Trên hành trình tìm về quê hương vợ chồng A Phủ, tôi đã gặp được những nguyên mẫu thật bằng xương bằng thịt bước ra từ tác phẩm văn học nổi tiếng.

< Cheo leo trên đỉnh núi,

Những đỉnh núi mù sương nơi bộ đội xưa kéo pháo lên Điện Biên đánh Pháp. Màu trắng hoa ban, cô gái Thái tắm suối hay những chàng trai Mông dắt ngựa leng keng trên triền núi, - từ đâu đó - những hình ảnh ấy dần dần hình thành trong tôi một bức tranh về núi rừng Tây Bắc thật đẹp.

Và có một điều không thể bỏ qua, chính tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài đã đưa chân tôi đến những địa danh đã trở nên quen thuộc: Tà Sùa, Hồng Ngài ở huyện Bắc Yên (Sơn La). Quê hương của Vợ chồng A Phủ. Nơi tôi bất ngờ tìm ra bao điều bí ẩn.

Từ thành phố Sơn La về huyện Bắc Yên chừng 80km, vượt qua con đèo Chẹn dài 20km, ở độ cao 1200m, dọc sông Đà để về trung tâm huyện Bắc Yên. Dọc đường đi, tôi không ngừng bị chinh phục bởi sự hùng vĩ lãng mạn của phong cảnh Tây Bắc.



< Nụ cười thu hoạch. Một người Mông đang thu hoạch ngô cùng gia đình ở trên đỉnh Tà Sùa cao 1600m so với mặt nước biển. Dân số huyện Bắc Yên (Sơn La) có đa phần là đồng bào người H'Mông, mặt hàng kinh tế chủ yếu là ngô, táo mèo và chè. 

Ra đời từ năm 1952, tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" được nhà văn Tô Hoài xây dựng từ những nguyên mẫu có thật trong đời sống xã hội thời bấy giờ. Những nguyên mẫu phần nhiều là ở Tường Sơn, Châu Phù Yên (cũ) thuộc huyện vùng cao Bắc Yên, tỉnh Sơn La ngày nay.
Tuy một số tình tiết câu chuyện và nhân vật được vay mượn, chắp nối từ nhiều con người, địa phương nhưng bối cảnh chính của Vợ chồng A Phủ được nhà văn Tô Hoài đặt chính ở Bắc Yên. Bộ phim Vợ chồng A Phủ, một trong những phim truyện nhựa đầu tiên của điện ảnh Việt Nam, được sản xuất năm 1961, cũng được quay tại Bắc Yên.

Theo nhà văn Tô Hoài, trong những năm đầu 1950, ông thường đi thực địa tại các bản làng người Mèo - Thái, mỗi lần ông ở lại với họ 7 - 8 tháng. Ông không chỉ quen phong tục tập quán, mà còn nghe hiểu được cả ngôn ngữ của người Mông.


< Táo sơn tra và chè Tà Sùa là hai mặt hàng nổi tiếng của Bắc Yên,

Chính trong những chuyến đi này mà ông đã gặp được những con người, những câu chuyện sau này trở thành 'nguyên mẫu' trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ. (Có những nguyên mẫu vẫn còn sống đến hôm nay mà tôi may mắn gặp được)

Cũng thời gian này, Tô Hoài đã gặp và làm bạn với thống lý Hồng Ngài khi đó là Mùa Chống Lầu (tức Mùa Chờ Lầu). Sau này khi viết Vợ chồng A Phủ, ông lấy tên Mùa Chống Lầu đặt cho nhân vật thống lý. Nhưng trên thực tế, ngoài đời Mùa Chống Lầu là cơ sở của cách mạng. Ông rất có uy tín với người H'Mông ở Bắc Yên, ông vận động được nhiều người H'Mông đi theo cách mạng.

Nhà văn Tô Hoài được yêu cầu đổi tên nhân vật thống lý, và ông lấy Pá Tra là tên một người tù của ta, cũng nguyên là một thống lý ở vùng huyện Mùa Cang Chải (Yên Bái) để đặt cho nhân vật.
Nhân vật A Phủ được lấy nguyên mẫu từ ông Lầu A Phử và vợ ông là bà A Mỵ (tức Mùa Thị Lia) đến ở làm công cho nhà thống lý Mùa Chống Lầu...

