Nằm giữa châu thổ Sông Hồng; không núi, không biển - Hưng Yên xanh trong màu xanh ngô, lúa và cây trái.

< Cây nhãn tổ.

Ngày nay, trong đà phát triển, Hưng Yên chuyển mình bức phá về công nghiệp và dịch vụ, đó là cụm công nghiệp Phố Nối chạy theo trục đường số 5 (Hà Nội - Hải Phòng)…

Nhưng vẫn có một Hưng Yên thuộc về văn hóa truyền thống. Thành phố Hưng Yên nằm trong quần thể văn hóa Phố Hiến cổ xưa, nơi có dấu tích thương điếm của người Hà Lan, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Trung Quốc… nằm kề bên thương cảng Phố Hiến phồn hoa mấy trăm năm về trước.

< Du khách Pháp với nhãn lồng Hưng Yên.

Nói đến đất Hưng Yên không thể không nói đến nhãn lồng. Không chỉ nhiều về diện tích, lớn về số lượng, nhãn lồng Hưng Yên còn đứng đầu cả nước về chất lượng.

< Đường phố Hưng Yên mùa hoa nhãn (tháng Hai âm lịch).

Nơi đây có cây nhãn tổ hơn 300 năm tuổi (nhãn ngon tiến vua) ở làng Hoa Dương cổ, nay thuộc phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên; từ cây nhãn tổ này, nhãn được nhiều thế hệ người Hưng Yên nhân giống trồng khắp tỉnh.

< Thu hoạch mật ong hoa nhãn (tháng Hai âm lịch).

Nhãn lồng Hưng Yên nổi tiếng khắp nơi, là loại hoa quả bổ dưỡng và sang trọng. Hoa nhãn được những người nuôi ong chế biến thành mật ong, phấn hoa nhãn. Nhãn quả được giao thương buôn bán, chế biến thành đặc sản tiêu dùng và xuất khẩu.

< Một cơ sở bóc, chế biến long nhãn.

Trong thời buổi hiện nay nhiều người cho rằng, muốn ăn nhãn lồng Hưng Yên "chính hãng” tốt nhất là đến tận địa phương này để tránh mua phải hàng dởm.

Tuy vậy, kể cả những người kỹ tính như thế mà vẫn trở thành nạn nhân của loại nhãn nhập ngoại đội lốt nhãn lồng Hưng Yên.

< Em bé và nhãn.

So với nhãn Thái Lan, nhãn Trung quốc nhập khẩu, nhãn lồng Hưng Yên đứng trên về chất lượng nhưng lại có "điểm yếu” đáng kể về giá cả. Mặc dù cộng thêm nhiều chi phí, qua nhiều tầng nấc từ nước ngoài về các thị trường của Việt Nam nhưng những loại nhãn này vẫn có mức giá rẻ hơn nhiều với nhãn lồng Hưng Yên bán tại chính xứ nhãn.

< Nhãn sai trái xòa bóng trong sân...

Đây là nguyên do cơ bản làm cho nhãn lồng Hưng Yên bị cạnh tranh quyết liệt trên thị trường nội địa, đây cũng là "nút bấm” dẫn đến hành vi gian lận đánh lừa người tiêu dùng đối với đặc sản nhãn lồng Hưng Yên.
< Nhãn tiến vua (cảnh dựng lại trong Lễ hội 1000 năm Thăng Long tại Hưng Yên, tháng 10-2010).


“Dù ai buôn Bắc bán Đông
Đố ai quên được nhãn lồng Hưng Yên”

Nhãn lồng đã trở thành một "thương hiệu" độc quyền mang nét đặc trưng và là niềm tự hào của tỉnh Hưng Yên nhưng cũng cần có sự thay đổi để không thua ngay trên sân nhà.

Du lịch,GO! tổng hợp.