Đến hẹn lại lên, cứ mỗi độ xuân về, Tết đến, mỗi gia đình Việt Nam lại tất bật sắm sửa chuẩn bị đón Tết. Dù ở miền quê hay thành thị thì chợ Tết luôn được đông đảo người dân Việt Nam tham gia.

< Chợ hoa trên bến sông Sàigòn.

Trong khi chợ Tết ở các phố phường đô thị luôn tràn ngập hàng hóa và thực phẩm, đầy sắc hồng của hoa đào, sắc vàng của hoa mai,… thì chợ Tết ở quê lại mang một nét bình dị và hết sức gần gũi. Không sặc sỡ sắc đào sắc mai hay những chậu quất như ở phố thị, chợ Tết thôn quê gần gũi với những bắp lá dong, quả cau, trái cây vườn nhà…

Là nơi hội tụ những người con khắp mọi miền đất nước làm ăn sinh sống nên những ngày cuối năm, chợ tết ở TPHCM luôn có bán hầu hết đặc sản vùng miền.

Từ Bắc vô Nam tại TPHCM

Là một trong những địa chỉ quen thuộc của những người con đất Bắc sống ở TPHCM, không ai không biết đến cửa hàng rau củ quả, thực phẩm Hà Nội Kim Thanh (ở góc ngã tư Pasteur - Nguyễn Đình Chiểu, quận 1). Bởi lẽ, từ lạc rang húng lìu, rau tiến vua, ruốc thăn, nem phụng, chả rươi, giò lụa, giò bò, nem chua Ước Lễ… ở đây đều có. Ngoài ra, còn có thể tìm mua đặc sản miền Bắc ở nhiều nơi tại TPHCM như chợ Bắc trên đường Chu Mạnh Trinh, siêu thị Hà Nội Cống Quỳnh (quận 1), các cửa hàng chuyên bán thực phẩm Hà Nội trên đường Trần Quốc Toản, Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), Điện Biên Phủ, Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh), Phạm Văn Hai, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình).

< Chợ hoa Tết Bến Bình Đông.

Tại những nơi này, khách hàng có thể mua các loại rượu Bắc, các loại mắm rươi, mắm tép, mắm cáy, mắm tôm đặc Đồ Sơn cho đến măng lưỡi lợn, măng vầu, nứa, miến dong Bắc Kạn và các loại giò chả, hành hoa, su hào, bắp cải, rau thơm, cà pháo, quả dọc… và các loại hoa quả đặc trưng theo từng mùa như nhãn lồng (Hưng Yên), vải (Bắc Giang), đào, mận, sấu, nhót… Cả bánh cốm Hàng Than, ô mai Hàng Đường, bánh đậu xanh Rồng Vàng, chè Tân Cương, mứt sen Hưng Yên, thậm chí cả kem Tràng Tiền cũng không thiếu.

Chị Mỹ Ngọc, chủ tiệm bán bún thang, miến gà Hà Nội, tại hẻm 491/51 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 cho biết, nhu cầu sử dụng món Bắc tại TPHCM đang ngày một tăng cao, khách hàng giờ đây còn có cả người Nam, người Hoa…

Những người miền Trung sinh sống tại đất Sài Gòn, có lẽ không ai không biết chợ Bà Hoa trên đường Trần Mai Ninh, phường 11, quận Tân Bình - ngôi chợ với những món dân dã này từ lâu đã trở thành nơi lưu giữ hồn quê không lẫn vào đâu được của cộng đồng người miền Trung.

Người miền Trung vốn ưa “mặn mòi, cay điếng” nên mặt hàng bày bán nhiều nhất tại chợ Bà Hoa chính là mắm, với các món mắm đặc sản như: mắm cái, mắm nêm, mắm ruốc, mắm cá chuồn, mắm cá mòi, mắm cá nục, dưa mắm, mắm cà… Các loại gia vị chỉ nghe tên đã cảm nhận được vị cay nồng như: ớt xanh, ớt bột không pha, ớt khô nguyên trái, hành tỏi Lý Sơn, tiêu Quảng Nam, gừng Sẻ, hành củ Hà Lam, nén củ, nén lá…

Đến chợ Bà Hoa nên thưởng thức món mì Quảng với nước dùng đặc trưng cùng củ nén và dầu phộng. Nơi đây cũng cung cấp sợi mì Quảng cho hầu hết các hàng quán mì Quảng có tiếng trong TPHCM với đủ các màu: màu vàng do lấy nghệ pha với bột gạo, có màu sậm đen vì pha với gạo lức và sợi mì trắng từ màu gạo nguyên khôi.