Những câu chuyện không còn chỉ gói gọn trong tác phẩm văn học nổi tiếng mà học sinh nào cũng được biết đến trong sách giáo khoa, mà cả một giai đoạn lịch sử, văn hóa của một vùng đất, những con người bằng xương bằng thịt với những câu chuyện đầy kỳ bí bất ngờ xuất hiện trong chuyến đi của tôi...

Chuyện ‘nàng A Mỵ’ ngồi ghế thẩm phán

< Bà Sùng Thị Ly.

Khi tôi đến phỏng vấn bà Sùng Thị Ly, nguyên là nữ thẩm phán người dân tộc H’Mông đầu tiên của tỉnh Sơn La, hy vọng được nghe những câu chuyện thú vị ở pháp đình, thì tôi lại tìm được một ‘nàng A Mỵ’
Nguyên quán của bà Ly ở xã Chiềng Công, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Đến bây giờ, Chiềng Công vẫn là một trong những xã nghèo, xa, khó tiếp cận nhất của tỉnh Sơn La.

Mồ côi cha từ năm 1 tuổi. Gia đình nghèo đông anh em. Năm 12 tuổi, bà Ly bị bán về làm dâu nhà tào phán (thống lý = chủ tịch xã; tào phán = trưởng thôn) Mùa A Mang, làm vợ con trai tào phán là Mùa Súa Tính khi đó cũng 12 tuổi.

Để diễn tả đúng câu chuyện cùng khẩu ngữ của 'nàng A Mỵ' dù đã thoát ly và giữ chức vụ quan trọng trong xã hội, nhưng nói tiếng Kinh vẫn hơi lơ lớ. Tôi để bài của bà dưới dạng phỏng vấn.

Về nhà chồng ngủ với mẹ chồng

Vào thời của bà, cảnh những người Mông nghèo phải đi ở đợ cho người Mông giàu như trong chuyện Vợ chồng A Phủ có phổ biến không?


< Cuốc lớn hơn người. Một em bé trên đỉnh Tà Sùa, Bắc Yên.

Ôi nhiều lắm, ngay chuyện của chính tôi bà đây này. Bố tôi chết khi tôi vừa biết bò, mẹ tôi chết khi tôi 15 tuổi. Khi tôi được 12 tuổi thì cũng khôn ngoan, xinh gái. Nhà địa chủ (tào phìa - tào phán, nhỏ hơn thống lý, kiểu như trưởng thôn) có 1 thằng con trai út.

Thế là thằng địa chủ ép mẹ tôi cho tôi về nhà nó làm dâu, vì nếu không thì đến 15, 16 tuổi thì nhà khác lại cướp mất. Thế nên khi tôi 12 tuổi mẹ tôi kéo tôi đưa tôi về đến nhà họ. Tôi khóc nhiều. Tôi nhớ tôi ở cái nhà đó được 8 năm. Năm 1954 giải phóng Điện Biên, cái nhà tôi làm nô lệ cũng nuôi Việt Minh kháng chiến, anh trai tôi cũng nuôi Việt Minh kháng chiến.

Đến năm 1955 thành lập khu tự trị Thái Mèo, ai lấy nhiều vợ thì cho về hết, chỉ cho lấy 1 vợ thôi. Tôi ra đầu tiên, tháng 3/1955 thành lập Khu tự trị Thái Mèo, tháng 7/1955 tôi được ra khỏi nhà đó.
Những năm tôi làm nô lệ tôi không có quyền ăn không có quyền nói, người ta ăn thì mình phải vào buồng, mình thì phải ăn cơm với nước rau chua, ăn cơm ngô và bí nấu, không có muối ăn đâu, sống cực không còn cái gì mà khổ nữa.

Khổ như thế, nên khi tôi đi họp Hội đồng nhân dân ở chiến khu, tôi phát biểu thế này: "Tới đây chế độ phong kiến đế quốc, thống lý thống khoán làm ác cho người phụ nữ, người phụ nữ làm nô lệ cực khổ, không có quyền ăn không có quyền nói, người phụ nữ sống mịt mù tối tăm, có làm mà chả có ăn. Hiện nay có Đảng và chính phủ giải phóng được cho người phụ nữ, thì đời người phụ nữ như bụi cây đã được phát quang".

