẻ từ đầu năm 2011, nhưng Tết năm rồng 2012 mới thực sự sốt rồng. Các giống rồng Úc, Nam Mỹ và rồng Việt Nam được giới trẻ săn lùng để làm quà tặng cho bạn bè, người yêu hoặc để nuôi lấy hên. Tuy nhiên, các thành viên CLB Pet cho biết để săn được một em rồng đẹp rất khó. Đa số giống rồng đẹp đều phải nhập ngoại, còn rồng Việt Nam tuy rẻ nhưng ít tay chơi thích vì không có màu sắc bắt mắt.

Nguyễn Minh Nghĩa, Chủ nhiệm CLB Hà Nội Pet, cho biết từ đầu tháng 12-2011 đã có nhiều bạn trẻ tìm đến hỏi chỗ mua, bán rồng cũng như cách chăm nuôi loài động vật này.

Tuy nhiên, giống rồng đẹp cần phải nhập ngoại từ Trung Quốc, Singapore, Thái Lan… với giá cả khá đắt đỏ từ 2 đến 20 triệu đồng/con khiến nhiều bạn trẻ do dự.

Nguyễn Thành Nam, sinh viên ĐH Kiến trúc, chia sẻ ban đầu không biết đến rồng nhưng vì bạn gái gợi ý tặng một chú để lấy may nên Nam đang săn lùng, tìm hiểu. Quan sát rồng chơi và ăn, Nam cũng đâm mê. "Gặp được mối có khi mình mua một đôi cho cả mình và người yêu. Tuy nhiên, vì xem tuổi và mệnh người yêu, mình muốn một chú rồng có da màu cam mới hợp chủ nên khó tìm và đắt đỏ", Nam nói.

Thành viên CLB Pet Nguyễn Ngọc Trung (La Thành, Hà Nội) cho biết có người nhà đi lại thường xuyên từ Singapore nên nhờ xách tay rồng Úc về nuôi từ hơn một năm qua. Nhà Trung đã có 3 ô chuồng bằng gỗ kính nuôi gần chục chú rồng to, nhỏ.

Biết nhiều khách đang có nhu cầu, Trung rao bán giống rồng Úc đã qua giai đoạn chăm sóc ban đầu với giá từ 2 - 5 triệu đồng/con. "Mình nuôi rồng vì đam mê, nhưng có nhiều người thích nên mình san sẻ, không đặt nặng mục đích kinh doanh", Trung nói.

Phượt tết vùng cao

Trên các diễn đàn mạng ttvnol.com; phuot.vn; noi.vn…, cư dân mạng sôi lên tìm bạn đồng hành và lên kế hoạch du xuân, đón Tết. Thời điểm khởi hành của các chuyến đi thường bắt đầu từ mồng 2 Tết. Tuy nhiên, cũng có không ít bạn trẻ quyết định khởi hành chuyến trước tết 1, 2 ngày để thử cảm giác lạ khi đón giao thừa trên các cung đường hoặc địa danh đặc biệt.

Đầu tháng 12-2011, bạn trẻ có nickname Lantrai đã lên diễn đàn ttvnol.com tuyển xế lướt đèo đón Tết vùng cao.

"Tết năm trước, cũng vào mùng 3, mình cùng nhóm bạn lang thang đất Hà Giang. Cảnh sắc thiên nhiên - con người ngày Tết nơi vùng cao thật quyến rũ, đem đến cho mình nhiều cảm nhận sâu sắc. Tiếp nối những chuyến đi bị cho là gàn dở, mùng 3 Tết năm nay mình lại muốn lên vùng núi và muốn đi hết số đèo còn lại trong Tứ đại đỉnh đèo. Mình tuyển quân bây giờ có vẻ sớm, nhưng lần nào tuyển xế cũng rất vất vả”, Lantrai chia sẻ.

Trên diễn đàn phuot.vn, Nguyễn Thị Thanh Hoa, SN 1982, ở Hà Nội đăng đàn kêu gọi: "Ước mong được một lần đặt chân lên A-pa-chải nên Tết này quyết tâm phải đi bằng được". Tiếp đó, Hoa lên kế hoạch chi tiết nhằm kêu gọi thêm chiến binh cùng chinh phục cực Tây Tổ quốc. Theo đó, lộ trình đi của Hoa kéo dài 6 ngày, từ mồng 3 Tết đến ngày mồng 9. Nhiều dân phượt tranh thủ kỳ nghỉ dài để chinh phục những cung đường ấp ủ từ lâu như Trạm Tấu - Bắc Yên, khám phá Mường La...

