Du lịch, GO! Đã có lần mình viết về "Kinh nghiệm du lịch bụi (phượt) tiết kiệm" hồi tháng 11/2010 và bài viết này được sự ủng hộ và tán đồng của nhiều bạn muốn tìm hiểu về chuyện chi phí trong một chuyến đi thể hiện qua số lượt xem và được rất nhiều web khác trích lại.

< "Phượt" dường như bao giờ cũng kèm theo tiêu chí "ăn mềm ở... rẻ".

Bài này sẽ bàn linh tinh tạm gọi là chút kinh nghiệm tìm chốn ăn và ở trong các chuyến du lịch bụi theo cung cách tiết giảm chi phí, mong rằng bài viết sẽ có ích cho bạn - những người đam mê khám phá vẻ đẹp của đất nước mình trên mọi cung đường từ Bắc chí Nam.

Như bạn biết đấy: trong một chuyến du phượt thì chi phí ăn và ở là tốn kém nhất, vượt cả tiền xăng nhớt hay xe cộ (nếu bạn đi một phần bằng xe đò, openbus)...

Nói theo cung cách dân "phượt" thì phải bỏ ra từ 300k trở lên cho một đêm nghỉ hoặc một khoản hơn thế nữa cho một bữa tạm gọi là hoành tráng tại nhà hàng hay quán đăc sản thì...  tan nát cái túi không mấy gì nặng của những bạn có hàng chục chuyến (hoặc hơn nữa) trong 1 năm. Vậy thì muốn bớt tốn kém chỉ có nước tiết giảm lại phần này - giảm bớt nhưng vẫn có những bữa ăn đủ chất (mới có sức mà đi chứ) và chổ ngủ ấm êm, an toàn.

Vấn đề trước tiên.

Bạn dự định đến một nơi nào đó? Ngoài chuyện chăm chút con ngựa sắt sẽ cùng bạn vượt đường xa, chuyện tham khảo đường đi nước bước trước để tránh lạc đường thì cũng cần săm soi thật kỹ bản đồ nơi bạn sẽ đến để biết trước địa điểm của chợ, bến xe và nơi có thể có các nhà nghỉ giá rẻ.

Tham khảo bản đồ, bạn có thể vào trang web Wikimapia hay Googlemap. Mình thích xài Wikimapia hơn do phần "Bản đồ lai của Google" rất tường tận đường đi, còn "Kiểu ảnh vệ tinh" thì có nhiều chú thích khu vực rất rõ ràng - xem kỹ thì nó sẽ cho bạn khối thông tin có ích trong chuyến lãng du của bạn, thậm chí có nhiều vị trí đánh dấu của nhà nghỉ, quán ăn bình dân.

Chuyện ở giá... mềm

Trừ khi bạn đi nghỉ dưỡng, đi du lịch kiểu thụ hưởng và thích nơi ở đầy đủ tiện nghi như ở nhà, chi phí không quá quan trọng... thì dĩ nhiên nơi bạn tìm đến sẽ là resort, khách sạn... có lổn ngổn vài ba sao và đương nhiên là không... ba sạo.

Còn dân phượt bụi nhà ta thì sao? Một năm nhiều chuyến, thu nhập không mấy cao mà cứ tìm "sao" thì chắc mạt vận mất! Vậy thì ta cứ tìm "không sao" hay "ngàn sao" để qua đêm - lắm khi lại thấy hoang dã và gây nhiều thích thú hơn cái sự "tiện nghi" đầy mình".

Bạn thấy đó: trong một chuyến phượt đúng nghĩa thì chuyện "đi" là nhiều chứ "ở" chả bao nhiêu - trong thật tế thì nhà nghỉ, nơi trọ chỉ cốt ý để bạn có chổ cất hành lý, chốn tắm rửa và ngủ nghỉ qua đêm. Đa phần thời gian trong ngày bạn đã vi vu nơi này nơi khác mất tăm, vậy hà cớ gì phải ở những nơi đẹp đẽ, sang trọng tốn kém... làm gì? Một phòng trọ tương đối sạch sẽ, cửa nẻo nghiêm chỉnh, chủ trọ đàng hoàng, có WC riêng thì tốt... vậy là đủ rồi.

Thông thường thì mình thấy những nhà trọ thế này... hơn cả vậy: tức là nhiều nơi có truyền hình cáp (bật cho nó ê a đỡ buồn), nước nóng (các vùng lạnh, họ xài bằng năng lượng mắt trời), quạt máy (thổi muỗi nếu lười giăng mùng), bàn chải - kem đánh răng - khăn giấy - dép lê trong phòng... thậm chí có nơi có tủ lạnh, wifi... nhưng giá cũng chỉ tầm 100k/ngày (hoặc hơn tý), nếu minh xài máy lạnh thì họ sẽ để remote máy lạnh lại và tính thêm 50k/ngày nữa.