Tôi nói đến đó họ đứng dậy, tất cả hội trường lắng nghe. Tôi nói tiếp "Trong lúc này Bác Hồ đã mất rồi. Miền Nam chưa được giải phóng, nhân dân miền Nam còn đang phải sống trong các ấp chiến lược, bị tra tấn, bị giết chóc, bị tù đày, ta làm như thế nào, tất cả cho tiền tuyến, để mà giải phóng miền Nam, để nhân dân miền Nam đỡ khổ, tù tội, chết chóc, đổ xương đổ máu trong các ấp chiến lược".

Tôi nói thế rồi có anh nhà báo bảo "Chị ơi chị đưa cho tôi tờ giấy của chị đi", nhưng tờ giấy của tôi chỉ có 2 chữ thôi chứ có gì đâu, nhớ được thì nhớ chả nhớ được thì thôi.

< Những đứa trẻ ở Hồng Ngài, quê hương 'thống lý Pá Tra'.


Hồi ấy, người gọi là chồng của bà và nhà chồng đối xử với bà thế nào?

Ôi trời ơi, đánh tôi đau bằng chết, bây giờ tôi vẫn còn đau những chỗ này. Tôi vẫn còn chửi "Thằng chó chết, mày ác. Mày chết đã hơn 40 năm rồi, xương mày đã bị mối ăn hết rồi mà chỗ mày đánh tao vẫn còn đau".
Đánh mà không vì cái tội gì cả. Tôi đi lấy ngô về, bà ấy (mẹ chồng) ở nhà băm bí đỏ nấu canh thì không bỏ hạt, bà ấy mang cả bí nấu như nấu cho lợn ấy, tôi về ăn cơm ngô với bí nấu, thì ăn miếng nào cũng được hạt, tôi mới bảo "Ô, hôm nay bí này nấu mà không bỏ hạt nó đi, nấu như nấu cho lợn ăn ấy".

Chồng ngồi bên cạnh nghe thấy bèn gầm lên "con này mày nói xấu nhà tao". Nghe thế tôi đã sợ rồi, đã đứng dậy chạy rồi. Tôi không dám cãi sợ nó đánh. Cái cửa đi ra ngoài có một đống củi. Tôi đứng dậy chạy kẻo nó đánh, nó đâm một cây củi to trúng tôi chỗ sườn này, đau cả 3 năm trời, mà bây giờ hễ mà trở trời là lại bị đau.

Khi đó tôi với anh ta đều đang 12 tuổi. Ban đầu về nhà chồng thì ngủ với mẹ chồng, sau bao nhiêu tháng đấy thì cũng làm giường cho 2 người ngủ, nhưng cũng ghét nhau đến độ không ngủ chung chăn.
Nhà chồng cũng còn có 2, 3 người đàn ông đi làm nô lệ nữa chứ. Những trẻ mồ côi bố mẹ nó chết rồi, nó khổ sở, không tự lập được thì chỉ có đi làm nô lệ thôi. Gia đình họ đối xử với những nô lệ đó thì cũng bình thường thôi. Nhưng mình là vợ thì mẹ chồng thấy chồng mình đánh mình cũng kệ.

Chị gái tôi 15 tuổi mà chồng mới có 7 tuổi. Chị ấy nuôi chồng lớn lên, đến khi chồng 15 tuổi, chị ấy 23 tuổi thì chị ấy có con. Tôi với chồng đầu tiên của tôi thì không có con với nhau. 2 người lấy nhau không ngủ với nhau, không trêu nhau, không chơi với nhau. Sống trong nhà chồng thì họ ăn thì mình phải ở trong buồng, nếu còn cơm thì mình được ăn cơm gạo, không thì mình phải ăn cơm ngô. Việc thì làm cả đời không hết.

Gia đình họ có trả cho gia đình bà nhiều tiền không?

Khi mà cướp dâu về rồi thì họ đưa cho mẹ và anh trai tôi có 60 đồng bạc trắng thôi. Anh trai tôi bảo mẹ tôi rằng "Cái mẹ này, mẹ đẻ con mà không đau cái lòng à. Con gái mới bé bằng này, đưa về làm dâu nhà người ta, sau này con người ta lớn lên, thì đứa con gái như cái hoa, đẹp thì người ta đội lên đầu, xấu thì người ta vứt đi. Thật đúng là ..."

Khi tự do mới dám hái lá thổi kèn

Một địa phương như ở chỗ bà có nhiều tào phán không? Có phải nhà tào phán nào cũng có nhiều nô lệ, vợ bắt như vậy nữa không?

