Câu chuyện về ước mơ “cơm có thịt” của học sinh xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn, Yên Bái) mà nhà báo Trần Đăng Tuấn (tổng giám đốc Công ty nghe nhìn toàn cầu AVG) kể lại đang gây nên một “cơn sốt” trên mạng.

< Nụ cười ở cực tây Tổ quốc.

Nhưng Suối Giàng chưa phải là nơi khó khăn nhất trong hàng trăm xã miền núi Tây Bắc, câu chuyện “nội trú dân nuôi” đầy ám ảnh ở vùng rẻo cao đã đằng đẵng mấy chục năm nay rồi...
Mười lăm năm trước, khi lên miền tây Quảng Trị, chúng tôi tìm gặp thầy giáo Hà Công Văn, khi đó còn chưa ai biết là một thầy giáo cắm bản đã tròn 20 năm, dạy học trò, nuôi học trò và đã gây dựng nên mô hình “nội trú dân nuôi” ở Quảng Trị. Sau này thầy Văn trở thành Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, hàng trăm bài báo, thước phim ca ngợi thầy Văn.

Nhưng hình ảnh thầy Văn lúng túng trong bộ comple, cà vạt ở các đại hội thi đua khó thay thế được hình ảnh mà tôi gặp khi thầy lặn lội lên núi, vai mang gùi, tay cầm rựa, đi kiếm măng rừng về làm bữa trưa cho những đứa học sinh “nội trú dân nuôi” mà thầy đã đưa về từ các bản làng.

Suối Giàng đã “ăn cơm có thịt”

Thầy Văn cũng không phải là người sáng tạo cụm từ “nội trú dân nuôi”, chỉ biết một lần vào bản Cựp, xã Húc Nghì, huyện Đăkrông thấy cu Mắt thèm đi học mà đường từ đó ra đến trường gần 20km, thầy Văn bàn với gia đình cho cu Mắt ra ở với thầy để đi học. Thấy cu Mắt ra ở với thầy Văn, nhiều gia đình trong bản cũng gửi con cho thầy.

Trường chưa có nhà nội trú, thầy Văn và các giáo viên trong trường cùng dân bản đi chặt tre rừng, kiếm lá lợp, dựng những túp lều đầu tiên. Rồi lấy lồ ô đập ra làm sạp, đi xin chăn ở đồn biên phòng cho các em đắp, hằng tuần bố mẹ mang gạo từ bản ra cho con, còn thức ăn thì thầy ăn gì trò ăn nấy. Sau giờ học cả thầy lẫn trò xuống suối mò ốc, đơm cá hay lên nương tìm măng, bẫy thỏ rừng, bẫy dúi (chuột rừng) làm thức ăn.


< Một phòng học với hai lớp quay lưng vào nhau, thầy giáo dạy cả hai lớp cùng lúc ở bản Tá Miếu.

Rồi cá dưới khe cũng không nhiều như trước, rau trên rừng không phải mùa nào cũng sẵn, thế là thầy trò vỡ đất trồng rau, đào ao nuôi cá... Dắt díu nhau như thế để rồi đi qua đời thầy Văn là những lứa học trò đủ sức đi xa khỏi chân núi quê nhà, về tỉnh học cấp III ở trường dân tộc nội trú, và đi xa hơn thành sinh viên đại học, nhiều em nay đã thành thầy cô giáo, công chức, cán bộ huyện...

Hai tuần trước, tôi lên Suối Giàng, tận mắt thấy học sinh hai trường tiểu học và THCS xã Suối Giàng được “ăn cơm có thịt” - món thịt có được nhờ câu chuyện nhà báo Trần Đăng Tuấn đã lan tỏa khắp cộng đồng và được hiện thực hóa bằng số tiền quyên góp hàng trăm triệu đồng.

Nhưng có ai thống kê được còn bao nhiêu Suối Giàng và “hơn cả Suối Giàng” trên đất nước ta? Nhất là những vùng biên giới mà để vào đó phải mất cả ngày đường cho một quãng đường vài chục cây số, những vùng mà học trò phải trèo đèo lội suối cả ngày để đến lớp, nuôi lấy cái chữ cho mình - như những học trò gầy gò mà chúng tôi gặp trên đường ở xã Chung Chải (huyện Mường Nhé, Điện Biên).

Những “tổ chim” chênh vênh 

< Cạnh Trường THCS xã Chung Chải (huyện Mường Nhé, Điện Biên) là khu lều tre nứa cho các em nội trú.