Phượt xuyên quốc gia

Nhiều bạn trẻ chịu chơi, chọn phương án cưỡi xe máy phượt xuyên biên giới để thử thách bản lĩnh và khám phá điều mới lạ. Một trong những lựa chọn số một của dân du phượt Tết này là Lào và Campuchia. Với điều kiện xuất nhập cảnh và giao thông thuận lợi, thậm chí có thể đưa xe máy từ Việt Nam qua Lào, Campuchia rong ruổi, đã tạo cơ hội cho dân phượt lên kế hoạch khám phá và chinh phục.

Quyết định phượt Campuchia 10 ngày, từ ngày mồng 2 Tết, bạn trẻ có nickname Kenryvo tuyển thêm 9 thành viên để cùng lên đường. Theo Kenryvo, các thành viên trong đoàn chỉ lên dây cót tinh thần và tút tát lại xe máy, còn lại không chuẩn bị bất cứ đồ ăn, nước uống nào. "Đây cũng là một kiểu thử thách bản lĩnh. Các thành viên phải biết cách xoay trở để không bị rơi vào cảnh đói, khát trên đường đi", Kenryvo lý giải.

Từng có kinh nghiệm phượt Campuchia từ Tết năm ngoái, năm nay tận dụng khoảng thời gian nghỉ tết dài ngày, Nguyễn Trung Hiếu, SN 1982 (Q1, TPHCM) quyết định phượt qua cả Lào - Campuchia - Thái Lan. Trên diễn đàn ttvnol.com, topic kêu gọi chiến hữu tham gia chuyến hành trình của Hiếu thu hút hàng trăm bạn trẻ hưởng ứng, trong đó có không ít bạn nữ.

Tuy nhiên, do chuyến đi khá khắc nghiệt, phải vượt quãng đường hơn 4.000 km trong 2 tuần (từ 28-12 đến ngày 12-1 âm lịch) nên Hiếu đưa ra tiêu chí tuyển chọn rất khắt khe, không tuyển nữ, chỉ tuyển nam. "Ngoài sức khỏe, lòng đam mê, nói được tiếng Anh, các thành viên phải có xe máy ngon để chiến đấu với quãng đường dài phía trước và tự sửa được xe", Hiếu cho biết.

Đến Campuchia, Lào, các thành viên sẽ tập nói vài câu cơ bản tiếng địa phương ở đó để giao tiếp với người dân, còn khi sang Thái Lan sẽ nói tiếng Anh. Đoàn sẽ đón giao thừa tại Campuchia. "Chúng tôi chủ yếu phóng xe về các miền quê để khám phá con người cũng như đời sống văn hóa. Chắc chắn đây sẽ là một chuyến đi thú vị, đáng nhớ trong dịp Tết", Hiếu chia sẻ.

Phượt đủ mọi miền...

Gần tết, trên nhiều diễn đàn mạng như bikervietnam.com; phuot.vn, thành viên các câu lạc bộ phượt trên khắp cả nước lại háo hức rủ nhau đi phượt dịp tết.

Cảm giác xa quê thường len lỏi trong tâm trí của mỗi người như tôi mỗi độ xuân về, tết đến. Trừ quê mình có gia đình, anh chị em, chòm xóm; còn lại đón tết nơi đâu cũng như nhau. Cho nên thử một cảm giác lạ, ăn tết với người dân tộc ở một vùng đất mới, mình chưa đặt chân đến, sao không! “Đón tết Sài Gòn chán quá Giang ơi, đi “phượt” không? Lên Tây Nguyên xem đồng bào dân tộc đón tết nhé! Mùa này hoa cà phê nở đẹp lắm!...”. Dù bất ngờ bởi lời đề nghị của anh bạn nhưng tôi nhận lời ngay không chút đắn đo.