Ngày xưa thì có chứ, con trai của nhà giàu còn nhỏ, nhưng họ thích ai thì họ cho thanh niên khác đi kéo nó về. Nhưng bây giờ thì không được, ai có hai vợ là chỉ cho lấy 1 vợ còn cho bỏ hết.

Bà bị bắt khi mới 12 tuổi, chắc bà chưa có cơ hội đi nghe khèn hội xuân như Tô Hoài mô tả?

Không, ở trong cái nhà ấy là coi như nằm im như con chó thôi, mà khi họ ăn còn phải canh giữ chó cho họ ăn, chứ mình không bao giờ có biết một cái tự do gì hết, không được tự do cười, không được tự do nói, không được tự do thổi cái lá hay tự do làm cái gì hết. Sau này tự do tôi mới hái những cái lá, tôi biết thổi những bài hát.
Khi tôi đi học, thầy giáo cho tôi một bài đọc nói về những người làm nô lệ. Tôi khóc.

Nhưng đi làm cán bộ có phải là không vất vả đâu. Có tên tình báo nói với tôi rằng người ta nói đi làm chính trị như con thiêu thân nhảy vào lửa mà chết. Tôi nói rằng, làm chính trị không phải là có cái áo mà làm chính trị, con đường này đi 9 tỉnh, nhất định sẽ có con rắn sẽ cắn vào chân, có con beo sẽ ngăn đường sẽ ăn thịt này, có đá tai mèo đâm vào chân này, có con hổ sẽ táp này, thì đi làm chính trị chết thì thôi  ... Tôi nói thế thì thằng tình báo này cũng câm luôn chứ chả nói được gì nữa.


< Cùng cha xuống chợ. Ảnh chụp tại phiên chợ Bắc Yên.

Đúng như nhà văn Tô Hoài nói, ở đầu làng có quả đồi, có cái sân đánh còn. Cứ 30 Tết, ngày Tết bố mẹ cho đúng 3 ngày, 4 ngày, con trai con gái thanh niên được ra đó, vui chơi, tìm hiểu, yêu ai thì được tìm hiểu, được yêu đương.

Bà có được đi bao giờ không?

Có, hồi bé được đi, nhưng lấy chồng rồi, 12 tuổi thì không được đi nữa, không được đi đánh còn, không được đi quan hệ với ai nữa, chỉ có ủ rũ trông nhà thế thôi.

Và ngồi bên cửa sổ nghe những âm thanh ấy như nàng A Mỵ, bà có buồn?

Có buồn, khóc chứ, nhưng là con dâu nhà người ta rồi mình không được đi mà cũng chẳng ai để ý đến mình nữa đâu, họ biết mình đã là con dâu rồi.


Sau khi cách mạng về đến Chiềng Công, bà Sùng Thị Ly được giải phóng khỏi cuộc đời nô lệ. Bà được các anh trai (cũng là cán bộ cách mạng) đưa đi học, sau này qua nhiều lần chuyển công tác. Tháng 11/1961, ‘nàng A Mỵ’ làm Thẩm phán ở Tòa án Nhân dân tỉnh cho đến khi nghỉ hưu. Những câu chuyện khi ngồi ghế thẩm phán của bà ly kì không kém chuyện nàng A Mỵ.

Vấn đề gì trong công tác xét xử ngày xưa bà phải giải quyết nhiều nhất?

Là những án mà trong khi chồng đang đi chiến đấu thì ở nhà vợ thông gian, thông dâm, và những vụ án xảy ra xung quanh câu chuyện đó. Sự việc vỡ ra là đưa ra xử để làm gương cho tất cả. Những việc như vậy nhiều lắm, không kể hết được. Có một số vụ ghê gớm tôi nhớ mãi.

Một anh bộ đội đi trong Nam, khi đó chưa giải phóng miền Nam nên anh ta chưa về, ở nhà có một anh cũng là bộ đội biên phòng địa phương cặp kè với cô vợ của anh bộ đội kia, làm cô ấy có thai. Hắn ta sợ mất chính trị nên đã đưa cô ấy vào trong hang và đánh chết cô gái ở trong ấy. Hai đứa còn đâm nhau trong đấy, nó đâm cô ấy chết, cô ấy đâm hắn ta thì không chết. Cuối cùng tòa đã xử hắn tù chung thân.