Ngoài bánh tét, còn nhiều món đặc sản tết vùng miền rất đặc trưng, phong phú khó có thể kể hết như bánh bía - lạp xưởng Sóc Trăng, lạp xưởng tươi Gò Công, khô sặc bổi, khô cá lóc - tôm khô biển Cà Mau, bánh phồng tôm An Giang, cho đến dừa sáp Trà Vinh, bánh tráng Phú Hòa Đông (Củ Chi)… được bày bán khắp các chợ và siêu thị lớn ở TPHCM.

Sự phong phú của trái cây miền Tây trong dịp tết cũng không thể bỏ qua chợ nổi Kênh Tẻ, chợ đầu mối trái cây vận chuyển bằng đường sông lớn nhất TPHCM, với đủ các loại trái cây như đu đủ, chuối, dừa, mận, nhãn, xoài, măng cụt, bưởi, ổi… Tiểu thương của chợ phần lớn là dân miệt vườn thứ thiệt đến từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Bạc Liêu,… nhiều người đã gắn bó với dòng Kênh Tẻ hàng chục năm cùng quây quần mua bán, tạo nên một khu vực văn hóa đậm chất miền Tây.

Chợ tết vùng cao

Ở vùng cao Bát Xát (Lào Cai), đồng bào dân tộc thiểu số thường họp chợ phiên ngày chủ nhật cuối tuần. Hôm nay là phiên chợ cuối cùng trong năm nên đông đúc khác thường, hàng hóa cũng thật phong phú, đủ món.
Chợ tết nhộn nhịp những lá dong xanh; cam, quýt vàng rực và những cành đào rừng chúm chím nụ hồng khoe sắc.

Phụ nữ và trẻ em xuống chợ với những bộ váy áo mới, nhiều màu sắc. Người Dao tuyển nổi bật với vành khăn đội đầu đỏ tươi như hoa chuối rừng vừa hái, người Mông hoa rực rỡ trong chiếc váy ngũ sắc, người Giáy khiêm nhường trong chiếc áo thắt nút màu xanh cổ vịt, người Hà Nhì e ấp trong bộ trang phục truyền thống rực rỡ hoa văn tinh tế màu xanh dương xen trắng...

Người già xuống chợ mua thuốc lào hút với bạn già ngày tết cho ấm thêm tình bằng hữu; phụ nữ mua váy áo mới thêm ít đồ dùng bằng nhôm, bằng nhựa cho bếp nhà ngày tết; thanh niên chỉ thích tìm đến hàng bán giày, dép, đèn pin, có chàng trai mua chiếc đầu đĩa xem phim, nghe nhạc vui xuân...

Năm nay được mùa ngô lúa, thảo quả và chuối, dứa xuất khẩu nên đồng bào mua sắm tết nhiều hơn. Ai cũng muốn đón tết vui xuân thật vui, đầm ấm.

Nhộn nhịp chợ Tết công nhân

Với nhiều công nhân, phiên chợ Xuân không chỉ đem đến niềm vui mà còn giúp họ mua sắm quà Tết cho người thân

Xem kỹ chiếc áo ấm từ mặt trong ra mặt ngoài, đưa tay sờ từng đường chỉ xem có sắc nét hay không, chị Lê Thị Nụ, Công ty Nidec Sankyo, cho biết: “Tết ở ngoài Trung lạnh lắm. Tôi mua 2 chiếc áo ấm làm quà cho mẹ và em gái. Tội nghiệp mẹ mấy năm nay đều mặc áo cũ, chẳng dám sắm sửa gì hết”. Chị Nụ và nhiều công nhân (CN) khác đang nô nức sắm Tết tại Phiên chợ Xuân do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Hiệp hội Các doanh nghiệp KCN TPHCM tổ chức.