Anh Nguyễn Thanh Long, làm việc tại Công ty Mắt Bão (quận 10, TP.HCM), cho biết: “Năm nay, dân phượt ở Sài Gòn lên nhiều kế hoạch vào dịp tết lắm. Có đoàn đi Tây Nguyên, đoàn đi miền Tây, đoàn miền Trung và một số đoàn ra tới Tây Bắc nữa. Tùy theo lịch nghỉ tết dài hay ngắn mà mỗi người có một lựa chọn khác nhau”.

Anh Long kể: “Với những người mê phượt như chúng tôi thì hứng lên là đi. Nhiều khi nửa đêm chúng tôi bật dậy lấy xe đi Đà Lạt, Nha Trang hay Đà Nẵng chơi. Càng đi tôi càng thấy đất nước mình tươi đẹp, khoảng cách của các vùng miền xích lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, phượt vào dịp tết sẽ khám phá được nhiều điều thú vị hơn từ phong tục tập quán, cảnh vật, con người ở những vùng đất khác nhau”. Đã hai năm liền anh Long không đón tết ở nhà. Hiện anh đang lên kế hoạch cho một chuyến phượt du xuân. Anh tâm sự: “Từ bé đến lớn tôi sống ở TP.HCM, đón tết ở nhà riết cũng chán. Vậy nên năm kia tôi đón tết ở Đà Nẵng, năm rồi ra Tây Bắc…”.

Chị Lê Thị Thu Hằng, nhân viên Việt Nam Arilines, kể: “Quê mình ở Thanh Hóa, năm qua được nghỉ tết ít nên quyết định ở lại Sài Gòn. Lân la trên mạng, thấy có một nhóm tổ chức phượt Đà Lạt từ ngày 28 đến mùng 2 tết, thế là mình cùng một người bạn đăng ký tham gia. Đoàn hơn 10 người, không quen biết nhau nhiều nhưng suốt chuyến đi mọi người đều giúp đỡ nhau nhiệt tình. Tết ở Đà Lạt thật đẹp, trời se se lạnh giống tết quê mình nên cũng khiến mình vơi phần nào nỗi nhớ quê. Tết không được về quê nhưng chuyến đi phượt đó để lại nhiều ấn tượng trong mình đến giờ…”.

Niềm vui phượt tết

Từ năm 1989 tới nay, năm nào vợ chồng anh Võ Ngọc Thạch và chị Nguyễn Thị Bảo Thanh (quận Tân Bình, TP.HCM) cũng đi phượt hơn chục lần.

Chị Bảo Thanh kể: “Năm rồi, kế hoạch phượt tết xuyên Việt của vợ chồng tôi được chuẩn bị trước cả tháng. Mùng 2, chúng tôi lên xe máy bắt đầu hành trình. Xuất phát từ TP.HCM, chúng tôi băng qua Huế - Hà Nội - Hà Giang - Lũng Cú - Mèo Vạc - Cao Bằng - Bản Dốc - Hà Nội - Hòa Bình - đường Hồ Chí Minh - Phong Nha - Nghĩa trang Trường Sơn - Gia Lai - Buôn Ma Thuột - TP.HCM. Nhóm “Xế chiều” chúng tôi chỉ mất 10 ngày cho tổng hành trình dài khoảng 5.200 km đó”.

Anh Thạch bật mí: “Nhiều người bảo việc mỗi ngày vượt bình quân hơn 500 km bằng xe máy trong thời tiết giá buốt chỉ tổ phí sức khỏe. Quan điểm của tôi là chơi bằng mắt, đi cho thỏa chí và tìm cảm giác mới lạ từ những cung đường mình chưa từng đặt chân tới. Đi phượt ngày tết mang đến nhiều cảm xúc hơn vì mỗi vùng miền đón xuân theo cách khác nhau. Cảm xúc khi nhìn những gương mặt lạ, quần áo mới xinh tươi, không khí tết của bà con dân tộc thật thú vị…”.

Anh Thạch kể một câu chuyện vui: “Một lần, tôi ra đến Quảng Trị đúng mùng 4 tết, tính tìm chợ Đông Hà vào chơi mà kiếm hoài chưa thấy. Bất thình lình hai anh công an xuất hiện chặn ngang đường và thông báo xe vượt đèn đỏ. Tôi ngớ người rồi nhận ra mình mải tìm đường mà vượt đèn đỏ lúc nào không hay. Hai anh công an yêu cầu tôi đưa xe về đồn giải quyết. Tại đây, nghe chất giọng miền Nam của tôi, anh công an trực hỏi chuyện. Vợ chồng tôi trình bày xong, anh chẳng những không phạt mà còn mời chúng tôi uống trà cho ấm bụng…”.