Nhưng nếu bạn không được chỉ dẫn trước, không biết trước và đặt trước thì làm sao để tìm thấy những chổ giá mềm mềm này chứ? Tất cả thường ăn thua do sự chịu khó và khéo léo của bạn trong cách bắt chuyện với người địa phương. Bạn đừng hỏi xe ôm về vấn đề trên nhé, không phải xe ôm là người xấu nhưng do "nghành nghề" khiến họ thường có tư tưởng "kinh doanh" trong đầu, điều này không có lợi cho bạn vì nếu thuê phòng được thì có thể bạn phải qua cò rồi.

Với mình thì bao giờ nơi đến sẽ là nơi gần chợ: việc đầu tiên làm là mình tấp vào quán cóc nào đó để ăn sáng hoặc uống cà phê cho tỉnh táo trong bữa đầu ngày (tìm hàng quán nào người bán có nét mặt phúc hậu, dễ tiếp cận một chút nha!).

Trong lúc ăn uống thì mình sẽ bắt chuyện từ thời tiết, phố xá... cho đến lúc người ta cởi mở hơn sẽ hỏi đến những nơi có thể có nhà trọ cho mình với giá mềm. Nhiều khi gặp chủ quán hay khách là người dễ chịu, bạn sẽ bội thu hàng đống thông tin về chốn ở, văn hóa tập tục, sản vật địa phương...

Thậm chí có khi bạn được mời đến nhà chơi hay làm một chuyến đi câu trên thuyền thúng vào sáng mai đấy - người dân ở các địa phương xa thường hiếu khách và chân tình hơn dân thành thị nhiều.

Biết được nơi có thể "ở" được rồi thì bây giờ nhiệm vụ "tìm" là của bạn. Nhà nghỉ, khách sạn tại địa danh có du lịch thường túm tụm ở một khu vực, chỉ nơi hoang vắng lắm thì mới nằm riêng lẻ. Nếu bạn đi bộ thì chịu khó vận động đôi chân một tý, đó cũng là một màn thể dục sau cả buổi ngồi im trên xe đò - bách bộ vài km thì xá gì, lại có dịp tham khảo phố xá và ngắm nhìn sinh hoạt địa phương.

Còn nếu bạn đi kèm xe gắn máy thì quá phẻ: đây cũng là lúc bạn làm quen với những con đường chính tại nơi đến, giúp bạn thông thuộc những lối vào núi, ra biển hay chợ...

Nếu dự định sẽ ở đó vài ba ngày thì thì bạn đừng vừa ý ngay nhà nghỉ - nhà trọ đầu tiên mình bắt gặp. Hãy tham khảo vài nơi, so sánh phòng ốc và giá cả, xem có wifi hay internet không (nhiều nơi có thể cho bạn xài ké máy tính của họ miễn phí)... rồi chấm chổ nào tuyệt nhất thì quay lại đó. Cũng đừng ngại kèo nài theo cung cách "sinh viên" hay "con cá sống vì nước": thường thị họ linh động bớt giá trong những ngày thường - một phòng máy lạnh với đầy đủ tiện nghi thường có giá cuối tuần từ 300k/ngày nhưng bạn có thể thuê chỉ nửa giá trong ngày thường: thà thu thấp còn hơn bỏ phòng không là vậy - "nửa giá" người ta cũng không thiệt thòi gì mà, vẫn lời dù ít.

Chính vì chuyện "nửa giá" cho nên khi ở: bạn tránh việc phí phạm điện năng (không bật điều hòa nếu trời lạnh, tắt trước khi ra khỏi phòng), không khui bàn chải - kem của nhà nghỉ nếu bạn có mang theo đủ xài, giữ phòng ngăn nắp, sạch sẽ - điều này giúp chủ trọ thêm thiện cảm với bạn: qua đôi ba câu chuyện chan hòa: có thể người ta sẽ cho bạn biết thêm nhiều chốn lạ hoặc độc đáo tại nơi đó đấy.

Lưu ý chung: Muốn có giá phòng rẻ thì tránh tìm nhà nghỉ gần thắng cảnh, tránh kề cận bãi biển, khu vui chơi. Trong KDL thường có phòng tốt nhưng giá không mềm: thuê bên ngoài, xa một tý sẽ có giá rẻ hơn, nhớ đừng bỏ qua các ngóc ngách: trong đó có thể gặp nhà nghỉ giá bèo - lại mới xây.

Chuyện ăn khi du phượt.

Ở đâu cũng phải ăn thôi: Khi ở nhà, bạn cũng phải có tối thiểu 3 bữa trong một ngày. Trên đường du phượt cũng phải vậy nếu không muốn nói là nhiều hơn do chuyến đi phải vận động chân tay nhiều, vất vả hơn nên lượng calories cũng cần bổ xung thêm. Hơn nữa: nơi lạ còn có những món đặc sản mà có thể bạn mới thấy và nghe lần đầu, vậy nên phải thưởng thức cho biết trong các bữa ăn chơi.
Cung cách "nồi niêu xoong chảo" tự nấu nướng là phương hướng để tiết giảm chi phí cho nhóm đông. Còn nếu nhóm ít hay chỉ 2 người thì ăn ở đâu cho ngon và không bị chặt chém?