Còn có vụ, cũng ở Mộc Châu, cô gái ấy có chồng có con rồi nhưng chồng cũng đi xa, cặp bồ với 1 anh, nhưng nỗi niềm giằng xé thế nào mà họ rủ nhau 2 người cùng đi chết.

Cô gái ngỏ ý với anh bồ này rằng: em chưa nói với bà, cũng chưa nói với con. Anh này không cho cô ấy nói, vì cho rằng nếu nói rồi thì sẽ không đi được nữa. Thế rồi tối hôm đó 2 người đưa nhau đi, anh này cầm theo khẩu súng đi phía trước. Anh này định bắn chết cô ấy, nhưng khi bị anh này dồn đuổi thì cô này bị ngã vào cái hố, anh ta lấy súng đâm cô ta đến 8 phát. Anh ta nghĩ cô ấy chết rồi, nhưng trời chưa cho chết, sáng hôm sau cô ta lại dậy đi báo, thế là anh kia đi tù.

Ngày ấy buôn bán thuốc phiện nhiều, nhưng tội thuốc phiện tội chưa nặng như bây giờ. Khoảng những năm 1960 đến trước khi giải phóng miền Nam, tội thuốc phiện nặng cũng chỉ đến 4 hay 5 năm tù thôi.

Tội thông gian, thông dâm, hãm hiếp bị xử nặng hơn tội thuốc phiện, có khi xử đến 12, 15, 18 năm tù. Hồi ấy, hầu như đàn ông con trai đi chiến đấu hết, chỉ có những người không đủ sức khỏe thì mới ở nhà, chỉ còn lại đàn bà con gái ở lại nhà cày bừa thôi. Thường thì người con trai đi thông dâm với vợ của người khác bị xử tội nặng hơn.

Vụ án nào khiến bà nhớ nhất?

Có một ông Điệp ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cặp kè với một cô tên là Minh cũng ở Tuyên giáo Tỉnh ủy. Ông Đẹp cấm cô ấy đi lấy chồng. Cô ấy cũng đã phải đi nạo thai ở Hà Nội một lần rồi, ông Việt đăng ký nạo thai cho cô ấy, rồi ông Việt bảo là cô ấy bị người khác hãm hiếp.

Cô này chửa đến đứa thứ 2 thì uống thuốc sâu để muốn cho sẩy thai ra, nhưng cô ấy chết luôn. Chôn cô gái ấy được 6 tháng rồi thì người ta mới gói tất cả những thư từ của cô, trong đó có cả thư từ của anh Điệp và cô Minh gửi về cho bố mẹ cô Minh, thì họ mới biết thì ra là cô ta cặp với ông Điệp này, và ông Điệp đã đưa cô ấy đi phá một cái thai.

Thế là bố mẹ cô ấy kiện lên ban tuyên giáo Tỉnh ủy cho ông Điệp đi tù. Tôi nghiên cứu toàn bộ hồ sơ rồi, nhưng có một ông nói rằng "Mẹ mày không xử được vụ án này đâu. Ông Điệp là ông trẻ của cái nhà này, không nên xử". Thế là tôi nghiên cứu xong rồi tôi cũng phải đưa cho người khác xử, ông ta bị 2 năm án treo. Xong hết 1 năm án treo và 1 năm thử thách. Ông ta bị mất chức bên Tỉnh ủy.

Nhà tôi đông khách hơn nhà già làng, trưởng bản

Công việc tư pháp ở vùng nhiều đồng bào thiểu số, dân trí không cao có khó khăn không? Người dân tộc hiểu về luật pháp như thế nào, khi bà làm việc với họ có những trở ngại nào lớn nhất?

Chúng tôi khi đó vừa đi học vừa đi ra công tác thôi. Chúng tôi đi học 1 tháng biết thủ tục về xử, rồi lại đi học 5 tháng, rồi cứ học mãi, nghiên cứu luật. Nếu những người không sâu xa, nhận thức không nhanh thì xử cũng không ra sao cả. Có nhiều vụ họ đổ cho người này người kia kêu ma đến cắn nên họ mới bị đau, này khác.

Người Mèo có tục bắt vợ, cho nên có khi người con trai yêu và bắt người con gái, cô ấy phải đi lấy chồng nhưng bản thân cô ấy không có tình yêu thì khổ lắm.
Chồng chết thì vợ dù tài sản có nhiều, là do cả 2 vợ chồng làm ra, thì nếu đi lấy chồng khác cũng không được mang theo một thứ gì cả, không được mang con đi theo.