Chinh phục những cung đường

Nếu nói về phượt chuyên nghiệp, ở Sài Gòn có ba người đáng để nể là vợ chồng anh Đạt - chị Bích và ông già Đức ở quận 12. Họ đều đã hơn 60 tuổi nhưng vẫn say mê phượt. Tết năm nay, anh Đức đang lên kế hoạch phượt xuyên Việt vào dịp giao thừa. “Chắc khoảng thời gian ngồi trên xe đi phượt của họ cũng chiếm gần nửa đời người” - anh Thạch nói.

“Đi phượt ngày xuân cho ta nhiều cảm giác thích thú, đặc biệt là khi phượt xuân ở vùng đất Tây Bắc núi non hùng vĩ, sương bảng lảng trên những hàng cây. Tết của đồng bào dân tộc cũng có nhiều điểm khác biệt lắm. Nó luôn tạo cho tôi cảm giác dễ gần, mộc mạc, đơn sơ”, chị Thanh chia sẻ và kể thêm: “Một trong những nhân vật thường chờ đúng thời khắc giao thừa để phượt là anh Lê Minh Hùng. Năm ngoái, đúng 12 giờ ngày 30 tết, anh Hùng một mình một xe máy từ TP.HCM ra Hà Nội”.

Anh Hùng kể về chuyến phượt tết đáng nhớ của mình: “Năm trước, xem xong màn bắn pháo bông đêm giao thừa, tôi liền lên xe phóng một mạch ra Hà Nội. Còn nhớ tôi đã chạy suốt 28 tiếng đồng hồ, chỉ dừng lại mấy lần đi vệ sinh. Tôi đã thủ sẵn sữa trong ba lô và nối ống hút lên đến… quai mũ bảo hiểm, lúc nào đói thì uống thôi. Đón tết ở Hà Nội đến mùng 3 xong tôi lại một mình phóng xe về TP.HCM cho kịp giờ làm”...

Đồ nghề đi phượt

Anh bạn dặn tôi: “Do Giang mới đi lần đầu nên phải lưu ý: Trước lúc đi cần chăm sóc xe, vỏ, đèn, gương chiếu hậu cho kỹ; nhớ mang theo bộ đồ nghề sửa xe, ruột xe, bu-gi và chìa khóa xe dự phòng để thay thế. Lên đó mùa này lạnh nên tư trang phải nhẹ nhưng không được thiếu áo mưa, ủng đi mưa, găng tay, khẩu trang, kính đi đêm, đi ngày, mũ bảo hiểm loại lớn có kính chắn gió. Phải chuẩn bị giấy tờ xe và giấy tờ tùy thân đầy đủ, điện thoại phải chọn loại sóng tốt, pin dùng lâu và cần mang theo tai nghe. Tốt nhất cần trang bị lương khô, đồ hộp, nước uống… Nếu kiếm thêm được bộ quần áo giáp bảo hộ mô tô nữa thì càng tốt…”.

* Rồng thuộc loài bò sát 4 chân có xuất xứ từ nhiều nơi trên thế giới, nhiều nhất là các nước ở Mỹ, Úc, Thái Lan, Singapore... và thường được gọi theo tên địa danh xuất xứ như rồng Úc, rồng Nam Mỹ. Rồng là loài động vật biến nhiệt, thích sống ở môi trường khô ráo, nhiệt độ đủ ấm áp để tiêu thụ thức ăn hàng ngày. Rồng có họ hàng với loài kỳ đà, kỳ nhông với tên khoa học là Andrias Davidianus. Thức ăn chủ yếu của loài này là rau, củ, quả, cơm nguội nên rất dễ nuôi. Khi về Việt Nam được giới trẻ ưa chuộng, săn lùng về nuôi trong chuồng kính và coi là Pet (thú) cưng.

Du lịch, GO! - Theo Tienphong, Phapluat, internet