Có đến hơn 50 gian hàng gồm các mặt hàng thiết yếu giảm giá từ 10% đến 50% nên CN tha hồ lựa chọn. Các quầy quần áo, giày dép lúc nào cũng rất đông CN đến tham quan, mua sắm. Giày dép người lớn, trẻ em dao động từ 50.000 đồng đến 90.000 đồng/đôi. Quần áo trẻ em chỉ 50.000 đồng đến 80.000 đồng/bộ… Hầu hết các mặt hàng đều có khuyến mãi với hình thức mua 2 tặng 1.

Ở quầy giày dép, tôi gặp chị Nguyễn Thị Minh, Công ty Nidec Servo Việt Nam, với đôi giày mới toanh trên tay: “Tết về quê cũng phải sắm sửa ít quà để đi thăm viếng họ hàng, đi chơi Tết chứ mình từ TPHCM về mà tệ quá xem sao được”. Còn anh Lê Văn Thịnh, CN Công ty Jabel, sau khi dạo hết một vòng chợ Tết thì quyết định mua mấy chiếc áo sơ mi giảm giá. “Mỗi chiếc có 70.000 đồng, mua 2 được tặng 1, tính ra rất rẻ. Áo này mặc đi chơi Tết xong để đi đám tiệc vẫn còn tốt”- anh cho biết.

Chợ Tết ở thủ phủ cao nguyên

Những ngày giáp tết không khí đường phố Buôn Ma Thuột sôi động hẳn lên. Đứng tại ngã sáu trung tâm dễ dàng thấy rõ người dân ngược xuôi với dáng vẻ tất bật, khẩn trương hơn. Đường Lê Duẩn, con đường trung tâm của thành phố được giăng đầy cờ, đèn nháy rực rỡ đủ màu sắc.

Đông nhất là khu chợ trung tâm thành phố và các siêu thị như Co.opMart Buôn Ma Thuột, các siêu thị điện máy. Lượng người đi mua sắm tăng lên gấp 3-4 lần ngày thường. Siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột được chọn làm điểm bán hàng bình ổn giá của Dak Lak trong dịp Tết Tân Mão nên người đi mua sắm tấp nập, không lúc nào ngớt. Cho dù siêu thị đã có thông báo tăng thêm giờ bán hàng nhưng mới đầu giờ mở cửa buổi sáng đã thấy người chen chúc, tự giác xếp hàng.

Để phục vụ Tết cho bà con dưới rẫy lên mua sắm, siêu thị tăng cường thêm nhân viên phục vụ, chỉ tính riêng quầy tính tiền cho khách đã tăng gấp đôi ngày thường. Nhân viên vận chuyển, sắp xếp hàng lên quầy làm việc luôn tay nhưng nụ cười vẫn rạng rỡ. Đưa cánh tay lên lau vội mấy giọt mồ hôi lấm tấm trên trán mình, cô H’Thanh Niê, nhân viên bán hàng người dân tộc Ê Đê nói:”Vui lắm anh ạ! Năm nay cà phê được giá nên bà con mình đi siêu thị mua sắm đồ Tết nhiều lắm, đông lắm”.

Đông khách nhất là khu bán hàng thực phẩm. Nhìn các nhân viên liên tục đẩy xe hàng từ trong kho ra sắp xếp lên quầy là hình dung được lượng khách mua hàng ở quầy bánh kẹo, nước uống các loại hay quầy dầu ăn, nước mắm… Cô Lan Anh nhân viên đài 1080 Dak Lak nói:”tôi thích mua hàng trong siêu thị vì hàng ở đây đảm bảo chất lượng, giá cả ổn định, nhất là khỏi lo khâu vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Nhìn chung giá có cao hơn so với Tết năm ngoái. Các quầy bán hàng tươi sống cũng đông người mua không kém. Hôm nay gà ta đã lên 120.000 đồng/kg, gà thả vườn 90.000-100.000 đồng/kg. Thịt bò các loại 150.000-180.000 đồng/kg. Thịt heo 120.000-150.000 đồng/kg.

Ngược lại do thời tiết thuận lợi nên các loại rau củ quả dồi dào hơn, không thấy giá thay dổi so với ngày thường. Theo nhận định của giới thương nhân tuy giá cả có tăng bình quân trên 20% nhưng do cà phê được giá nên sức mua cũng tăng theo.

Du lịch, GO! Tổng hợp