Ai đã từng sống và gắn bó trên quê hương La Gi nầy hẵn sẽ khó lòng quên được thắng cảnh Đá Dựng. Một thắng cảnh hữu tình, nằm ngay ở trung tâm tỉnh lỵ Bình Tuy (nay là trung tâm thị xã La Gi). 

Ngày xưa khi còn là học sinh trung học, chúng tôi thường trốn giờ ra đây tắm sông, chụp hình và đôi khi mơ mộng những đêm trăng trai gái tự tình. Mùa đông về trên Đá Dựng đẹp lắm, hoa anh đào nở tím cả chiều. Chùa một cột buồn buồn cổ tích, bên cạnh con sư tử đá nghiêm mặt với thời gian. Những chiềc cầu ván cong cong nối đôi gành đá .Bọt nước tung trắng xóa, đẹp như bức tranh.

Đập Đá Dựng được xây vào năm 1959, nhằm phục vụ cho cả hai mặt, nước uống. nước sinh họat cho nhân dân và kết hợp làm khu thắng cảnh. Khởi đầu đập được xây dựng chỉ có chiều ngang chừng 80 mét, có hai cửa thoát, lòng đập sâu 6 - 7 mét.

Nhà thủy tạ xây trên một chân trụ, mỗi cạnh vuông 2,5 mét mô phỏng theo chùa một cột ở Hà Nội. Bên dưới đập, giữa những cù lao đá đủ hình thù và cây cối, dây leo nhô lên giữa lòng sông, người ta đắp một tượng sư tử, cùng với những chiếc cầu ván cong cong để người đi ngoạn cảnh dễ qua lại.

Lần theo vài chục bậc thang bên cửa đập có tượng long ngư vượt vũ môn. Hai bên bờ sông Dinh là vườn hoa anh đào tỏa bóng mát quanh năm, nơi rất lý tưởng cho các tổ chức sinh hoạt  tập thể, cắm trại dã ngoại.

Trong những năm 60 - 70 rừng đầu nguồn chưa bị tàn phá. Sông Dinh nước chảy quanh năm, lại nữa dân số lúc này chưa có bao nhiêu, nên vấn đề nước sinh hoạt chưa có gì bức xúc. Đập Đá Dựng bấy giờ nhiều chỗ có mực nước khá sâu, nước chảy xoáy, trẻ em đi tắm dễ rủi ro bị chết đuối. Người ta còn đồn ở đây có cá sấu. Không biệt thực hư như thế nào, nhưng mỗi lần muốn tắm, nhìn cái miếu thờ bên bờ sông, rồi nghĩ đến cá sấu là hết dám.

Sau giải phóng, với khẩu hiệu “Tất cả cho sản xuất”, người ta chủ trương biến đập Đá Dựng thành đập thủy lợi. Tiền, vật tư, công sức của nhân dân đổ vào đây rất lớn. Nhưng cuối cùng không được gì, phải dùng máy nổ bơm nước để tưới. May mà sau này có nước đập suối Đó chảy về mới tận dụng được kênh mương.

Rừng bị tàn phá mỗi năm theo cấp số nhân. Sông Dinh mùa khô nước cạn, mùa lũ nước tràn. Đập không được bảo quản, hai bên bờ sông bị xói lở, vài cơn lũ lớn thôi, đập Đá Dựng nguy cơ đổ nhào. Vào những năm 1990 - 1995, dân số tăng nhanh, chỉ tính riêng khu vực trung tâm đã có 4 vạn người, trong khi đó đập Đá Dựng do Nhà máy nước Hàm Tân quản lý khai thác, chỉ đủ đáp ứng cho 1600 hộ dân với 9000 khẩu trong một định mức hết sức khiêm tốn 0,1m3 /người / ngày. Quá bức xúc, năm 1996 chính quyền cấp vốn đầu tư xây dựng lại đập Đá Dựng. Đập có chiều ngang 90 mét, cào 2,4 mét, mặt đập rộng 4 mét, mỗi ngày cung cấp trên dưới 15.000m3 nước. Nhưng rồi chừng ấy nước cũng chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu và tốc độ tăng dân số, nhà máy nước lại phải nhờ vào nguồn nước hồ Núi Đất, Suối Dứa, suối Đó.

Thiếu nước uống, thiếu nước phục vụ sản xuất nên chẳng ai để lòng khôi phục thắng cảnh Đá Dựng. Cây cầu sắt bắt ngang sông Dinh do lực lượng công binh lắp tạm sau trận lũ kinh hoàng  tháng 7 năm 1999, nay vẫn gập ghềnh giữa lòng thị xã với hai đầu hai biển chắn “cấm xe trên 16 chỗ”. Đầu cầu, sát bên triền sông là những đống rác ngồn ngộn bốc mùi hôi khó tả. Hai bên bờ sông từ đập Đá Dựng đến cầu sắt cây bụi um tùm, phần đất bên trên hầu hết bị tư nhân chiếm hữu, tìm mỏi mắt cũng không moi đâu ra bụi hoa anh đào còn sót lại.

Phải nói hiếm nơi nào, giữa lòng trung tâm phố lại có một đập nước và những cù lao đá đẹp và lãng mạng đến thế. Việc khôi phục lại thắng cảnh Đá Dựng để phục vụ cho nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân là hết sức cần thiết.

Du lịch, GO! - Theo báo Binhthuan, ảnh internet