Từ ngã ba thị trấn Mường Chà (trên quốc lộ 12 từ Điện Biên đi Mường Lay) vào đến thị trấn huyện lỵ Mường Nhé chừng 160km, rồi từ đây lên đến A Pa Chải - ngã ba biên giới ba nước Việt - Trung - Lào mất thêm 75km nữa. Trường Chung Chải nằm phía dưới xã Sín Thầu và Leng Su Sìn, gần ngã ba biên giới. Cạnh ngôi trường THCS khang trang, chỉ cách một mái đồi là hàng chục túp lều “nội trú dân nuôi” mọc san sát nhau.

Thầy Đỗ Văn Đà, hiệu trưởng Trường Chung Chải, bộc bạch: “Cả xã chỉ có một điểm trường THCS này, học sinh trên Leng Su Sìn cũng về đây học”. Những túp lều trọ học chênh vênh như những tổ chim sơ sài trên sườn đồi là nơi ở của học sinh người Mông, Hà Nhì, Si La...


< Sùng A Dơ, học sinh lớp 7A, quê tận bản Nậm Vì (huyện Mường Nhé, Điện Biên).

Dù khác dân tộc nhưng lều nào cũng giống nhau bởi đều được dựng từ hai vật liệu chính là tre nứa và bạt nhựa. Một bộ khung bằng tre dựng lên, nứa được đập dập làm mái, tấm bạt nhựa phủ lên, lại một lớp nứa được chặn lên để tấm bạt khỏi bị gió thổi bay. Quanh lều cũng được che chắn bởi phên nứa, gió cứ lùa hun hút qua khe nứa hở. Các em dựng lều nọ sát lều kia để che chắn cơn gió lạnh buốt trên rẻo cao cho nhau.

Trong một túp lều như thế, Sùng A Dơ, người Mông, đang thổi cơm chiều. Nhà Dơ ở bản Nậm Vì - bản xa nhất - cách trường đến 24km. Túp lều của Dơ có thêm bốn bạn, cùng là người Mông là Vàng A Sính, Vàng A Sử, Và A Súa và Giàng A Và, tất cả cùng quê ở bản Nậm Vì. Hỏi: “Cơm có đủ no không?”. Dơ cười ngượng ngịu: “No”. Hỏi: “Thế thức ăn đâu?”, Dơ không nói.

Nhìn quanh, cả góc bếp chỉ có một cái nồi. “Thế ăn cơm với gì?”. “Muối thôi”. Tôi nhìn lên mái bếp thấy một nhúm muối trắng gói trong túi nilông vo tròn nhét giữa mấy thanh nứa. Giàng A Và bảo: “Cũng có hôm có cá suối”. Tôi theo Và qua lều bên cạnh, mấy bạn của Và đang dùng dao vót những thanh nứa thành mũi tên nhọn - thứ giúp các em săn những con cá suối để cải thiện bữa ăn.


< Rau xanh các em tự trồng để bữa cơm có thêm chút tươi ngoài muối trắng.

Quanh lều của những học sinh nữ có vài luống cải mèo gieo theo kiểu “tận dụng” lên xanh um. Toán Hà Na bảo có khi mang cá suối săn được cho các bạn nữ, các bạn ấy lại cho rau. Lại nhớ ở Suối Giàng, các em còn có một bếp ăn tập thể, có cả người nấu bếp. Nhưng ở đây thì “một lều một nồi”, gạo các em tự mang từ nhà lên, cơm tự nấu, tự săn dúi, bắt cá, tự trồng rau... nuôi mình.

Dưới những sạp nứa mà các em nằm ngủ xếp đầy săm, lốp xe máy cũ. Hỏi ra mới hay tuy sống giữa rừng nhưng các em được thầy cô dạy không chặt cây rừng làm củi, chỉ được nhặt cành khô. Nhưng vào mùa mưa cành khô ướt sũng nước, rất khó cháy, bởi thế những chiếc săm, lốp cũ kia được các em nhặt nhạnh về, cắt ra dùng để nhóm lửa. Nước để ăn uống thì các em mang can nhựa đi qua mé đồi, xuống con suối trước trường cõng về.

Vàng A Sính và Giàng A Và tranh thủ học bài trong ánh sáng buổi chiều xuyên nhợt nhạt qua tấm bạt xanh trên mái lều vì tối không có điện. Mà giả dụ có điện chắc cũng chẳng ai dám kéo vào đây - nơi cả trăm túp lều nứa khô nỏ, mái lợp bạt nhựa nằm san sát.

