Hơn 100 năm trước, vào tháng 9/1898, toàn quyền Đông Dương đã làm lễ khởi công một cây cầu vắt ngang dòng sông Mẹ. Cầu được đặt tên là Paul Doumer, nhưng người Hà Nội vẫn gọi là cầu Long Biên hay cầu sông Cái.

< Cây cầu trăm tuổi khi về đêm.

Vị trí được chọn để xây cầu đúng ngay vị trí mà chiếc tàu của Pháp nổ súng bắn vào Ô Quan Chưởng và Cửa Bắc trước đó. Cầu gồm 20 bệ trụ xây và mố, với chiều sâu 30m và cao 13,5m tính mức nước thấp nhất.

< Cầu Long Biên đầu thế kỷ 20.

Phía hữu ngạn có cầu vòm dài 800m, toàn thân cầu là 2.500m. Nét độc đáo nhất của cây cầu là đường bộ hai bên, đường sắt ở giữa lối đi bên trái. Tháng 2/1902 khánh thành cầu, cũng là nối liền con đường Hà Nội, Hải Phòng và đặt khúc đường sắt đầu tiên của đường sắt xuyên Đông Dương. Khi ấy, Long Biên là một trong 4 cây cầu lớn nhất thế giới, nổi bật nhất ở Viễn Đông.

< Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng (1899-1902).

Cầu Long Biên gắn liền với lịch sử hai cuộc kháng chiến của dân tộc cũng như chứng kiến sự chuyển mình đi lên của đất nước từ khi thống nhất và trở thành biểu tượng của sự trường tồn, của vẻ đẹp và các giá trị lịch sử quá khứ cũng như hiện tại, là di sản văn hóa trong sự phát triển tương lai của Hà Nội.

< Chiều dài toàn cầu 1.862 m, gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn xây bằng đá. Cầu dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa. Hai bên là đường dành cho xe cơ giới và đường đi bộ.

< Hiện trên đầu cầu vẫn còn tấm biển có khắc chữ "1899 -1902 - Daydé & Pillé - Paris" - tên của nhà thầu Pháp thi công.

Kể từ khi có cầu Chương Dương và Thăng Long, cầu Long Biên chỉ dành cho người đi xe đạp và cho những đoàn tàu. Đến nay, mỗi ngày cầu chứng kiến vài chục chuyến tàu qua lại. Trên cầu, những người buôn bán nhỏ, lẻ của cư dân nhiều miền vẫn tranh thủ những khoảng rộng trên cầu để bán hàng.

< Để giảm tải cho cầu Chương Dương, bắt đầu từ cuối năm 2005 xe máy được phép đi qua.

Người Hà Nội vẫn nhắc tới với sự gắn bó với cầu Long Biên trong từng câu nói và ánh mắt nhìn. Hơn 100 năm đã trôi qua, những giá trị của quá khứ như vẫn lắng đọng trên từng nhịp cầu. Đất nước thay đổi, thủ đô thay đổi nhưng giá trị biểu tượng của cầu Long Biên vẫn mãi trường tồn.

< Cây cầu rất chật hẹp này hiện không còn phù hợp với mật độ người tham gia giao thông ngày càng dày đặc như hiện nay.

< Đường dành cho xe cơ giới trên cầu chỉ có 2,6 m, luồng đi bộ 0,4 m.

< Tại buổi hội thảo về dự án quy hoạch bảo tồn, cải tạo, phát triển cầu Long Biên và khu vực liên quan mới đây, các nhà khoa học đưa ra ý tưởng muốn biến cầu Long Biên thành biểu tượng của thủ đô Hà Nội, và không nên để thành cây cầu chết.

< Trước đó, trong buổi tọa đàm về cải tạo cầu Long Biên do Hội quy hoạch đô thị Việt Nam tổ chức, bà Nguyễn Nga, kiến trúc sư quy hoạch đô thị Paris cũng đưa ra ý tưởng biến cầu Long Biên thành bảo tàng.

< Vẫn vững chãi trong ánh chiều tà.

< Còn bãi giữa sông Hồng quanh cây cầu này sẽ thành công viên nghệ thuật và trồng cây. Cây cầu được đề xuất phủ kính trong suốt và trở thành nơi triển lãm, tổ chức các hoạt động văn hóa. Bãi giữa sông Hồng được đắp kè cao để làm công viên nghệ thuật.

< Nhiều năm gần đây, cầu còn là nơi vui chơi, tâm sự của các đôi lứa, nơi hóng mát của người dân thủ đô. Nhiều chiếc khóa tình yêu để lại trên cầu.

Cầu Long Biên cũ kỹ đang ngày ngày cõng hàng nghìn lượt xe máy qua lại. Nhiều cuộc hội thảo gần đây đã đưa ra những ý tưởng táo bạo muốn biến cây cầu thành bảo tàng của Hà Nội.

Du lịch, GO! - Theo VnExpress