Chợ là điểm nhắm đến trước tiên: hãy tạo vẻ bề ngoài như người địa phương chứ đừng lộ khư khư "ta đây là khách du lịch", vui vẻ, hòa đồng với mọi người xung quanh và tự tin bước vào chợ, khu hàng ăn uống. Chắc chắn ăn tại các chợ địa phương thì không bao giờ có thể bị đập đổ được trừ khi bề ngoài trông bạn như một tỷ phú, với nét mặt thật "coi trời bằng vung"..

Các tiệm cơm, quán ăn kề cận chợ cũng thường là địa điểm qua bữa của người địa phương, chốn này sạch sẽ cao ráo hơn trong lồng chợ và giá cũng không mắc hơn - Nếu cẩn thận thì bạn cứ hỏi trước hoặc định giá trước, ví dụ "bán cho dĩa cơm sườn 20k" - có canh thêm thì phẻ còn không thì "thêm tô canh 5k"...v.v.

Các nơi thường có những khu ăn đêm với bàn ghế bày ngay trên vỉa hè: nào là chè, bún, bánh phăng, sinh tố... thậm chí trong đó có những món "độc" của địa phương với giá rất mềm. Bạn chạy ngang cứ thấy túm tụm khá đông - nhất là thành phần SVHS, lại gần trường học thì chắc chắc giá rẻ mà lại rất ngon đấy.

Riêng các quán cơm trên các trục đường chính, đường QL: bạn cứ nhìn xem nơi nào có xe tải - xe gắn máy tàng tàng đậu nhiều là nơi đó giá mềm, ăn ngon.
Bãi lên cá là nơi ngư dân đem hải sản lên bờ sau một buổi kéo lưới, thả câu. Nơi này bạn có thể mua được cá hay mực rất tươi với giá chuẩn, dĩ nhiên cũng phải kèo nài một chút.

Trong các chợ thôn hoặc khu dân cư thường có một số hàng quán bình dân phục vụ người địa phương với giá "không thể rẻ hơn" nhưng thật ngon, lại rất dân dã. Có lần bọn mình đói mềm môi, đang lang thang bằng xe gắn máy trong các ngóc ngách để tìm đến bãi biển Phú Thường thì chợt thấy một hàng nhỏ trong xóm đang dọn món bún thịt heo ra: vậy là làm ngay cú "mở hàng" với tô bún đầy ắp thịt với giá chỉ 15k.

Lần nọ, bọn mình thấy mấy cô gái ngồi quây quần bên gánh hàng trước đình làng của vịnh Vĩnh Hy, vậy là nhào vô gắp lấy gắp để những chiếc bánh căn  nóng hổi mà người ta vừa đổ và gắp ra khay. Chẳng có nhưn nhị thịt thà gì nhưng sao mà ngon đến không diễn tả hết được!

Đến hồi tính tiền thì chả biết... bao nhiêu vì ở đây người ta thật dân dã: gắp bao cái thì cứ nhớ trong đầu, hồi ăn xong thì cứ nhân 500 đồng/1 cái và trả tiền thôi - những chuyện vui vui này thì bọn mình gặp trên cung đường phượt nhiều lắm, ngồi không nghĩ lại cứ thấy trong lòng lại vấn vương những vùng quê chân chất.
Định nghĩa từ phượt

Các chuyến phượt của mình thường tránh mua cao điểm hay lễ tết do trong những ngày này đông khách du lịch nên giá cả mọi dịch vụ kèm theo thường mắc mỏ, phục phụ kém chu tất do hai tù... "tết mà". Để  tránh phần nào sự phiền toái này thì những địa danh là lạ ít quen thuộc với khách du lịch (ví dụ như thay vì Nha Trang thì chọn Tuy Hòa, thay vì Đà Lạt thì chọn Bảo Lộc...) sẽ giúp bạn tránh được phần nào khung cảnh bát nháo đông người với các loại giá cao ngút trời.

Nếu đã lỡ đi hay phải đi vào dịp lễ lạc thì càng phải chịu khó "săn" chổ hơn nếu không dặn phòng trước. Bí quá thì có thể thuê lều (cái này cũng thú vị lắm đó), còn hết cách thì tìm đến chùa, nhà thờ hay nhà dân vậy - tất cả ăn thua ở cách "ăn nói" của bạn thôi...

Chúc bạn sẽ có được những chuyến phượt tuyệt vời khi khám phá mọi miền đất lạ trên đất nước Việt tươi đẹp này.

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!