Cô em gái với tôi cũng thế, nhưng nó cũng hiểu biết. Cô ấy đi làm dâu, khi chồng chết thì cô ấy đã có 7 con trâu và 6 đứa con. Khi cô ấy đi tái giá cô ấy đã mang theo cả 7 con trâu và 6 đứa con. Từ đó người ta mới hiểu và thấy như thế là luật pháp.

Ngày xưa, người Thái có tục ở rể, phải ở rể 12 năm mới được về, có khi ở rể 6 tháng rồi vẫn phải về tay không, không được vợ. Tôi vận động phải giải phóng  phụ nữ, khi đó tôi tuyên truyền luật pháp.
Đến khi người ta đã hiểu rồi, thì có một vụ như thế này: cô gái Mèo 18 tuổi tên là Cơ (tức là Trắng), người yêu nó yêu nhau được 2 hay 3 năm rồi, chuẩn bị lấy nhau. Nó bảo là: tôi biết là tối nay sẽ có người đến kéo tôi đi. Nếu anh đến kéo tôi đi thì tôi đi theo anh thì một mình anh kéo được tôi, nếu không chúng nó sẽ cướp tôi đi".

6 giờ sáng mẹ nó gọi "Cơ ơi, mày đi xem máng nước sao mà nước nó không về". Cơ đi xem máng nước, thì hóa ra là có 4 thanh niên đã tháo nước ra nên nước không về. Khi Cơ đến thì 4 thanh niên này ùa ra để kéo cô Cơ. Thì ra có một thanh niên thích cô này mà cô này không yêu. Anh ta bèn lên kế hoạch để bắt cô ta về làm vợ. Kéo đến 9 giờ sáng mà cô này không chịu đi. Bố mẹ cô này cũng không biết để mà kéo cô ta lại. 4 thanh niên kia cũng không buông không tha.

Cô Cơ cũng thông minh, cô ấy bảo: ừ, chúng mày không tha tao thì tao đi theo chúng mày, tao về nhà chúng mày, nhưng 3 ngày nữa tao lại về rồi theo đến nhà bọn kia. 3 ngày sau người ta cho về thăm bố mẹ, thế là Cơ cùng với người yêu nó tìm đến chỗ tôi kiện nhà kia.

Tôi giải quyết. Tôi bảo rằng cô này yêu anh này thì phải cho lấy người yêu nó, chứ không cho bọn này vác. Bọn nó bảo: "Tại sao không được vác. Chúng tôi sẽ đánh chết 2 vợ chồng ấy". Tôi nói: "Chúng mày muốn chết à, chúng mày muốn đi tù à. Chúng mày đánh chết nó thì nó chết rồi, nhưng Nhà nước không để chúng mày yên đâu. Cho nên chúng mày im cái mồm đi. Không tán được người ta thì không được giết người ta đâu, giết người ta rồi Nhà nước sẽ giết chúng mày nữa đấy".

Thế là hết. Chuyện này cũng không cần mở phiên tòa. Nhà tôi hồi ấy, mỗi tối người Mèo từ bao nhiêu nơi có bao nhiêu việc tìm đến già làng trưởng bản rồi, cũng phải tìm đến tôi. Có khi người nhà tôi phải chịu khó nấu cơm cho họ ăn, còn tôi có khi phải tiếp khách đến 12 giờ đêm.

Bây giờ tục cướp vợ có còn tồn tại không và được giải quyết thế nào?

Bây giờ trên vùng cao họ tiến bộ lắm rồi, người dân hiểu biết hết rồi. Nếu cô gái yêu anh này, thì anh ấy kéo tay một tí, cô ấy trèo lên xe máy về làm vợ, tức là có tình yêu, chứ không phải tùy tiện bắt vợ mà được. Cô gái về nhà trai 3 ngày rồi thì nhà trai làm mâm cơm cúng Giàng về nhà gái, nói rằng con trai chúng tôi đã bắt được cô gái này về từ ngày nào ngày nào, rồi thì chúng tôi tổ chức cưới, rồi họ làm cơm mời xóm giềng.
Cũng có những trường hợp có những anh vẫn "cưỡng chế" nhưng cô ấy không đồng ý cô ấy chửi chứ, cô ấy đánh cho toạc cả gáy ra.

Còn tiếp phần 2

Du lịch, GO! - Theo TuanVietnam, internet

Xem phim Theo dấu chân A Phủ