< Sùng Thị Lỳ, Mùa Thị Mai và Giàng Thị Dua - Trường THCS Suối Giàng - sau giờ học tranh thủ thêu thùa.

Trong gần 300 học sinh nội trú ở Trường THCS Chung Chải có 21 em người dân tộc Si La ở bản Nậm Sim. Những học sinh này nằm trong nhóm các dân tộc ít người cần được bảo tồn nên có chính sách ưu đãi riêng với 379.000 đồng/em/tháng. Có ưu đãi, nhưng nơi ăn chốn ở của các em cũng không khác gì, cũng ngủ trên những sạp nứa, trong túp lều nứa phủ bạt. Dọc đường, chúng tôi đi qua không biết bao nhiêu khu “nội trú dân nuôi” như những “phiên bản” của Chung Chải.

Thống kê và hi vọng

Chuyện dạy và học ở những miền rẻo cao chúng tôi đã nhiều lần nhắc đến. Và hẳn là chuyện khó khăn gian khổ ở nơi nào cũng có một mẫu số chung. Cứ ghé vào những nơi như huyện miền núi Mường Lát, Quan Hóa ở Thanh Hóa hay vùng Đakrông, Hướng Hóa của Quảng Trị, vào những xã ở Tu Mơ Rông của Kon Tum hay Tây Trà của Quảng Ngãi... đều có thể thấy những hình ảnh như đã thấy ở Chung Chải, gặp những “bữa cơm không thịt” như nhà báo Trần Đăng Tuấn chứng kiến ở Suối Giàng...


< Cận cảnh những túp lều của các học sinh nội trú dân nuôi ở Chung Chải.

Nhưng giờ vẫn không nhiều đứa trẻ gặp may mắn như học sinh Suối Giàng. Và để có “bữa cơm có thịt” cho tất cả các em, hẳn không thể chỉ nhờ vào lòng hảo tâm của vài trăm, thậm chí vài ngàn cá nhân. Không biết Bộ Giáo dục - đào tạo đã bao giờ làm phép tính cộng số học sinh “nội trú dân nuôi” ở các xã khó khăn nhất trên đất nước ta, rồi lấy số học sinh đó làm phép nhân với giá tiền của một, hai bữa cơm có thịt trong tuần để ra con số dự liệu kinh phí mua thịt cho các em?

Chắc chắn đó là một con số không nhỏ, nhưng cũng chắc chắn con số đó không phải là lớn, khi mỗi ngày vẫn đọc thấy không thiếu những trăm tỉ, ngàn tỉ thất thoát, những dự án hàng chục tỉ “đắp chiếu”...

Kể lại một lần nữa những câu chuyện cũ để không nguôi hi vọng. Khi tôi viết những dòng cuối cùng về câu chuyện “nội trú dân nuôi” này thì thầy Đỗ Văn Đà gọi điện về, giọng không giấu được vẻ hồ hởi, kể rằng hôm 6-10 vừa qua tại Chung Chải, Sở Giáo dục - đào tạo Điện Biên đã khởi công xây dựng khu nội trú dân nuôi cho cụm các xã vùng khó huyện Mường Nhé.

< Hai em Vàng A Sính và Giàng A Và (dân tộc Mông) tranh thủ coi bài, dưới sàn là những lốp xe máy cũ được các em nhặt về để đốt sưởi qua mùa đông.

Rằng dự án sẽ xây 84 phòng nội trú, tám gian bếp và 800m2 sân bêtông cho sáu trường: THCS Chung Chải, Na Cô Sa, Chà Cang, tiểu học Pá Mỳ, Nậm Pồ và Nà Khoa với tổng vốn đầu tư 13 tỉ đồng, Ngân hàng Công thương Việt Nam tài trợ 10 tỉ đồng, số còn lại lấy từ vốn sự nghiệp giáo dục của tỉnh. Toàn bộ dự án lo được cho 700 chỗ ở, trong khi chỉ riêng số học sinh của một trường bình quân đã 300 em.

Và đó mới là chuyện ở. Vẫn còn chuyện “cơm thiếu thịt” mà chắc không thể ngày một ngày hai có được. Nên lại một lần nữa, như mười mấy hai chục năm trước, không nguôi hi vọng.

Du lịch, GO! - Theo TTCN